Một phân tích Marxist về chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế số

Chủ nghĩa Marx có còn phù hợp để chúng ta xem xét sự chuyển hướng sang kỷ nguyên số của chủ nghĩa tư bản?

Một phân tích Marxist về chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế số

Bài viết của tác giả Etienne Goffin, chuyên gia kinh tế của Needle Strategy, một công ty tư vấn chiến lược số có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan. Etienne Goffin có bằng Thạc sĩ Kinh tế Châu Âu của Học viện Nghiên cứu Châu Âu (ULB) và bằng Thạc sĩ Quản lý của Trường Solvay Brussels (VUB).

Nguồn: Karl Marx and the Digital Economy; Etienne Goffin; Needle Strategy; 29/5/2017.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và sự chuyển hướng sang nền kinh tế số, có vẻ như trường phái kinh tế học của Karl Marx đang quay trở lại. Tên tuổi của triết gia Đức này lại vang lên trong những cuộc bầu cử sắp tới ở Anh, những cuộc bầu cử đặt trọng tâm xoay quanh các vấn đề kỷ nguyên số và sự toàn cầu hóa của nền kinh tế. Đầu tháng 5/2017, John McDonnel, bộ trưởng tài chính phe đối lập, tuyên bố, “có nhiều điều để học từ việc đọc Tư bản”. Và ngay sau đó, Jeremy Corbyn, lãnh đạo Đảng Lao động của McDonnel, đã gọi Marx là “nhà kinh tế học vĩ đại” (1). Vậy, chúng ta có thể học được gì từ tác giả của Tuyên ngôn Cộng sản? Và chủ nghĩa Marx có còn phù hợp để chúng ta xem xét sự chuyển hướng sang kỷ nguyên số của chủ nghĩa tư bản?

Tích lũy tư bản

Theo định nghĩa của Marx, tư bản là giá trị tài sản kinh tế được các nhà tư bản sử dụng để có được giá trị cộng thêm (giá trị thặng dư). Ngoài ra, “tư bản không phải là một vật, mà là một quan hệ xã hội giữa nhiều người, được thiết lập từ phương tiện là vạn vật” (2, tr.543). Các quyền sở hữu đã cho phép có sự chiếm hữu, sự sở hữu và việc buôn bán các tài sản tạo ra giá trị này. Tư bản được biến đổi thành một giá trị lớn hơn thông qua lao động, được trích xuất lợi nhuận, và luôn luôn được biểu hiện bằng tiền.

Tích lũy tư bản là sự gia tăng năng suất nhờ quá trình tái đầu tư lợi nhuận vào nền kinh tế (3). Kết quả là sự gia tăng tỉ lệ đầu vào tư bản/đầu vào lao động sẽ làm giảm việc sử dụng lao động và tiền công. Lợi nhuận dư thừa phải được tái đầu tư vào các cơ hội đầu tư mới và có sinh lợi.

Marx dự báo rằng khủng hoảng tích lũy tư bản quá mức sẽ xảy ra khi tỉ lệ lợi nhuận lớn hơn tỉ lệ các đầu tư sinh lợi mới trong nền kinh tế. Ông tin rằng quá trình này sẽ là nguyên nhân cơ bản gây ra sự phân rã chủ nghĩa tư bản và sự thay thế nó bằng chủ nghĩa xã hội (4).

Nhìn thoáng qua, danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới xếp theo vốn hóa thị trường (phiên bản mới nhất của Financial Times) cho thấy thực tế là tư bản đang mở rộng quy mô giá trị (5). Nhưng bản chất tư bản cũng thay đổi theo thời gian. Thật ra, danh sách 500 công ty đứng đầu về doanh thu của Fortune thay đổi qua từng năm. Các công ty sáng tạo đã trỗi dậy để thỏa mãn những nhu cầu tiêu dùng mới.

Theo thống kê của Pricewaterhousecoops (một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới), khu vực công nghệ đã vượt qua dầu khí và ngân hàng để trở thành khu vực lớn nhất về vốn hóa thị trường (2.993 tỉ USD).

