Marx và Phật: Một tuyên ngôn chung của Phật giáo và Cộng sản

Phương cách của Phật giáo để thực hiện các mục tiêu nhất thiết phải liên quan đến nghi vấn cơ bản chủ nghĩa tư bản và một liên minh với chủ nghĩa Marx.

Marx và Phật: Một tuyên ngôn chung của Phật giáo và Cộng sản

Tham luận tại Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014 của tác giả Jef Waistell, giảng viên cao cấp tại Đại học Oxford Brookes, Anh quốc. Trần tiễn Khanh biên dịch.

“Yêu thương người khác như yêu thương chính mình”

– Hồ Chí Minh

.

NHẬP ĐỀ

Phật giáo nhập thế nhấn mạnh vai trò của Bồ-tát – một người chủ yếu nhằm mục đích giảm đau khổ của người khác và thề không nhập niết bàn cho đến khi điều đó chưa đạt được. Bồ tát biết rằng không có tự ngã độc lập, trong đó việc tìm kiếm giác ngộ cá nhân chấm dứt và tập trung đến việc giúp đỡ người khác (Shen-yen, trong Brazier 2002). Mối bận tâm không còn là giải phóng cá nhân khỏi đau khổ mà “niết bàn của toàn thể xã hội” (Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong Brazier, 2002, p.97).

Trong Phật giáo nhập thế, mức độ phân tích vấn đề được mở rộng, chuyển đổi lỗi từ tâm tham cá nhân, tham lam và bóc lột tập thể của xã hội. Theo đó, truyền thống Phật giáo về ba độc tham, sân, si không chỉ áp dụng cho cá nhân mà còn cho tất cả lực lượng kinh tế xã hội (Kraft 2000). Giải thoát bên trong và bên ngoài vừa đồng thời vừa tương ứng – và thức tỉnh bắt đầu với sự hiểu biết thực tế của Tứ Diệu Đế ở cộng đồng mình (Ariyaratne, 1982):

1. Hiểu biết cụ thể về đau khổ vì đói nghèo và áp bức.
2. Đau khổ do lòng tham lam, tính cạnh tranh và ích kỷ.
3. Hy vọng sự đau khổ này có thể chấm dứt.
4. Đau khổ được chấm dứt bằng cách giải quyết những vấn đề nàytrong cộng đồng.

Mâu thuẫn giai cấp và bóc lột người nghèo là nguyên nhân đau khổ của con người. Giải thoát được nhìn thấy qua điều kiện vật chất tiên quyết và quan hệ xã hội (Ambedkar, 1984). Trong khi thuyết nhị nguyên làm phát sinh lòng tham lam, phân biệt giai cấp, mục tiêu của Phật giáo thay đổi từ tái sinh cá nhân đến cải cách xã hội; và để giải quyết đấu tranh giai cấp, giải phóng các tầng lớp nghèo khổ, vô sản, Phật giáo thường sử dụng phương pháp bất bạo động (Lin, 1929).

Chủ nghĩa tư bản nhấn mạnh cạnh tranh cá nhân, do đó tương phản với vô ngã của Phật giáo. Khái niệm phụ thuộc lẫn nhau phù hợp hơn với chủ nghĩa xã hội (Bhikkhu Buddhadāsa, 1986)). Phật giáo phản đối chủ nghĩa tư bản, với các khái niệm của nó về sở hữu, quyền sở hữu và tài sản như mục đích chính, bởi vì điều này không có lợi cho tự do vì chúng duy trì sự thiếu hiểu biết mà Phật giáo cố gắng loại bỏ (Puligandla & Puhakka, 1970).

Bài viết phát triển cuộc đối thoại giữa chủ nghĩa Cộng sản và Phật giáo trên khía cạnh chia sẻ quan trọng nhất; sự cần thiết cho một xã hội nhân đạo, trong đó tất cả mọi thứ đều là của chung. Ngoài phạm vi của bài báo là cả hai lý thuyết kinh tế Marxist và những phức tạp của triết lý Phật giáo, so sánh này có thể làm nổi bật nhiều điểm khác biệt và chỉ làm tăng xung đột về ý thức hệ, thay vì thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung.

Để thực hiện mục tiêu này, bài viết ủng hộ truyền thống Phật giáo Thiền tông, nhấn mạnh chánh niệm, một cách sống và hiện hữu (không phải là tôn giáo để bị từ chối bởi Cộng sản) và là một cách tương tức có thể được chấp nhận bởi cộng sản (nhấn mạnh tình đồng chí và đoàn kết giữa con người, với sự hiểu biết rằng tất cả mọi người ‘liên hệ ‘ với nhau). Thật vậy, tương tức mở rộng cho tất cả các loài, tình đồng chí vượt qua nhân loại bao trùm cả hệ sinh thái rộng lớn hơn. Tập trung vào Thiền không chỉ tránh tranh chấp về tín lý với chủ nghĩa Marx mà còn cân bằng Phật giáo với chủ nghĩa cộng sản; tương tức dẫn đến tất cả là của chung.

PHẬT GIÁO Ở NGÃ TƯ ĐƯỜNG: CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HAY CỘNG SẢN?

Phật giáo đang ở tại ngã tư đường, đối mặt với sự lựa chọn giữa chủ nghĩa tư bản hay cộng sản; đây là những chủ thuyết đối kháng nhau và vì vậy không thể theo cả hai. Hiện nay, “chủ nghĩa tư bản phương Tây đang tìm kiếm nguồn cảm hứng trong thần bí phương Đông”, trong đó có Phật giáo, và “… đôi khi có vẻ như là Phật pháp đang giúp chủ nghĩa tư bản tiếp tục… Các Phật tử nhấn mạnh tầm quan trọng của “chánh niệm “- dành thời gian từ náo nhiệt của hoạt động hàng ngày để thư giãn và thiền định”(Schumpeter, 2013).

