NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

16 – Nụ cười La GioConDa

Chúng tôi bước vào một giai đoạn mới của cuộc hành trình. Trước đây, chúng tôi đã gợi lòng thương hại nơi những người chủ trọ với mấy bộ quần áo lôi thôi lếch thếch cùng với con chiến mã La Poderosa đáng thương thở phì phò. Nhưng về một phương diện nào đó, chúng tôi là những kỵ sĩ của đường xa; chúng tôi là “những nhà quý tộc lang thang”. Người ta gọi chúng tôi bằng những danh hiệu sang trọng gây ấn tượng nhất. Tất cả những điều đó bây giờ không còn nữa. Bây giờ chúng tôi là hai kẻ vai mang ba lô chuyên đi quá giang, quần áo bám đầy bụi đường làm mờ nhạt hình bóng quý tộc xưa kia. Người tài xế xe tải thả chúng tôi xuống ngoại ô thành phố. Với đôi chân mệt mỏi, chúng tôi lê ba lô dọc theo đường phố, theo sau là những cái nhìn hiếu kỳ hoặc thờ ơ của dân chúng. Ở phía xa, hải cảng đang lấp lánh ánh sáng đầy sức thu hút của những chiếc tàu. Biển đen thẫm đang mời mọc và vẫy gọi chúng tôi – hương vị của biển mơn man trên da mặt. Chúng tôi mua bánh mì – dường như bánh mì ở đó khá đắt và sẽ rẻ hơn khi chúng tôi đi xa về phía bắc – rồi tiếp tục thả bộ theo con dốc. Alberto đã kiệt sức thấy rõ, và tôi cũng đã thấm mệt mặc dù bên ngoài cố không biểu hiện. Vì vậy khi thấy một chiếc xe tải dừng lại, chúng tôi tấn công ngay bằng gương mặt thảm thương, kể lể về những nỗi nhọc nhằn trên con đường thiên lý từ Santiago. Người chủ xe cho chúng tôi ngủ trên mấy tấm ván gỗ cùng với những kẻ nhờ xe khác, nhưng ít ra chúng tôi cũng có một mái che và một nơi ẩn trú.

Tin tức về chúng tôi đã đến tai một người đồng hương, làm tại một nhà hàng rẻ tiền bên cạnh bãi đậu xe, và anh ta muốn gặp chúng tôi. Gặp gỡ ở Chilê là một biểu hiện của tính hiếu khách và chúng tôi không từ chối ân huệ đó. Người bạn đồng hương đã chứng tỏ là thấm nhuần tính hiếu khách của đất nước Chilê anh em. Từ lúc ăn cá lần trước đến nay đã lâu rồi, rượu vang thì rất ngon, và người chủ thì rất ân cần… Thế là chúng tôi ăn uống nhiệt tình và anh ta mời chúng tôi thăm nhà vào ngày hôm sau. Quán bar La Gioconda mở cửa sớm và chúng tôi uống trà thảo dược, tán gẫu với ông chủ. Ông ta rất quan tâm đến cuộc hành trình của chúng tôi. Sau đó chúng tôi đi tham quan thành phố. Valparaiso rất đẹp, xây dựng trên bờ biển và nhìn ra vịnh lớn. Thành phố mở rộng lên những ngọn đồi trải dài xuống tận bờ biển. Đường lên đồi được xây dựng thành bậc thang với những căn nhà mái tôn dợn sóng kỳ lạ và màu sắc đa dạng, hoàn toàn tương phản với màu xanh xám xịt của vịnh. Chúng tôi kiên nhẫn đi theo con đường dốc, lần theo những bậc thang dơ bẩn vào những chỗ hẻo lánh tối tăm, nói chuyện với những nhóm người ăn xin. Chúng tôi cũng xuống đến những nơi sâu thẳm đầy khí độc của thành phố. Mũi của chúng tôi sưng lên khi hít thở cái mùi của sự nghèo khổ cùng cực. Chúng tôi xuống bến tàu để xem có chiếc nào đi đảo Easter không, nhưng sự thật càng làm nản lòng: sáu tháng nữa mới có tàu đến đó. Chúng tôi thu thập được những thông tin mơ hồ về những chuyến bay, mỗi tháng có một chuyến.