Còn theo các nhà phân tích tài chính, trong vòng 12 đến 18 tháng tới, một trong số những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google, Tesla có thể trở thành công ty đầu tiên đạt vốn hóa thị trường 1.000 tỉ USD. Cổ phần của các công ty công nghệ đang được giao dịch với tỉ lệ cổ phần/doanh thu cao nhất tính từ đầu thiên niên kỷ mới. Năm trong số các công ty có giá trị cao nhất thế giới chính là những ông trùm công nghệ: Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, Amazon and Facebook (7,8,9).

Ảnh 1: 5 công ty hàng đầu trên sàn chứng khoán (theo vốn hóa thị trường). Nguồn: Visual Capitalist

Các công ty công nghệ có thể được chia thành 3 loại lớn: loại trưởng thành và có lợi nhuận (như Samsung, Apple), loại tăng trưởng doanh thu hàng năm trên 20% và có lợi nhuận biên (tỉ lệ lợi nhuận/mỗi đơn vị doanh thu) cao, loại “nghi vấn” vì bùng nổ tăng trưởng doanh thu nhưng không có lợi nhuận (như Twitter, Uber, Snap).

Ảnh 2: Lợi nhuận và doanh thu sản sinh ra mỗi 10 giây của những người khổng lồ công nghệ. Nguồn: Visual Capitalist

Một số nhà phân tích tự hỏi liệu các nhà đầu tư có đang định giá mỗi loại một cách hợp lý hay không. Ví dụ như Snap, một công ty đã phá sản với doanh thu 400 triệu USD và các khoản lỗ tiền mặt trong năm 2016 là 700 triệu USD. Trong lần chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) đầu tiên vào đầu tháng 3 năm ngoái (2017), Snap được định giá vào khoảng 24 tỉ USD với giá mỗi cổ phiếu là 17 USD. Giá cổ phiếu của Snap đã nhanh chóng tăng thêm 44%, kết thúc ngày giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán New York ở mức 24,47 USD. Nhưng chưa đầy một tuần sau, giá cổ phiếu Snap lại giảm xuống thấp hơn cả mức IPO (11, 12).

Tương tự, Amazon là một trong những công ty được định giá lạc quan nhất khi hầu hết vốn hóa thị trường được đánh giá trong thời kỳ trả nợ dài hạn. Mặc dù một phần giá trị của Amazon được đánh giá theo đơn vị điện toán đám mây có lợi nhuận của nó (là AWS), phần còn lại của người khổng lồ này là các bộ phận hầu như không sinh lợi và tăng trưởng chậm chạp như thương mại điện tử, giải trí, logistics (10).

Điều gì có thể giúp chúng ta đánh giá cách định giá trên? Lý thuyết tích lũy tư bản có thể trả lời được câu hỏi này (13), với giả định rằng giữa giá trị thị trường, lợi nhuận và tổng đầu tư của một công ty có quan hệ với nhau.

Lưu ý là Karl Marx phân biệt rõ ràng hai loại tư bản: tư bản thực và tư bản giả (14). Tư bản thực là tư bản thật sự được đầu tư vào các phương tiện sản xuất vật lý. Tư bản giả chỉ là “tiền được lưu thông như tư bản mà không dựa trên bất kỳ loại cơ sở vật chất bằng hàng hóa hay hoạt động sản xuất nào” (15).

Giá trị thị trường của các tài sản tư bản giả khác nhau theo lợi nhuận kỳ vọng của chúng trong tương lai, loại lợi nhuận có ảnh hưởng tới tăng trưởng của sản xuất thực mà theo Marx là chỉ liên quan ở mức gián tiếp. Do đó, theo Marx thì tư bản giả là sự tích lũy những tuyên bố về thu nhập tạo ra bởi sản xuất tương lai (14, 15). Còn trong thuật ngữ kinh tế tài chính chính thống, tư bản giả là giá trị hiện tại ròng của dòng tiền tương lai được kỳ vọng.

Ảnh 3: Giá trị thị trường của những người khổng lồ công nghệ dẫn đầu (%). Nguồn: The Economist

Quay lại ba loại hình công ty công nghệ ở trên, nhóm một là các công ty sinh lợi như Samsung, Apple. Nhóm này không tăng trưởng nhanh nhưng rủi ro thấp vì hơn 40% giá trị hiện tại ròng của chúng tương ứng với lợi nhuận ngắn hạn và lợi nhuận bằng tiền mặt.

