Kinh tế học sinh thái Marxist – một phác thảo từ Trung Quốc

K. Marx là nhà lý luận tiên phong khẳng định rằng, con người nên tuân theo cách phát triển bền vững. Học thuyết của ông là học thuyết giải phóng con người và tự nhiên, làm thành giá trị và nguyên tắc cao nhất của kinh tế học sinh thái Marxist. 

Kinh tế học sinh thái Marxist – một phác thảo từ Trung Quốc

Tác giả: Liu Sihua, Viện KHXH Quảng Tây, Trung Quốc.

Nguồn: Tham luận tại Diễn đàn Hiệp hội Kinh tế Chính trị học thế giới lần thứ nhất, Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải, tháng 4/2006.

Biên dịch: Nguyễn Thị Lan Hương.

Tác giả bài viết cho rằng, theo nghĩa rộng, kinh tế học sinh thái Marxist là khoa học vạch ra quy luật, cơ chế tổ chức thống nhất, sự vận động và phát triển của nó. Kinh tế học Marxist không có sự kết nối giữa lý luận kinh tế học và tư tưởng sinh thái của K. Marx, không làm rõ ý nghĩa của môi trường sinh thái tự nhiên đối với nền văn minh hiện đại, với sự phát triển kinh tế – xã hội của con người. Do vậy, xây dựng kinh tế học sinh thái Marxist mang đặc sắc Trung Quốc là một nhiệm vụ quan trọng của các nhà nghiên cứu kinh tế Marxist Trung Quốc.

1. Khi kết thúc thế kỷ 20, Công ty truyền thông Anh quốc (BBC) đã tổ chức một cuộc đánh giá mang tính toàn cầu đối với tất cả những nhà tư tưởng trong đó có K. Marx để nhằm tìm ra ai sẽ là “nhà tư tưởng số một của thiên niên kỷ vừa qua”. Gần đây, trạm phát sóng thứ tư của BBC lại tổ chức một hoạt động đánh giá nữa đối với các nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử cho đến ngày nay, một lần nữa, K. Marx đứng đầu trong số 10 nhà triết học vĩ đại nhất toàn cầu. Hai kết quả này cho chúng ta thấy một cách rõ ràng rằng, K. Marx vẫn sống trong thời đại của chúng ta và còn tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ trong tương lai. Học thuyết Marx vẫn đầy sức sống và vẫn tiếp tục sự phát triển mãnh liệt của nó trong thời đại hiện nay, nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển văn minh hiện tại mà chắc chắn còn ảnh hưởng đến sự phát triển văn minh của con người trong tương lai. Khi nền văn minh nhân loại bước vào thế kỷ 21, một người Anh đã viết những lời ngọt ngào bằng tiếng Anh trong cuốn sổ ghi cảm tưởng của khách thăm tại Viện Bảo tàng Anh như sau: “K. Marx, những tư tưởng của ông sẽ còn sống mãi bởi vì ông là nhà thiết kế vĩ đại và đã thiết kế nên sự tiến bộ xã hội vĩnh viễn của con người”. Thật là một bình luận xác đáng! Lý do học thuyết Marx luôn đầy sức sống là ở chỗ, chủ nghĩa Marx là một lý luận khoa học về sự tiến bộ không ngừng và sự phát triển sáng tạo của xã hội loài người, nó luôn theo kịp với thời đại và đó chính là cái làm nên nền tảng, linh hồn của chủ nghĩa Marx, đồng thời là chìa khoá duy trì sức sống mạnh mẽ và linh hoạt cho chủ nghĩa Marx trong suốt hơn 150 năm qua. Những tư tưởng sinh thái học và lý luận kinh tế sinh thái của K. Marx là lý luận khoa học, chứa đựng tính hiện thực mạnh mẽ nhất và cả những đặc trưng của thời đại. Giờ đây, những lý luận này càng bộc lộ đầy đủ những giá trị khoa học hiện đại và sức sống mãnh liệt của nó. Vì thế, việc xây dựng kinh tế học sinh thái Marxist mang đặc sắc Trung Quốc là một nhiệm vụ cao cả của những nhà nghiên cứu kinh tế Marxist Trung Quốc.