Chánh niệm đang trở thành một phần của phong trào tự giúp mình và phương thuốc của các căn bệnh thời đại. Nó được xem như lợi thế cạnh tranh, một phương tiện để tiến bộ trong cuộc sống, do đó đánh mất điểm chính. “Có gì liên quan khi diễu hành trong bộ áo quần đắt tiền với Phật pháp khi khuyên người không nên vướng mắc vào của cải vật chất? Và có gì liên quan khi nhìn chăm chú vào một dấu chấm do máy tính tạo ra với nghệ thuật cổ đại của thiền định?

Chủ nghĩa tư bản phương Tây có vẻ làm thay đổi khá nhiều tôn giáo phương Đông hơn là tôn giáo phương Đông đang thay đổi chủ nghĩa tư bản phương Tây” (Schumpeter, 2013). Phật giáo trở thành phương thuốc cho sự căng thẳng gây ra bởi chủ nghĩa tư bản, có thể bổ sung hệ tư tưởng của chủ nghĩa tư bản, thành ‘thuốc phiện của nhân dân’; “phương pháp thiền ‘Phật giáo Tây phương’ được cho là cách hiệu quả nhất để chúng ta tham gia đầy đủ các hoạt động của tư bản chủ nghĩa trong khi vẫn giữ sự tỉnh táo về tinh thần” (Zizek, 2001)

CẦN CHẤM DỨT XUNG ĐỘT GIỮA PHẬT GIÁO VÀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN

Xung đột không cần thiết và nghiêm trọng giữa Phật giáo và chủ nghĩa Cộng sản cần phải được chấm dứt. Nếu tưởng tượng rằng hai bên đang chống đối nhau, thì sẽ chỉ tiếp tục làm hại nhau.

Chúng ta có thể so sánh điều này với cách các Giáo Hội Ki-tô đã thúc đẩy việc lật đổ Cộng sản ở Liên Xô và khối Đông Âu, mà theo Qu (2011, p.438) gây sốc cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và đảng phải tham gia nhiều hơn trong các vấn đề tôn giáo. Bởi vì đảng không còn đủ khả năng bỏ qua tôn giáo khi ban hành chính sách của chính phủ; “đảng đã xác định lại mục tiêu của mình từ làm cách mạng thành tạo phát triển ổn định, bền vững. Kết quả là, ‘lý thuyết xã hội chủ nghĩa theo tôn giáo’, nhấn mạnh sự tương quan lẫn nhau về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội, trở thành một phần lý thuyết của đảng. Khi làm việc với đa phần quần chúng có tôn giáo trong xã hội, đảng tạo điều kiện cho sự phát triển của tôn giáo như là một tác nhân của xã hội hài hòa. “Như vậy Zizek (2011) nhận xét rằng chính phủ Trung Quốc cho phép, hỗ trợ và điều chỉnh hoạt động tôn giáo vì lợi ích cho sự hòa hợp và ổn định của xã hội, để hạn chế sự tan rã xã hội do chủ nghĩa tư bản.

Trung Quốc hiện đang cổ vũ Phật giáo, trước đây bị chèn ép bởi Cách mạng Văn hóa; “Vào tháng Tư năm 2006, Ye Xiaowen, viên chức chính thức hàng đầu về tôn giáo của Trung Quốc, nói với Tân Hoa Xã rằng ‘tôn giáo là một trong những lực lượng quan trọng từ đó Trung Quốc có được sức mạnh’. Ông nói chỉ có Phật giáo có ‘vai trò duy nhất trong việc thành lập một xã hội hài hòa “, là công cụ chính thức kết nối phát triển kinh tế với phát triển xã hội; trong cùng tuần đó, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn Phật giáo Thế giới” (Zizek, 2011, p.712).

VỊ TRÍ CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO PHẬT GIÁO VỚI CHỦ NGHĨA MARX/CỘNG SẢN

Một số nhà lãnh đạo Phật giáo đã công nhận liên hệ của họ gần với (mặc dù không đầy đủ) chủ nghĩa Marx/Cộng sản, cả lý thuyết lẫn thực tế.

Ví dụ, Thích Nhất Hạnh (2007, p.175) nói rằng “… trong Làng Mai chúng tôi đang sống đơn giản. Tăng ni, và cư sĩ – chúng tôi sống với nhau như một gia đình. Không ai có một chiếc xe riêng. Không ai có tài khoản ngân hàng riêng. Không ai có điện thoại riêng. Trên thực tế, chúng tôi là những người cộng sản thực sự.”

Tương tự như vậy, Đạt Lai Lạt Ma (1996, p.38) tuyên bố, “Tôi vẫn nghĩ mình là một nửa chủ nghĩa Marx, một nửa Phật tử”, và cho rằng chủ nghĩa Marx được thành lập trên đạo đức (phân phối bình đẳng về của cải và việc sử dụng công bằng các phương tiện sản xuất) trong khi chủ nghĩa tư bản chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Sau đó, ông lại cho rằng “chủ nghĩa Marx đã nói về sự phân phối công bằng về của cải. Tôi rất ủng hộ điều này” (Đạt Lai Lạt Ma, 1999).

Thực tế, điều này được thực hành trong Phật giáo từ sớm. Có thể cho rằng tăng đoàn của Đức Phật là “nhóm xã hội cộng sản đầu tiên trên thế giới” (Gunasekara, không ngày tháng) và “giới luật tăng đoàn đầu tiên còn nghiêm ngặt hơn chủ nghĩa cộng sản ở Nga” (Ambedkar, trong Rodrigues, 2002, p.179).

ĐIỂM TIẾP XÚC GIỮA PHẬT GIÁO VÀ CHỦ NGHĨA MARX

Marx phê bình tôn giáo như một kỹ xảo, ảo tưởng và sự an ủi không thật. Không xa với Phật giáo (không phải là tôn giáo), phê phán của Marx giống với khái niệm tà kiến của Đức Phật. Mô tả của Marx về tôn giáo như thuốc phiện không thể áp dụng đối với giáo pháp của Đức Phật, khi ta phân tích thực tế. Hơn nữa, phê phán của chủ nghĩa Marx về tôn giáo và chủ nghĩa vô thần đều tương ứng với Phật giáo (Gunasekara – không ghi ngày tháng).

