Marx và Phật: Sự tương đồng của hai triết lý cải biến thế giới

Ở Ấn Độ cổ đại, Đức Phật thành lập một hình thức chủ nghĩa xã hội trong cộng đồng tu viện của mình mà nhìn chung có thể nói là hoàn toàn cộng sản.

Marx và Phật: Sự tương đồng của hai triết lý cải biến thế giới

Bài viết của Tiến sĩ Adrian Chan-Wyles, người sáng lập kiêm Giám đốc của Học viện Thiền Phật giáo ở London, Anh quốc.

Nguồn: The Buddhist-Marxist Nexus, Adrian Chan-Wyles, Buddhist-Marxism Alliance (UK), 2015.

Biên dịch: Đại Việt / Redsvn.net. Các tiêu đề phụ do Redsvn.net đặt.

 “Ở phương Tây, người ta thường cho rằng niềm tin thần học là cách duy nhất mà con người hoặc nền văn minh có thể hướng tới tâm linh. Đạo Phật đã bác bỏ dứt khoát giả định này. Có thể chủ nghĩa Marx là một sự bác bỏ khác, nhưng đến nay, nó chưa có thời gian dài như Phật giáo để chứng tỏ khả năng của mình theo hướng này. Điểm chung là cả hai tư tưởng cùng bắt đầu từ tầm nhìn về một nền văn minh mới, cho phép con người trưởng thành và phát triển trong một đời sống mới, vượt quá những gì đã được biết đến trước đây”.

Trích từ cuốn “Đức Phật” của Trevor Ling, Trang 33

.

Marx và Phật trong nhận thức về bản chất thực tại

Đức Phật và Karl Marx đã dứt khoát bác bỏ tôn giáo trong vai trò một phương tiện giải thích một cách tin cậy bản chất của thực tại. Đối với Marx, sự chối bỏ này nhằm vào truyền thống Do Thái – Thiên Chúa giáo phương Tây, và đối với Đức Phật, đó là tôn giáo Bà La Môn phổ biến ở Ấn Độ cổ đại. Cả hai tôn giáo đều có được quyền lực chính trị và đã áp đặt hệ thống thần học riêng lên người dân, đối tượng mà chúng kiểm soát trong tình trạng nô lệ về mặt tinh thần – thể xác. Theo cách thần học nhìn nhận thực tại, tâm trí con người không thể phá vỡ được điều kiện hạn chế của nó.

Marx tuyên bố rằng mô hình tâm lý tư sản là sản phẩm từ lối tư duy đảo ngược của tôn giáo (tinh thần tạo ra vật chất – ND) đã khiến con người tư duy lộn ngược về thực tế và rơi vào lầm lạc. Trước đó, Đức Phật đã có tuyên bố chính xác tương tự rằng Đấng Tối Cao toàn năng không hề tồn tại, và rằng cấu trúc của xã hội phân biệt đẳng cấp (được sử dụng để thờ phượng Bề trên thông qua việc áp bức các tầng lớp thấp hơn và ban đặc ân cho các tầng trên) hoàn toàn sai lầm và được xây dựng trên một tiền đề phi lý.

Triết học phân tích của Phật giáo và chủ nghĩa Marx đã xác định tính phi logic của tư tưởng tôn giáo như là một ý thức hệ chính trị, sau đó tiếp tục phê bình thói “tham lam” và các quan niệm liên đới với nó. Đối với Đức Phật, đó là lợi ích đẳng cấp, trong khi đó đối với Marx, đó là sự điều kiện sống khác biệt giữa các giai cấp, cũng như sự nhìn nhận rằng quần chúng thường có một ý thức sai lầm về sự phân chia giai tầng. Để lối tư duy tham lam và bất hợp lý được loại bỏ, những suy nghĩ sai lầm phải được sửa chữa thông qua giáo dục và trải nghiệm lành mạnh.

