NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

21 – Nơi tận cùng của Chilê

Chặng đường từ Iquique đến Arica là những cây số trập trùng, hết lên dốc rồi lại xuống đồi. Chúng tôi được chở đi từ miền cao nguyên khô cằn đến những thung lũng chỉ có vài dòng nước nhỏ chảy qua, chỉ vừa đủ cung cấp cho một vài bụi cây nhỏ bé cằn cỗi ven đường. Những vùng đồng cỏ quạnh hiu này bốc lên hơi nóng ngột ngạt vào ban ngày, mặc dù cũng như những vùng khí hậu sa mạc khác, thời tiết cũng tương đối mát mẻ vào ban đêm. Ý nghĩ Valdivia và đoàn quân nhỏ bé của ông đã đi qua con đường này, mỗi ngày vượt 50 hoặc 60 cây số mà không tìm được một giọt nước hay ngay cả vài bụi cây để trú ẩn tránh những giờ nóng gay gắt nhất, đã cho tôi một ấn tượng rất mạnh.

Cuộc hành trình khủng khiếp này đã đưa chiến công của Valdivia trở thành một trong những chiến công hiển hách nhất của quá trình xâm chiếm thuộc địa của người Tây Ban Nha trong suốt lịch sử châu Mỹ, bởi vì có những nhà thám hiểm may mắn đã tìm thấy những vương quốc giàu có vào cuối những cuộc chiến chinh mạo hiểm, biến mồ hôi và xương máu của họ trong công cuộc chinh phục thuộc địa thành vàng. Kỳ tích của Valdivia tượng trưng cho khát khao không mệt mỏi trong việc chinh phục vùng đất mà ông có thể thực thi đầy đủ quyền lực của mình. Câu nói của Caesar, thà làm người có quyền hành nhất trong ngôi làng Alpine bé nhỏ còn hơn làm kẻ đứng thứ nhì tại Rome, được lập đi lập lại ít hoa mỹ hơn nhưng không kém phần hiệu quả trong suốt cuộc trường chinh chinh phục Chilê. Nếu ông có đối diện với cái chết trong tay những người Arauca Caupolica bất khả chiến bại, thì ông cũng không trở nên điên cuồng như một con thú bị săn đuổi, mà Valdivia sẽ cảm thấy rằng cái chết là hoàn toàn công bằng. Ông thuộc về một loại người đặc biệt, một loại người luôn có những khát khao về quyền lực vô hạn. Nỗi khát khao đó mãnh liệt đến nỗi ông xem bất cứ sự hy sinh gian khổ nào để đạt được nó đều là sự hiển nhiên mà thôi. Và đúng là ông đã trở thành kẻ thống trị có quyền lực tuyệt đối của một đất nước đã bị chinh phục.

Arica là một bến cảng bé nhỏ, hiền hòa, và những dấu ấn của người Peru – chủ cũ của nó – vẫn chưa bị mất đi. Nó như vùng đất giao thoa của hai nền văn hóa khác biệt, cho dù đó là hai quốc gia có những điểm tương đồng về địa lý và nguồn gốc tổ tiên. Mũi đất, niềm tự hào của cả thị trấn, nhô lên 100 mét thành một vách đá dốc đứng hùng vĩ. Những cây cọ, cái nóng, trái cây xứ cận nhiệt đới bán ngoài chợ, tất cả tạo thành diện mạo đặc trưng của một thị trấn miền Caribe, hoàn toàn khác biệt với vùng đất phương nam. Một bác sĩ, với vẻ khinh miệt của những người trưởng giả đối với hai kẻ lang thang như chúng tôi, đã cho phép chúng tôi ngủ trong bệnh viện của thị trấn. Sáng sớm hôm sau chúng tôi rời khỏi nơi thiếu thiện cảm này và hướng thẳng đến biên giới Peru. Nhưng trước hết chúng tôi muốn nói lời từ biệt với Thái Bình Dương bằng lần tắm biển cuối cùng. Và điều này đã đánh thức khát khao còn ngủ im trong tâm trí Alberto: được ăn đồ biển. Chúng tôi bắt đầu nhẫn nại tìm kiếm những con trai, những con sò nhỏ và những món khác dọc theo bờ biển có những vách núi đá. Chúng tôi ăn sống những món hải sản kiếm được, và cảm nhận hương vị mới mẻ của thức ăn tươi sống. Cho dù những món đó có dính đầy nhớt thì cũng không làm chúng tôi chán hoặc làm làm vơi đi cơn đói cũng như sự khao khát của Alberto. Không có muối chấm, không có gì làm gia vị, việc ăn sống nhưng món đồ biển đó bớt đi rất nhiều thi vị, nhưng quả thật lúc ấy không gì có thể làm hai kẻ lãng tử chúng tôi vui hơn được. Chúng tôi khởi hành vào thời điểm như mọi khi, sau khi ăn sáng tại đồn cảnh sát và đánh dấu lộ trình dọc theo bờ biển cho tới biên giới. Một chiếc xe tải cho chúng tôi quá giang và chúng tôi đã đến biên giới an toàn. Chúng tôi gặp viên sĩ quan hải quan, người đã từng làm việc tại biên giới Argentina. Biết chúng tôi thích trà thảo dược, nên anh cho chúng tôi nước nóng, trà, bánh kẹp, và tuyệt hơn hết là anh đã tìm cho chúng tôi một chuyến xe đến Tacna. Người cảnh sát trưởng niềm nở chào đón chúng tôi tại biên giới với vài lời tán dương hơi quá mức về những người Argentina tại Peru. Và với một cái bắt tay, chúng tôi giã từ vùng đất Chilê hiếu khách.

XEM TIẾP: 22 – Cảm xúc Chilê

Tags: ,