Thực tế, có một số điểm tiếp xúc giữa Phật giáo và chủ nghĩa Marx. Như đã nói, Phật giáo nhập thế làm nổi bật các lời dạy của Đức Phật để chuyển thành biến đổi xã hội, cũng như biến đổi của ý thức. Tương tự, chủ nghĩa Marx bắt đầu với những vấn đề đau khổ của con người. Shields (2013, p.476) lập luận rằng “Marx chủ yếu quan tâm đến tha hóa và hạ thấp nhân phẩm như những vấn đề cơ bản của sự tồn tại con người”, chỉ ra rằng “cả hai truyền thống tìm kiếm cuối cùng độ phân giải tồn tại để đáp ứng sự tha hóa” (Shields, 2013., p.462)

Cả hai triết lý dựa trên câu hỏi làm thế nào chúng ta có thể hòa giải với bản thân và người khác; cả hai nhận ra chiều sâu sự đau khổ của con người và cung cấp cách giải thoát khỏi khổ; cả hai phê bình, phân tích sự tồn tại và tìm kiếm sự thay đổi triệt để; cả hai tìm cách chuyển đổi ý thức, kết thúc sự tha hóa và chủ nghĩa cá nhân ích kỷ; cả hai nhận ra tư tưởng đó không đủ để kết thúc sự tha hóa và đau khổ – thực hành cũng cần thiết, và cả hai nhấn mạnh quan hệ nhân quả – cần thiết để loại bỏ những nguyên nhân đau khổ (Shields, 2013).

Các tác giả khác đồng tình với những điểm nêu trên. Ví dụ, Slott (2011) lập luận rằng cả hai triết lý nhấn mạnh sự thay đổi, chia sẻ một mục tiêu nhân văn là giảm đau khổ và chối bỏ chủ nghĩa tuyệt đối và nhị nguyên khác. Ngoài ra, Thích Nhất Hạnh (1998, p.40) lưu ý rằng “Đức Phật quy định Lục Hòa, sáu nguyên tắc của đời sống cộng đồng”, một trong số đó là “chia sẻ của cải”.

KHÔNG CÓ SỞ HỮU

Không có tự ngã độc lập trong Phật giáo. Đau khổ là kết quả từ việc xây dựng một bản ngã độc lập với các đối tượng, dẫn đến sự tách rời khỏi các đối tượng này, giải quyết bằng cách cố gắng bám vào chúng, để tăng cường ý thức của bản thân. Bản thân cảm thấy bị tách rời và xa lạ với những người khác và các đối tượng – một hố sâu mà chủ nghĩa tiêu thụ đã khai thác. Bản ngã tự bám víu vào những gì bảo vệ nó và xa lánh những gì mà nó nghĩ là mối đe dọa. Hai điều này đảo ngược bằng hai cách; không bám vào những điều được coi là bên ngoài bản thân, và thông qua thiền định, dần dần giảm sự phân biệt giữa ngã và vô ngã.

Trong Phật giáo, hậu quả của vô ngã là không sở hữu, ”sở hữu” và ”có” giả định một cái gì đó, hoặc ai đó sở hữu và đã có, nhưng trong thực tế thì không có bản ngã có sở hữu, đơn giản là không có bất kỳ sở hữu nào ”(Puligandla và Puhakka, 1970, p.346). Phật giáo phản đối chủ nghĩa tư bản vì đặc quyền tích lũy tài sản, xem đó là vô minh; thu thập mọi thứ và tự vưóng mắc vào chúng làm mất tự do. Sống trong xã hội tư bản đòi hỏi các nhu cầu cơ bản được thoả mãn thông qua việc mua hàng hóa để tồn tại. Ngoài ra, sống trong một nền kinh tế cạnh tranh đòi hỏi phải liên tục mua hàng hóa cho sự sống còn và an ninh, nên cạnh tranh trở thành lực lượng phải chống lại.

Tuy nhiên, Phật giáo xem cạnh tranh là không tự do. Bằng cách cho tự do hệ thống kinh tế, con người trở thành nô lệ của nó. Chủ nghĩa Marx và Phật giáo đồng ý rằng con người sinh ra không có tự do và không thể đạt tự do trong xã hội tư bản. Phật giáo công nhận rằng khó khăn kinh tế tiêu diệt tự do và đề nghị loại bỏ các nhu cầu kinh tế để có thể thực hiện tự do. Phật giáo ủng hộ chủ nghĩa xã hội vì nó vượt qua trói buộc kinh tế và do đó cho phép tự do. (Puligandla và Puhakka, 1970). Ngược lại, “quyền tư hữu tài sản mang lại quyền lực cho một tầng lớp và nỗi buồn cho tầng lớp khác” (Ambedkar, trong Rodrigues, 2002, p.174).

Có nhiều điều Phật giáo có thể học hỏi từ chủ nghĩa Marx; một đằng, trong khi bụng đói, vật chất thiếu thốn có thể ngăn chặn giải thoát tinh thần cho người dân, đằng khác, tiêu dùng, sự bận rộn và ý thức hệ của tham lam, ích kỷ, cạnh tranh cũng ngăn chặn sự giải thoát (marxistbuddhism. blogspot.co.uk, 2012). Con đường tâm linh sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu không có nhu cầu sở hữu, khi biết rằng không cần thiết tích trữ tài sản vì lợi ích và sự an toàn của chính bản thân mình hay những người thân yêu? Nếu tất cả chúng ta có thể sống như tăng sĩ khi biết nhu cầu vật chất căn bản của mỗi người sẽ được thỏa mãn bởi cộng đồng cùng chung sống (marxistbuddhism.blogspot.co.uk, 2012)?

Phật giáo kêu gọi mọi người thức tỉnh bản tính nguyên thủy ngay giữa các hoạt động hàng ngày, yêu thương tầng lớp vô sản và nghèo khó (Li, 1991). Thiên đường không phải trên bầu trời và địa ngục cũng không phải dưới đất; nếu chúng ta không đau khổ, trái đất sẽ trở thành thiên đường, nhưng nếu phân phối tài nguyên không công bằng, địa ngục sẽ xuất hiện. Vì vậy, điều cần thiết là yêu cầu mọi người theo khả năng của mình, theo nhu cầu của từng người, không có ý ích kỷ, mỗi người và mọi người cùng phấn đấu để sản xuất chung (Li, 1991).

