NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

33 – Hướng đến phương Bắc

Sau khi nghỉ ngơi hai ngày tại bệnh viện và đã hồi phục được phần nào sức khỏe, chúng tôi rời nơi đó để một lần nữa chấp nhận lòng tử tế của những người bạn của chúng tôi, những chiến sĩ biên phòng, những người vẫn vui vẻ đón tiếp chúng tôi như thường lệ. Chúng tôi đã cạn tiền nên hầu như không dám ăn thứ gì; chúng tôi không muốn đụng đến số tiền còn lại trước khi đến Lima, nơi chúng tôi hy vọng sẽ kiếm được một công việc làm có thù lao để tiết kiệm đủ tiền tiếp tục cuộc hành trình, bởi vì bây giờ chắc chắn là không còn có chuyện quay trở lại nữa.

Đêm chờ đợi đầu tiên trôi qua rất đẹp bởi vì viên trung úy phụ trách đồn biên phòng thân thiện và dễ gần đã mời chúng tôi ăn uống no say để đủ sức cho những gì đang chờ đợi phía trước. Tuy nhiên hai ngày tiếp theo là hai ngày buồn chán và đói. Chúng tôi không dám đi xa hơn trạm kiểm soát bởi vì đây là nơi các tài xế xe vận tải phải dừng lại để kiểm tra giấy tờ trước khi tiếp tục hành trình. Vào cuối ngày thứ ba, tức là ngày thứ năm chúng tôi ở lại Andahuaylas, xe xuất hiện kịp lúc chúng tôi đang đợi chờ mòn mỏi. Bởi vì trước đó Alberto đã phản ứng dữ dội khi thấy những binh sĩ biên phòng lăng nhục một phụ nữ thổ dân khi bà ta mang thức ăn cho chồng đang bị giam giữ. Phản ứng của anh ắt hẳn là hoàn toàn xa lạ với những người chỉ xem thổ dân không hơn gì những món đồ vật, được sống là may mắn lắm rồi. Sau chuyện đó, chúng tôi không còn được họ quý mến và ưu đãi như trước nữa.

Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi rời ngôi làng mà chúng tôi bất đắc dĩ trở thành tù nhân trong vài ngày. Chiếc xe tải bây giờ phải leo lên đỉnh những ngọn núi bảo vệ cửa ngõ phía bắc của Andahuaylas, và mỗi phút trời càng lạnh hơn. Khi lên đến đỉnh, chúng tôi hoàn toàn bị ướt sũng vì cơn mưa dông dữ dội của khu vực và lần này chúng tôi phải chống lại cơn mưa bằng cách chui vào thùng một xe tải đang chở 10 con bò con đến Lima và một thằng bé thổ dân phụ việc cho tài xế. Tất cả chúng tôi ngủ đêm tại một thị trấn tên là Chincheros. Lạnh quá, chúng tôi quên mình cũng là những người cùng khổ, không tiền, chúng tôi ăn một bữa ăn vô cùng đạm bạc và hỏi xin giường ngủ cho hai người. Không cần phải nói, kèm theo những lời thỉnh cầu là những giọt nước mắt và những lời than khóc phần nào làm động lòng người chủ: năm đồng sol cho mọi thứ. Cả ngày hôm sau xe chúng tôi đi từ hẻm núi đến những cánh đồng cỏ hoang mà người ta gọi là cao nguyên trên đỉnh những dãy núi xuyên suốt Peru. Địa hình của đất nước này hầu như không có chỗ nào bằng phẳng, ngoại trừ vùng rừng rậm Amazon. Nhiều giờ trôi qua và nhiệm vụ của chúng tôi càng trở nên khó khăn hơn vì những con bò quá mệt mỏi do phải đứng mãi một vị trí đã bắt đầu té ngã trước những cú dằn xóc của chiếc xe tải. Chúng tôi phải vực chúng dậy, bởi chúng có thể chết vì giẫm đạp lẫn nhau. Có lúc Alberto nghĩ là sừng của một con bò này làm trầy mắt một con bò khác và anh nói điều này với thằng bé thổ dân đứng gần đó. Với một cái nhún vai, nó nói, “Mặc kệ nó! Bò chỉ nhìn phân của nó thôi!” rồi lại lặng lẽ cột một cái nút đang làm dở. Cuối cùng chúng tôi đến Ayacucho, nổi tiếng trong lịch sử châu Mỹ La tinh về trận đánh có tính chất quyết định mà Bolivar đã giành chiến thắng trên vùng thảo nguyên vây quanh thị trấn. Hệ thống đèn đường kém cỏi là điều khó chịu cho toàn vùng đồi núi lởm chởm của Peru, đến đây lại càng tệ hại hơn, chỉ đủ sức phát ra những tia màu cam yếu ớt le lói trong đêm. Một người đàn ông có sở thích kết bạn với người nước ngoài đã mời chúng tôi nghỉ đêm tại nhà ông và ngày hôm sau tìm cho chúng tôi một chiếc xe tải đi tiếp về hướng bắc. Vậy nên chúng tôi chỉ có thể thăm một hoặc hai ngôi nhà thờ trong số 33 nhà thờ của thị trấn nhỏ bé này. Chúng tôi nói lời từ biệt với người bạn tốt rồi lên đường đến Lima.

XEM TIẾP: 34 – Băng qua Peru

Tags: ,