Còn nhóm hai là các công ty đang bùng nổ như Alibaba, Facebook, nhóm này cũng khá an toàn vì giá trị hiện tại ròng tương quan với lợi nhuận tương lai của chúng đang tăng trưởng nhanh.

Riêng nhóm ba, các công ty đáng ngờ như Tesla và Snap lại khá rủi ro vì chúng chỉ tạo ra lợi nhuận dòng tiền đáng chú ý trong thời kỳ rất dài. Chúng có thể sụp đổ trước khi trả được hết nợ.

Sự tập trung tư bản

Mặc dù Marx đã giả định về các thị trường cạnh tranh hoàn hảo gồm nhiều công ty nhỏ trong mỗi ngành, ông vẫn cho rằng tư bản có khuynh hướng tập trung vào tay những công ty giàu nhất. Ông dự báo là các công ty lớn hơn sẽ đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô (lợi thế về chi phí sản xuất khi quy mô sản xuất tăng đến một mức nào đó – Chú thích của người dịch), nhờ đó có khả năng sản xuất với chi phí trung bình thấp hơn các công ty kích cỡ nhỏ hơn. Và sự cạnh tranh giữa các công ty lớn hơn và nhỏ hơn đó sẽ dẫn tới việc loại bỏ nhóm nhỏ hơn.

Khi quy mô của các công ty gia tăng theo sự tích lũy tư bản, mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ giảm đi (2). Theo Marx, việc sự cạnh tranh tự hủy diệt mình là một minh chứng rõ ràng cho thấy các mâu thuẫn bên trong chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn tới kết cục cuối cùng của nó. Luận điểm chính ông dùng để chống lại sức mạnh thị trường là các công ty thống trị có thể kiếm được các khoản lợi nhuận bất thường với chi phí của hiệu năng kinh tế và phúc lợi xã hội. Các tập đoàn lớn sẽ đi cùng với sự phân chia quyền sở hữu và kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy xã hội không mong muốn, ví dụ như đầu cơ, trung gian, sự giảm sút nhu cầu, bảo vệ (gatekeeping – người bảo vệ, là những người kiểm soát việc tiếp cận người ra quyết định, ví dụ như nhân viên thư ký có nhiệm vụ ngăn cản người bán gặp gỡ người quản lý trong thời gian cân nhắc để ra quyết định mua – Chú thích của người dịch). Vì vậy, chiến lược trong cuộc cạnh tranh luôn là giảm chi phí sản xuất, dẫn tới gia tăng năng suất lao động (17).

Có lẽ không có dự báo nào khác về tương lai của chủ nghĩa tư bản do Marx đưa ra lại có tính tiên tri hơn nguyên tắc tập trung tư bản của ông. Gần như mọi ngành công nghiệp đều tập trung trong một số ngày càng ít tay chơi. Các công ty mới sinh sôi trong cách mạng số hóa đã nhanh chóng giành được quyền lực độc quyền và củng cố sự thống trị kinh tế của Mỹ. Các chuỗi độc quyền khổng lồ thống trị các khu vực cạnh tranh mà trước đây có tính cạnh tranh như bán lẻ, cung cấp thực phẩm. Chỉ một vài siêu tỉ phú kiểm soát cả đề chế kinh tế và tích lũy lượng của cải khổng lồ (17,18). Tóm lại, sự tập trung tư bản đang gia tăng như chưa bao giờ có trước đây.

Ảnh 4: Sự thống trị toàn cầu của Mỹ (thị phần các công ty Mỹ trong tổng toàn cầu theo ngành công nghiệp, tính bằng %). Nguồn: The Economist

Ngoài ra, các dữ liệu cũng cho thấy sự gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp ở hầu hết các nước phát triển trong thập niên qua đều đi cùng với sự giảm sút số lượng công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và sự gia tăng tính tập trung quyền sở hữu (18). Doanh thu trên tư bản của Mỹ đang ở mức gần như kỷ lục so với GDP. Lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ đang cao hơn mọi thời điểm kể từ năm 1929. Khi đã trở thành những doanh nghiệp có khả năng sinh lời rất cao, gần đây các công ty Mỹ lại tham gia vào một trong những đợt sáp nhập lớn nhất trong lịch sử (18). Sự bùng nổ hợp nhất sẽ thúc đẩy lợi nhuận tăng cao hơn nữa, giúp các công ty sáp nhập gia tăng thị phần và cắt giảm chi phí.