TƯƠNG TỨC

Như đã nói ở trên, tham lam xảy ra bởi vì mọi người không có cái nhìn sâu sắc về tính bất nhị. Hơn nữa, bản ngã nhân tạo từ sự thiếu hiểu biết này đã gây nên thù hận và dục vọng, phân biệt giữa con người, dẫn đến đấu tranh giai cấp (Lin, 1929). Tuy nhiên, sống trong nhận thức của các mối liên kết của bản thể với người khác phát triển nhận thức rằng ta cũng là người khác (Brien, 2002). Với nhận thức này, đau khổ của người khác trở nên đau khổ của chính ta. Điều này dẫn đến từ bi, mong muốn giảm bớt đau khổ, và ý thức rằng tự do chỉ đến khi người kia cũng được tự do (Brien, 2002).

Thích Nhất Hạnh (1988) đã sáng tạo từ ”tương tức” và đặt nó làm trung tâm giáo pháp của mình. Ông khuyên nên thiền định và trở thành người khác, dẫn đến vô ngã, lòng từ bi. Làm hao mòn các khía cạnh của bản ngã để bớt tính ích kỷ. Không phân biệt giữa mình và người dẫn đến hiểu biết và từ bi. Ta đau khổ cái đau khổ của người khác, như thế tìm cách làm giảm chúng. Với lòng từ bi, chúng ta có thể nhìn vào tất cả thực tại sống cùng một lúc và thấy mình trong mỗi người. Thể hiện sự đau khổ của người khác dẫn đến ý thức của chúng ta về sự đau khổ của họ và thúc đẩy chúng ta dập tắt nó. Thích Nhất Hạnh (2006, pp.81-82) giải thích như sau:

“Lưới Trời Indra (Phạm võng) là một mắt lưới vũ trụ rộng lớn có chứa đồ trang sức quý giá ở bất cứ nơi nào nó băng qua. Có hàng triệu đồ trang sức kết hợp với nhau để làm nên mạng lưới, và mỗi viên ngọc có nhiều khía cạnh. Khi bạn nhìn vào bất kỳ khía cạnh của bất kỳ viên ngọc nào, bạn có thể thấy tất cả đồ trang sức khác được phản ánh trong đó… một có trong tất cả, và tất cả có trong một. Hình ảnh tuyệt vời này được sử dụng trong Phật giáo để minh họa cho nguyên tắc phụ thuộc và thâm nhập lẫn nhau.”

MỘT TỔNG HỢP PHẬT GIÁO – CỘNG SẢN

Xã hội cộng sản nhằm phát triển đầy đủ tiềm năng của con người, phân bổ tài nguyên vì lợi ích chung, đảm bảo thu nhập, dịch vụ y tế và giáo dục, từ đó làm bớt sự mất an ninh (Slott, 2011). Một xã hội chủ nghĩa theo Marx làm giảm bất an và cạnh tranh. Tuy nhiên, vài khía cạnh của cuộc sống vẫn gây ra đau khổ. Tại thời điểm này, chủ nghĩa Marx đã đạt đến giới hạn của nó.

Đạt Lai Lạt Ma (1996) than phiền rằng yếu điểm của chế độ theo chủ nghĩa Marx là nhấn mạnh đến đấu tranh giai cấp, thậm chí đến độ tiêu diệt giai cấp cầm quyền, khuyến khích hận thù và bỏ qua lòng từ bi. Trớ trêu thay, mặc dù mục đích ban đầu của họ là phục vụ đa số, năng lượng bị lệch vào các hoạt động phá hoại trong quá trình thực hiện. Một khi giai cấp cầm quyền bị phá hủy, còn rất ít để giúp nhân dân; cả nước nghèo khó và gần như nghèo là mục đích ban đầu. Điều này do thiếu tinh thần đoàn kết và lòng từ bi, cộng với sự khẳng định về thù hận.

Ông lập luận rằng chúng ta quá chú trọng đến hành động chính trị, dành đặc quyền cho bên ngoài. Những người hoạt động nhìn thấy ác tâm được gây ra bởi hệ thống nhưng không hiểu các yếu tố này hoạt động trong chúng ta. Họ tập trung vào kỹ thuật xã hội và tái cơ cấu căn bản của xã hội, giả định rằng đạo đức cá nhân sẽ cho kết quả. Thay vào đó, ông chủ trương quan điểm ngược lại của Phật giáo – sự biến đổi căn bản của xã hội đòi hỏi phải bắt đầu bằng thay đổi cá nhân hoặc đồng thời. Thay đổi xã hội đòi hỏi phải có sự thay đổi bên trong – trở nên ít ích kỷ hơn (Đức Dalai Lama, 1996).

Khi chuyển đổi này được thực hiện, chúng ta phát triển trách nhiệm đạo đức (Sulak-sivaraksa.org). Trong lúc lực lượng xã hội như tiêu dùng nhấn mạnh tham ái và bất mãn, cản trở sự phát triển của chúng ta, thì người có tôn giáo làm việc cho công bằng xã hội và thay đổi, “tôn giáo là trung tâm của sự thay đổi xã hội, và thay đổi xã hội là bản chất của tôn giáo” (Sulak-sivaraksa.org).

Chuyển đổi cá nhân phải là một điều kiện tiên quyết của biến đổi xã hội – quan trọng không kém để hiểu rằng cá nhân được hình thành và được cấu thành bởi cấu trúc xã hội. Theo Phật giáo, thiếu sự hiểu biết về các điều kiện xã hội gây ra đau khổ trong khi chủ nghĩa Marx bỏ qua những sự thật hiện hữu của khổ đau (Slott, 2011).

Một tổng hợp của chủ nghĩa Marx và Phật giáo là điều cần thiết để giải quyết các nguyên nhân bên ngoài và bên trong gây đau khổ (Brien, (2002). Mối quan tâm chính của cả hai triết lý là mối quan tâm tới đau khổ. Phật giáo quan tâm các yếu tố bên trong và chủ nghĩa Marx với các yếu tố bên ngoài trong việc tạo ra đau khổ; ý nghĩa đó cả hai phía bổ sung cho nhau (Brien, 2004).

