Người Marxist hành thiền như thế nào?

Thiền là phương tiện giải trừ Thượng đế trong thế giới tư sản. Với người Marxist, thực hành thiền là một hành động xã hội có tính cách mạng về bản chất.

Người Marxist hành thiền như thế nào?

Bài viết của Tiến sĩ Adrian Chan-Wyles, người sáng lập kiêm Giám đốc của Học viện Thiền Phật giáo ở London, Anh quốc.

Nguồn: How Marxists Should Meditate, Adrian Chan-Wyles, Buddhist-Marxism Alliance (UK), 2014.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net. Các tiêu đề phụ do Redsvn.net đặt.

 “Cái học thuyết duy vật chủ nghĩa cho rằng con người là sản phẩm của những hoàn cảnh và của giáo dục, rằng do đó con người đã biến đổi là sản phẩm của những hoàn cảnh khác và của một nền giáo dục đã thay đổi, cái học thuyết ấy quên rằng chính những con người làm thay đổi hoàn cảnh và bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục. Bởi vậy, học thuyết đó tất phải đi đến chỗ chia xã hội thành hai bộ phận trong đó có một bộ phận đứng lên trên xã hội. Sự phù hợp giữa sự thay đổi của hoàn cảnh với hoạt động của con người, chỉ có thể được quan niệm và được hiểu một cách hợp lý khi coi đó là thực tiễn cách mạng”

Karl Marx: Luận cương về Feuerbach

.

Thượng đế và mô hình tâm lý tư sản

Với những người Marxist, thực hành thiền là việc thực hiện một hành động xã hội có tính cách mạng về bản chất. Với họ, mục đích của thiền không có gì khác hơn là phá vỡ dòng nhận thức sai lầm đã được nuôi dưỡng, được nạp vào tâm trí con người qua kinh nghiệm từ khi mới sinh. Đó là sản phẩm của môi trường kinh tế – xã hội tất yếu của lịch sử – môi trường mang bản chất tư sản. Đó là sức ép nặng nề của giới tư sản trung lưu và phương thức giao tiếp có tính bóc lột cao với công nhân, giai cấp tạo nên cơ cấu chính của cấu trúc kinh tế – xã hội. Cấu trúc kinh tế – xã hội đó thấm vào mọi mặt của sự đời sống, có lợi cho một số it người và hủy diệt nhiều người. Nó cũng tạo ra trong tâm trí con người một thứ tâm lý phản chiếu lại mọi sự thái quá của thế giới tư sản bên ngoài mà họ đã hấp thụ.

Bị áp đặt trái ý muốn, giai cấp công nhân là một tập hợp nhiều cá nhân, đã hành xử một cách bản năng đối với bản thân mình và có thái độ hiếu chiến, tương tác kém với những người khác. Điều cơ bản trong tâm lý bất lực mặc định này là các công nhân suy giảm quyết tâm kháng cự lại quyền lực áp bức từ thế giới bên ngoài. Thay vào đó, họ lại cạnh tranh một cách vô nghĩa với những người công nhân khác cũng đang nhận thức sai lầm.

Nhận thức này lại có ích cho hệ thống tư sản thời điểm đó vì nó đã lấy đi của những người công nhân sức mạnh tinh thần và ý chí để hiểu biết chân thực về thực tế. Trong tuyệt vọng, giai cấp công nhân đổ lỗi cho nhau, cho những người nhập cư, người thiểu số, những kẻ thù tưởng tượng khác mà không bao giờ hướng sự chú ý đến chính giới tư sản. Nhiều người không muốn trút giận vào giới tư sản mà họ tích tụ lòng căm thù bấy lâu nay nên chuyển hướng sang tôn giáo. Họ tự an ủi mình bằng niềm tin vào những điều kỳ diệu, kiên nhẫn chờ đợi một loại “đấng cứu thế” đột ngột hiển lộ và thay đổi những bất công trong thế giới bên ngoài một cách kỳ diệu. Những người khác nữa thì theo đúng con đường của lòng cuồng tín và bào chữa rằng trật tự tư sản là ý chí của một “Thượng đế” tưởng tượng.

