Các xu hướng khủng hoảng trong chủ nghĩa tư bản và lý thuyết hành động giao tiếp của J. Habermas

Trường phái Frankfurt(1) là một phong trào triết học xã hội và chính trị tư tưởng ở châu Âu những năm 1920 – 1930 nhằm phát triển và giải thích các tư tưởng của K. Marx. Habermas là một trong những nhà tư tưởng quan trọng nhất của trường phái này, là kiến trúc sư chính của thuyết phê phán mới. Những tư tưởng của ông hiện vẫn có nhiều ảnh hưởng trong chính trị hiện đại, đặc biệt là ở một số nước châu Âu.

Các xu hướng khủng hoảng trong chủ nghĩa tư bản và lý thuyết hành động giao tiếp của J. Habermas

Bài viết của TS Bùi Việt Hương, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12/2015

1. Khủng hoảng trong chủ nghĩa tư bản

Thế giới nói chung và châu Âu nói riêng đã và đang trải qua các cuộc khủng hoảng trong những thập niên đầu thế kỷ 21. Năm 2005, một bản hiến pháp được đề xuất đã bị một số quốc gia thành viên của EU từ chối, chủ yếu do những người ủng hộ đã không thuyết phục được một tầm nhìn lớn về một châu Âu được tích hợp về mặt pháp lý, xã hội và chính trị. Vào những thời điểm như vậy, các học giả châu Âu lại bàn nhiều hơn về Habermas – người được coi là nhà triết học vĩ đại nhất còn sống của châu Âu.

Trong những tác phẩm của mình cách đây nhiều thập kỷ, Habermas đã bắt đầu đánh giá lại những “cơ hội tự chuyển hóa của chủ nghĩa tư bản tiên tiến” và nhấn mạnh vào vấn đề khủng hoảng xã hội trong chủ nghĩa tư bản (CNTB). Trong cuốn sách “Khủng hoảng tính chính đáng”, ông trình bày bốn khuynh hướng khủng hoảng chính trong CNTB:

1) Khủng hoảng kinh tế (economic crisis)
2) Khủng hoảng tính chính đáng (legitimation crisis)
3) Khủng hoảng sự hợp thức hóa (rationality crisis)
4) Khủng hoảng động lực (motivation crisis)

Do những mâu thuẫn từ bên trong, như Marx đã phân tích, CNTB dễ bị khủng hoảng kinh tế. Các cuộc khủng hoảng này có thể diễn ra theo chu kỳ kinh doanh. Kết quả là nhà nước đóng một vai trò lớn hơn trong việc quản lý nền kinh tế để sẵn sàng đối phó với khủng hoảng. Việc tăng cường vai trò của nhà nước lại hàm chứa mâu thuẫn giai cấp. Điều này mở ra xu hướng khủng hoảng thứ hai mà Habermas gọi là khủng hoảng tính hợp lý, một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ triết lý về chức năng điều tiết của nhà nước, triết lý về việc trao đi lợi ích kinh tế để giữ lại tính chính đáng. Khủng hoảng tính chính đáng xảy ra khi các công dân phải chịu một sự “thâm hụt dân chủ”, là khi mọi người cảm thấy không được đại diện hoặc những người họ bầu ra quá vô trách nhiệm với cử tri, vì đặc tính của dân chủ trong xã hội hiện đại là dân chủ đại diện thực chất hoặc có sự tham gia. Các nhà nước có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tính hợp lý nếu nó không đáp ứng được các nhu cầu của nền kinh tế, và một cuộc khủng hoảng chính đáng, nếu nó mất đi sự ủng hộ của cộng đồng công dân. Xu hướng thứ tư là khủng hoảng động lực, xảy ra khi các nền văn hóa bị xói mòn, một sự suy yếu của đạo đức làm cho người dân, nhất là giới trẻ, không phản hồi hoặc thờ ơ với những việc tiếp thêm nhiên liệu cho nền kinh tế và hoạt động của nhà nước.

