Luận cương về Feuerbach

“Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới” – Karl Marx.

Luận cương về Feuerbach

“Luận cương về Feuerbach” được Karl Marx viết tại Bruxelles vào mùa xuân năm 1845 và nằm trong tập “Bút ký” của Marx những năm 1844-1847. Những luận cương này được F. Engels công bố lần đầu tiên vào năm 1888, trong phụ lục của bản in riêng tác phẩm “Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”; trong đó ghi rõ địa điểm và thời gian viết luận cương.

Đầu đề “Luận cương về Feuerbach” do Viện nghiên cứu chủ nghĩa Marx-Lenin đặt ra căn cứ theo lời nói đầu của Engels viết cho cuốn “Ludwig Feuerbach” của ông. Trong phụ lục của cuốn sách này, luận cương mang đầu đề: “Marx bàn về Feuerbach”. Trong “Bút ký” của Marx, đầu đề là: “Về Feuerbach”.

Để độc giả dễ hiểu hơn văn kiện này, vì văn kiện này Marx viết ra không phải cốt để in, Engels đã sửa một số chỗ về mặt biên tập khi xuất bản vào năm 1888. Trong bản in này, “Luận cương” được in đúng hình thức mà Engels đã xuất bản, chỉ bổ sung, căn cứ vào bản thảo của Marx, cách viết ngả một số chữ và ngoặc kép mà bản in năm 1888 bỏ sót. [Chú thích của Nxb. Chính trị quốc gia]

Nguồn: K. Marx và F. Engels. Toàn tập. Tập 3. (1845-1847). Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia, 1995. Bản điện tử: http://www.cpv.org.vn

Nguyên bản tiếng Đức: http://www.mlwerke.de/me/me03/me03_005.htm

Bản dịch tiếng Anh: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1845/theses

————————————

1. Khuyết điểm chủ yếu của toàn bộ chủ nghĩa duy vật từ trước đến nay – kể cả chủ nghĩa duy vật của Feuerbach – là sự vật, hiện thực, cái cảm giác được, chỉ được nhận thức dưới hình thức khách thể hay hình thức trực quan, chứ không được nhận thức là hoạt động cảm giác của con người, là thực tiễn, không được nhận thức về mặt chủ quan. Thành thử mặt năng động đuợc chủ nghĩa duy tâm phát triển, đối lập với chủ nghĩa duy vật, nhưng chỉ phát triển một cách trừu tượng, vì chủ nghĩa duy tâm dĩ nhiên là không hiểu hoạt động hiện thực, cảm giác được, đúng như là hoạt động hiện thực, cảm giác được. Feuerbach muốn xem xét những khách thể cảm giác được, thực sự khác biệt với những khách thể của tư tưởng, nhưng ông không xem xét bản thân hoạt động của con người, như là hoạt động khách quan. Bởi thế, trong “Bản chất đạo Cơ Đốc”, ông chỉ coi hoạt động lý luận là hoạt động đích thực của con người, còn thực tiễn thì chỉ được ông xem xét và xác định trong hình thức biểu hiện Do Thái bẩn thỉu của nó mà thôi. Vì vậy, ông không hiểu được ý nghĩa của hoạt động “cách mạng”, của hoạt động “thực tiễn – phê phán”.

2. Vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan không, hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận mà là một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý, nghĩa là chứng minh tính hiện thực và sức mạnh, tính trần tục của tư duy của mình. Sự tranh cãi về tính hiện thực hay tính không hiện thực của tư duy tách rời thực tiễn, là một vấn đề kinh viện thuần túy.

3. Cái học thuyết duy vật chủ nghĩa cho rằng con người là sản phẩm của những hoàn cảnh và của giáo dục, rằng do đó con người đã biến đổi là sản phẩm của những hoàn cảnh khác và của một nền giáo dục đã thay đổi, – cái học thuyết ấy quên rằng chính những con người làm thay đổi hoàn cảnh và bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục. Bởi vậy, học thuyết đó tất phải đi đến chỗ chia xã hội thành hai bộ phận trong đó có một bộ phận đứng lên trên xã hội (chẳng hạn như ở Rô-bớc Ô-oen [Robert Owen]).

