NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

44 – Chia tay

Cơn suyễn tồi tệ bây giờ cũng qua đi và tôi thấy hầu như khoẻ hẳn, mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn phải nhờ đến bình xịt của Pháp. Sự vắng mặt của Alberto làm tôi hụt hẫng. Tôi cảm thấy dường như bên hông tôi không có gì bảo vệ khỏi những đợt tấn công. Mỗi khi tôi quay sang để chia sẻ nỗi niềm với anh thì anh không còn ở đó nữa. Quả thật vào lúc này tôi không có gì để phàn nàn: được chăm sóc tử tế, có nhiều thức ăn ngon, và hy vọng trở về quê nhà tiếp tục học hành và nhận văn bằng để có thể hành nghề bác sĩ. Tuy nhiên, ý nghĩ chia tay đột ngột đã làm tôi phải ngậm ngùi, xúc động muốn khóc, lòng bồi hồi mãi không nguôi: Nhiều tháng trời bên nhau, cùng chia sẻ những gian khổ, thử thách và hoạn nạn, những niềm vui và nỗi buồn, những lúc liều lĩnh và cả những lỗi lầm lúc thật ngớ ngẩn, trẻ con, những kỷ niệm không bao giờ quên, những giấc mơ giống nhau trong cùng cảnh ngộ, càng làm chúng tôi gần gũi nhau, thương yêu nhau hơn bao giờ hết.

Những cảm xúc, ý nghĩ này cứ lởn vởn trong đầu tôi, và tôi thấy mình trôi xa khỏi trung tâm Caracas. Những căn nhà ở vùng ngoại ô nằm rất xa nhau. Caracas trải dài dọc theo một thung lũng hẹp, bị vây quanh và ép chặt giữa hai sườn thung lũng. Vì vậy, chỉ cần đi bộ một chút là bạn sẽ leo lên được những ngọn đồi xung quanh. Và ở đó, với cả thành phố trải dài dưới chân, bạn sẽ bắt đầu thấy một khía cạnh mới của thành phố nhiều mặt này. Người da đen, là giống dân tiêu biểu của châu Phi, vẫn còn giữ được nét thuần chủng của họ nhờ bởi họ không thích tắm. Họ đã chứng kiến quê cha đất tổ của mình bị người Bồ Đào Nha xâm lược. Hai giống dân này có một cuộc sống không yên ổn với nhau, sẵn sàng cãi vả, xung đột bất cứ lúc nào. Sự phân biệt chủng tộc và nghèo đói đã liên kết họ lại trong cuộc đấu tranh hằng ngày để tồn tại, nhưng cách sống khác nhau đã chia rẽ họ hoàn toàn: người da đen thì lười biếng, mơ mơ màng màng, làm được bao nhiêu thì đem xài phung phí hoặc để ăn nhậu hết; trong khi đó truyền thống làm lụng và tiết kiệm của người châu Âu đã theo họ đến cái xó xỉnh ở châu Mỹ này và khiến họ phải tiến lên, thậm chí nhiều khi phải hy sinh những ước muốn cá nhân.

Ở độ cao này không có những căn nhà bê tông, mà chỉ còn lại những căn nhà lụp xụp bằng gạch. Tôi nhìn vào một căn. Đó là một căn phòng được ngăn đôi bằng một tấm liếp, với một lò sưởi, một cái bàn và một đống rơm trên mặt đất dùng làm chỗ ngủ. Vài con mèo gầy trơ xương và một con chó ghẻ đang chơi đùa với ba đứa trẻ da đen trần truồng. Khói từ bếp lửa bay mù mịt khắp phòng. Một bà mẹ tóc quăn, vú xệ đang nấu nướng, bên cạnh là một bé gái khoảng 15 tuổi còn mặc quần áo. Tôi đứng ở ngoài cửa nói chuyện và yêu cầu họ cho chụp một tấm ảnh. Họ nhất quyết từ chối nếu như tôi không đưa cho họ tấm ảnh ngay sau khi chụp. Tôi cố giải thích rằng phim cần phải tráng rọi sau đó mới có ảnh, nhưng cũng vô ích mà thôi. Cuối cùng tôi hứa sẽ giao ảnh ngay, nhưng họ nhìn tôi nghi ngờ và từ chối thẳng. Một đứa nhỏ trốn ra ngoài chơi với bạn trong khi tôi đang nói chuyện với mấy người trong nhà. Cuối cùng, tôi đứng ở ngưỡng cửa, máy ảnh trong tay, tính sẽ chụp ảnh bất cứ ai thò đầu ra. Chúng tôi cứ canh chừng nhau như thế cho đến khi thằng nhỏ vô tình đạp xe trở về. Tôi ngắm và bấm máy nhưng kết quả thật là thảm hại. Để né không bị chụp ảnh, thằng nhỏ bẻ ngoặt tay lái và té xuống đất thật đau và khóc òa. Ngay lập tức đám người trong nhà quên hết nỗi sợ bị chụp ảnh và ào ra ngoài xỉ vả tôi. Tôi sợ hãi rút lui thật nhanh vì biết họ có tài ném đá rất giỏi, bỏ lại phía sau những tiếng chửi rủa, kèm cả một câu đầy miệt thị: “Đồ Bồ Đào Nha chó đẻ!”

Rải rác bên đường là những công-ten-nơ vận chuyển xe hơi mà người Bồ Đào Nha dùng làm nơi trú ẩn. Trong một công-ten-nơ như thế có một gia đình da đen đang sống. Thoạt nhìn tôi thấy một tủ lạnh mới tinh, và từ những công-ten-nơ khác người ta mở nhạc radio phát hết công suất. Những chiếc xe hơi mới đang đậu trước những “căn nhà” khốn khổ này. Đủ loại máy bay đang gầm rú trên trời và cho ra những ánh phản chiếu bàng bạc. Và ở dưới chân tôi là Caracas, thành phố của mùa xuân bất tận. Trung tâm thành phố đang bị đe dọa bởi những mái nhà lợp ngói đỏ trộn lẫn với những nhà cao tầng mái bằng. Nhưng có một cái gì đó cho phép màu vàng của những tòa nhà thời thuộc địa vẫn còn đứng vững, thậm chí ngay sau khi chúng bị xóa khỏi bản đồ thành phố: tinh thần của Caracas không bị làm suy đồi bởi lối sống phương bắc và vẫn còn bám rễ vào cái quá khứ thuộc địa của nó.

XEM TIẾP: 45 – Ánh sáng phía chân trời

Tags: ,