NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

35 – Làm khách không mời mà đến…

Chúng tôi chán nản cùng cực khi sáng hôm sau mới biết rằng người bạn Argentina đã cho chúng tôi thông tin không đúng và mẹ của anh ta đã lâu rồi không sống ở Oxapampa. Sống ở đó là một người anh em rể, vì vậy người này phải lãnh đủ trong việc giúp cho hai thân xác lang thang của chúng tôi khỏi chết đói. Sự tiếp đãi thật là nồng hậu và chúng tôi có một bữa ăn được làm ngay tại chỗ, nhưng chẳng bao lâu sau chúng tôi nhận ra rằng mình được tiếp đãi tử tế là do truyền thống lịch sự của người Peru. Nhưng chúng tôi quyết định quên hết mọi thứ để tiếp tục ăn tại nhà của những người bạn bất đắc dĩ, bởi chúng tôi đã cạn tiền và đã trải qua nhiều ngày đói khát.

Chúng tôi có một ngày thật tuyệt vời: tắm sông để cho tất cả ưu phiền tan biến, ăn nhiều thức ăn ngon và uống cà phê tuyệt hảo. Nhưng tất cả những điều tốt đẹp rồi thì cũng đau buồn đi đến hồi kết thúc, vì đến đêm ngày thứ hai, người kỹ sư (“ông chủ” của chúng tôi là kỹ sư) xuất hiện với một giải pháp có thể giúp ông thoát khỏi kiếp nạn này. Cách này không những hiệu quả mà còn đặc biệt rẻ: một thanh tra cầu đường đã đồng ý chở chúng tôi thẳng đến Lima. Đối với chúng tôi dường như đây là một ý kiến tuyệt vời, bởi vì chúng tôi muốn đến thủ đô để thử cải thiện thời vận. Nói một cách khác, đến Lima là một giải pháp vẹn toàn. Đêm hôm đó chúng tôi lên phía sau xe tải, và sau khi chúng tôi chịu trận với một cơn mưa lớn ướt tới tận xương, tài xế thả chúng tôi xuống San Ramon vào lúc hai giờ sáng, tức là chưa được nửa đường đến Lima. Tài xế nói rằng chúng tôi phải chờ trong khi hắn đổi xe và để trấn an, hắn để người phụ xế ở lại cùng chúng tôi. Sau 10 phút, gã đàn ông đó đi mua thuốc lá và cho đến năm giờ sáng thì hai gã thanh niên Argentina khôn ngoan này ăn sáng trong sự cay đắng khi nhận ra mình đã bị lừa. Tôi rủa thầm và cầu mong tên tài xế đó sẽ phải trả giá cho những lời nói dối của hắn: tài xế – dũng sĩ đấu bò sẽ chết trên chính cái sừng của một trong những con bò của hắn… (trong thâm tâm tôi biết có một điều gì đó không ổn nhưng dường như hắn là một người tốt mà chúng tôi đã tin tưởng … ngay cả câu chuyện đổi xe.)

Đến rạng sáng, chúng tôi gặp hai tên say rượu và chúng tôi đã sử dụng mánh lới cũ như sau:

1. Nói lớn một điều gì đó để người ta nhận biết chúng tôi là người Argentina, đại loại như nói điều gì có tiếng “che” cùng với một số tiếng lóng và làm ra vẻ lè nhè. Khi cá đã cắn câu, chúng tôi bắt đầu gợi chuyện.

2. Bắt đầu nói về những nỗi khốn khổ nhưng không nên nói nhiều quá, trong khi đó mắt nhìn về một hướng xa xăm.

3. Tôi xen vào và hỏi ngày tháng; một người nào đó trả lời và Alberto thở dài nói, “Thật là trùng hợp, ngày này năm ngoái…” Đối tượng sẽ hỏi đó là ngày gì ; chúng tôi đáp rằng đó là lúc chúng tôi bắt đầu chuyến đi.

4. Alberto, trơ tráo hơn tôi, buông ra một tiếng thở dài và nói, “Thật là tệ hại khi tụi tôi phải ở trong tình cảnh như thế này, tụi tôi không thể tổ chức lễ kỷ niệm” (anh nói thì thầm như muốn giãi bày). Đối tượng ngay lập tức sẽ đề nghị được chi trả; chúng tôi giả vờ từ chối, ý muốn nói là chúng tôi không thể trả lại… và cuối cùng chúng tôi đành phải chấp nhận sự giúp đỡ đó.

5. Sau ly đầu tiên, tôi cương quyết từ chối không uống nữa và Alberto tỏ vẻ khó chịu. Đối tượng có vẻ giận và cố ép tôi uống, nhưng tôi từ chối mà không cho biết lý do. Đối tượng hỏi tới hỏi lui cho đến khi tôi bối rối thú thật rằng tập quán của người Argentina là uống thì phải ăn. Chúng tôi ăn nhiều hay ít là tùy thuộc vào nét mặt của khổ chủ. Nói chung, đây là một mánh lới rất công phu.