“Giữa những lời chỉ trích chủ nghĩa Marx giải phóng con người khỏi xiềng xích đầu tiên của mình, và chỉ trích Phật giáo hoàn thành giải phóng đó, không có phản đối cũng không có mâu thuẫn. Chủ nghĩa Marx và Phật giáo đang làm điều tương tự, nhưng ở mức độ khác nhau” (Lévi-Strauss, 1961, pp.395-96).

Trong cuốn sách “Chủ nghĩa Marx theo Thiền”, Shackley (2001) nói rằng Thiền và chủ nghĩa Marx là hai cách để giải thoát, mỗi cách giải quyết một trở ngại khác nhau. Đạo Phật dạy, đau khổ do chấp thủ, có thể được giải quyết bằng đạo đức và thiền định. Marx dạy, tệ nạn xã hội vì khai thác kinh tế có thể được giải quyết bằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do đó giải phóng là cả tâm lý và kinh tế, cả bên trong và bên ngoài, để thiền định và việc tổ chức đảng cách mạng đều được khuyến khích; và nên được thực hành cùng lúc. Không có mâu thuẫn giữa thiền định và hoạt động chính trị.

Tỳ-kheo Buddhadāsa (1986) ủng hộ chủ nghĩa xã hội theo Phật pháp, trạng thái tự nhiên mà tất cả mọi thứ có mặt trong một hệ thống duy nhất. Nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội theo Phật pháp là trong tự nhiên, có một bản chất xã hội chủ nghĩa. Không có gì tồn tại bởi chính nó; mọi thứ đều phụ thuộc lẫn nhau. Thực vật và động vật chỉ tiêu thụ những gì chúng cần, mà không cần cất giữ. Ý nghĩa xã hội có trong mỗi người, gồm các bộ phận chức năng liên quan đến nhau và không thể tách rời; tinh thần của chủ nghĩa xã hội có trong tất cả, vì sự cần thiết phải chung sống với nhau. Con người không theo thiên nhiên khi bắt đầu tích trữ và cạnh tranh. Đây là lý do tại sao xã hội cần quay trở lại với chủ nghĩa xã hội tự nhiên, chỉ lấy những gì chúng ta cần và chia sẻ thặng dư với những người khác để đáp ứng nhu cầu của họ.

Tỳ -kheo Buddhadāsa (1986) chủ trương Tăng đoàn (trừ trường hợp các tăng sĩ tham nhũng) là một cộng đồng xã hội chủ nghĩa lý tưởng chỉ dùng những gì cần thiết, không tích trữ và không giữ dư thừa. (Tương tự như vậy, Ambedkar lưu ý rằng một vị sư có thể sở hữu riêng nội trong tám món: 3 bộ áo, giây thắt lưng, bát bố thí, dao cạo, kim và một lọc nước; “giới luật… nghiêm ngặt hơn được tìm thấy trong chủ nghĩa cộng sản ở Nga“, (ambedkar.org). Tuy nhiên, có một số thách thức được nêu lên với chủ nghĩa xã hội theo Phật pháp của Tỳ-kheo Buddhadāsa (1986), dựa vào tính tiết kiệm cá nhân tự nguyện cùng với sự rộng lượng với những người khác, trong khi chủ nghĩa xã hội cổ điển liên quan đến việc làm và phân phối lại của cải bởi nhà nước.

Theo Tỳ-kheo Buddhadāsa (1986), chủ nghĩa xã hội theo Phật pháp dựa trên những gì ông coi là cân bằng và hài hòa của thiên nhiên, bản thân nó bao hàm việc chăm sóc môi trường (không chỉ chăm sóc xã hội). Ông lập luận rằng nếu chúng ta dùng tài nguyên thiên nhiên theo những gì được thiên nhiên cho phép, chúng ta sẽ không cần phải sử dụng rất nhiều và do đó, sẽ có rất nhiều cho tất cả mọi người vô thời hạn. Tuy nhiên, chúng ta lãng phí khoáng chất của trái đất một cách không bền vững, trái với Phật pháp. Nếu chúng ta sử dụng chúng đúng cách, tùy theo thiên nhiên, ta sẽ có rất nhiều“ (Tỳ-kheo Buddhadāsa trong Puntarigvivat, 2003).

TUYÊN NGÔN CHO TU VIỆN

Các tác động đối với các tu viện theo một tổng hợp Phật gíáo – Cộng sản?

Trong bối cảnh của Phật giáo nhập thế – và các nguyên lý của Marx về bình đẳng, sự tha hóa và phá hủy nhân phẩm – phải có một đánh giá về vai trò của tu viện và vai trò đặc quyền của tăng sĩ dồn người cư sĩ vào bóng tối, làm họ xa lánh tu viện. Nếu các tu viện bị giải tán (như trong thời cải cách của Giáo Hội Kitô giáo ở Anh) thì có thể nào được cải cách và tái tập trung theo Phật giáo nhập thế? Phân biệt nhị nguyên giữa cư sĩ và tăng sĩ nên được chấm dứt. Các nhà sư phải làm việc và hoạt động tích cực cho cộng đồng, và cư sĩ cần có vai trò mạnh mẽ hơn trong tu viện, đặc biệt là những nguời tu thiền. Tu viện nên trở thành một trung tâm cộng đồng thực hành thiền định, phục vụ xã hội và môi trường.

Nếu còn các nhà sư, họ không còn là tầng lớp được phục vụ, nhận thặng dư (như những nhà tư bản) – điều này khuyến khích phụ thuộc, lười biếng, tham lam và tham nhũng, được tài trợ bởi các gia đình nghèo. Tài nguyên của cộng đồng cư sĩ nên thuộc về họ và nên ở lại với họ. Tăng sĩ phải làm việc để kiếm sống (cũng như các linh mục công nhân của Giáo hội Kitô giáo Pháp) để họ hiểu và gần gũi với giới thợ thuyền. Tự túc như thế có thể tạo mô hình cho cộng đồng cư sĩ sống và làm việc trong chánh niệm, khi phát triển thực hành thiền định bền vững trên thế giới (không phải cách ly thế giới và cho nó ít lợi ích). Điều này sẽ giải phóng người dân nghèo đã bị căng thẳng với công việc và gánh nặng hỗ trợ gia đình của họ, lại thêm gánh nặng phải hỗ trợ cộng đồng tăng sĩ trong lúc cộng đồng này hoàn toàn có thể hỗ trợ chính mình (như xảy ra trong các giáo phận của truyền thống tu viện Kitô giáo).