2. Chủ nghĩa Marx sinh thái, ra đời vào những năm 1970, là kết quả tất yếu của thời đại mà sự sản sinh và hình thành nên nó có quan hệ sâu sắc với nền tảng xã hội và lịch sử; đồng thời, là một biểu trưng cho sự phát triển mới của chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Marx sinh thái là sự kết hợp giữa sinh thái học hiện đại và chủ nghĩa Marx, là sự phát triển về mặt lý luận góp phần đưa nền văn minh nhân loại chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh sinh thái hiện đại. Với tư cách một trường phái Marxist, ảnh hưởng của nó đang ngày càng lớn. Ảnh hưởng đó cho thấy nhu cầu cần phải có một sự tổng kết về mặt lý luận đối với chủ nghĩa Marx ở vào thời điểm mang tính bước ngoặt này của nền văn minh hiện đại.

Để nhận thức mối quan hệ giữa chủ nghĩa Marx và sinh thái học, các học giả Marxist ngoài Trung Quốc đã trải qua ba giai đoạn, đó là chủ nghĩa Marx sinh thái, chủ nghĩa xã hội sinh thái và sinh thái học Marx. Khi Foster – học giả Mỹ nổi tiếng, người đứng đầu trường phái Marx, sửa đổi lý luận sinh thái Marx cũng là thời điểm xác nhận giai đoạn sinh thái học Marx chính thức xâm nhập vào chủ nghĩa Marx tại phương Tây, chủ nghĩa Marx sinh thái đã đạt đến giai đoạn chín muồi và hoàn tất giai đoạn hình thành của nó. Thành tựu của lý luận này là ở chỗ, nó đã xây dựng được một khung lý thuyết sinh thái học cho hệ thống lý luận hoàn chỉnh của chủ nghĩa Marx, cho thấy K. Marx thực sự là một nhà sinh thái học và cuối cùng, nó là cơ sở cho phép khẳng định rằng, K. Marx đã giải quyết những vấn đề môi trường – sinh thái trong tiến trình văn minh hiện đại. Vì thế, nó cung cấp một khung tư duy và nguồn tư tưởng cho việc làm sống lại lý luận Marxist, gồm triết học – sinh thái, kinh tế học sinh thái và xã hội học sinh thái của K. Marx. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một nhược điểm rất rõ về mặt lý luận trong chủ nghĩa Marx sinh thái, đặc biệt là ở những nước phát triển: có nhiều trường phái chủ nghĩa Marx sinh thái với những quan điểm cụ thể rất khác biệt. Bởi vậy, những quan điểm này cần được làm rõ và phải được phê phán trên tinh thần khoa học.

3. Nhìn chung, chủ nghĩa Marx sinh thái được các học giả phương Tây xây dựng nên, nó chủ yếu được trình bày theo khuôn mẫu triết học của chủ nghĩa Marx sinh thái, cái khuôn mẫu đã từng là một đóng góp cho sự hình thành chủ nghĩa Marx mới về mặt triết học của những học giả phương Tây, đặc biệt là những nhà triết học Marxist ở Bắc Mỹ. Nó cũng là thành tựu nghiên cứu sáng tạo trong việc phát triển chủ nghĩa Marx về mặt triết học trong tình hình hiện tại. Từ những năm 80 của thế kỷ 20, một số nhà triết học Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu những nội dung của triết học sinh thái Marxist, nhưng có rất ít những nghiên cứu về tư tưởng sinh thái học của K. Marx; đặc biệt, không có một nghiên cứu nào xuất phát từ việc cải tổ lại khuôn mẫu triết học, còn chủ đề hình mẫu triết học mới của chủ nghĩa Marx sinh thái với những đặc trưng khác biệt của Trung Quốc thì gần như rất đơn độc. Vì vậy, nghiên cứu chủ nghĩa Marx sinh thái cả ở trong và ngoài Trung Quốc mới chỉ hạn chế trong phạm vi của triết học sinh thái Marxist. Thậm chí, ngay cả khi một số học giả nước ngoài đã đề cập đến khía cạnh kinh tế của chủ nghĩa Marx sinh thái, chẳng hạn như giáo sư kinh tế Paul Burkett của Đại học Indiana đã thảo luận một số lý luận quan trọng và những vấn đề thực tiễn của kinh tế học sinh thái Marxist trong cuốn sách K. Marx và Tự nhiên của ông, một cuốn sách cũng đồng thời mang một chủ đề triết học, thì họ cũng chưa xây dựng được một mô hình kinh tế học sinh thái Marxist dựa trên cơ sở đổi mới mô hình kinh tế. Phải nói rằng, thật đáng tiếc cho việc nghiên cứu lý thuyết và chủ nghĩa Marx sinh thái cả trong lẫn ngoài nước.

4. Ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ vừa qua, các nhà kinh tế học Trung Quốc, đại diện là nhà kinh tế học Marxist nổi tiếng Xu Dixin, đã nhất trí với nhau về một số nội dung của kinh tế học sinh thái Marxist trong tiến trình xây dựng nền kinh tế học sinh thái Marxist ở Trung Quốc. Với tư cách người đặt nền móng cho kinh tế học sinh thái Marxist, trong bài báo Chủ nghĩa Marx và kinh tế học sinh thái nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của K. Marx, Xu Dixin viết, “Trong rất nhiều tác phẩm của mình, đặc biệt trong kiệt tác bất hủ Tư bản, K. Marx đã từng một vài lần đề cập đến sự cân bằng sinh thái, đến sự chuyển hoá giữa con người và tự nhiên và những vấn đề khác”; “Không còn nghi ngờ gì nữa, sự chuyển hoá (metabolism) giữa con người và tự nhiên trong quá trình lao động được K. Marx trình bày bao hàm cả ý nghĩa sinh thái hệ. Sự chuyển hoá này bàn về ý nghĩa của mối quan hệ qua lại lẫn nhau giữa con người (hình thành nên xã hội) và hệ thống môi trường mà con người đang sống”. Nói chính xác hơn, đây là những vấn đề phải được kinh tế học sinh thái nghiên cứu. Đó cũng chính là bước đi đầu tiên của việc nghiên cứu kinh tế học sinh thái Marxist tại Trung Quốc.

Với sự khởi đầu của Xu Dixin, Cheng Fulu, những nhà nghiên cứu kinh tế sinh thái đầu tiên tại Trung Quốc, tôi đã tiến hành một số nghiên cứu về mối quan hệ tương tác giữa kinh tế học Marxist và sinh thái học hiện đại. Những thành công đạt được nằm trong luận án Nghiên cứu những vấn đề lý luận của kinh tế học sinh thái của tôi, xuất bản năm 1989 và đã đoạt giải nhì trong Cuộc thi những thành tích trong khoa học nghệ thuật của Đại học Trung Quốc lần thứ nhất và trong cuốn Kinh tế học môi trường của Cheng xuất bản năm 1993. Trong những tác phẩm trên, một số nguyên lý cơ bản và những nội dung quan trọng đã được nghiên cứu.

Sau cuộc gặp về môi trường và phát triển tại Hoa Kỳ năm 1992, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx, một số học giả Trung Quốc đã nhận thấy rằng, rất nhiều kết luận trong hệ thống lý luận của K. Marx là những diễn đạt sâu sắc nhất về sự phát triển bền vững và là những tư tưởng về một nền kinh tế phát triển bền vững. Vì thế, một kết luận được rút ra là: K. Marx chính là nhà lý luận tiền phong cho rằng con người nên tuân theo cách phát triển bền vững. Đây cũng chính là nhiệm vụ mang tính chiến lược cho việc cải cách và phát triển kinh tế học Marxist hiện nay lên một tầm cao mới nhằm làm sáng tỏ những thành tựu liên quan đến kinh tế học sinh thái Marxist trong những nghiên cứu ban đầu của chúng ta về kinh tế học – sinh thái, triết học – sinh thái, xã hội học – sinh thái và lý luận về phát triển bền vững, phác thảo những phạm trù, lý luận và đặc điểm cơ bản của kinh tế học sinh thái Marxist trên cơ sở những thay đổi trong khuôn mẫu kinh tế học; đồng thời, xây dựng kinh tế học sinh thái Marxist với những đặc trưng riêng của Trung Quốc.

