Karl Marx: Vừa ngưỡng mộ, vừa muốn đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản

Karl Marx là một nhà trí thức theo nghĩa đầy đủ của từ này. Nhưng ông cũng là một người hành động, mà theo ông tư tưởng phải phục vụ cho việc cải tạo xã hội.

Karl Marx: Vừa ngưỡng mộ, vừa muốn đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản

Bài viết của GS Gilles Dostaler (1946 – 2011), một nhà kinh tế chuyên về nghiên cứu và giảng dạy lịch sử tư tưởng kinh tế, dành phần lớn sự nghiệp của mình tại Đại học Quebec ở Montreal, Canada.

Nguồn: “Marx: admirateur et adversaire du capitalisme”, G. Dostaler,Alternatives économiques Poche no.057, 10/2012.

Biên dịch: Huỳnh Thiện Quốc Việt.

Trong số các tác phẩm của các nhà nhà kinh tế lớn trong lịch sử, chính tác phẩm của Karl Marx đã dấy lên nhiều đam mê nhất. Bị một số nhà kinh tế gièm pha và ghét bỏ, được một số nhà kinh tế khác tôn sùng và ca ngợi, tên của ông đã được đặt cho một thế giới quan, cho những trào lưu tư tưởng và cho những phong trào chính trị. Những bài viết của ông đã khơi mào cho một kho văn liệu bao la, từ lời chú giải bí hiểm đến những lời phê bình cay độc nhất, ngang qua một cuộc đời được tô hồng. Và đó là điều xảy ra cho chủ nghĩa Marx cũng như cho hầu hết các trào lưu tư tưởng lớn gắn với tên một tác giả: Thường người ta không còn nhận ra người thầy ở các môn đồ mà hầu hết đều không đọc sách của thầy. Khi sống đã là một người quan trọng, ảnh hưởng của tư tưởng ông là rất lớn trong suốt thế kỷ 20. Tư tưởng đó vẫn phần nào tồn tại sau sự sụp đổ của nhiều chế độ chính trị từng viện đến ông. Thật vậy, người ta còn lâu mới ngưng tự hỏi Marx muốn nói điều gì.

Cải tạo thế giới

Là một tiến sĩ triết học, là người ham đọc sách và viết văn, với những lĩnh vực quan tâm vô cùng đa dạng, Marx là một nhà trí thức theo nghĩa đầy đủ của từ này. Nhưng ông cũng là một người hành động, mà theo ông tư tưởng phải phục vụ cho việc cải tạo xã hội. Khi còn trẻ, trong các cột báo của tờ Gazette rhénane, tờ báo của phe đối lập tự do tiến bộ chống lại chính thể chuyên chế Phổ, ông viết bài phê phán những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội, những thuật ngữ hoán đổi cho nhau lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ông ngày càng bị ấn tượng nhiều bởi các vấn đề xã hội phát sinh từ sự công nghiệp hóa. Đến Paris năm 1843, ông tham gia các nhóm xã hội chủ nghĩa trong đó có Liên đoàn những người chính nghĩa, một tổ chức bí mật được thành lập năm 1836. Ông gặp Proudhon, Bakunin và các nhà tư tưởng cấp tiến khác, và từ lúc ấy tự tuyên bố là người cộng sản. Ông nhanh chóng tự khẳng định mình như là một trong những người thúc đẩy có nhiều ảnh hưởng nhất của một phong trào xã hội chủ nghĩa đang phát triển nhanh vào đêm trước các cuộc khởi nghĩa cách mạng năm 1848.

Trong cuốn Thesen über Feuerbach (Luận cương về Feuerbach), năm 1845, ông viết: “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới“. Đó là điều mà ông cố thực hiện, trong đó có việc tham gia thành lập và hoạt động của Liên đoàn những người cộng sản, từ Liên đoàn những người chính nghĩa, mà ông là người viết bản tuyên ngôn, và đặc biệt tham gia Hội Quốc tế Lao động, hay Quốc tế thứ nhất. Ông phục vụ cho những nhiệm vụ trên và cho công trình nghiên cứu và bài viết của ông với một sức khỏe lúc nào cũng bấp bênh và một cuộc sống cá nhân và gia đình thường xuyên ở ngưỡng của sự khốn khổ. Nếu không có sự giúp đỡ liên tục của người bạn chí thân Friedrich Engels, người điều hành trong hai mươi năm một nhà máy dệt may ở Manchester, có lẽ ông sẽ không bao giờ có thể thực hiện công trình của ông.

