NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

23 – Miền đất mới Tarata

Chỉ còn vài mét nữa là chúng tôi sẽ đến đồn biên phòng tại biên giới của thị trấn, thế nhưng chúng tôi có cảm giác ba lô của mình nặng gấp trăm lần. Ánh nắng như thiêu đốt trên da thịt nhưng lúc nào chúng tôi cũng mặc trên người nhiều lớp áo, để phòng sau đó trời sẽ rất lạnh. Con đường leo dốc đột ngột và thoáng chốc chúng tôi đã đi ngang qua tòa tháp mà chúng tôi đã thấy từ khi còn ở trong làng. Tháp này được xây dựng để tưởng nhớ những người Peru đã chết trong cuộc chiến tranh với Chilê(1). Chúng tôi thấy đây là nơi thích hợp cho chặng dừng chân đầu tiên của mình và thử vận may với những chiếc xe tải chạy ngang qua. Tất cả những gì mà chúng tôi có thể thấy theo hướng của con đường là một sườn đồi cằn cỗi, hầu như không có cây cối; ngôi làng Tacna yên tĩnh, với những con đường nhỏ đầy bụi và xa xa là những mái nhà màu nâu đỏ. Nhìn từ xa, khung cảnh ấy làm chúng tôi nản lòng vô cùng. Chiếc xe tải đầu tiên chạy qua làm chúng tôi phấn chấn hẳn lên; chúng tôi giơ ngón cái ra hiệu xin quá giang và thật ngạc nhiên khi tài xế dừng xe ngay trước mặt chúng tôi. Alberto tiến tới phía trước, giải thích bằng những từ ngữ giờ đây đã trở nên quá quen thuộc về mục đích chuyến đi của chúng tôi và xin quá giang. Tài xế gật đầu đồng ý và ra hiệu chúng tôi leo lên phía sau xe, nơi một nhóm thổ dân đã ngồi sẵn. Khi chúng tôi xách hành lý trong sự cảm kích tột độ và chuẩn bị trèo lên xe thì tài xế nói lớn: “Năm sol đến Tarata, chịu không? Đưa tiền trước! Không thì xuống.” Alberto tức giận hỏi tại sao ông ta không nói sớm khi chúng tôi xin đi miễn phí. Tài xế không hiểu “miễn phí” là gì, nhưng ông khẳng định đến Tarata phải trả năm sol. Không còn đủ tiền, chúng tôi năn nỉ một hồi, nhưng vô ích.

“Tài xế nào cũng như thế cả,” Alberto chán nản nói và quăng ba lô xuống đất, đổ tất cả sự thất vọng lên đầu tôi, vì tôi là người đã đề nghị dừng lại để đón xe xin quá giang. Đó là giây phút quyết định. Chúng tôi có thể đi bộ ngược trở lại trong trường hợp chấp nhận thất bại, hoặc là chúng tôi tiếp tục cuốc bộ, bất kể việc gì xảy ra. Chúng tôi quyết định chọn cách thứ hai và tiếp tục cuốc bộ. Chẳng bao lâu sau chúng tôi mới thấy rằng đó là một quyết định không khôn ngoan vì mặt trời bắt đầu lặn và xung quanh chúng tôi không còn bóng dáng của sự sống. Tuy nhiên, với hy vọng rằng gần ngôi làng có thể có vài túp lều, chúng tôi tiếp tục dấn bước. Chẳng bao lâu sau trời tối như mực và chúng tôi không tìm thấy dấu hiệu nào của một nơi ẩn trú. Tệ hại hơn, chúng tôi cũng không còn nước để uống hoặc nấu trà. Trời càng lúc càng lạnh hơn; khí hậu sa mạc và độ cao mà chúng tôi đang ở đã làm cho thời tiết trở nên khắc nghiệt. Chúng tôi kiệt sức không thể tả và quyết định trải chăn trên mặt đất và ngủ cho đến sáng. Không có ánh trăng và đêm tối sâu thẳm, chúng tôi kiếm chỗ trải tấm chăn và cuộn chặt mình lại để giữ hơi ấm.