Đảo Easter! Trí tưởng tượng bay bổng với thông tin: “Ở đó, có bạn trai là một vinh dự”, “Công việc hả? Hà hà! Phụ nữ làm hết mọi thứ – bạn chỉ ăn, ngủ và làm họ hài lòng”. Ở nơi tuyệt vời này thời tiết thật đẹp, phụ nữ thật tuyệt, thức ăn thật ngon, công việc thật thuận lợi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như chúng tôi ở lại nơi đó một năm? Ai quan tâm đến việc học, công việc, gia đình… Trên cửa sổ quán bar, con tôm to tướng đang nháy mắt với chúng tôi. Cả thân hình của nó trên dĩa rau diếp như muốn nói, “Tôi ở đảo Easter, ở đó thời tiết thật đẹp, phụ nữ thật tuyệt…” Ở ngưỡng cửa quán La Gioconda, chúng tôi kiên nhẫn chờ người bạn đồng hương xuất hiện, nhưng không có dấu hiệu nào của anh ta. Thay vào đó, chủ quán mời chúng tôi vào tránh nắng và đãi chúng tôi một bữa ăn trưa thịnh soạn với cá chiên và xúp. Trong suốt thời gian ở Valparaiso, chúng tôi không còn được nghe về Argentina nữa, mặc dù vậy, chúng tôi trở nên những người bạn thân thiết của ông chủ bar. Ông ta là một con người kỳ lạ, rất hào phóng với tầng lớp nghèo khổ, nhưng tính giá cắt cổ đối với những khách hàng khác. Chúng tôi đã không phải trả xu nào trong suốt thời gian ở lại Valparaiso. Ông vẫn thường nói: “Lần này tôi trả, lần sau đến lượt các anh.”. Và lần nào cũng là lần đầu. Thật ít người tốt bụng như ông ta. Chúng tôi cố gắng liên lạc với các bác sĩ từ Petrohue, nhưng họ đã trở lại với công việc, không còn thời gian rảnh rỗi nữa và không chịu chính thức gặp chúng tôi. Nhưng ít ra chúng tôi cũng biết họ đang ở đâu. Vào một buổi chiều, chúng tôi đi theo hai hướng – Alberto theo dấu vết của các vị bác sĩ; tôi đến thăm một bà lão bị bệnh suyễn, một khách hàng của quán La Gioconda. Bà lão tội nghiệp sống trong một tình trạng đáng thương, hít thở mùi cay xè của mồ hôi và những bàn chân bẩn đầy cả phòng, trộn với bụi trên hai cái ghế salon, món đồ đáng giá duy nhất trong phòng. Tệ hơn bệnh suyễn, bà còn bị bệnh tim. Khi một người bác sĩ ý thức về sự bất lực của mình, ông ta thường mong mỏi một sự thay đổi: một sự thay đổi để ngăn cản những điều bất công của một hệ thống. Trong hệ thống đó, tháng trước bà lão này vẫn còn kiếm sống bằng nghề phục vụ nhà hàng, mà bây giờ đang khò khè hổn hển đối diện với số phận của mình. Trong những cảnh ngộ như thế này, những thành viên của những gia đình nghèo, họ không còn là cha, là mẹ, là anh, là chị, mà là một thực thể yếu đuối đang đấu tranh với số phận, là niềm cay đắng đối với những người còn khỏe mạnh trong gia đình. Họ căm ghét bệnh tật như thể đó là một điều sỉ nhục. Trong những giây phút cuối cùng, đối với những người mà chân trời xa nhất vẫn còn nằm ở ngày mai, họ hiểu được cảnh đời bi thảm của những người bần cùng, vô sản trên thế giới này. Trong những đôi mắt hấp hối đó, có những lời cầu xin được tha thứ và một niềm an ủi tuyệt vọng đã lạc mất trong cõi hư vô, cũng như thân xác họ rồi cũng mất hút trong những điều bí ẩn bao quanh chúng ta. Cảnh đời này, sự phân biệt giai cấp vô lý này sẽ kéo dài đến khi nào, tôi cũng không thể trả lời được. Nhưng đã đến lúc những kẻ thống trị cần phải hạn chế bớt thời gian quảng cáo cho đức hạnh của mình, mà phải bỏ ra nhiều tiền hơn, thật nhiều tiền tài trợ cho những hoạt động phúc lợi xã hội.

Tôi không thể làm gì nhiều cho bà lão đau yếu này. Tôi chỉ khuyên bà nên có chế độ ăn uống hợp lý, cho bà một liều thuốc lợi tiểu và mấy viên thuốc suyễn. Còn vài viên Dramamine tôi cũng cho bà nốt. Tôi ra về, phía sau là những lời cám ơn rối rít của bà lão và những cái nhìn thờ ơ của gia đình bà. Alberto cũng đã tìm được chỗ của mấy ông bác sĩ. Chín giờ sáng hôm sau chúng tôi phải có mặt tại bệnh viện. Trong khi đó, trong căn phòng bẩn thỉu của quán La Gioconda – vừa làm nhà bếp, vừa làm nhà hàng, tiệm giặt, phòng ăn và là chỗ cho chó mèo làm bậy – có một cuộc họp mặt gồm đủ hạng người: ông chủ, với triết lý sống giản đơn; Dona Carolina, một bà điếc đã giúp chúng tôi chùi lại ấm trà như mới; một người đàn ông Mapuche (1) bạc nhược và say xỉn; hai ba người khách hàng bình dân; và Dona Rosita điên khùng, nữ hoàng của các buổi họp mặt. Câu chuyện xoay quanh sự kiện rùng rợn mà Rosita đã chứng kiến. Có vẻ như chỉ có một mình cô ta trông thấy một người đàn ông cầm dao đâm một người hàng xóm.

“Người hàng xóm có la lên không, Rosita?”