Như Marx đã dự báo, việc gia tăng tập trung tư bản này sẽ gây ra hiệu ứng quả cầu tuyết: khi các công ty giành thêm sức mạnh thị trường (do sự hợp nhất), thì ở một nơi nào đó trong chuỗi giá trị cũng có sự hợp nhất để phản ứng lại. Ví dụ, sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm internet của các khách sạn đã làm cho công ty du lịch internet hàng đầu là Expedia mua lại hai trong số các đối thủ chính của mình trong ba năm qua.

Đến lượt mình, sự hợp nhất của các nền tảng du lịch khiến cho các công ty du lịch cũng hợp nhất, như việc Marriott International bỏ ra 13,9 tỉ USD mua lại Starwood Hotels & Resorts Worldwide (18, 19) và trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới.

Ảnh 5: Các dấu hiệu gia tăng khả năng sinh lợi của doanh nghiệp Mỹ. Nguồn: The Economist

Các lý thuyết gia kinh tế vẫn tin rằng, vì những tay chơi mới gia nhập sẽ cố gắng giành thị phần nên sức mạnh độc quyền có thể chỉ là tạm thời. Các công ty kinh tế chia sẻ như Ubar, Airbnb (một dịch vụ căn hộ cũng hoạt động theo phương thức chia sẻ như Uber) là những ví dụ xuất sắc về nguồn lực phân tán trong nền kinh tế đang cạnh tranh dữ dội với những kẻ thống trị hiện tại. Nguồn vốn khổng lồ mà họ có khả năng huy động có thể chỉ được tiết lộ nếu cuối cùng họ cũng thống trị các thị trường của mình và thu được các khoản lời do độc quyền (20).

Tương tự, khi những công ty như Alphabet, Amazon, Facebook được định giá như thể những nhà thống trị thị trường, các hiệu ứng mạng lưới và tích lũy dữ liệu sẽ cho phép họ tận hưởng quyền lực độc quyền dài hạn. Tuy nhiên, những công ty thống trị hiện tại cũng có thể trở thành Nokia hay Blackberry trong tương lai. Việc công ty lớn nhất thế giới là Apple được giao dịch với giá gấp 11 lần doanh thu lại cho thấy các nhà đầu tư đang kỳ vọng nó sẽ đi xuống (20).

Luận văn về sự nghèo đói kinh tế

Dự báo nổi tiếng nhất của Marx là chủ nghĩa tư bản sẽ không tránh khỏi việc tạo ra sự nghèo đói cho người nghèo và sự giàu có cho người giàu: “sự nghèo túng tạo ra một điều kiện cho sản xuất tư bản, và sự phát triển thịnh vượng của tư bản”. (2;tr.450). Dự báo này xuất phát từ giả định rằng bản chất của sản xuất tư bản (ví dụ tích lũy tư bản, tự động hóa và nhu cầu lao động bị giảm đi) đã giảm đi sự gia tăng tiền công liên quan tới toàn bộ sự sáng tạo giá trị trong nền kinh tế, do đó nó sẽ làm cho sự cách biệt thu nhập của công nhân ngày càng tệ hơn (2).

Marx cũng cho rằng, khi công nghệ phát triển thì sự cạnh tranh tư bản sẽ bao gồm cả việc thay thế dần dần công nhân bằng máy móc, làm gia tăng năng suất và sụt giảm tầm quan trọng tương đối của lao động. Các cải tiến năng suất cũng sẽ đẩy con người vào tình trạng thất nghiệp. Và trong khi những người vô sản đối mặt với “bất ổn của sự tồn tại” ngày càng tăng thì các nhà tư bản được lợi từ sự sẵn có của một lượng lớn người tìm việc. Khả năng nhận và sa thải công nhân của các ông chủ khi họ hài lòng tùy thuộc vào những nguồn nhân công như vậy, những nguồn nhân công mà Marx gọi là “đội quân dự trữ” của công nhân (21).