Habermas cho rằng CNTB “không có khả năng quyết định một cách chắc chắn” các cơ hội tự chuyển hóa(2) do không chắc chắn về việc ngăn chặn vĩnh viễn khủng hoảng kinh tế. Và thậm chí nếu có thể thì liệu điều này có thể dẫn đến các khủng hoảng khác? Ông tin rằng chính các tính năng của CNTB tiên tiến tạo ra sự không chắc chắn này. Một mặt, sự mở rộng mức độ kiểm soát của nhà nước trong nền kinh tế, và mặt khác, sự suy giảm của mâu thuẫn giai cấp, đã giúp “các nước tư bản tiên tiến nhất thành công trong việc giữ nó (khủng hoảng xã hội) tiềm ẩn trong phạm vi quyết định của mình, nhờ đó thỏa hiệp giai cấp … đã trở thành một phần cấu trúc của chủ nghĩa tư bản tiên tiến và ý thức giai cấp bị phân mảnh”(3). Điều này có xu hướng dẫn đến các khủng hoảng phi kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tính chính đáng và động lực, “bởi vì hệ thống kinh tế đã hủy bỏ chức năng tự chủ của nó trong quan hệ với nhà nước, các hình thức biểu hiện của khủng hoảng trong chủ nghĩa tư bản tiên tiến cũng đã mất đi đặc tính tự nhiên của chúng”(4). Kết quả là CNTB sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hệ thống không mong đợi. Khủng hoảng kinh tế đang chuyển vào hệ thống chính trị vì CNTB cho rằng sự hợp thức hóa có thể bù đắp cho sự thiếu hụt tính chính đáng. Trong trường hợp này, hệ thống văn hóa, hệ thống giáo dục ít có khả năng sản xuất đủ động cơ chính trị.

Trước đó, trường phái Frankfurt đã nhấn mạnh vào sự thay đổi ý thức chính trị của các tầng lớp xã hội, quan tâm tới tính chính đáng và động lực, nhưng Habermas và những người bị ảnh hưởng bởi công trình của ông (nhận thức nhiệm vụ của họ là tái cấu trúc lý thuyết Marx), không trình bày mối quan tâm của họ về giai cấp xã hội theo sự bất hợp tác giữa giai cấp lao động và xã hội tư bản, mà theo “độ trễ” của mâu thuẫn giai cấp. Habermas đặt ra một câu hỏi mà các lý thuyết về CNTB tiên tiến phải làm rõ: “những khuynh hướng khủng hoảng đối kháng giai cấp nào tạm thời bị kiềm chế, nhưng chưa được giải quyết, sẽ bộc lộ?”

Những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008 và khu vực đồng euro, mùa xuân Ả rập và các phong trào chống CNTB bắt đầu từ năm 2010,… cho thấy rằng việc phân tích các xu hướng khủng hoảng của Habermas vẫn còn thích hợp. Khi đối mặt với những khủng hoảng như vậy, các quốc gia có xu hướng tái cấu trúc. Những thay đổi trong chính trị hiện đại, những thay đổi do những động lực được tạo ra bởi các chi tiết cụ thể của xã hội hiện đại – không chỉ có chiều cạnh kinh tế nghiêm ngặt mà còn từ chiều cạnh văn hóa – xã hội của xã hội dân sự và nhà nước. Ông có xu hướng coi hội nhập châu Âu chỉ đơn thuần là các cách mới mà hệ thống nhà nước châu Âu – đỉnh cao của thể chế chính trị duy lý – tự quản lý mình và hiểu những phát triển là sự lặp đi lặp lại hoặc mở rộng hơn nữa sự phát triển của các quốc gia dân tộc, chứ không phải báo hiệu một sự thay đổi về chất trong lịch sử.

Trong một thời đại của các siêu quốc gia, pháp luật dường như vẫn tồn tại như là thước đo thích hợp để đo lường chất lượng và mức độ của sự thay đổi, cũng như các khả năng tiến bộ chính trị, để hiểu những thay đổi xã hội. Mục tiêu của tự do và bình đẳng có thể đạt được thông qua giao tiếp trong xã hội chứ không phải thông qua các thể chế giống nhau. Nhiều nhà nghiên cứu sau nàyxuất phát từ cácnghiên cứu chuyên đề của Habermas về sự biến đổi cấu trúc của lĩnh vực công, đã đưa ra những suy nghĩ về quá trình xã hội và các sự kiện trong xã hội hiện đại như cuộc biểu tình chống doanh nghiệp và sự lan truyền mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội.

