Khái quát về hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay

Thuật ngữ “hệ thống chính trị” được chính thức sử dụng ở Việt Nam từ năm 1989. Cả hệ thống chính trị Việt Nam có chung một mục tiêu là phấn đấu vì một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Khái quát về hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay

Các thành tố trong hệ thống chính trị Việt Nam

Hệ thống chính trị Việt Nam gồm có:

– Đảng Cộng sản Việt Nam
– Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội gồm có: Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam.

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là một tổ chức thành viên của Mặt trận, vừa là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, là hạt nhân của hệ thống chính trị; Nhà nước là trung tâm của hệ thống chính trị.

Thuật ngữ “hệ thống chính trị” được chính thức sử dụng ở Việt Nam từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (1989). Việc chuyển từ “hệ thống chuyên chính vô sản” sang “hệ thống chính trị” có ý nghĩa nhấn mạnh đến sự tương tác, hợp tác của các chủ thể trong đời sống chính trị – xã hội, nhằm tạo nên sức mạnh hợp lực của toàn hệ thống và khả năng thích nghi của hệ thống với những thay đổi của môi trường xã hội.

Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các thành tố trong hệ thống chính trị Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam:

“Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng là một bộ phận của hệ thống chính trị, đồng thời là hạt nhân lãnh đạo của toàn bộ hệ thống chính trị.

Ðảng Cộng sản Việt Nam là Ðảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Chức năng lãnh đạo của Đảng thể hiện trên những nội dung chủ yếu sau: Đảng đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời Đảng là người lãnh đạo và tổ chức thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Đảng tổ chức, thực hiện tuyên truyền, thuyết phục, vận động các tổ chức và xã hội ủng hộ, thực hiện đường lối, chủ chương của Đảng.

Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Ðảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua việc thực hiện, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân[1]. Nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị Việt Nam. Nhà nước gồm các có các cơ quan trung ương như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Quốc hội được toàn thể Nhân dân bầu ra theo hình thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh, Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.

Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Chính phủ gồm Thủ tướng chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu, số lượng thành viên chính phủ do Quốc hội quyết định.

Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu ra là người đứng đầu Chính phủ. Chịu trách nhiệm trước Quốc hội và hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao.

Chính phủ thực hiện chức năng hành pháp, “tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước”, thống nhất quản lý về các lĩnh vực, ngành và nền hành chính quốc gia.

Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp. Tòa án gồm Tòa án nhân dân được thành lập từ cấp trung ương đến cấp huyện và các tòa án khác do luật định.

Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân là bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo luật định.

– “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”[2]. Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân là 05 năm.

Hội đồng nhân dân có hai chức năng cơ bản là: (1) quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; (2) giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

– “Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”[3].

Ủy ban nhân dân có 3 chức năng chính: (1) Tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; (2) Tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân; (3) Thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tên gọi ban đầu là Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, được thành lập ngày 18/11/1930.

Từ khi được thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và cùng trải qua các thời kỳ hoạt động cách mạng với những tên gọi khác nhau, Mặt trận là tổ chức tập hợp, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc của Việt Nam – một nhân tố quan trọng góp phần quyết định vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kế tục và phát huy vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam các thời kỳ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay vẫn tiếp tục đại diện cho lợi ích, tiếng nói rộng rãi của các nhóm xã hội, các giai cấp, tầng lớp nhân dân, tạo sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, huy động nguồn lực, sức mạnh của toàn thể nhân dân vào xây dựng đảng, chính quyền, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò tập hợp, thu hút các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức chính trị – xã hội; tuyên truyền động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật; phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền với lợi ích chính đáng của Nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa Nhân dân Việt Nam với Nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các tổ chức chính trị – xã hội bao gồm: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên, tổ chức của mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”[4].

Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên. Ðảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là tổ chức lãnh đạo Mặt trận.

Công đoàn Việt Nam

Công đoàn Việt Nam được thành lập ngày 28/7/1929. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Hiến pháp 2013 quy định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người dân lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội: tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[5].

Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có quan hệ hợp tác với Nhà nước và phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức xã hội khác; hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thành lập ngày 20/10/1930) là tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã đoàn kết, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, góp phần tích cực, quan trọng vào sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có sự phát triển mạnh trong việc tổ chức, thu hút hội viên; có những mô hình liên kết, hỗ trợ thiết thực, sáng tạo cho sự phát triển của các hội viên, tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế gia đình và đặc biệt đóng góp những ý kiến phản biện, đề xuất chính sách cho Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và thực hiện những hoạt động cho sự phát triển, bình đẳng giới của phụ nữ Việt Nam

Hội Nông dân Việt Nam

Hội Nông dân Việt Nam (thành lập ngày 14/10/1930) là tổ chức chính trị – xã hội của nông dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, mục đích của Hội là tập hợp đoàn kết nông dân, tạo diễn đàn chia sẻ thông tin và tri thức trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo sự kết nối, hỗ trợ giữa các hội viên, đồng thời đại diện và bảo vệ cho quyền, lợi ích chính đáng của hội viên trong quan hệ với các chủ thể khác của đời sống xã hội. Từ đó, tạo sự đồng thuận, sức mạnh của tổ chức, xứng đáng là lực lượng đồng minh tin cậy trong khối liên minh công, nông, trí, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ mới.

Hội Cựu chiến binh Việt Nam

Hội Cựu chiến binh Việt Nam (thành lập ngày 06/12/1989) là một tổ chức chính trị – xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội.

Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết, tổ chức, động viên các thế hệ Cựu chiến binh giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng và hợp pháp của cựu chiến binh, chăm lo giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu.

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (thành lập ngày 26/3/1931) là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục đích, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là thành viên của hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đảng lãnh đạo công tác thanh niên và trực tiếp lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước. Nhà nước quản lý thanh niên và công tác thanh niên; thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên thành pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình hành động và cụ thể hoá trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh hằng năm của các cấp, các ngành. Đoàn phối hợp với các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức kinh tế, xã hội, các tập thể lao động và gia đình chăm lo giáo dục, đào tạo và bảo vệ thanh thiếu nhi; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia vào việc quản lý nhà nước và xã hội.

Đoàn giữ vai trò nòng cốt chính trị trong việc xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các thành viên khác của hội. Đối với Đội Thiếu niên tiền phong, Đoàn giữ vai trò là người phụ trách xây dựng tổ chức Đội.

Tóm lại, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ sau:

1) Thực hiện Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ, Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quy chế phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; các chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên với cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan.

2) Tập hợp ý kiến, kiến nghị của thành viên, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân và kết quả thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

3) Tuyên truyền, vận động thành viên, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4) Vận động các thành viên, đảng viên, đoàn viên, hội viên của tổ chức mình thực hiện đúng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

5) Giám sát, phản biện xã hội.

6) Đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ những tổ chức, cá nhân chưa gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng có tinh thần hưởng ứng, ủng hộ, thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

7) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mối quan hệ giữa các thành tố trong hệ thống chính trị

Các quan hệ trong hệ thống chính trị Việt Nam, các quan hệ chính trị được xác lập theo một cơ chế chủ đạo là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội của Nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện vai trò, chức năng lãnh đạo đối với toàn xã hội, nhằm phát huy và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Quyền lực của Nhà nước là quyền lực của Nhân dân giao cho để phục vụ Nhân dân. Nhà nước thể chế hóa đường lối, mục tiêu, chủ trương lãnh đạo của Đảng thành pháp luật, chính sách của Nhà nước và tổ chức thực hiện.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đại diện cho lợi ích rộng rãi của các giai cấp, tầng lớp xã hội, của toàn thể Nhân dân lao động và yêu nước Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tuỳ theo tính chất, tôn chỉ và mục đích đã được xác định, các tổ chức vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên chấp hành luật pháp, chính sách; đồng thời chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; giúp đoàn viên, hội viên nâng cao trình độ về mọi mặt và xây dựng cuộc sống mới; tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Mọi hành vi lợi dụng dân chủ, lợi dụng quyền lập hội để chống phá Đảng, chính quyền nhân dân, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân và dân tộc đều vi phạm pháp luật Việt Nam và bị xử lý theo pháp luật.

Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương tôn trọng tính tự chủ, tự nguyện, ủng hộ và tạo mọi điều kiện để Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội hoạt động tích cực, sáng tạo đóng góp cho Đảng, chính quyền và đất nước, mang lại lợi ích cho Nhân dân. Đảng, chính quyền lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Trong hệ thống chính trị, các bộ phận cấu thành đều có chung một mục đích là duy trì và đại diện cho quyền lực và lợi ích của giai cấp và dân tộc. Cả hệ thống chính trị Việt Nam đều có chung một mục tiêu là phấn đấu vì một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội góp phần quan trọng trong việc thực hiện cương lĩnh, mục tiêu, phương hướng chính trị của Đảng cầm quyền và Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội góp phần bảo đảm sức mạnh của hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quyết định việc tập hợp lực lượng nhân dân, tổ chức các phong trào nhân dân và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Cơ chế và các nguyên tắc vận hành

Hệ thống chính trị Việt Nam hoạt động theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Hệ thống chính trị Việt Nam hoạt động theo những nguyên tắc phổ biến của hệ thống chính trị nói chung như: nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; nguyên tắc ủy quyền có điều kiện và có thời hạn; nguyên tắc pháp quyền. Ngoài ra hệ thống chính trị Việt Nam hoạt động theo những nguyên tắc riêng như: tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung thống nhất, không phân chia, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam

Hệ thống chính trị Việt Nam cũng được tổ chức theo những mô hình phổ biến của hệ thống chính trị các nước trên thế giới. Mặt khác hệ thống chính trị Việt Nam cũng có những đặc điểm riêng.

Thứ nhất, hệ thống chính trị Việt Nam do duy nhất một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Không tồn tại các đảng chính trị đối lập. Đặc điểm này thể hiện tính phổ biến của hệ thống chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa, vừa thể hiện tính đặc thù xuất phát từ điều kiện thực tế cụ thể ở Việt Nam. Bởi vì, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được sự tín nhiệm của Nhân dân, được Nhân dân ủng hộ, tôn vinh ở vị trí lãnh đạo và thực tế Đảng đã xứng đáng với vị trí được tôn vinh này[6].

Thứ hai, hệ thống chính trị Việt Nam là hệ thống chính trị được xây dựng trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Toàn bộ hệ thống chính trị đều được tổ chức và hoạt động trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định “Chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng”.

Thứ ba, do lịch sử hình thành gắn với các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên do Đảng thành lập và lãnh đạo, có mối quan hệ gắn bó, mật thiết với Đảng và Nhà nước. Các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị đều do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập: Nhà nước là hình thức tổ chức quyền lực của Nhân dân – do Đảng lập ra. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội do Đảng sáng lập có nhiệm vụ chính trị là tổ chức tập hợp, đoàn kết quần chúng, đại diện ý chí và nguyện vọng của quần chúng.

Thứ tư, hệ thống chính trị Việt Nam là một hệ thống mang tính thống nhất và tập trung quyền lực. Tính thống nhất của hệ thống chính trị xuất phát từ nguồn gốc quyền lực của nhân nhân ủy quyền cho Đảng, Nhà nước để thực hiện mục đích chung. Mục đích chính trị của toàn bộ hệ thống là: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam và mục tiêu cụ thể được xác định là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ năm, trong hệ thống chính trị Việt Nam, các thành viên có địa vị pháp lý vững chắc. Do vị trí, chức năng của mỗi thành viên trong hệ thống chính trị được quy định trong Hiến pháp và các đạo luật, như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên…

Theo TINHDOANBINHPHUOC.VN

Tags: ,