Với cam kết của chủ nghĩa Marx về bình đẳng và nguyên tắc bất nhị của Phật giáo, phân biệt trong cách đối xử cần phải chấm dứt. Tu viện nên trở thành cộng đồng tập thể dân chủ, xóa bỏ những rào cản giữa thiền định và hành động, tu sĩ và cư sĩ, cấp cao và cấp thấp, nam và nữ, Phật tử hay không Phật tử, châu Á và da trắng (và các chủng tộc khác), Phật tử và Cộng sản – công nhận mục đích và mục tiêu chung sống với nhau trong một cộng đồng yêu thương, chăm sóc, công bằng (phản ánh các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội và tương tức). Chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu này mà không sợ bị vạ trục xuất vì được công nhận bởi một cộng đồng sống chứ không phải dòng giống của các tăng sĩ đã chết (hầu hết họ đã sống trước các cuộc cách mạng cộng sản – tất cả đều sống trước các mối quan tâm xã hội và môi trường hiện đại).

TUYÊN NGÔN CHO CÁC CƯ SĨ

Các tác động đối với quần chúng của một tổng hợp Phật giáo – Cộng sản là gì?

Giới cư sĩ phải có sự lựa chọn tương tự của một cam kết triệt để; sống cuộc sống kiểu tu viện (không có tài sản, mặc dù không độc thân như người cư sĩ). Xem tất cả là của chung bao gồm việc chia sẻ cơ hội cho sự giải thoát, không phải là đặc quyền của tăng sĩ nhưng cũng được cho công chúng. Các cư sĩ có thể và cần thoát khỏi lo lắng (thông qua việc cung cấp giáo dục tốt bởi nhà nước, nhà ở, phúc lợi, dịch vụ y tế, miễn phí tại điểm phục vụ – như trong National Health Service ở Anh). (Tái tập trung vào việc cung cấp tốt của nhà nước, phải loại bỏ cạnh tranh của các dịch vụ tư nhân).

Điều này sẽ làm giảm đau khổ cá nhân, giải phóng cá nhân khỏi sự lo lắng cho bản thân và gia đình, tăng chăm sóc cho những người khác, đồng thời giảm đau khổ của người khác – tăng tối đa hạnh phúc cho tất cả xung quanh. Tự do khỏi lo lắng giải phóng cá nhân từ tập trung vào bản thân và cho phép họ đổi chú ý của họ đến nhu cầu của người khác. Giải thoát khỏi sự lo lắng cá nhân giúp chúng ta phát triển thực hành thiền định, trong khi tự do khỏi đói nghèo giúp ta sống một cuộc sống đạo đức (không cần thiết phải trở thành tội phạm). Triệt để sống theo cách này sẽ là một ngọn hải đăng cho những người không phải Phật tử. Do đó chủ nghĩa Cộng sản giải phóng Phật giáo

Triết lý tương tức của Thích Nhất Hạnh đòi hỏi chúng ta phát triển tập thể, từ bỏ chủ nghĩa cá nhân, đặt sang một bên cái bản thân của tư bản chủ nghĩa đã suy giảm quyền tự do của người khác, các loài khác và môi trường sống mà chúng ta chia sẻ ở hành tinh Trái đất này. Như vậy Phật giáo giải phóng Cộng sản.

Chủ nghĩa Cộng sản nên hướng dẫn thực hành Phật giáo. Đặc biệt, tiêu chí để lựa chọn thực hành thiền định nên hỏi, những gì truyền cảm hứng cho chủ nghĩa xã hội? Hệ quả của việc này là gạt sang một bên loại thiền định dẫn đến Niết bàn ảo tưởng mà ta cảm thấy tự mãn, tưởng tượng rằng ta đạt được cái nhìn sâu sắc cá nhân, khi tất cả xung quanh ta là đau khổ xã hội và môi trường mà ta rời bỏ. Tiêu chí thành công quan trọng để đánh giá thiền định là hỏi – đến mức độ nào nó làm giảm sự đau khổ của xã hội? Chúng ta không còn phải nuôi dưỡng cảm giác sai lầm về bình an cá nhân mà thiếu cái nhìn sâu sắc đến bạo lực cấu trúc. Do đó chủ nghĩa cộng sản giải phóng Phật giáo

Phật giáo nên hướng dẫn thực hành Cộng sản. Ví dụ, thiền chánh niệm rất cần để giữ bình tĩnh khi đấu tranh giai cấp không bạo động đang tiếp tục diễn ra trên thế giới. Thiền định cung cấp cái nhìn sâu sắc về nguyên nhân bạo lực cấu trúc và các giải pháp. Phật giáo có thể giúp Cộng sản làm thay đổi xã hội mà không dùng bạo lực, trong khi không dung thứ cho bạo lực cấu trúc. Như vậy Phật giáo giải phóng chủ nghĩa Cộng sản.

Để tránh bị phá hoại bởi Cộng sản, Phật tử nên tích cực tìm kiếm các thay đổi xã hội và công bằng xã hội, không bám vào hiện trạng và không cho phép Phật giáo thành thuốc phiện của nhân dân.

Để tránh bị phá hoại bởi Phật tử, Cộng sản nên chấp nhận và làm việc với bản chất xã hội chủ nghĩa cơ bản của Phật giáo – không coi đó là một tôn giáo (vì không phải) và như một dạng thuốc phiện. Cả hai có triết lý cơ bản tương thích là tìm cách chấm dứt khổ đau, nên cần phải cộng tác cho mục đích này.