Trở thành người xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên, Marx vẫn muốn là người thực tế và ôn hòa. Cùng lúc với việc ông chê bai không mệt mỏi những người ủng hộ và nịnh hót trật tự hiện hành, ông không ngừng phê phán kịch liệt và chống lại những người theo phái vô chính phủ, Blanqui, Proudhon và tất cả những người mà ông gọi là không tưởng.

Sợi chỉ dẫn đường

Giống như Adam Smith và John Maynard Keynes, Karl Marx trước tiên không phải là một nhà kinh tế. Đối với ông, kinh tế học nằm trong phạm vi một tầm nhìn tổng quát về xã hội và lịch sử mà nó phụ thuộc. Khi xây dựng kinh tế học, ông dựa vào một nhà tư tưởng mà ông duy trì một mối quan hệ yêu-ghét, nhà triết học Friedrich Hegel. Học ở Berlin, Marx gia nhập phong trào những nhà Hegel trẻ, những môn đồ cấp tiến của người thầy đã mất năm 1831. Từ Hegel, ông tiếp nhận phương pháp phân tích sự vận động của lịch sử, phép biện chứng, trong khi vẫn bác bỏ chủ nghĩa duy tâm, có nghĩa là quan niệm muốn rằng chỉ có những ý tưởng và sự tiến hóa của những ý tưởng mới giải thích được lịch sử thế giới. Ông đối lập với Hegel trên cách tiếp cận, được gọi là “chủ nghĩa duy vật lịch sử“, theo đó “phương thức sản xuất đời sống vật chất thống trị nói chung sự phát triển của đời sống xã hội, chính trị và trí tuệ“. Ông giải thích sự vận động của lịch sử bằng sự phát triển của những mâu thuẫn giữa năng lực sản xuất, lực lượng sản xuất của một xã hội và các quan hệ giữa các giai cấp xã hội trong sản xuất, các quan hệ sản xuất. Đối với ông, chính mâu thuẫn trên mới giúp phân tích và giải thích sự quá độ từ chế độ nô lệ đến chế độ phong kiến, ​​và từ chế độ phong kiến đến chủ nghĩa tư bản.

Chủ nghĩa xã hội, mà cuối cùng Marx rất ít khi đề cập đến, do đó được sinh ra từ sự phát triển những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Từ đó, ông đã vạch ra được chương trình nghiên cứu của mình. Đó là việc nghiên cứu, trong kinh tế học chính trị, “sự giải phẫu của xã hội dân sự“. Tác phẩm Le Capital, critique de l’économie politique (Tư bản, phê phán kinh tế học chính trị) là kết quả của công trình khổng lồ trên. Chỉ có quyển thứ nhất trong ba quyển được xuất bản lúc Marx còn sống. Chính Engels, từ khối lượng khổng lồ các bản thảo để lại của người bạn mình, là người chuẩn bị cho việc xuất bản các quyển thứ hai và thứ ba của tác phẩm.

Giá trị và giá trị thặng dư

Trong phân tích của ông về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, Marx lấy cảm hứng từ một tác giả khác, mà ông cũng duy trì một mối quan hệ yêu-ghét mới, là David Ricardo. Ông ngưỡng mộ sự chính trực khoa học của “nhà kinh tế tư sản” này, người không ngại phơi bày những đối kháng của xã hội tư bản chủ nghĩa. Bằng cách biến đổi nó, ông phát triển lý thuyết của Ricardo đặt cơ sở cho giá trị dựa trên lao động. Đối với Marx, giá trị của mọi hàng hóa, hình thái sơ khai của của cải tư bản chủ nghĩa, phát sinh từ thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa ấy, với một lao động sống của người công nhân và một lao động chết, vì nó nằm trong các tư liệu sản xuất.

Như vậy vấn đề là tìm ra nguồn gốc thu nhập của các giai cấp giàu có, các nhà tư bản và người thực lợi. Marx giải thích rằng lợi nhuận, tiền lãi và tiền tô có một nguồn gốc duy nhất, giá trị thặng dư. Giá trị thặng dư xuất phát từ việc làm của người lao động vượt quá thời gian cần thiết để tái tạo sức lao động của họ, mà bản thân sức lao động này là một hàng hóa: Giá trị được tạo ra của những người làm thuê vượt quá giá trị tương ứng với tiền lương của họ, mà Marx gọi là tư bản khả biến. Tỷ suất giá trị thặng dư, tỉ số giữa giá trị thặng dư và tư bản khả biến, đo lường sự phân phối thu nhập quốc gia giữa những người làm thuê và nhà tư bản và các đồng minh của họ, và như vậy thể hiện sự bóc lột người lao động. Từ cuộc đấu tranh xung quanh việc ấn định tỷ suất giá trị thặng dư đó, đặc biệt được biểu hiện trong cuộc đấu tranh về thời gian lao động trong ngày, Marx lấy làm chủ đề trung tâm của cuộc điều tra sâu sắc của ông về sự tiến hóa của chủ nghĩa tư bản.