Trong bối cảnh đó, Thượng đế không có gì khác hơn là một hình ảnh lãng mạn hóa của nhà nước tư sản áp bức. Sức mạnh kinh tế xã hội đã đàn áp số đông trong mọi khoảnh khắc cuộc đời họ. Những người đại diện cho sức mạnh đó là có thật, như một sức nặng vô hình đè lên vai mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Và sức mạnh kinh tế xã hội đó cũng có vẻ xa cách với số đông. Đó là lý do vì sao khái niệm “Thượng đế” tưởng tượng trong truyền thống Do Thái – Thiên Chúa giáo phải chịu đựng nghịch lý phi logic của việc có một mặt “tốt” và một mặt “xấu” rạch ròi trong mọi thứ. Điều này, dĩ nhiên, chính là cách cư xử của nhà nước tư sản: Trao thưởng cho sự tuân thủ cấu trúc bất công của nó, và ngược lại là trực tiếp hoặc gián tiếp trừng phạt những người cố gắng vạch trần bản chất thật hoặc tìm cách lật đổ sự cai trị không ai dám nghi ngờ đó bằng vũ lực.

Tôn giáo không phải là câu trả lời cho sự đàn áp kinh tế – xã hội mà chính là một biểu hiện bản chất của sự đàn áp đó. Một người Marxist nên tránh và bỏ qua một cách chọn lọc những khía cạnh tôn giáo mang tính phản tác dụng và suy thoái như thế. Sự cuồng tín là nhà nước tư sản tích cực trên trái đất mà trong trí tưởng tượng của những người đã chịu đựng sự chuyên chế độc ác của nó thì nó “tồn tại trên bầu trời như một thiên đường thần thoại”.

Phật giáo trong xã hội tư sản

Phật giáo bị xuyên tạc thành thứ tôn giáo cuồng tín bởi những điều kiện xã hội, chính là thể hiện của mô hình tư sản kể trên. Nó được biểu lộ thông qua nền văn hóa “Phật giáo” được diễn giải một cách mơ hồ bởi những người phương Tây xa lạ với văn hóa châu Á, hoặc những người châu Á chịu ảnh hưởng bởi khuynh hướng đế quốc tư sản.

Phật giáo mắc kẹt trong sự cuồng tín không phải là đạo Phật mà Đức Phật đã giảng dạy. Sự cuồng tín chính xác là những gì Đức Phật đấu tranh chống lại và làm cách mạng triệt để ở Ấn Độ cổ đại. Đức Phật nhắc tới đức tin Bà La Môn trong “nghiệp tất định” (deterministic karma, nghiệp lực là điều tất yếu của số phận định sẵn không thể thay đổi được – Chú thích của người dịch) và “các Thượng đế đa thần” như là sản phẩm của tâm trí chưa được khai sáng. Phật dạy rằng hệ thống phân chia đẳng cấp, chủng tộc dựa trên sự lừa dối của nhà nước tôn giáo, và tôn giáo trong thời đại của ngài đã hoàn toàn suy vong.

Cốt lõi trong giáo lý của Phật là sự miêu tả rất cẩn thận mối quan hệ giữa tâm trí con người và thế giới bên ngoài. Tâm trí nhận thức và thế giới được nhận thức không được xem là hai thực tại không liên quan và tách rời trong phân tích Phật giáo. Thay vào đó, tâm trí và thế giới vật chất được trình bày như hai khía cạnh riêng biệt của một biến thiên duy nhất. Đây là một quan điểm rất phù hợp với phân tích của Marx. Các kinh Phật phải được phân tích từ quan điểm Marxist rõ ràng.

Một số nội dung mang tính tôn giáo của Phật giáo có thể được xem là phần viết thêm từ các văn bản cổ đại (được bổ sung bởi những cá nhân phản động, không hiểu rõ thông điệp xuyên tôn giáo của đức Phật) và cần bỏ đi vì không có tác dụng tiến bộ. Bằng cách này, những giáo lý gốc của Đức Phật mới có thể được làm sáng tỏ. Đó là những giáo lý có tính phản biện cao về một xã hội phân biệt đối xử quyền công dân phân tầng theo giai cấp của nó, và một xã hội dung nạp lòng tham, sự căm thù (sân), sự lừa dối (si) vào tâm trí các công dân.