Tứ Diệu Đế nên được hiểu là áp dụng cho đau khổ xã hội, không chỉ đau khổ cá nhân. Bốn sự thật xã hội phải xem là trung tâm của giáo lý Phật giáo, để mọi người nhìn thấy mối liên hệ giữa tham lam xã hội (chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ và thời trang) và đau khổ của xã hội.

Phật giáo phải tập trung vào cư sĩ – với tăng sĩ phục vụ cư sĩ (không phải ngược lại). Phật giáo kém hơn Kitô giáo, các linh mục và mục sư hỗ trợ giáo dân với một truyền thống lâu đời của việc phát triển dịch vụ phúc lợi xã hội. Tương đối, cư sĩ Phật giáo đang bị bỏ quên – và tệ hơn, vai trò của họ được hiểu là chỉ hỗ trợ cho tu viện. Không có nhà chùa, không có hỗ trợ, không có tăng sĩ, không có giáo lý nhắm vào cư sĩ, làm thế nào các tín đồ có thể được giải thoát khỏi đau khổ?

Cuộc sống cư sĩ khả thi cần được xác định, cung cấp các kỷ luật và cấu trúc mà tăng sĩ thường nói rằng họ không thể tìm thấy ở người cư sĩ (và do đó quyết định rời bỏ cuộc sống cư sĩ).

Phật tử không cộng tác với chủ nghĩa tư bản và phải làm rõ rằng đó không phải là một lựa chọn, vì nó không tương thích với Phật giáo. Các Phật tử nhập thế phải chặn đứng chủ nghĩa tư bản theo Phật giáo đang ngày càng tăng (ví dụ như việc quảng cáo tu hành theo Phật giáo, việc sử dụng Phật giáo để biện minh và hỗ trợ cho chủ nghĩa tư bản). Mọi nỗ lực phải được thực hiện để tổng hợp hai triết lý tương ứng – Phật giáo và chủ nghĩa cộng sản.

Phật tử cần tìm cách hữu hiệu để sống như xã hội cộng sản. Vài xã hội Cộng sản đã thất bại nhưng chủ nghĩa xã hội có nhiều mô hình khả thi khác để xem xét. Gia đình là đơn vị cơ bản để chia sẻ sự giàu có. Cuba là ngọn hải đăng cho chủ nghĩa cộng sản. Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh là ví dụ tốt cho nguyên tắc này, tùy theo khả năng của mỗi người, theo nhu cầu của từng người. Cuối cùng, cộng đồng Asoke là một ví dụ của chia sẻ (mặc dù nó không được xem là chủ nghĩa cộng sản và bị chỉ trích). Phần tiếp theo sẽ xem xét ví dụ về Asoke.

Trên thế giới, cư sĩ có thể liên hệ tốt giữa thiền định với hoạt động xã hội và môi trường. Vì vậy, họ không chỉ đơn giản phụ thuộc vào tăng sĩ để tìm hiểu Phật giáo. Thay vào đó, họ được dành một vai trò giảng dạy Phật pháp bằng nhau, với tư cách là cư sĩ.

ASOKE: MỘT NGHIÊN CỨU CỦA CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO

Samana Bhodhirak thành lập Cộng đồng Boonniyom trên nguyên tắc của lòng vị tha, sự đơn giản, hy sinh, tự túc, và siêng năng làm việc; đối lập với các giá trị của chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tiêu thụ. Các thành viên sống chung, làm việc và sản xuất thực phẩm, họ thiết lập tiệm tạp hóa và thảo dược với mục đích giúp người tiêu dùng chứ không phải vì lợi nhuận (Ekachai, 2001). Những người theo ông ăn một bữa mỗi ngày (chỉ ăn chay), từ bỏ việc sử dụng tiền, không yêu cầu đóng góp, cam kết không lợi dụng và tự hy sinh phục vụ người khác (asoke.info).

Phong trào cung cấp một cộng đồng chống tiêu dùng, thu hút những người thất vọng với chủ nghĩa vật chất bằng cách cho họ một cộng đồng gắn bó với nhau, một lối sống khiêm tốn đơn giản và không xa xỉ (bunniyom.com). Họ có giá trị mạnh mẽ về phát triển bền vững vì các cộng đồng làng Asoke dựa vào nông nghiệp hữu cơ, sản xuất bán cho công chúng trong cửa hàng hợp tác xã với lợi nhuận nhỏ. Thu nhập được đầu tư vào phòng khám răng, trường học miễn phí, và để các thành viên đến bệnh viện có chất lượng “(bunniyom.com).

Lấy cảm hứng từ khái niệm về chánh mạng, nhóm Asoke chuyển đổi đất trống thành những khu vườn tươi tốt. Họ chỉ trích “nền kinh tế độc canh để xuất khẩu lấy tiền” đã làm nghèo khổ cả nông dân và đất, “người nông dân đang bị tràn ngập lên tận cổ với tiền nợ từ người cho vay và chủ đất. Những người này đã đề nghị sử dụng phân bón nước ngoài đắt tiền và thuốc trừ sâu. Phân bón sau đó chạy vào sông và cánh đồng, giết chết đời sống của tất cả vùng. Ngay cả nước ngầm đã bị ô nhiễm ở một số khu vực “(bunniyom.com). Vì vậy, họ chủ trương dùng phân bón tự nhiên.

Asoke chỉ trích “nền văn hóa dùng một lần hiện đại“ đang gây nên nhiều phế thải, và chủ trương giảm tiêu thụ bằng cách tái sử dụng tất cả mảnh giấy hoặc nhựa. Họ tái chế rác thải bằng cách dùng lại, bán lại, đóng gói lại, tái tạo như khí nấu ăn, hoặc ủ thành phân bón. Nhiều người dân Asoke cố gắng ăn một hoặc hai bữa mỗi ngày. Thông thường, nhà riêng không có điều hòa nhiệt độ để sống đơn giản. Cộng đồng Asoke không thích nhập khẩu hàng hoá vì họ nhấn mạnh sự khiêm tốn và thanh đạm, ghét bỏ sang trọng (bunniyom.com).