Các cuộc khủng hoảng kinh tế và sự hấp hối của chủ nghĩa tư bản

Đối với Marx, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không mang tính vĩnh cửu. Nó xuất phát từ sự phân hủy của xã hội phong kiến. Sự tích lũy nguyên thủy đi kèm với việc truất quyền tàn bạo sở hữu của nông dân và của người sản xuất thời Trung Cổ “được viết trong biên niên sử của nhân loại bằng máu và lửa không thể xóa nhòa“. Tuy nhiên, trong cuốn Manifeste communiste (Tuyên ngôn cộng sản), Marx viết một bài ca tụng sự tiến bộ kinh tế từ quá trình chuyển tiếp từ chế độ phong kiến ​​sang chủ nghĩa tư bản. Với một số sửa đổi, bài viết này có thể được coi là một bài ca tụng sự toàn cầu hóa hiện nay.

Nhưng đối với ông, hệ thống trên cũng bị lên án về lâu về dài. Không có giải pháp nào cho những mâu thuẫn giữa tư bản và lao động trong phạm vi của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Các cuộc khủng hoảng kinh tế là những triệu chứng của căn bệnh nan y này. Các phân tích về chúng tạo thành chủ đề chính của cuốn Capital (Tư bản) và phần ít hoàn tất nhất của tác phẩm. Marx thăm dò nhiều hướng để lý giải, làm phát sinh nhiều lý thuyết Marxist về khủng hoảng. Trước tiên ông kết hợp chúng với sự thiếu vắng kinh niên các tiêu trường, điều mà Rosa Luxemburg gắn với hiện tượng của chủ nghĩa đế quốc như là một cách để liên tục tìm kiếm những thị trường mới. Các sơ đồ tái sản xuất được Marx phát triển trong quyển thứ hai của tác phẩm Capital (Tư bản), lấy cảm hứng từ Quesnay và truyền cảm hứng cho Keynes sau này, mô tả các điều kiện cân bằng giữa các khu vực sản xuất lớn, khu vực của sản phẩm tiêu dùng và khu vực của sản phẩm đầu tư. Việc phi tập trung hóa các quyết định kinh tế trong thực tế sẽ ngăn việc đạt được sự cân bằng trên.

Trong quyển thứ ba của tác phẩm Capital (Tư bản), tiếp theo Smith, Ricardo và Mill, Marx khẳng định rằng tỷ suất lợi nhuận bình quân, tỉ số giữa lợi nhuận và tổng tư bản đầu tư, tư bản bất biến tương ứng với chi phí các tư liệu sản xuất và tư bản khả biến cần thiết để trả tiền công lao động, có xu hướng giảm trong dài hạn trong các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, về vấn đề này ông đưa ra một lời giải thích khác với những người đi trước ông: Đối với Marx, lao động thặng dư không trả cho người làm thuê về lâu về dài không thể tăng bằng với gia tăng của chi phí của tư bản gắn với sự cơ giới hóa ngày càng tăng của sản xuất. Sự sụt giảm về tỷ suất lợi nhuận này sẽ gây ra sự suy giảm định kỳ của sự tích lũy và khủng hoảng. Thất nghiệp gia tăng, xuất phát từ tình trạng trên, sẽ giúp tạm thời khôi phục tỷ suất lợi nhuận và thúc đẩy trở lại nền kinh tế. Nhưng Marx tin rằng hệ thống không thể hồi phục và ông sẽ chứng kiến sự hấp hối của con bệnh ngay khi mình còn sống.

Gần một thế kỷ rưỡi qua đi, bệnh nhân vẫn mạnh khỏe và thậm chí còn béo lên nữa. Thực tế của cuộc đấu tranh giai cấp, việc “con người làm nên lịch sử“, theo như chính lời ông, cuối cùng đã tỏ ra chính xác hơn tầm nhìn tất định, gắn với các xu hướng thực chứng của thời bấy giờ, về một chủ nghĩa tư bản tất yếu sớm muộn gì cũng sẽ tiêu vong. Có điều phải thừa nhận là tác phẩm vĩ đại và chưa được khám phá hết của Marx đã chứa đựng những luận thuyết làm sáng tỏ một cách sắc sảo nhiều khía cạnh của bản chất, sự vận động và các cuộc khủng hoảng của các xã hội đương đại.

