NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

40 – Sinh nhật giữa trại phong

Vào ngày thứ Bảy, 14 tháng 6, năm 1952 tôi bước sang tuổi 24, năm cuối cùng của một phần tư thế kỷ, cũng là năm kỷ niệm đám cưới bạc của một đời người, và cuộc sống đã đối xử với tôi không đến nỗi tệ. Vào sáng sớm tôi ra sông thử thời vận với mấy con cá, nhưng câu cá giống như cờ bạc: thắng lúc đầu nhưng cuối cùng thua sạch.

Buổi chiều chúng tôi chơi bóng đá với kết quả tốt đẹp hơn những lần trước. Buổi tối, sau khi dùng cơm tối thịnh soạn tại nhà bác sĩ Bresciani, họ tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi chúng tôi tại nhà ăn của trại với nhiều rượu pisco, một thức uống truyền thống của Peru. Alberto thì đã quá quen với ảnh hưởng của rượu đối với hệ thần kinh trung ương. Khi mọi người đã ngà ngà say và tinh thần đang phấn khởi, giám đốc trại phong nâng ly chúc mừng chúng tôi thật nồng nhiệt, và tôi cũng đáp lại bằng những lời thật lòng nhưng không kém phần trịnh trọng như sau: Tôi muốn nói vài lời để đáp lại những lời chúc thật nồng nhiệt của bác sĩ Bresciani. Trong hoàn cảnh bấp bênh hiện nay như là những người lữ hành, tôi cũng như người bạn đồng hành của tôi muốn dùng những lời nói này để bày tỏ lòng cảm ơn của chúng tôi đối với toàn thể nhân viên của trại phong, những người hầu như không biết chúng tôi là ai, đã thể hiện những tình cảm tốt đẹp trong việc tổ chức sinh nhật của tôi thật thân thiết như chính sinh nhật của các bạn. Trong vài ngày nữa chúng tôi sẽ rời đất nước Peru, vì vậy những lời này còn mang ý nghĩa của những lời từ biệt, và tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân của đất nước này, những người đã cho chúng tôi biết thế nào là lòng hiếu khách vô hạn từ khi chúng tôi mới đến Peru. Tôi cũng muốn nói thêm vài điều không liên quan đến bữa tiệc này. Mặc dù chúng tôi không phải là những đại biểu xuất sắc của chính nghĩa, nhưng chúng tôi tin, và sau cuộc hành trình này chúng tôi càng vững tin hơn nữa, rằng việc chia châu Mỹ La tinh thành những quốc gia nhược tiểu và không bền vững chỉ là những điều không tưởng. Từ Mêhicô đến Magellan Straits, chúng ta có những điểm tương đồng về chủng tộc. Và vì thế, để giải phóng mình khỏi những tư tưởng hẹp hòi, cổ hủ, tôi đề nghị chúng ta nâng ly chúc mừng Peru, chúc mừng một châu Mỹ La tinh thống nhất. Bài phát biểu của tôi được hoan hô nhiệt liệt. Mọi người uống thật nhiều rượu, và bữa tiệc kéo dài đến ba giờ sáng.