“Tất nhiên rồi, ai mà không la! Hắn lột da sống cô ấy đấy! Chưa hết đâu. Sau đó, hắn mang cô ta ra biển và kéo xác cô ta ra để nước cuốn đi. Trời ơi, nghe cô ta la mà ban ngày tôi vẫn còn sợ đó, mấy ngài ơi! Lẽ ra các người phải tận mắt chứng kiến!”

“Tại sao cô không gọi cảnh sát, Rosita?”

“Để làm gì? Bà không nhớ chuyện người em họ bà bị đánh sao? Tôi đi báo cảnh sát thì họ bảo rằng tôi điên, rằng tôi còn bịa chuyện thì họ sẽ bắt nhốt. Không, tôi sẽ không báo cảnh sát đâu!”

Câu chuyện lại xoay sang “thông điệp của Thượng Đế”, một người đàn ông địa phương sử dụng quyền năng Thượng Đế ban tặng để chữa bệnh câm điếc, bại liệt. Hắn chuyền cái dĩa quyên tiền đến từng người, tiếp theo là những tờ truyền đơn đến trong sự cả tin khờ dại của con người. Nhưng mọi người lại tiếp tục chế nhạo những điều Rosita chứng kiến.

Mấy ông bác sĩ không được thân thiện lắm, nhưng chúng tôi cũng đạt được mục đích của mình: họ giới thiệu chúng tôi với Molinas Luco, thị trưởng của Valparaiso. Chúng tôi lại khăn gói đến tòa thị chính. Viên thư ký ngồi tại bàn giấy chẳng lấy gì làm hài lòng với vẻ nhếch nhác và kiệt sức của chúng tôi, nhưng ông ta được lệnh phải cho chúng tôi vào. Cô thư ký đưa cho chúng tôi một bản copy lá thư phúc đáp, giải thích rằng dự tính của chúng tôi là không khả thi bởi vì chiếc tàu duy nhất đến đảo Easter đã rời bến và trong năm đó không còn một chuyến tàu nào khác. Chúng tôi được hướng dẫn đến văn phòng lộng lẫy của bác sĩ Molinas Luco, ông này đón tiếp chúng tôi thật thân mật. Tuy nhiên chúng tôi có cảm giác là ông ta đang đóng kịch bởi vì mỗi lời nói của ông ta đều hoàn hảo. Ông đặc biệt hứng khởi khi nói về đảo Easter mà ông đã giành giật từ tay người Anh khi chứng minh rằng nó thuộc về Chilê. Ông ta khuyên chúng tôi nên nhớ những biến cố đó và nói sẽ đưa chúng tôi đến đảo Easter vào năm sau. “Có lẽ lúc đó tôi sẽ không còn làm việc ở văn phòng này nữa, nhưng tôi vẫn còn là chủ tịch của Hội những người bạn của đảo Easter”, ông nói, ám chỉ thất bại của Gonzalez Videla trong cuộc bầu cử sắp tới. Khi chúng tôi ra về, viên thư ký ngồi ở bàn giấy đột nhiên bảo chúng tôi phải mang con chó về, và chúng tôi kinh ngạc khi ông ta chỉ một con chó con nào đó vừa mới làm một bãi trên tấm thảm phòng khách và đang gặm chân ghế. Có lẽ bị hấp dẫn bởi vẻ lang thang rách rưới của chúng tôi, con chó đã đi theo và người gác cửa nghĩ rằng du thủ du thực như chúng tôi thì chó theo là phải. Thế là con vật tội nghiệp nhận một cú đá vào đít, vừa văng ra ngoài vừa kêu ăng ẳng. Tuy nhiên, thật là một niềm an ủi cho chúng tôi khi biết rằng có một sinh vật sống cần được sự che chở của chúng tôi.

Cho đến lúc này, chúng tôi quyết định sẽ đi tiếp bằng đường biển vì cho rằng như thế thì có thể né tránh được sa mạc ở phía bắc Chilê. Thế là chúng tôi lê bước đến công ty vận tải đường biển xin quá giang đến cảng phía bắc. Thuyền trưởng hứa sẽ cho chúng tôi đi nếu như ban giám đốc cho phép chúng tôi làm việc trên tàu để đổi lấy chuyến đi miễn phí. Đáp lại sự chờ đợi của chúng tôi là một lời từ chối và chúng tôi thấy mình ngồi ngơ ngác tại cảng. Trong giây phút đó, Alberto đã có một quyết định dũng cảm: chúng tôi sẽ lẻn lên tàu và trốn ở một góc nào đó. Chúng tôi phải chờ đêm đến để hành động, cố gắng thuyết phục người thủy thủ trực đêm và chờ đợi những gì sẽ xảy ra. Chúng tôi về thu xếp đồ đạc, rõ ràng là quá nhiều cho một chuyến đi lậu như thế này. Trong sự tiếc nuối lớn lao, chúng tôi từ biệt bạn bè và sau đó băng qua cổng chính vào cảng; quyết tâm không lùi bước, không chừa đường quay lại, chúng tôi quyết tâm cho một cuộc phiêu lưu bằng đường biển – dù không được phép.

XEM TIẾP: 17 – Hết tiền và chuyến đi lậu vé tàu…

Tags: ,