Sự phù hợp giữa sự thay đổi của hoàn cảnh với hoạt động của con người, chỉ có thể được quan niệm và được hiểu một cách hợp lý khi coi đó là thực tiễn cách mạng.

4. Feuerbach xuất phát từ sự thực là sự tự tha hoá về mặt tôn giáo, từ sự phân đôi thế giới thành thế giới tôn giáo, thế giới tưởng tượng, và thế giới hiện thực. Công việc của ông là hoà tan thế giới tôn giáo vào cơ sở trần tục của nó. Ông không thấy rằng, sau khi làm xong việc ấy rồi thì còn điều chủ yếu vẫn chưa làm được. Cụ thể là cơ sở trần tục tự tách khỏi bản thân nó để lên ở trên mây thành một vương quốc độc lập lập, điều đó chỉ có thể giải thích được bằng sự tự chia cắt và sự tự mâu thuẫn của cơ sở trần tục ấy. Do đó, trước hết phải hiểu bản thân cơ sở trần tục ấy trong mâu thuẫn của nó và sau đó cách mạng hoá nó trong thực tiễn bằng cách xoá bỏ mâu thuẫn đó. Do đó, một khi người ta đã phát hiện ra, chẳng hạn, rằng gia đình trần tục là cái bí mật của gia đình thần thánh thì chính gia đình trần tục là cái mà người ta phải phê phán về mặt lý luận và cách mạng hoá trong thực tiễn.

5. Feuerbach không hài lòng với tư duy trừu tượng, đã nhờ đến trực quan của cảm giác; nhưng ông không coi tính cảm giác là hoạt động thực tiễn của cảm giác con người.

6. Feuerbach hòa tan bản chất tôn giáo và bản chất con người. Nhưng bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội.

Không phê phán bản chất hiện thực đó, nên Feuerbach buộc phải:

—– 1: không nói đến quá trình lịch sử và xem xét tình cảm tôn giáo [Gemut] một cách biệt lập và giả định một cá nhân con người trừu tượng, cô lập.
—– 2: do đó, ở Feuerbach bản chất con người chỉ có thể được hiểu là “loài”, là tính phổ biến nội tại, câm, gắn bó một cách thuần túy tự nhiên đông đảo cá nhân lại với nhau.

7. Vì thế, Feuerbach không thấy rằng bản thân “tình cảm tôn giáo” cũng là một sản phẩm xã hội và cá nhân trừu tượng mà ông phân tích, trên thực tế, là thuộc một hình thức xã hội nhất định.

8. Đời sống xã hội, về thực chất, là có tính chất thực tiễn. Tất cả những sự thần bí đang đưa lý luận đến chủ nghĩa thần bí, đều được giải đáp một cách hợp lý trong thực tiễn của con người và trong sự hiểu biết thực tiễn ấy.

9. Điểm cao nhất mà chủ nghĩa duy vật trực quan, tức là chủ nghĩa duy vật không quan niệm tính cảm giác là hoạt động thực tiễn, vươn tới được là sự trực quan về những cá nhân riêng biệt trong “xã hội công dân”.

10. Quan điểm của chủ nghĩa duy vật cũ là xã hội “công dân”; quan điểm của chủ nghĩa duy vật mới là xã hội loài người, hay loài người xã hội hoá.

11. Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới.

Do K. Marx viết vào mùa xuân năm 1845

Do F. Engels công bố lần đầu tiên năm 1883 trong phụ trương của tác phẩm in thành sách riêng của ông: “Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”.

In theo bản in xuất bản năm 1888 có đối chiếu với bản thảo viết tay của K. Marx

Nguyên văn và tiếng Đức

Theo CPV.ORG.VN 

Tags: ,