Quan điểm Marxist về nền công nghiệp tự động hóa ngày nay

Là con đẻ của chủ nghĩa tư bản, nền công nghiệp tự động hóa là cơ sở cho cuộc đấu tranh vì một sự tự do đích thực của con người trong thế giới hiện đại.

Quan điểm Marxist về nền công nghiệp tự động hóa ngày nay

Bài viết của Giáo sư Charles McKelvey, nhà nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, giảng viên của bốn trường cao đẳng và đại học tại Mỹ từ năm 1972 – 2011. Từ năm 2011, ông sinh sống tại Cuba và hợp tác nghiên cứu với Đại học Havana.

Nguồn: Marx on automated industry, Charles McKelvey, Global Learning, 2014.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Karl Marx xem chế độ tư bản là một hình thức cai trị cực đoan hơn chế độ phong kiến. Theo quan điểm của ông, khi tiêu diệt các ngành nghề thủ công và giảm nhân công để chuyên môn hóa, chế độ tư bản đã loại bỏ thái độ sáng tạo trong công việc, thành phần cuộc sống căn bản của bản chất con người trong tư tưởng Marx. Chủ nghĩa tư bản, trong cái nhìn của Marx, là một hệ thống mà các công nhân bị cách ly khỏi quá trình sản xuất, thứ quá trình được áp đặt lên họ như một sự cưỡng bức.

Mặt khác, theo Marx thì sức mạnh lớn của chủ nghĩa tư bản nằm ở hiệu năng sản xuất cực cao của nó. Liên tục tìm kiếm những hình thức sản xuất hiệu quả, những ngành công nghiệp tư bản có hiệu năng cao hơn mà đến khi chín muồi thì việc dùng máy móc và thay thế công nhân con người diễn ra ngày càng phổ biến hơn. Tiến trình tự động hóa đó đã trở nên khả thi không chỉ nhờ tiến bộ công nghệ mà còn nhờ tính chất của công việc của con người trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản phát triển.

Ngành lao động chuyên môn hóa cao của nền sản xuất tư bản đã tinh giản lao động con người thành một nhiệm vụ đơn giản có tính lặp lại, đó chính là loại công việc mà máy móc được thiết kế để thực hiện vì chúng không cần sự sáng tạo của con người. Vì vậy, theo Marx, xí nghiệp công nghiệp đã tiến hóa không ngừng thành công nghiệp tự động.

Marx xem công nghiệp tự động là một phương thức sản xuất mới tạo nên của cải vật chất cho giai đoạn thứ 5 trong lịch sử con người, đó là giai đoạn chủ nghĩa xã hội. Marx có một quan điểm dài hạn về tự động hóa đứng ở góc độ lợi ích cho  người công nhân. Ông xem tự động hóa như các điều kiện hình thành một xã hội mà ở đó loài người sẽ được giải phóng khỏi công việc truyền thống. Thay vì làm việc như một người nô lệ, người bị áp bức, hay một phần bổ sung cho máy móc, giờ đây con người sẽ đảm nhận những công việc như thiết kế và duy tu máy móc, một hình thức làm việc linh hoạt, đòi hỏi sự giáo dục và sáng tạo.

Ngoài ra, bởi vì máy móc làm việc với hiệu năng cao, nền sản xuất của xã hội loài người có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng với ít thời gian lao động hơn. Không chỉ công việc linh hoạt hơn mà thời gian lao động cũng được giảm dần. Điều này giúp con người có thể tham gia vào nhiều hoạt động đa dạng ở phạm vi cao hơn công việc và nằm ngoài công việc, ví dụ như làm vườn, tự chế tạo đồ nội thất của riêng mình, hay nghiên cứu văn học.

Vì vậy, Marx xem tự động hóa là cơ sở hình thành một xã hội đặc trưng bởi sự thỏa mãn hiệu quả nhu cầu con người, bởi công việc sáng tạo, và bởi việc giảm thời gian lao động.

Khi tự động hóa phổ cập, giai cấp tư bản và giai cấp công nhân sẽ có những lợi ích khác biệt và đối lập với nhau.

Trong khi giai cấp công nhân quan tâm tới việc nhận thức đầy đủ các thành quả của sự giải phóng con người mà tự động hóa đem lại, thì giai cấp tư bản lại hứng thú với việc tối đa hóa sản xuất để tối đa hóa lợi nhuận.

Vì vậy, giai cấp tư bản bị đẩy tới cái mà sau này được Marcuse gọi là sự sản xuất “các nhu cầu sai”, nền tảng lý tưởng của xã hội tiêu dùng (Marcuse 1964). Được thúc đẩy bởi sự theo đuổi lợi nhuận như một mục tiêu bên trong chính nhà tư bản (Weber 1958), nhà tư bản tìm cách tối đa hóa sản xuất và thao túng công nhân về mặt tâm lý để công nhân mua các hàng hóa tiêu dùng mà không nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Tuy nhiên, đứng trên quan điểm giai cấp công nhân thì các thành quả tự động hóa đem lại – tự do thật sự cho con người – là khả thi. Do đó, sự chuyển hóa từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội yêu cầu giai cấp công nhân có hành động chính trị, để từ đó họ có thể xây dựng các cấu trúc cần thiết nhằm dịch chuyển sang chủ nghĩa xã hội.

Cũng như tầng lớp thương nhân trong thời phong kiến có thể nhận ra những lợi ích dài hạn khi nhận thức đầy đủ về nền sản xuất xí nghiệp, giai cấp công nhân cũng phải nhận ra được lợi ích của mình trong sự giải phóng trọn vẹn mà công nghiệp tự động hóa đem lại.

Và cũng như tầng lớp thương nhân trở thành tư sản cách mạng, giai cấp công nhân phải trở thành một giai cấp cách mạng với hành động có tính chính trị để xây dựng một kiểu xã hội mới trên cơ sở nền công nghiệp tự động hóa.

————————————–

Tài liệu tham khảo:

Bottomore, T.B., Ed. 1964. Karl Marx: Early Writings. New York: McGraw-Hill.
Marcuse, Herbert. 1964. One-Dimensional Man. Boston: Beacon Press.
Marx, Karl. 1963. The Poverty of Philosophy. New York: International Publishers.
__________. 1967. Capital, Vol. I. New York: International Publishers.
__________. 1970. A Contribution to the Critique of Political Economy. New York: International Publishers.
__________. 1973. Grundrisse: Foundations of the Critique of Political Economy. New York: Random House, Vintage Books.
Marx, Karl, and Frederick Engels. 1948. The Communist Manifesto. New York: International Publishers.
__________. 1965. The German Ideology. London: Lawrence & Wishart.
Weber, Max. 1958. The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism. New York: Charles Scribner’s Sons.

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Tags: , , , , ,