Sáng Chủ Nhật chúng tôi thăm bộ lạc Yaguas, thổ dân da đỏ. Sau 30 phút đi dọc theo một con đường mòn mà người ta đồn rằng cây cối rậm rạp không thể đi xuyên qua rừng được, chúng tôi đến một số túp lều của một gia đình thổ dân. Cách sống của họ rất đặc biệt – sống ở ngoài trời, bên dưới những tấm ván và với những túp lều nhỏ được che kín bằng lá cọ để tránh những đàn muỗi tấn công vào ban đêm. Phụ nữ ở đây đã từ bỏ những trang phục truyền thống. Trẻ con thì bụng ỏng và gầy trơ xương, nhưng người lớn thì không có dấu hiệu của tình trạng thiếu vitamin, hoàn toàn tương phản với những bộ tộc văn minh hơn đang sống trong rừng sâu. Thức ăn của họ chủ yếu là giá, chuối và dừa, cùng với những con thú mà họ săn được bằng súng trường. Răng của họ hoàn toàn sâu hết. Họ nói bằng thổ ngữ nhưng một số hiểu được tiếng Tây Ban Nha. Buổi chiều chúng tôi chơi bóng đá. Đêm hôm đó Alberto đánh thức tôi dậy vì anh bị đau bụng dữ dội, sau đó lại đau ngang hông. Tôi đã quá mệt mỏi nên không còn bận tâm đến những cơn đau kỳ lạ của người khác, vì vậy tôi bảo anh ráng chịu đau và lăn ra ngủ cho đến ngày hôm sau. Thứ Hai là ngày phát thuốc. Alberto được Mẹ Margarita chăm sóc ân cần và được tiêm Penicillin cứ mỗi bốn giờ. Bác sĩ Bresciani bảo tôi là ông đang chờ một chiếc bè chở súc vật đến, và chúng tôi có thể lấy vài tấm ván để làm một chiếc bè cho mình. Ý tưởng đó kích thích chúng tôi và chúng tôi bắt đầu dự tính đi đến Manaos bằng bè. Chân tôi sưng đau, do đó buổi chiều tôi không chơi đá bóng và thay vào đó, tôi nói chuyện phiếm với bác sĩ Bresciani về đủ thứ trên đời và đi ngủ rất trễ. Sáng thứ Ba, Alberto gần như hoàn toàn bình phục, chúng tôi đến bệnh xá nơi bác sĩ Montoya thực hiện một ca phẫu thuật trên xương trụ trong hệ thần kinh của bệnh nhân phong với những kết quả mỹ mãn, mặc dù về mặt kỹ thuật còn có nhiều thứ cần phải bàn đến. Vào buổi chiều chúng tôi đi câu ở một vùng nước mặn gần đó, và tất nhiên chẳng câu được con cá nào. Trên đường trở về tôi quyết định bơi băng ngang sông Amazon. Tôi bơi gần hai giờ trong sự chờ đợi tuyệt vọng của bác sĩ Montoya. Tối hôm đó có một bữa tiệc nhỏ kết thúc bằng một cuộc ẩu đả với ngài Lezama Beltran, một tâm hồn ấu trĩ, hướng nội, và cũng là một kẻ bỏ đạo. Người đàn ông tội nghiệp đã say và nổi giận vì không được mời đến dự tiệc, vì vậy ông ta bắt đầu chửi rủa và nói nhảm cho đến khi một người nào đó đánh vào mặt và sau đó cho ông ta một trận. Sự việc này làm chúng tôi hơi bối rối, bởi vì mặc dù là kẻ đồng tính luyến ái và là một kẻ vô duyên hạng nhất, ông ta rất tử tế với chúng tôi, cho chúng tôi mỗi người 10 đồng sol, nâng tổng số tiền tôi có là 479 đồng và Alberto 165 đồng rưỡi. Thứ Tư bắt đầu bằng cơn mưa trong bình minh, vì vậy chúng tôi không đến khu nhà ở của bệnh nhân và lãng phí mất một ngày. Tôi đọc Garcia Lorca một chút, và chúng tôi đến xem chiếc bè còn cột ở cầu tàu. Sáng thứ Năm là ngày nhân viên y tế được nghỉ, chúng tôi đi với bác sĩ Montoya sang bờ sông bên kia để mua thức ăn. Chúng tôi đi xuôi theo một nhánh của sông Amazon, mua đu đủ, giá, ngô, cá, mía với giá rất rẻ, rồi đi câu cá. Khi chúng tôi quay trở về, một cơn gió mạnh làm dòng sông nổi sóng. Thuyền trưởng Roger Alvarez bị ướt quần khi sóng tràn vào chiếc canô. Tôi yêu cầu để tôi lái, nhưng ông ta từ chối và chúng tôi đành phải vào bờ chờ cho dòng sông lắng dịu. Mãi đến ba giờ chiều chúng tôi mới về nhà. Chúng tôi nấu cá nhưng con cá không đủ thỏa mãn cơn đói của chúng tôi. Roger cho mỗi đứa chúng tôi một chiếc áo sơmi và riêng tôi được thêm một cái quần tây, vì thế tôi cảm thấy đàng hoàng hơn.

Chiếc bè gần như hoàn tất, chỉ còn thiếu mấy cây chèo. Đêm hôm đó một nhóm bệnh nhân tổ chức hát dạ khúc chia tay với chúng tôi, với nhiều bài hát địa phương do một người mù hát. Ban nhạc gồm một người thổi sáo, một tay guitar và một người chơi accordion hầu như chẳng còn ngón tay nào, và có sự hỗ trợ đột xuất của một cây saxophone, một cây guitar và vài dụng cụ gõ. Sau đó là phần trò chuyện. Bốn bệnh nhân đã cố gắng nói mặc dù họ gặp những trở ngại về phát âm. Một người bị lạnh cóng, cuối cùng cũng cố gắng la to: “Chúc mừng các bác sĩ!”. Alberto cám ơn họ vì những tình cảm thân thiết. Anh nói rằng cảnh đẹp ở Peru không thể nào đẹp hơn những tình cảm của họ trong giây phút đó, rằng anh thật sự xúc động sâu xa, rằng anh không thể nói gì hơn ngoại trừ “Tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn!”. Chiếc xuồng từ từ rời khỏi bờ trong âm điệu của một bài dân ca, đưa những người bệnh nhân ra về. Dưới ánh sáng hiu hắt của chiếc đèn bão, hình hài của họ chập chờn như những bóng ma. Chúng tôi trở lại nhà bác sĩ Bresciani uống vài ly, tán gẫu rồi đi ngủ. Thứ Sáu là ngày chúng tôi lên đường, vì vậy vào buổi sáng chúng tôi đến chia tay những bệnh nhân. Sau khi chụp vài tấm ảnh lưu niệm, chúng tôi quay trở lại với hai trái thơm là quà của bác sĩ Montoya. Chúng tôi tắm rửa, ăn uống và gần đến ba giờ thì nói lời tạm biệt. Vào lúc ba giờ rưỡi, chiếc bè mang tên Mambo-Tango bắt đầu xuôi dòng, chở theo hai đứa chúng tôi và bác sĩ Bresciani, Alfaro và Chavez, người đã đóng chiếc bè. Họ đưa chúng tôi ra giữa dòng sông rồi chia tay, để chúng tôi một mình xoay xở.

XEM TIẾP: 41 – Lênh đênh

Tags: ,