Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Biểu tượng tâm linh văn hóa Việt

Giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sự trao truyền được thực hiện qua nhiều thế hệ kéo dài cho tới tận ngày nay. Đó là một hệ thống ý thức hệ gồm đất nước, dân tộc và đoàn kết.

Đó là một tư tưởng mà sau này Bác Hồ đã đúc kết lại. Khi hòa bình lập lại, chiến thắng Điện Biên Phủ xong, chúng ta tiếp quản Thủ đô, không ngẫu nhiên mà Bác Hồ lại ghé vào Đền Hùng. Bác nghĩ rằng phải vào đó để tạ ơn tổ tiên và nói một câu rất ngắn nhưng vô cùng ý nghĩa rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Rồi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn lúc nào hết chúng ta cần có liên kết cộng đồng và dân tộc, chúng ta lại nâng tiếp giá trị tinh thần và thăng hoa giá trị của lễ hội Đền Hùng.

Một gia đình lớn

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh, dù trong lúc đất nước thái bình hay trong khi vận mệnh cam go nhất, Vua Hùng vẫn hiện diện như một nguồn lực vô tận xuyên suốt thời gian và không gian, đến với mỗi người dân Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên là một hành vi văn hóa, ý thức đạo đức và bổn phận của mỗi người. GS Ngô Đức Thịnh cho rằng nếu coi tín ngưỡng là nét văn hóa đẹp của dân tộc thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có lẽ là nét văn hóa mang đậm nét nhất về quan niệm sống, cách đối nhân xử thế của con người Việt Nam. Tính độc đáo tiêu biểu trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh nằm ở chính tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Việc coi quốc gia – dân tộc như một “gia đình lớn”, lấy khuôn phép ứng xử gia đình, gia tộc để tạo thành khuôn khổ ứng xử của xã hội giúp thống nhất một hệ ý thức Việt Nam là điều không phải quốc gia nào cũng có.

TS Peter Knecht (Đại học Aichi Gakuin, Nhật Bản) cũng cho rằng, người Việt thờ cúng tổ tiên mà tiêu biểu là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sợi chỉ gắn kết người Việt khắp mọi miền đất nước lại với nhau. Còn theo PGS-TS Diana Thram (Đại học Rhodes, Nam Phi), người có 20 năm nghiên cứu Lễ hội Đền Hùng, tín ngưỡng thờ Hùng Vương chính là sợi chỉ đỏ tâm linh, động lực tinh thần gắn kết toàn dân tộc, nên người Việt ở đâu cũng muốn hành hương về đất Tổ. Đại diện phụ trách báo chí UNESCO đánh giá: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là một cuộc hôn nhân tuyệt đẹp giữa những giá trị tâm linh và những giá trị khoa học”.

Hơn thế nữa, trong tiềm thức của con dân đất Việt, đức Hùng Vương đã trở thành đấng tối linh được ngưỡng mộ và thờ cúng như những vị tổ của dân tộc từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Hội Đền Hùng đã phát triển thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ… Đó chính là nét văn hóa độc đáo của Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam mà rất hiếm có hình mẫu tương tự ở các nước khác trên thế giới. Thực tế không chỉ có 108 đền, đình ở Phú Thọ thực hành di sản này mà trên khắp đất nước Việt Nam từ Bắc tới Nam đều có những đình đền thờ cúng Hùng Vương. Và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng mang tính tâm linh của Việt Nam có quy mô rộng lớn nhất.

Sức sống trường tồn

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước, có lẽ chưa có một quốc gia nào trên thế giới có tín ngưỡng thờ Tổ với phạm vi rộng lớn và trường tồn qua hàng ngàn năm lịch sử như ở Việt Nam. Nói về sức sống trường tồn của di sản, TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh, những nguồn sử liệu cho thấy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã phát triển mạnh từ rất lâu trước khi chính thức được vinh danh vào thời Hậu Lê (1428 – 1788). Những triều đại phong kiến đều rất chú trọng và khuyến khích người dân duy trì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Theo GS Ngô Đức Thịnh, đến thời Nguyễn, hệ thống đền miếu để thờ và hình thành nên quy cách thờ cúng bắt đầu xây dựng. Lịch sử còn ghi lại chi tiết rất hay đó là thời Nguyễn khi xây dựng quy cách thờ cúng Hùng Vương 2 năm một lần, triều đình sẽ cử các quan ra để thay mặt vua tế Quốc Tổ. Còn những năm lẻ, triều đình ủy thác cho làng – nơi giữ hương hỏa vua Hùng cúng giỗ. Những năm như vậy, triều Nguyễn gửi ra 3 đấu gạo nếp thơm để dân nấu dâng lên Quốc Tổ. Đến xã hội chúng ta dù đất nước chia cắt 2 miền, ở ngoài Bắc chúng ta có Đền Hùng thì miền Nam cũng xây dựng biểu tượng Hùng Vương. Như vậy, thời nào cũng thế, vận nước lúc thịnh lúc suy nhưng không năm nào quên ngày giỗ Tổ.

Ngày nay, dựa trên các nghiên cứu khảo cổ học ở di chỉ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun – chúng ta lại càng có cơ sở khẳng định chứng cứ lịch sử của thời đại Hùng Vương dựng nước, càng có cơ sở khoa học để chứng minh sự tồn tại trường tồn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương càng ngày càng thấm sâu vào ý thức hệ tư tưởng của người dân Việt Nam, làm thức dậy những tình cảm sâu lắng nhất trong mỗi người dân, là chất keo sơn gắn bó người Việt với nhau, là cốt lõi tạo nên bản lĩnh của dân tộc.

Theo SÀI GÒN TIẾP THỊ

Tags: , ,