2. Lý thuyết hành động giao tiếp và dân chủ thảo luận

Một trong những triết lý chính trị quan trọng của trường phái Frankfurt nằm trong thái độ đối với hệ tư tưởng. Theo các nhà lý luận của trường phái này, hệ tư tưởng là giả dối, lịch sử không phải là một quá trình khách quan mà là quá trình mang tính mục đích luận. “Các ý tưởng cầm quyền trong mọi thời đại là ý tưởng của giai cấp cầm quyền và công nghệ hiện đại có thể làm tăng tính hiệu quả để những ý tưởng này được cấy trong xã hội nói chung”(5). Chính vì vậy, theo Marcuse, cái cần tồn tại trước, thay thế cho cách mạng xã hội là cách mạng con người. Không phải sự thống trị của xã hội công nghiệp mà sự thống trị của ý thức một chiều là nguyên nhân đầu tiên của mọi cái ác trong xã hội. Nó điều khiển nhận thức của đại chúng nhờ phổ biến các nhu cầu nhân tạo, tha hóa và các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong xã hội công nghiệp phát triển, nhà công nghiệp bằng mọi giá tạo ra những nhu cầu mới ở người lao động, qua đó kích thích cuộc chạy đua tiêu dùng. Người tiêu dùng tự huyễn hoặc về tự do, về sự trải nghiệm một cuộc sống toàn vẹn và không có nhu cầu chống lại hệ thống sản xuất – tiêu dùng ấy hay thủ tiêu nó bằng cách mạng(6). Nói cách khác, con người mất đi chiều cạnh phê phán xã hội, chiều cạnh từng đưa họ ra khỏi khuôn khổ của cái hiện tồn, chỉ ra triển vọng cách mạng. Như vậy, sự thống trị trong xã hội là sự thống trị của hệ tư tưởng, của ý thức hệ. Mọi hành vi của con người, mọi phong trào xã hội, thực ra, không phải là sự khách quan của lịch sử phát triển mà là sản phẩm có chủ đích của những người đang nắm quyền điều hành xã hội về mặt tư tưởng, văn hóa và kinh tế. Từ cách nhìn nhận như vậy, các nhà lý luận Frankfurt cho rằng mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu từ tư tưởng; thay đổi nhận thức của xã hội là tiền đề quan trọng trong mọi cuộc cách mạng và đấu tranh cách mạng là đấu tranh chính trị.

Habermas tạo ra lý thuyết về hành động giao tiếp, cung cấp quan điểm lịch sử về quá trình chuyển đổi từ nền văn hóa truyền thống và lĩnh vực công cộng dân chủ sang phương tiện truyền thông đại chúng và xã hội tiêu dùng. Trong một xã hội dân chủ, các cá nhân “kiểm soát có ý thức” những quá trình xã hội ảnh hưởng đến họ và cơ hội sống của họ. Xã hội công nghệ chỉ có thể là hợp lý nếu các chính sách của nó là đối tượng kiểm soát của công chúng. Điều này chỉ có thể nếu tất cả các thành viên của xã hội có cơ hội như nhau để tham gia vào các cuộc thảo luận, và điều này có liên quan đến khái niệm về sự chuyển đổi của xã hội theo hướng sẽ cho phép một năng lực giao tiếp cho tất cả các thành viên của xã hội. Mục tiêu cuối cùng của giải phóng xã hội nằm ngay trong chính xã hội đó và trong mọi hành động và lời nói. Khi con người học được cách giao tiếp, sự thống trị sẽ dân chủ thay thế bằng giao tiếp, tự nhiên biến từ đối tượng thành bạn hữu, hành động có mục đích hợp lý biến thành tương tác có biểu tượng giữa người với người.

Trong lý thuyết của Habermas, khái niệm quyền lực giao tiếp được coi như một biểu hiện sự tự trị chính trị của công dân. Ông kế thừa ý tưởng về sức mạnh truyền thông từ Hannah Arendt để chỉ ra cách quyền lực chính trị và quyền lực hành chính được hợp thức hóa bằng các phương tiện truyền thông công cộng, hướng sự chú ý của mình vào việc mở rộng triết lý chính trị tự do và xây dựng một lý thuyết về dân chủ thảo luận. Chủ quyền phổ biến được duy trì bằng các quyền và năng lực của công chúng tham gia vào các đàm luận về các vấn đề chính trị. Tính hợp pháp của quyền lực chính trị và quyền lực hành chính phải được truy trở lại nền tảng của nó trong việc hình thành ý chí của công chúng thông qua diễn đàn công cộng. Ông cũng thấy vai trò ngày càng quan trọng của các phương tiện truyền thông trong chính trị và cuộc sống hàng ngày và cách thức các lực lượng xã hội sử dụng truyền thông và văn hóa thúc đẩy chương trình nghị sự và lợi ích riêng.