Marx cũng quan sát việc chủ nghĩa tư bản tạo ra tình trạng công việc kiểm soát công nhân, chứ không phải ngược lại. Bản chất của các nhiệm vụ diễn tả cách mà người công nhân phải sống khi thực hiện nó: “Không phải công nhân sử dụng các điều kiện làm việc mà thường là ngược lại, các điều kiện làm việc tận dụng công nhân” (21). Ngoài ra, Marx còn chỉ trích sự gia tăng những công việc thời vụ “bởi vì sức mạnh phản kháng của các công nhân giảm sút theo sự phân tán địa lý của họ; bởi vì giữa người chủ thật sự và người công nhân mà anh ta thuê mướn là một loạt những kẻ ăn bám cướp bóc tự ám chỉ chính mình; (…) bởi vì sự thuê mướn ngày càng bất quy tắc hơn; và, cuối cùng, bởi vì trong những vị trí tị nạn cuối cùng của đám đông bị sa thải bởi nông nghiệp và công nghiệp quy mô lớn này, sự cạnh tranh công việc tất yếu sẽ lên tới đỉnh điểm của nó” (2; tr.305).

Marx cũng là người nhiệt tình ủng hộ loại hình làm việc tự do (freelance), nhưng ông cho rằng giá của tư bản được duy trì đủ cao để tước đoạt khả năng “làm việc cho chính bản thân mình” của những người lao động. Ông dẫn ra một ví dụ là câu chuyện của Wakefield về Mr. Peel, một nhà thực dân giàu có. Người hầu của ông này đã bỏ đi vì đất canh tác đã sẵn có và miễn phí trong giai đoạn thực dân hóa đầu tiên ở Tây Australia (5). Điều này thuyết phục các nhà tư bản rằng giá đất phải được giữ đủ cao để đảm bảo sự sẵn có của lao động, nếu không thì người lao động sẽ bỏ đi để tìm kiếm mảnh đất của chính họ. Marx kết luận, “việc tịch thu đất của số đông đã hình thành nên cơ sở của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa” (22).

Ảnh 6: Tiến hóa của sản xuất, tiền nhân công và thất nghiệp trong các nền kinh tế chính. Nguồn: The Economist

Marx đã đúng khi cho rằng sự giảm thị phần sản xuất dành cho công nhân là nguyên nhân chính làm gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp. Theo thống kê, tiền lương nhân công thực sau cuộc khủng hoảng tài chính tại hầu hết các nước bắt đầu chững lại hoặc sụt giảm (23). Kể từ năm 2008, phần lớn công việc mới sản sinh ra ở Anh quốc là dựa trên hợp đồng 0 giờ, nghĩa là công nhân không được đảm bảo ca làm và phải làm việc theo kế hoạch thất thường của người thuê họ (23). Sự trỗi dậy của nền kinh tế chia sẻ cũng đe dọa biến hàng triệu người thành công nhân thời vụ, những người chỉ ăn những gì họ kiếm được.

Các bài viết học thuật đã đưa ra ba lời giải thích cho tình trạng trên: Tự động hóa đã làm cho các công ty thay thế công nhân bằng robot, toàn cầu hóa làm cho việc di chuyển sản xuất ra nước ngoài dễ dàng hơn; và tính thời vụ đã thuyết phục hàng triệu công nhân chấp nhận tiền lương thấp hơn (24).

Chúng ta hãy xem xét “Lao động số và Karl Marx”, một nghiên cứu gần đây của Christian Fuchs về cách thức mà lao động thay đổi trong kỷ nguyên máy tính và điện thoại thông minh (25). Fuchs đưa ra lý thuyết quan trọng về lao động làm việc trong ngành công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và viễn thông) tư bản. Dựa trên nhiều tình huống nghiên cứu (case studies) toàn cầu, Fuchs soi sáng vấn đề chi phí lao động của các công ty công nghệ (25).