Asoke khẳng định bunniyom hoặc ‘công quả’ như một hệ thống kinh tế thay thế cho chủ nghĩa tư bản, mà họ chỉ trích vì có tiêu chí sai lầm để đo lường thành công: sự giàu có, vị trí, danh tiếng và niềm vui. Trong khi nhà tư bản muốn ngôi nhà lớn, nhiều quần áo và tiền bạc, cư dân Asoke hài lòng với ngôi nhà nhỏ, ít tiền, đơn giản và khiêm tốn. Các nguyên tắc chỉ đạo của nền kinh tế bunniyom là bán với lợi nhuận thấp, thay đổi bằng hay giá thấp hơn, và đóng góp. Sở hữu tư nhân không được tôn vinh mà thay vào đó, nhiều tài nguyên thuộc sở hữu chung. Tiền được góp chung trong văn phòng trung tâm, từ đó các dự án có thể vay.

Asoke có nhóm tiết kiệm tư nhân riêng của mình, tương tự như công đoàn tín dụng. Nhiều trung tâm có thư viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe và phòng khám nha khoa. Asoke coi bunniyom như một phương pháp để tạo ra các cộng đồng mạnh của địa phương. Quan điểm của họ là tự do khỏi sự ích kỷ, tham lam vật chất để dẫn đến xã hội hòa bình (bunniyom.com).

Asoke chống tiêu dùng theo nghĩa là tiêu thụ chỉ vì sức khoẻ, vì vậy sức khoẻ được tăng tối đa và tiêu dùng giảm thiểu. Vì vậy, cộng đồng từ chối thời trang, vì vượt quá nhu cầu cơ bản của quần áo. Nhiều cư dân mặc quần áo của họ cho đến khi rách và chỉ có vài bộ, đi chân đất và không mang đồ trang sức.

Làng Asoke tự túc thực phẩm và một số mặt hàng gia dụng, trong khi sở hữu chung mặt hàng đắt tiền; họ góp tiền qua các cơ sở cho đầu tư mới. Asoke chống trọng tâm của chính phủ về việc xuất khẩu vụ mùa để lấy tiền, du lịch không bền vững với môi trường và toàn cầu hóa mà họ cho là mâu thuẫn với ý tưởng của các cộng đồng tự túc Asoke (bunniyom.com).

Theo Heikkilä-Horn (1997), giá trị quan trọng của Asoke bao gồm thiên nhiên tự nhiên, khiêm tốn, sự tận tâm, hy sinh, tập trung, thống nhất, lòng thương xót, lòng từ ái và từ bi, trong khi những giá trị mà họ phản đối là sang trọng, lãng phí, và lười biếng. Hạnh phúc được hiển thị cho tất cả vật sống và cần được thể hiện qua việc ăn chay.

Nhóm Asoke chủ trương nông nghiệp tự nhiên, thức ăn tự nhiên, cũng như quần áo, dụng cụ ăn uống và vật liệu xây dựng. Khiêm tốn được thể hiện trong việc ăn ít, mặc quần áo đơn giản, đi chân trần và sống trong ngôi nhà khiêm tốn. Khiêm tốn trái ngược với sang trọng, được coi là không cần thiết, một sự lãng phí, và chống lại giáo huấn của Đức Phật về bốn nhu cầu cơ bản, quần áo, chỗ ở, thực phẩm và thuốc men.

Họ tận tâm cho xã hội, công việc và nhóm Asoke. Họ dành công việc và năng lượng cho cả nhóm. Các giáo viên, người lao động khác (trong nhà hàng chay, cửa hàng, văn phòng, nhà bếp, khu vườn, nhà máy) làm việc không lương. Cư dân ghé thăm trung tâm Asoke sau khi làm việc để cống hiến nhiều giờ làm việc cho Asoke miễn phí. Với người dân Asoke, công việc là thiền định. Mỗi thời điểm là thiền qua tập trung, ý thức và nhận thức về thế giới (Heikkilä-Horn, 1997).

KẾT LUẬN

Chúng ta không thể loại trừ nghèo đói cùng cực mà không chia sẻ công bằng hơn tài nguyên của thế giới. Không thể đạt giáo dục tiểu học cho mọi người mà không có một cam kết xã hội để tài trợ công cộng (nếu không, ai sẽ huấn luyện và trả lương cho giáo viên, xây dựng trường học, và cho phép trẻ em nghèo đến trường?). Các lý luận tương tự cũng đúng với việc cung cấp dịch vụ y tế phổ quát, miễn phí tại địa điểm dịch vụ, cải thiện sức khỏe bà mẹ, giảm tử vong trẻ em, cuộc chiến chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác.

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ một lần nữa liên quan đến việc tái phân phối của giáo dục, sự giàu có và quyền lực để được thực sự chia sẻ. Phát triển quan hệ đối tác cho phát triển toàn cầu sẽ là giấc mơ không thể thực hiện khi không phát triển được tình đoàn kết quốc tế của người nghèo; hoặc không có thách thức những cách mà tư bản toàn cầu dựa vào cạnh tranh quốc tế để tạo công việc khó khăn nhất, trả lương ít nhất và điều kiện làm việc tồi tệ nhất. Chúng ta không thể đảm bảo môi trường bền vững nếu chúng ta không nhận ra rằng nguồn tài nguyên của hành tinh và con người đã bị khai thác nhằm thu lợi cá nhân trong những cách giống nhau.

Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) sẽ chỉ là sáo ngữ nếu không chiếm đoạt và phân phối lại tài nguyên. Nghèo của một người bị gây ra bởi sự giàu của một người khác. Chúng ta chỉ đạt được mục tiêu MDGs một cách tạm thời, vì những mục tiêu cá nhân của chủ nghĩa tư bản về tham lam, tích tụ và bá quyền của tài nguyên đã lái thế giới theo hướng ngược lại.

Phương cách của Phật giáo để thực hiện các mục tiêu nhất thiết phải liên quan đến nghi vấn cơ bản chủ nghĩa tư bản và một liên minh với chủ nghĩa Marx. Marx và Phật là anh em!

>> TÀI LIỆU THAM KHẢO

Theo THƯ VIỆN HOA SEN

Tags: , , , , , , ,