Giống như cách nhà nước tư sản hiện đại hành xử như thể nó là phương tiện tồn tại khả thi và logic duy nhất, các biểu hiện kinh tế và sự phân biệt chủng tộc của hệ thống đẳng cấp Bà La Môn đã hàm ý một sự dối trá. Đó là sự lừa dối về một “Thượng đế” đã tạo ra nó (hệ thống đẳng cấp Bà La Môn) như một biểu hiện “thần thánh” không thể tranh cãi. Logic đảo ngược này đã khẳng định rằng sự đàn áp là đúng đắn, và mục đích của sự chịu đựng là thần thiêng. Do đó, sự xuyên tạc của giới tư sản về thực tế sẽ có lợi cho thiểu số hùng mạnh của nó, bằng cách giả định rằng việc đặt câu hỏi hoặc đối đầu với quy tắc cai trị tư sản là “phi lý”, trong khi sự thực là một hành động như thế là một hành động có tính logic cao mà chúng ta nên kỳ vọng.

Người Marxist với Phật giáo và thiền

Người Marxist phải đặt ra một câu hỏi rất quan trọng, đó là Đức Phật đã thật sự làm gì? Điều cốt lõi trong sự diễn giải của ngài là gì?

Phật giáo ở phương Tây hiện đại đã bị biến đổi thành một khuôn mẫu Do Thái – Thiên Chúa giáo giả tạo bởi những người cải đạo, và từ giờ cho đến khi Phật giáo được minh oan, Phật giáo ở phương Tây vẫn bị coi là một “tôn giáo” và bị khước từ. Hiểu được điều này thì người Marxist mới có thể thực hành thiền và chia Phật giáo trong thực tiễn thành hai nhóm:

1) Tôn giáo, bị bóp méo, tư bản, phản động và phản cách mạng, phục vụ giới tư sản trung lưu và tất cả các xu hướng tư sản (bao gồm cả Thiên Chúa giáo)

2) Tiến bộ, cách mạng, có tính cộng sản, phản tôn giáo, phát triển, giáo dục, phục vụ người lao động.

Rõ ràng đức Phật không thu tiền cho 45 năm giảng dạy của ngài – không có đồng tiền nào được trao đổi qua tay dưới bất kỳ hình thức nào và bất kỳ lý do nào. Phật giáo tư sản được phương Tây hóa theo thông lệ sẽ thu một số tiền lớn cho các khóa thiền không có gì khác ngoài việc tập trung vào hơi thở khi nó đi vào và rời khỏi cơ thể. Giáo viên của các khóa này đã sao chép hành vi đàn áp của nhà thờ Thiên Chúa thời trung cổ, và xác nhận sự thống trị số đông bằng cách lên mặt tỏ vẻ trong các lớp học thiền. Đây là thứ tâm lý cũ kỹ của sự cuồng tín cần phải bị diệt trừ trong một xã hội văn minh.

Giống như cách một cuộc cách mạng Cộng sản được tiến hành thông qua kỷ luật tập thể áp dụng cho các thành viên, người Marxist khi hành thiền sẽ áp dụng kỷ luật cho cả tâm trí lẫn thể xác của mình, đồng thời áp dụng một kỹ thuật thiền phù hợp.

Mục đích của hoạt động này là để:

a) Làm cho tâm trí bình tĩnh.
b) Nhận thức được mô hình tâm lý tư sản hình thành từ sự áp bức.
c) Tiêu diệt tận gốc mô hình tâm lý tư sản đó.
d) Nâng cao sự tập trung và trí tuệ.
e) Thực hiện cuộc cách mạng về nhận thức của tâm trí.
f) Duy trì một lối sống tiến bộ và phát triển cho tâm trí – cơ thể.
g) Đạt được sự chuyển hóa hoàn toàn.