Chỉ năm phút sau, Alberto nói anh đã bị lạnh cứng cả người; tôi trả lời là cái thân thảm thương của tôi còn lạnh hơn nhiều. Nhưng đây không phải là lúc so sánh xem ai lạnh hơn mà chúng tôi cần phải giải quyết ngay vấn đề là tìm một mớ củi khô để nhóm lửa. Kết quả thật thảm hại. Đi loanh quanh một vòng, xoay xở lắm, chúng tôi chỉ có thể gom được một nhúm củi khô, nhóm được một đốm lửa nhỏ, không đủ để sưởi ấm được gì. Cơn đói cồn cào, nhưng cái lạnh còn khó chịu hơn, lạnh đến độ chúng tôi không còn đủ sức nằm đó nhìn mấy hòn than đang tàn dần trong gió mạnh. Chúng tôi phải thu dọn đồ đạc và tiếp tục bước đi trong bóng tối. Trước tiên, để làm nóng người, chúng tôi phải bước nhanh, và chẳng bao lâu chúng tôi hầu như không còn thở nổi. Bên dưới tấm áo khoác, tôi cảm thấy mồ hôi tuôn ra như suối, nhưng bàn chân tôi lại tê cóng vì lạnh và gió đêm thì như dao cắt vào mặt. Sau hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã kiệt sức và đồng hồ lúc đó chỉ 12 giờ 30 đêm. Chúng tôi ước tính còn phải đi bộ trong đêm thêm năm giờ nữa. Chúng tôi lại tranh cãi và tiếp tục nằm xuống cuộn mình trong chăn ngủ. Nhưng chỉ năm phút sau, chúng tôi lại lên đường. Trời vẫn còn tối đen khi chúng tôi thấy ánh đèn ở phía xa; điều này không làm chúng tôi phấn khởi vì cơ hội để xin quá giang là rất thấp nhưng ít ra đây là dấu hiệu của một con đường có người qua lại. Một chiếc xe tải chạy ngang qua, thờ ơ với tiếng la rối rít của chúng tôi và ánh đèn xe rọi quét cả một vùng đất hoang tàn; không một bóng cây, không một mái nhà. Trong cơn bấn loạn, chúng tôi cảm thấy mỗi phút giây trôi qua vô cùng chậm chạp. Hai ba lần tiếng chó sủa ở phía xa xa làm chúng tôi hy vọng, nhưng chẳng thể thấy gì trong bóng đêm và tiếng chó lại im bặt hoặc chuyển sang hướng khác.

Đến sáu giờ sáng, khi đã kiệt sức thật sự, chúng tôi mới tìm thấy hai túp lều ở ven đường, ánh sáng bình minh bắt đầu chiếu rọi. Chỉ còn vài mét cuối cùng, chúng tôi cố bước đi nhanh như thể trên lưng chúng tôi không mang bất kỳ thứ gì. Dường như chúng tôi chưa bao giờ được chào đón trong tình thân thiện như thế, chưa bao giờ được ăn bánh mì và phô mai ngon như vậy, cũng như chưa bao giờ được uống thứ trà thảo dược mang lại nhiều sức sống đến thế. Những con người mộc mạc này xem chúng tôi như những vị thánh khi Alberto giơ cao giấy chứng nhận là bác sĩ cho họ xem; thêm vào đó, chúng tôi đến từ đất nước Argentina tuyệt vời, nơi Peron sống cùng với phu nhân là Evita, nơi người nghèo cũng sở hữu nhiều như người giàu và thổ dân không bị áp bức bóc lột như ở đất nước này. Chúng tôi đã trả lời rất nhiều câu hỏi về đất nước và cuộc sống của nhân dân Argentina. Với cái lạnh của đêm hôm trước vẫn còn ẩn sâu trong xương tủy, hình ảnh đất nước Argentina được chúng tôi tô hồng đã trở thành một hình ảnh tuyệt vời của quá khứ. Chúng tôi đã lấy lại tinh thần trước vẻ hiền lành, nhút nhát của những người cholos(1) mà chúng tôi đã gặp ở gần lòng sông khô cạn. Tại đây chúng tôi trải chăn và lăn ra ngủ dưới ánh nắng ấm áp của mặt trời buổi sáng.

