NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

15 – Làm lính cứu hỏa, phu bốc vác kiếm tiền…

Theo như tôi biết thì ở Chilê, việc gia nhập lực lượng phòng cháy chữa cháy là tự nguyện. Đó là một công việc rất tốt, bởi vì điều khiển một đội cứu hỏa là một vinh dự lớn lao cho những người có khả năng nhất ở thị trấn cũng như ở quận huyện. Và đừng nghĩ đó là một công việc trên lý thuyết: ở miền nam Chilê hỏa hoạn xảy ra gần như thường xuyên. Tôi không biết chắc đâu là nguyên do chính của các đám cháy. Có thể bởi vì hầu hết nhà cửa đều được xây dựng bằng gỗ, hoặc có thể vì trình độ văn hóa của người dân vẫn còn thấp, hay là một nguyên nhân nào đó, hoặc là tất cả các nguyên nhân hợp lại. Điều chắc chắn là trong ba ngày chúng tôi ở trạm cứu hỏa, có hai đám cháy lớn và một đám cháy nhỏ. Tôi đã quên giải thích là sau khi ngủ đêm tại nhà của viên trung úy, chúng tôi quyết định chuyển đến trạm phòng cháy chữa cháy, do bị hấp dẫn bởi nét duyên dáng của ba cô con gái của người bảo vệ. Cả ba là điển hình của phụ nữ Chilê, dù đẹp hay xấu vẫn thanh thoát, tươi mát và quyến rũ… Họ cho chúng tôi một căn phòng, chúng tôi mở cái giường dã chiến ra và lăn vào ngủ như chết, không hề nghe thấy tiếng còi báo động. Những người lính cứu hỏa tình nguyện không biết chúng tôi đang ở trạm, phóng xe vút đi trong khi chúng tôi ngủ mê mệt cho đến sáng. Khi biết được điều đó, chúng tôi yêu cầu họ cho chúng tôi tham gia trong lần chữa cháy kế tiếp. Ba ngày sau, chúng tôi tìm được một chiếc xe tải chở chúng tôi và chiếc La Poderosa trong hai ngày đến Santiago với giá rẻ, với điều kiện là chúng tôi phải giúp đỡ họ trong việc bốc xếp.

Những ngày tại Los Angeles trôi qua cùng với những câu chuyện bất tận về những người lính cứu hỏa tình nguyện, về ba cô con gái của người bảo vệ. Trong mắt tôi, hình ảnh đầy tính chất biểu tượng của thị trấn sẽ luôn luôn là những ngọn lửa đầy cuồng nộ. Đó là ngày lưu lại cuối cùng và sau những ly rượu tiễn biệt, chúng tôi thu xếp chăn mền và đi ngủ. Tiếng còi báo động xé tan màn đêm, kêu gọi những tình nguyện viên làm nhiệm vụ, vang dội đến giường của Alberto làm anh giật nảy người lên. Chẳng bao lâu sau chúng tôi đã vào vị trí trong chiếc xe cứu hỏa “Chile – Espana” (1). Chiếc xe rời khỏi trạm với tốc độ chóng mặt, còi xe gầm rú inh ỏi nhưng cũng chẳng làm ai ngạc nhiên vì từ lâu, họ đã quá quen với cảnh tượng này. Những vòi nước phun lên khung nhà đang bốc cháy, căn nhà gạch-gỗ rung lắc dữ dội. Khói gỗ cháy cay xè bay vào mắt những tình nguyện viên đang cố sức bảo vệ những nhà lân cận bằng nước hoặc bất cứ phương tiện gì. Ngọn lửa đã không lan tới một góc nhỏ của căn nhà. Nơi góc đó có một con mèo quá sợ hãi chỉ biết kêu meo meo mà không dám chạy qua kẽ hở không có lửa. Alberto phát hiện ra sự nguy hiểm, tính toán khoảng cách, chạy ào băng qua lửa, cứu thoát được con mèo nhỏ và trả về cho chủ của nó. Alberto được tán thưởng nhiệt liệt vì hành động dũng cảm, mắt anh sáng lên một niềm kiêu hãnh bên dưới chiếc mũ bảo hộ to đùng mà anh vừa mới mượn. Nhưng mọi chuyện đều phải có lúc kết thúc, và Los Angeles cùng chúng tôi nói lời từ biệt cuối cùng. Che Nhỏ và Che Lớn (Alberto và tôi) trang trọng bắt tay từ biệt mọi người khi chiếc xe tải bắt đầu cuộc hành trình đến Santiago, mang theo trên lưng nó xác của chiếc La Poderosa II.