Dù có vẻ giống với một hành động biệt lập nhưng hành thiền trong thực tế lại là một hành động có ý nghĩa xã hội rất quan trọng. Đó là việc học để xoay sở và vượt lên những hạn chế của sự lập trình tâm lý do hoàn cảnh xã hội. Việc học này có thể được tích hợp thành công với những hình thức hoạt động xã hội khác và cả việc nghiên cứu các tài liệu Marxist.

Phương pháp của Đức Phật là một hệ thống giải phóng tâm trí khỏi sự tự giới hạn, tự lệ thuộc, đồng thời sẵn sàng cho việc nhận thức thực tế một cách tối ưu và phi tôn giáo. Những lời dạy của Đức Phật không có gì nằm ngoài mục tiêu này. Một cách tự nhiên, một người thuộc tầng lớp lao động sẽ chịu bất lợi do hệ thống tư sản, và những người thiếu kỷ luật, thiếu giáo dục và sự hiểu biết đều có thể bắt đầu quá trình tự kỷ luật bằng cách thực hành thiền Phật giáo, để làm rõ tâm trí mình. Sau đó, họ có thể sử dụng kỷ luật này để trở thành một phần của một chương trình cấp tiến năng động vì giai cấp công nhân trong xã hội.

Thiền là việc sử dụng sức mạnh ý chí trực tiếp, không có gì khác hơn. Thiền trong Phật giáo ở góc độ thuần khiết nhất của nó là phi tôn giáo và không chấp nhận kinh nghiệm tôn giáo như một phương tiện để vượt qua sự áp bức.

Nói chung, khoa học về thiền là một hình thức tự phân tích tâm lý tiên tiến tập trung vào điều kiện của các giai tầng, một phạm vi rộng lớn hơn là trải nghiệm cá nhân. Tuy nhiên, cách làm của khoa học thiền là đối chiếu trải nghiệm cá nhân với trải nghiệm tập thể bằng cách diệt trừ sự bóc lột trong tâm trí, vì tâm trí là bộ lọc mà mọi trải nghiệm đều được nhận thức thông qua nó, và cũng là bộ lọc mà mọi hành vi bị áp đặt, tạo động lực và biểu lộ. Không có gì trong bản chất con người tự do khỏi những ảnh hưởng tàn bạo của sự áp đặt tư sản.

Đối với những người bị áp bức, không được hưởng thành quả giáo dục, sự giàu có và cơ hội trong một xã hội tư bản tàn nhẫn, thiền có thể phục vụ như một phương tiện phát triển bản thân mà không phụ thuộc vào tiền bạc hay đặc quyền. Để điều này thành hiện thực, các giáo viên dạy thiền tốt ngoài khả năng giảng dạy hiệu quả cần làm việc bằng thiện nguyện thay vì lợi nhuận. Thuyết giảng Phật pháp với tinh thần không vụ lợi theo truyền thống châu Á cổ đại , bởi vì đó là một thái độ giáo dục đúng đắn.

Giảng dạy miễn phí không có nghĩa là chất lượng loại hai hay dưới tiêu chuẩn mà phải được thực hiện với năng lực cao nhất, đơn giản vì việc này không bị thúc đẩy bởi lòng tham và lợi nhuận. Một giáo viên thiền trong thực tế là một nhà tâm lý và nhà phân tâm học có khả năng hướng dẫn người học cách dùng một phương pháp thiền một cách chuyên sâu.

Cũng như mọi trường hợp khác, người Marxist khi đã hiểu được giá trị của thiền sẽ không để cho tâm trí mình rơi vào các biểu hiện cuồng tín và cực đoan. Theo cách này, tâm trí có thể được chuyển hóa để tạo thuận lợi cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội.

 >> Marx và Phật: Một tuyên ngôn chung của Phật giáo và Cộng sản
>> Thiền học Phật giáo – phương tiện cách mạng của người Marxist thế kỷ 21
>> Khi Karl Marx thực hành Phật pháp
.

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Tags: , , , , , ,