12 giờ trưa, chúng tôi lại lên đường, với tâm trạng thoải mái hơn, quên đi những nỗi khốn khổ của đêm hôm trước. Mặc dù vậy, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn phải dừng lại trên con đường dài thăm thẳm. Lúc năm giờ chiều, chúng tôi dừng lại để nghỉ ngơi, thờ ơ quan sát chiếc xe tải đang tiến lại gần. Cũng như mọi khi, chiếc xe chở đầy người. Chuyên chở chính là công việc kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận nhất ở vùng này. Nhưng thật ngạc nhiên, chiếc xe dừng lại và người sĩ quan biên phòng mà chúng tôi gặp ở Tacna vui vẻ vẫy tay chào và mời chúng tôi lên xe; tất nhiên là lời mời này không cần phải được nhắc lại. Những thổ dân Aymara ở phía sau xe tò mò nhìn chúng tôi nhưng không dám hỏi điều gì. Alberto cố gợi chuyện với một vài người trong số họ, mặc dù tiếng Tây Ban Nha của họ rất kém. Chiếc xe tiếp tục trèo qua một vùng đất hoang vắng, quạnh hiu, nơi dấu hiệu của sự sống chỉ còn là vài bụi cây gai mọc lay lắt. Rồi đột nhiên chiếc xe gầm rú, tăng tốc để vượt qua một con dốc cao. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi xe trở lại chạy trên vùng đất bằng. Chúng tôi đã tiến vào thị trấn Estaque và thấy khung cảnh tuyệt vời vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi say mê dán mắt vào khung cảnh xung quanh và phải tự tìm ra tên gọi cũng như tự giải thích cho tất cả những gì mà chúng tôi nhìn thấy. Những thổ dân Aymara hầu như không hiểu chúng tôi, nhưng một vài biểu hiện cộng với tiếng Tây Ban Nha vụng về của họ đã làm tăng thêm tác động tình cảm của môi trường xung quanh đối với chúng tôi.

Chúng tôi đang ở trong một thung lũng huyền thoại mà sự tiến hóa của nó đã dừng lại cách đây hàng trăm năm, và chúng tôi – những người của thế kỷ 20 – đã được diễm phúc chiêm ngưỡng nó. Những kênh tưới tiêu – do người Inca xây dựng để phục vụ tối đa cho cuộc sống của họ – từ núi chảy vào thung lũng, hình thành hàng ngàn thác nước nhỏ bé. Trước mặt chúng tôi, những áng mây thấp là đà che phủ những đỉnh núi, nhưng ở những chỗ không bị mây che, bạn có thể thấy tuyết đang rơi trên những đỉnh núi cao nhất và biến dần đỉnh núi sang một màu trắng xóa. Những vụ mùa khác nhau do thổ dân trồng cẩn thận trên các ruộng bậc thang giúp chúng tôi hiểu thêm về lĩnh vực mới của ngành thực vật học. Chúng tôi nhận thấy người dân ở đây ăn mặc giống những thổ dân trên xe tải. Họ mặc áo choàng ngắn bằng len màu sẫm, quần bó sát, và mang giày làm bằng dây thừng hoặc vỏ bánh xe cũ. Mê mải với cảnh vật, chúng tôi tiếp tục xuôi theo thung lũng đến Tarata. Trong ngôn ngữ Aymara, Tarata có nghĩa là đỉnh núi hoặc ngã ba sông. Nó được đặt tên như vậy vì địa thế nằm giữa hình chữ V, được tạo thành bởi hai dãy núi được xem là thần hộ vệ của thị trấn. Đây là một ngôi làng yên tĩnh, cổ kính, nơi cuộc sống vẫn êm đềm trôi qua trong bao nhiêu thế kỷ. Nhà thờ thuộc địa ắt hẳn là một viên ngọc quý của ngành khảo cổ, không những là do tuổi tác của nó, mà đây chính là sự kết hợp giữa nghệ thuật châu Âu du nhập với tinh thần của thổ dân địa phương. Trên những con đường rộng không bằng phẳng được lát bằng đá, những phụ nữ thổ dân cõng con trên lưng…

Nói tóm lại, trong từng quang cảnh cụ thể, thị trấn này gợi nhớ đến quãng thời gian từ trước thời thuộc địa Tây Ban Nha. Nhưng người dân trước mặt chúng tôi không còn là giống dân đầy kiêu hãnh ngày xưa liên tục nổi lên chống lại sự cai trị của người Inca, buộc họ phải duy trì một lực lượng thường trực tại biên giới; mà những con người đang nhìn chúng tôi đi qua những con đường của thị trấn này là một giống dân đã bị đánh bại. Cái nhìn của họ như đã được thuần hóa, mang đầy vẻ sợ hãi, và hoàn toàn thờ ơ với thế giới bên ngoài. Có một số người tạo cho chúng tôi ấn tượng rằng họ tiếp tục sống chỉ vì đó là một thói quen mà họ không thể giũ bỏ. Viên sĩ quan biên phòng đưa chúng tôi đến đồn cảnh sát, nơi đây chúng tôi được cho ở trọ và một số sĩ quan cảnh sát đã mời chúng tôi ăn. Chúng tôi đi quanh thị trấn rồi nghỉ ngơi một chút, bởi vì vào lúc ba giờ sáng chúng tôi sẽ đi đến Puno trên một chiếc xe tải chở khách. Nhờ có sự giúp đỡ của viên sĩ quan, chúng tôi sẽ được đi miễn phí.

XEM TIẾP: 24 – Trên đất mẹ Pachama

Tags: ,