Chúng tôi đến Santiago vào một ngày Chủ Nhật và chạy thẳng đến garage Austin. Chúng tôi có giấy giới thiệu của ông chủ nhưng thật ngạc nhiên và đau khổ khi garage đã đóng cửa. Cuối cùng chúng tôi năn nỉ người bảo vệ nhận chiếc xe, và đi bốc xếp trả nợ cho chuyến quá giang. Làm bốc xếp có những giai đoạn khác nhau: giai đoạn một khá thú vị, gồm cả việc ăn hết hai kí lô nho trong khi vắng mặt ông chủ; giai đoạn hai là bọn họ đến và tiếp theo là công việc nặng nhọc; giai đoạn ba Alberto thấy đồng nghiệp của tên tài xế rất rầu rĩ về sức khỏe của hắn – kết quả là chúng tôi đã thua cá độ khi hắn bốc vác nhiều hơn cả hai đứa chúng tôi và phần của ông chủ cộng lại. Chúng tôi xoay xở tìm được viên lãnh sự tại cái gọi là văn phòng lãnh sự. Mặt lạnh lùng như đá, hắn chỉ cho phép chúng tôi ngủ ngoài hiên. Sau khi lên lớp chúng tôi một bài tràng giang đại hải về nghĩa vụ công dân, hắn bay lên đến tột đỉnh của lòng quảng đại khi móc túi đưa cho chúng tôi 200 pêsô. Chúng tôi đã thẳng thắn từ chối một cách kiêu hãnh. Giá mà hắn giúi cho chúng tôi món tiền đó vào ba tháng sau thì đó sẽ là một chuyện rất khác.

Santiago về một phương diện nào đó cũng cho ta một cảm giác giống như ở Cordoba. Mặc dù cuộc sống hàng ngày hối hả hơn và xe cộ lưu thông dày đặc hơn, nhưng những tòa nhà, đường phố, thời tiết, và thậm chí gương mặt người dân đã làm cho chúng tôi nhớ đến thành phố Địa Trung Hải của mình. Chúng tôi không thể tìm hiểu nhiều hơn về thành phố này vì chúng tôi phải chịu áp lực của thời gian, chỉ trong vài ngày chúng tôi phải giải quyết xong nhiều việc trước lúc lên tàu. Lãnh sự Peru từ chối không cấp visa cho chúng tôi nếu như không có giấy chấp thuận từ phía Argentina. Phía Argentina lại cho rằng đi bằng môtô thì chúng tôi không thể đến Peru được. Cuối cùng chúng tôi phải cầu cứu đến đại sứ quán. Ở đây người ta cũng quên rằng chiếc La Poderosa II đã hoàn thành sứ mệnh của nó nên tỏ ra ít khắt khe hơn. Cuối cùng chúng tôi cũng được cấp visa đi Peru và phải trả 400 pêsô Chilê, một mức giá quá đắt đối với chúng tôi. Trong thời gian đó, có một đội bóng nước tên là Suquia từ Cordoba đang viếng thăm Santiago. Nhiều thành viên của đội bóng là bạn bè của chúng tôi, vì vậy chúng tôi gọi điện cho họ và được mời đi ăn kiểu Chilê. Ngày hôm sau chúng tôi leo lên Santa Lucia, đó là một đồi đá có lịch sử đặc biệt ở trung tâm thành phố. Trong khi chúng tôi đang chụp ảnh thành phố, một đoàn xe chở những thành viên đội bóng Suquia chạy đến, dẫn đầu là một số thành viên trong câu lạc bộ. Mấy gã thanh niên tội nghiệp cảm thấy bối rối không biết có nên giới thiệu với chúng tôi “những phụ nữ nổi tiếng của xã hội Chilê” hay giả vờ không biết chúng tôi là ai. Nhưng mặc dù vậy, cuối cùng họ cũng vượt qua sự ngại ngùng và giới thiệu các cô với chúng tôi. Tất cả thật là thân thiện, cho dù chúng tôi là những người đến từ thế giới khác biệt với thế giới của họ.

Ngày trọng đại cuối cùng cũng đến và hai hàng nước mắt tuôn rơi trên má của Alberto. Chào vĩnh biệt chiếc La Poderosa để trong một garage bé nhỏ, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Valparaiso. Chiếc xe tải chở hai kẻ lang thang chạy dọc theo con đường núi đồ sộ, một công trình có thể so sánh với những kỳ quan thiên nhiên chưa bị bàn tay con người tàn phá.

“Chạy được khoãng một dặm chúng tôi bắt đầu thấy được ngọn lửa, và sau đó là mùi nhựa cây tùng đang cháy. Bất kể đường sá khó khăn, chúng tôi lao vào đám cháy.” – Alberto Granado, Hành trình cùng Che Guevara.

XEM TIẾP: 16 – Nụ cười La GioConDa

Tags: ,