Đó là lý do Đức Phật và Marx nhấn mạnh đến nỗ lực tự học và sức lao động như là một phương tiện để thực hiện cách mạng ở cả thế giới bên trong và bên ngoài (vốn có sự liên hệ mật thiết với nhau trong thực tại).

Trong Luận cương về Feuerbach, Karl Marx phát biểu:

Cái học thuyết duy vật chủ nghĩa cho rằng con người là sản phẩm của những hoàn cảnh và của giáo dục […] quên rằng chính những con người làm thay đổi hoàn cảnh và bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục. Bởi vậy, học thuyết đó tất phải đi đến chỗ chia xã hội thành hai bộ phận trong đó có một bộ phận đứng lên trên xã hội.

Sự phù hợp giữa sự thay đổi của hoàn cảnh với hoạt động của con người, chỉ có thể được quan niệm và được hiểu một cách hợp lý khi coi đó là thực tiễn cách mạng”.

Marx và Đức Phật đã bác bỏ chủ nghĩa duy vật thô sơ, chủ nghĩa duy vật siêu hình, cũng như các giáo điều khác. Chắc chắn thực tế gồm cả “vật chất” và “ý thức”, nhưng ý thức cần được xem là phát sinh từ sự kết hợp với vật chất chứ không phải là theo cách khác. Cái gọi là thực tế là việc nhận thức được mối liên hệ bẩm sinh giữa vật chất và tâm trí theo cách thức không có sự mâu thuẫn hoặc sai lầm. Cái nhìn sâu sắc này giải phóng trí óc khỏi thần học và quan niệm rằng một thực thể hữu thần đã tạo ra vật chất vật chất (và sự đa dạng của cuộc sống) từ hư không.

Đức Phật, trong Tứ Diệu Đế, đã nói rõ rằng nhận thức chỉ tồn tại chừng nào một cơ quan giác quan còn tiếp xúc với một đối tượng giác quan – khi mối liên hệ đó bị mất, ý thức chấm dứt. Việc rèn luyện nhận thức được thực hiện thông qua sự thừa nhận nguyên lý nhân – quả về mối quan hệ hợp lý và có thể dự đoán về các hiện tượng.

Đức Phật đề cập đến điều này như là Nghiệp, trong khi Marx đã phát triển tiền đề của nó thành nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Rèn luyện nhận thức đúng đắn (có tính chất không đảo ngược) có thể xóa bỏ được tư duy suy đồi và vô lý liên quan đến thần học của giai cấp tư sản và tôn giáo Bà La Môn. Điều này giải phóng từng cá nhân và từng tầng lớp xã hội để họ không còn bị áp đặt bởi những thói quen có điều kiện tiếp tay cho sự đàn áp và bóc lột họ.

Như Marx viết trong Luận cương về Feuerbach: “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”.

Còn trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật nói: “Này các tỳ kheo, có ba gốc rễ của sự bất thiện: Tham lam, hận thù và ảo tưởng. Tham lam, hận thù và ảo tưởng dưới mọi hình thức đều là không tốt. […] Nhiều trạng thái tai ác xấu xa được sinh ra và có nguồn gốc từ tham lam, hận thù và ảo tưởng, đến lượt chúng lại là nguyên nhân gây ra và chi phối tham lam, hận thù và ảo tưởng”.

Marx và Phật trong các nỗ lực thực tế nhằm cải biến xã hội

Đức Phật và Karl Marx đã tìm cách tiến hành cách mạng xã hội thông qua giáo dục và hành động triệt để. Ngay cả trong thời đại của Đức Phật ở Ấn Độ cổ đại, việc thuyết phục một vị vua cai trị đi theo các nguyên tắc Phật giáo là một nhân tố cách mạng quan trọng trong hành động xã hội của ngài. Đức Phật đã ngăn ngừa bạo lực và chiến tranh thông qua việc sử dụng lý luận hợp lý và ngài đã thực hiện một hình thức đấu tranh phi bạo lực đối với hệ thống Bà La Môn.