 Các yếu tố của đại số Marxist

C = tư bản bất biến, được sử dụng để mua tư liệu sản xuất.
V = tư bản khả biến, được sử dụng để mua sức lao động (tiền lương).
PL = giá trị thặng dư, giá trị được người làm thuê tạo ra vượt quá chi phí của sự tái tạo giá trị sức lao động được cụ thể hóa bằng tiền lương hay “lao động thặng dư” (lợi nhuận). Từ đó chúng ta suy ra hai mối quan hệ sau:
PL / V = ​​tỷ suất giá trị thặng dư
PL / (C + V) = tỷ suất lợi nhuận

.
Karl Marx qua vài năm tháng

1818: sinh ra ở Trèves, Rhénanie.
1835: đăng ký vào học khoa Luật, đại học Bonn.
1836-1841: học tại đại học Berlin.
1841: lấy bằng tiến sĩ triết học tại đại học Jena.
1842: trưởng ban biên tập của Gazette rhénane, một tờ báo theo trường phái tự do xuất bản ở Cologne.
1843: kết hôn với Jenny von Westphalen. Họ sống ở Paris vào tháng Mười.
1844: Viết Ökonomisch-philosophischen Manuskripte aus dem Jahre 1844 (Các bản thảo năm 1844), xuất bản năm 1932.
1845: bị trục xuất khỏi nước Pháp vào tháng Giêng, Marx sống ở Bỉ. Die deutsche Ideologie (Hệ tư tưởng Đức), đồng tác giả với Engels, xuất bản năm 1932. Xuất bản cuốn Die heilige Familie, Kritik der kritischen Kritik (Gia đình thần thánh), đồng tác giả với Engels.
1846: thành lập ở Brussels Ủy ban liên lạc cộng sản.
1847: thành lập ở London Liên đoàn những người cộng Sản. Misère de la philosophie (Sự khốn cùng của triết học).
1848: bị trục xuất khỏi Bỉ, Marx nắm quyền điều hành báo Nouvelle gazette rhénane ở Cologne. Das Kommunistische Manifest (Tuyên ngôn cộng sản), đồng tác giả với Engels.
1849: bị trục xuất khỏi ​​Cologne, và sau đó khỏi Paris, Marx sống ở London, đến hết cuộc đời.
1852: Marx trở thành phóng viên châu Âu cho báo New York Daily Tribune. Der achtzehnte Brumaire des Louis Bonaparte (Ngày 18 tháng Sương Mù của Louis Bonaparte).
1857: Viết cuốn Grundrisse der Kritik der politischen Ökonomie (Cơ sở của sự phê bình về kinh tế học chính trị (Grundrisse), xuất bản năm 1939.
1859: Zur Kritik der politischen Ökonomie (Góp phần phê phán kinh tế học chính trị).
1861-1863: Viết cuốn Theorien über den Mehrwert (Các lý thuyết về giá trị thặng dư), xuất bản từ năm 1905 đến năm 1910.
1864: thành lập Hội quốc tế những người lao động, giải thể năm 1876.
1867: Das Kapital (Tư bản), quyển thứ nhất.
1871: The Civil War in France: Address of the General Council of the International Working-Men’s Association (Nội chiến ở Pháp).
1883: Mất, ngày 14 tháng Ba.
1885: Das Kapital (Tư bản), quyển thứ hai.
1894: Das Kapital (Tư bản), quyển thứ ba.

.
Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Marx

Marx-Engels Gesamtausgabe, Dietz, hàng trăm tập đã được xuất bản kể từ năm 1975. Œuvres, coll. Bibliothèque de la Pléiade, Gallimard, 4 vol., 1965, 1968, 1982 et 1995.
Le Capital, Livre I, Champs, Flammarion, 1985.
Nhiều tựa đề khác ở NXB Editions sociales.

Những tác phẩm viết về Marx

Passion Karl Marx, Daniel Bensaïd, Textuel, 2001.
Que faire “Capital”?, Jacques Bidet, PUF, 2001.
La monnaie chez Marx, Suzanne de Brunhoff, Editions sociales, 1967.
Marx et le capitalisme, Bernard Chavance, Nathan, 1996.
Marx, la valeur et l’économie politique, Gilles Dostaler, Anthropos, 1978.
Les paradoxes du capital, Gérard Jorland, Odile Jacob, 1995.
Introduction à l’économie de Marx, par Pierre Salama và Tran Hai Hac, La Découverte, 1992.
Karl Marx: Critical Assessments, John Cunningham Wood, Croom Helm, 4 vol., Londres, 1987.

.

Theo PHÂN TÍCH KINH TẾ

Tags: , ,