Những người phản đối việc làm thời vụ cho rằng, các nền tảng số như Uber, Deliveroo, Upwork… đang tạo ra một “đám mây người ảo” gồm “các nô lệ số” gây ra cuộc đua toàn cầu đến mức đáy của tiền lương và phúc lợi. Các thể chế hợp đồng có khuynh hướng tránh luật lao động về lương tối thiểu, điều kiện và phúc lợi làm việc. Các công nhân thời vụ không có sự an toàn công việc. Các nhà tuyển dụng có thể nói với họ là họ không còn cần thiết nữa mà không cần báo trước. Bản chất và các điều kiện công việc của họ có thể thay đổi vào bất kỳ lúc nào (26). Sự phát triển này sẽ ảnh hưởng đến cả hai loại công việc có chuyên môn và lao động phổ thông.

Những người ủng hộ công việc thời vụ như Patrick Petitti, nhà sáng lập Catalant và Stephane Kasriel, CEO Upwork (Catalant và Upwork là các dịch vụ việc làm trực tuyến cho freelancer theo hình thức đấu giá), cho rằng, các nền tảng của họ làm giảm rào cản gia nhập kinh doanh và cung cấp một sự linh hoạt chưa có tiền lệ cho cả công nhân lẫn người thuê công nhân. Họ xây dựng lòng tin và các mối quan hệ giữa con người với nhau. Những người làm việc tự do (freelancer) có quyền tự do lựa chọn dự án, lịch làm việc và địa điểm văn phòng của họ. Họ đang dấn thân vào những công việc đa dạng và giàu có, giành được sự độc lập và sự linh hoạt quý giá, tận dụng hiệu ứng mạng lưới để có việc tốt hơn và nhiều việc hơn (27).

Kết luận

Các nguyên tắc của Marx ứng dụng được một phần nào đó trong nền kinh tế số. Dù các phân tích của Marx hợp lý nhưng những kết luận của ông đều chưa được kiểm chứng.

Trên thực tế, tư bản, đặc biệt là tư bản trong ngành công nghệ đang mở rộng về giá trị, phù hợp với các dự báo của Marx. Lý thuyết tích lũy tư bản thậm chí có thể giúp chúng ta hiểu được giá trị thị trường của những gã khổng lồ. Nhưng sự bùng nổ của các startup (công ty khởi nghiệp) công nghệ lại mâu thuẫn với giả định rằng tích lũy tư bản sẽ là nguyên nhân gây hại cho sự sống còn của chủ nghĩa tư bản, đầu tư doanh nghiệp và đổi mới công nghệ.

Những tiến triển mới nhất trên thị trường và cấu trúc tư bản của ngành công nghệ đã khẳng định quan điểm về khuynh hướng tập trung của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, quá trình này không chỉ được thúc đẩy bởi các nguyên tắc tích lũy tư bản và lợi thế kinh tế theo quy mô. Sự thống trị thị trường mạnh mẽ xuất hiện khi giá trị của một sản phẩm hay dịch vụ phụ thuộc vào số lượng người dùng. Hiệu ứng mạng lưới này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế số.

Marx đúng khi cho rằng sự gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp thường nằm ở chi phí dành cho công nhân. Nhưng sự chuyển hóa gần đây của lao động số lại mang màu sắc tinh tế hơn. Một số người xem các nền tảng kinh tế chia sẻ là những ký sinh trùng làm nghèo công nhân, trong khi những người khác lại xem chúng là những người mai mối góp phần giải phóng các freelancer.

Vẫn còn quá sớm để xem liệu nền kinh tế số có làm gia tăng sự kiểm soát, sự linh hoạt và chất lượng các điều kiện làm việc hay không. Tuy vậy, cách tốt nhất để tránh trở thành nạn nhân kế tiếp là sử dụng công nghệ để đương đầu với những bất công mà Marx nhấn mạnh.

 >> Chủ nghĩa tư bản kỷ nguyên số hóa có còn là chủ nghĩa tư bản?

>> Quan điểm Marxist về nền công nghiệp tự động hóa ngày nay

.

>> Tư liệu tham khảo

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Tags: , , , , , ,