Marx ủng hộ chính xác cùng một phương cách nhưng điều chỉnh nó cho phù hợp với thời kỳ hậu công nghiệp hiện đại. Ông cổ vũ cho hòa bình, chống chủ nghĩa đế quốc tư bản và chiến tranh, nhưng cũng tỏ ra thực tế khi tuyên bố rằng giai cấp công nhân – những người mà thân xác và tâm trí luôn bị chà đạp bởi những kẻ áp bức tư sản – có quyền tự vệ trước thứ bạo lực này. Đó là lý do tại sao ông tuyên bố rằng bạo lực chỉ tồn tại chừng nào có sự phản kháng của tư sản đối với việc thiết lập chủ nghĩa xã hội.

Đức Phật thành lập một hình thức chủ nghĩa xã hội trong cộng đồng tu viện của mình mà nhìn chung có thể nói là hoàn toàn cộng sản. Thái độ bình đẳng này đã thấm nhuần vào những người theo đạo Phật sống trong một môi trường xã hội phân chia đẳng cấp khắt khe của đạo Bà La Môn. Ảnh hưởng Phật giáo này rốt cục đã vượt qua hệ thống Bà La Môn để lan toả ra các vương quốc khác nhau ở Ấn Độ một cách hòa bình.

Trong thế giới tư bản hiện đại, việc ngồi tĩnh tâm và thiền định có thể giúp một người đang bị bóc lột kiểm soát tâm trí của mình và thoát khỏi sự áp đặt tinh thần từ điều kiện kinh tế – xã hội của nhà nước tư sản. Triết lý của Đức Phật được thiết kế để “làm sạch” bề mặt tâm trí, đã trở thành một công cụ tuyệt vời cho sự tự phát triển của người Marxist hiện đại, và cũng có thể tích hợp một cách có hiệu quả với việc nghiên cứu các tác phẩm của Marx và Engels.

Thiền học Phật giáo cho phép tự học để giúp biến đổi các mô hình tư duy của tâm trí mà không cần phải tham gia vào các khóa trị liệu tâm lý hay tư vấn đắt đỏ của xã hội tư sản. Đó là một điểm quan trọng, khi mà ngành nghiên cứu tâm lý học của xã hội tư sản luôn bị chi phối bới những nhà nghiên cứu có nhiều đặc quyền thuộc giới tư sản trung lưu, xa lánh lợi ích của quần chúng, tìm cách “bình thường hoá” sự đàn áp chủ nghĩa tư bản trong tâm trí của tầng lớp lao động để họ có thể tiếp tục bị bóc lột theo cách thức tinh vi và được xã hội chấp nhận, hoặc ít ra là không có phản kháng.

Khi tình trạng này không được thấu hiểu, tầng lớp tư sản trung lưu vẫn giữ được sức ảnh hưởng trong giới học thuật để có thể kiềm chế bất kỳ nỗ lực nào của người lao động nhằm thoát khỏi sự kìm kẹp của mình. Phương pháp thiền của Phật giáo (và triết lý về thực tại nằm trong nó) là một kỹ thuật phát triển tâm lý mạnh mẽ, có thể được sử dụng hiệu quả trong cuộc chiến chống lại hệ thống tư bản và cải biến xã hội theo cách thức không bạo động.

Tương tự như việc dứt khoát bác bỏ hiện trạng xã hội của Ấn Độ cổ đại, tư tưởng của Đức Phật rất dễ dàng trở thành nguồn sức mạnh cho tầng lớp lao động trong bối cảnh kinh tế xã hội của phương Tây hiện đại.

>> Marx và Phật: Một tuyên ngôn chung của Phật giáo và Cộng sản
>> Thiền học Phật giáo – phương tiện cách mạng của người Marxist thế kỷ 21
>> Người Marxist hành thiền như thế nào?
>> Khi Karl Marx thực hành Phật pháp
.

ĐẠI VIỆT / REDSVN.NET

Tags: , , , , , , , ,