Ở San Ramon chúng tôi lấy bổn cũ soạn lại, và lúc nào chúng tôi cũng được ăn uống no nê. Sáng hôm đó, chúng tôi nghỉ ngơi tại bờ sông – khung cảnh ở đây thật đẹp, nhưng chúng tôi không còn hơi sức để thưởng thức cái đẹp và nhìn đâu cũng cố hình dung ra cái gì thơm ngon có thể ăn được. Nhìn lén qua hàng rào gần đó, chúng tôi thấy những quả cam tròn trĩnh; và chỉ trong một phút, bụng chúng tôi căng đầy nhưng cũng chứa đầy vị chua của acid. Và thế là cơn đói trở lại cồn cào và dữ dội hơn trước. Đói lả người, chúng tôi đành phải vứt luôn chút ít xấu hổ còn sót lại để tìm đến một bệnh viện địa phương. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một người trong bệnh viện. Lần này Alberto cảm thấy rụt rè, và tôi phải lựa lời để nói:

“Thưa bác sĩ, tôi là sinh viên y khoa và bạn tôi là một nhà hóa sinh. Cả hai chúng tôi từ Argentina đến và chúng tôi đang đói bụng. Chúng tôi muốn ăn.” Trước một cú tấn tấn công bất ngờ đánh động đến điều gì đó tận tâm can như thế, vị bác sĩ kia không thể làm gì khác ngoài việc mua cho chúng tôi một phần ăn tại một nhà hàng quen. Thật là trơ tráo và thắng thắn biết chừng nào! Tôi thầm tự nhận xét mình.

Alberto sau đó xấu hổ quá nên không thốt lên được một lời cám ơn, và chúng tôi tiếp tục đón một chiếc xe tải khác. Giờ đây ngồi thoải mái trong cabin của tài xế, chúng tôi đang hướng đến Lima. Thỉnh thoảng tài xế lại bao chúng tôi một chầu cà phê. Xe chúng tôi đang leo lên một con đường núi cực kỳ hẹp và nguy hiểm. Trong khi tài xế đang vui vẻ kể về lịch sử của mỗi giao lộ trên suốt đường đi thì xe lao vào một ổ gà lớn nằm rõ ràng ở giữa đường. Nỗi lo sợ tài xế không biết lái xe trong chúng tôi ngày càng tăng, nhưng linh tính bảo chúng tôi rằng điều này không thể xảy ra được. Với lòng kiên nhẫn và sự nhã nhặn, cuối cùng Alberto cũng tìm hiểu được vấn đề. Người tài xế này có một lần bị tai nạn làm thị lực của anh rất kém, đó là lý do tại sao anh cứ lao vào ổ gà. Chúng tôi cố làm cho anh ta hiểu sự nguy hiểm – cho anh ta và cho hành khách. Nhưng tài xế rất ngoan cố: đây là công việc của anh ta và ông chủ trả anh ta thật nhiều tiền không phải để lái như thế nào mà là anh có đồng ý lái xe hay không. Ngoài ra anh còn phải mua bằng lái với một giá tiền rất đắt.

Khi xe chạy xuôi theo con đường được một đoạn thì chủ xe xuất hiện. Dường như ông rất vui vẻ đồng ý cho chúng tôi đi nhờ đến Lima, nhưng chúng tôi phải ẩn nấp khi đến trạm kiểm soát, vì xe chở hàng không được chở hành khách. Chủ xe là một người tốt, cho chúng tôi thức ăn suốt trên đường đến thủ đô. Tuy nhiên, trước khi đến thủ đô, chúng tôi đã chạy qua La Oroya, một thị trấn khai thác mỏ mà chúng tôi rất muốn ghé vào nhưng xe không thể dừng lại được. La Oroya ở độ cao khoảng 4.000 mét, và từ dáng vẻ hoang sơ của thị trấn, bạn có thể hình dung được cảnh đời khốn khổ của thợ mỏ ở đây. Những ống khói cao nhả khói đen, bồ hóng bám trên mọi vật, bám trên gương mặt của thợ mỏ đang đi trên đường, đường phố ảm đạm mịt mùng trong khói, tất cả kết hợp lại thành một màu xám tẻ nhạt, rất hợp với những ngày xám xịt ở miền núi. Chúng tôi vượt qua điểm cao nhất trên đường, khoảng 4.853 mét so với mặt biển, trong khi trời vẫn còn sáng và lạnh kinh khủng. Rúc mình trong tấm chăn, nhìn ra xung quanh, tôi lẩm bẩm những câu thơ chắp nối đủ loại trong tiếng gầm rú của chiếc xe tải.

Đêm đó chúng tôi ngủ ở ngoại ô thành phố, và sáng sớm hôm sau chúng tôi tiến vào Lima.

XEM TIẾP: 36 – Lima – Thủ đô Peru

Tags: ,