Với Habermas, quyền lực giao tiếp là một biểu hiện của quyền tự trị chính trị của công dân và nó là cần thiết để khắc phục những chiến lược nông nổi và xung đột quyền lực thống trị trong xã hội. Quyền lực giao tiếp tạo ra sự cân bằng và làm tăng tính chính đáng của quyền lực thể chế. Quyền lực chính trị – hành chính xuất phát từ các khuôn khổ cạnh tranh chính trị, thể hiện bá quyền của một dự án xã hội nhất định hoặc sự thỏa hiệp giữa các dự án xã hội. Ngược lại, sức mạnh truyền thông liên quan đến một khái niệm quyền lực dựa trên một thỏa thuận tập thể. Nó thể hiện sự đồng thuận đạt được thông qua các cơ chế hình thành ý chí chính trị của công dân dựa trên tính chính đáng đạo đức của các chuẩn mực hành động chung. Quyền lực giao tiếp (quyền lực xã hội chiến lược) không bắt nguồn từ sự cạnh tranh chính trị, nó xác định các khung đạo đức – hiến pháp, trong đó quyền lực chiến lược vận hành(7).

Habermas nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đại chúng và truyền thông xã hội trong việc tạo ra sự thống trị và phân tích các tác động xã hội và tư tưởng của văn hóa. Ông phân tích cách ngành công nghiệp văn hóa và xã hội tiêu dùng hợp thức hóa tư tưởng của xã hội tư bản và tích hợp các cá nhân, bao gồm cả giai cấp lao động vào đời sống xã hội tư bản; từ đó, ông đi tìm một chiến lược mới cho sự thay đổi chính trị(8). Nếu trong “Con người một chiều” của Marcuse, vai trò của truyền thông được tuyệt đối hóa như một công cụ nhào nặn ý thức và hành vi của con người trong xã hội công nghiệp phát triển thì đối với Habermas, để có quyền lực giao tiếp, con người cần phải được duy lý hóa và sự duy lý là một quá trình tự nhận thức và lý trí, những cái sẽ tạo ra sự vô tư và hành động chuyên nghiệp. Thực tế, dân chủ hóa là một quá trình giao tiếp thăm dò hơn dân chủ thủ tục (Trenz và Eder, 2004). Các mối quan hệ quyền lực giao tiếp không nên hấp thụ sức mạnh xã hội hoặc chống lại nó mà nên phản ánh sự cân bằng quyền lực xã hội, dù trong một số trường hợp, quyền lực xã hội có thể bị can thiệp bởi sức mạnh truyền thông. Đối với dân chủ, quyền lực giao tiếp cần được đặt trong một cam kết đạo đức vì nó không thể chỉ là sự bảo đảm các quyền pháp lý – chính trị mà là hành động thành lập nền dân chủ, tự trị chính trị. Ông đồng ý rằng lĩnh vực công cộng tự nó không thể dấy lên câu hỏi thảo luận liên quan đến logíc cốt lõi của hệ thống chính trị nhưng truyền thông chính trị trong các lĩnh vực công cộng là tương thích với nền dân chủ thảo luận. Những nỗ lực nghiên cứu, phân tích từ năm 1986 đến 2006 của ông đưa đến kết luận rằng quyền lực giao tiếp, khi hoạt động đúng, thông suốt có thể hấp thụ sự khác biệt của quyền lực xã hội bằng đức hạnh trong thảo luận và hình thành ý chí công chúng cũng như các thủ tục thảo luận.

Trong các nền chính trị hiện đại, khi có những tình huống mới xuất hiện, các nhà nước lại kêu gọi đổi mới dân chủ. Điều này thể hiện được các tiềm năng cho việc mở rộng sự tham gia của công chúng và quyền lực giao tiếp trong thời kỳ đương đại, có thể được gắn vào thể chế và một số cơ quan pháp lý – chính trị. Việc tái cơ cấu các tổ chức dân chủ phải tạo ra năng lực để giải quyết các vấn đề xã hội phòng ngừa các nguy cơ và bế tắc. Quyền giao tiếp không chỉ là trao quyền hợp pháp chính thức mà còn là các điều khoản trong đó tính hợp pháp được hình thành. Các mối quan hệ giữa việc xây dựng xã hội về đạo đức và sức mạnh truyền thông trở nên năng động hơn, đặt vào không gian và bối cảnh thời gian của cấu trúc văn hóa, các nhóm xã hội và sắp xếp thể chế. Ông nói tới việc cải cách ý thức của con người như nhân tố xã hội phát sinh, chủ yếu và mang tính quyết định(9).

Đối với nhiều nhà lý luận và thực tiễn phương Tây, sức mạnh truyền thông mà Habermas xây dựng dựa trên ý tưởng của Hannah Arendt là một phần không thể thiếu cho hoạt động phê phán và xác định các tiềm năng của xã hội, đóng góp quan trọng vào việc khám phá và sáng tạo để giải quyết những vấn đề chung trong chính trị hiện đại. John Sitton tập trung vào các luận điểm của Habermas về xã hội hiện đại và sự bất mãn của nó, cho rằng hơn bốn thập kỷ qua Habermas đã phát triển một lý thuyết sáng tạo và gây tranh cãi về xã hội tư bản hiện đại. Habermas tìm kiếm các dấu hiệu của xung đột xã hội hiện đại và cùng lúc tìm kiếm khả năng chống lại các xung đột này. Lý thuyết của ông về “hành động giao tiếp” được coi là đã chứng tỏ khả năng chuyển hướng tới một đời sống xã hội cân bằng hơn, không làm mất đi các tính năng thực sự tiến bộ của xã hội hiện đại phức tạp trong xã hội đương đại. Quan điểm của Habermas cũng cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của các phương tiện truyền thông trong chính trị và cuộc sống hàng ngày và những cách thức mà lực lượng xâm chiếm lĩnh vực này, bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông và văn hóa thúc đẩy chương trình nghị sự và lợi ích riêng của họ.

Mặc dù các công trình của các nhà tư tưởng Frankfurt nói chung và của Habermas nói riêng có mối quan hệ có phần không rõ ràng với chủ nghĩa Marx, nhưng nó có thể được xem như sự đáp ứng nhu cầu của trí thức cánh tả thẩm định lại lý thuyết Marxist, đặc biệt là mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn trong hoàn cảnh mới. Frankfurt hiện không còn tồn tại với tư cách là một trường phái lý thuyết, nhưng nó vẫn tiếp tục cuộc sống của mình thông qua các nhà tư tưởng như Habermas.

________________

Chú thích:

(1) Trường phái Frankfurt ban đầu là một trung tâm nghiên cứu học thuyết Marxist, (Viện Nghiên cứu Xã hội) được thành lập tại Frankfurt, Đức năm 1923. Có ba xu hướng chính phát triển và giải thích các tư tưởng của Marx: phong trào Dân chủ Xã hội, chủ nghĩa Lênin và chủ nghĩa Marx phương Tây. Trường phái Frankfurt thuộc xu hướng thứ ba.
(2), (3), (4) Habermas: Legitimation Crisis, Polity Press, 1988, tr.40, 38-39, 92-93.
(5) Tom Bottomore: The Frankfurt School and its Critics, Rouge, 2002, tr.18.
(6) Người lao động bị bóc lột vừa với tư cách là người sản xuất, vừa với tư cách người tiêu dùng nhưng địa vị của họ không thay đổi. Trong trường hợp đặc biệt, họ có thiên hướng đấu tranh nhằm cải thiện tình cảnh của mình, đòi tiền công cao hơn, tức mở rộng khả năng tiêu dùng, tiếp tục chạy đua tiêu dùng và họ đánh mất năng lực để chống lại nó.
(7) Xem Patrick O’Mahony: “Habermas and communicative power”, Journal of Power, 2010 3:1, 53-73.
(8) Xem Douglas Kellner: “The Frankfurt School”, https://pages.gseis.ucla.edu
(9) Theo Nguyễn Chí Hiếu, Đỗ Minh Hợp: Chủ nghĩa Marx phương Tây (Trường phái Frankfurt), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr.58.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,