5. Hai thái cực trong nghiên cứu khoa học về chủ nghĩa Marx mà chúng ta nên tránh là: chỉ nhấn mạnh nghiên cứu dựa trên cơ sở ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Marx, mà lờ đi việc nghiên cứu tổng thể hệ thống lý luận của chủ nghĩa Marx; ngược lại, chỉ nhấn mạnh đến cái sau (nghiên cứu tổng thể hệ thống lý luận) mà lờ đi cái trước (nghiên cứu ba bộ phận cấu thành) thì cũng không phải là một cách làm giàu hay phát triển khoa học Marxist. Bản thân học thuyết Marx là sự thống nhất thực sự, như K. Marx đã nói: “Bất chấp những gì còn là thiếu sót trong các tác phẩm của tôi, thì đó vẫn là một tác phẩm có lợi, đó là một sự tích hợp đầy nghệ thuật”[1]. Vì vậy, việc nghiên cứu toàn diện, nắm bắt và phát triển trọn vẹn hệ thống học thuyết Marx phải được đề cao. Tuy nhiên, nghiên cứu toàn diện không phải chỉ là sự thay thế hay thậm chí phủ nhận từng bộ phận của chủ nghĩa Marx, càng không phải là nghiên cứu 3 bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Marx một cách riêng rẽ, mà là tiến hành một nghiên cứu sâu hơn, cải cách và phát triển triết học Marxist, kinh tế học Marxist và chủ nghĩa xã hội khoa học. Trên phương diện này, tôi rất nhất trí với quan điểm của Giáo sư Gao Fang: “Để tăng cường nghiên cứu toàn diện chủ nghĩa Marx thì không có nghĩa là xem nhẹ những nghiên cứu độc lập từng bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Marx, mà là phải nghiên cứu chủ nghĩa Marx đạt đến trình độ tổng hợp và bổ sung cao hơn ba bộ phận cấu thành của nó”. Hiện nay, chúng ta nên tăng cường hơn nữa nghiên cứu tích hợp mối quan hệ qua lại giữa những bộ phận của chủ nghĩa Marx sinh thái trên cơ sở nghiên cứu toàn diện khoa học sinh thái Marxist, cụ thể là tăng cường nghiên cứu sự giao thoa và kết hợp giữa triết học và kinh tế học sinh thái Marxist nhằm xây dựng nên một ngành kinh tế học sinh thái Marxist – với tư cách một hình mẫu kinh tế học Marxist mới.

6. Xây dựng kinh tế học sinh thái Marxist và tăng cường nghiên cứu toàn diện học thuyết Marx là một nhiệm vụ quan trọng. Ở đây, việc nghiên cứu toàn diện này sẽ tạo ra ba ảnh hưởng: thứ nhất, khi xem xét và suy ngẫm lại những tư tưởng lỗi lạc của K. Marx và Ph.Ăngghen, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy có một số lý luận và tư tưởng phong phú liên quan đến sinh thái học và kinh tế học – sinh thái, chúng cung cấp những nguyên lý cơ bản cho việc hình thành kinh tế học sinh thái Marxist; thứ hai, để vững tin vào tư tưởng lịch sử – tự nhiên của học thuyết Marx, trong đó mối quan hệ gắn bó, cùng phát triển giữa con người, xã hội và tự nhiên là nền tảng và là linh hồn của học thuyết Marx. Trên thực tế, K. Marx đã đề xuất ba nhân tố cơ bản khi ông bắt đầu xây dựng học thuyết của mình: đó là tự nhiên, con người, xã hội và chỉnh thể hữu cơ của ba nhân tố đó. Vì thế, trong lịch sử tư tưởng loài người, K. Marx là nhà lý luận đầu tiên bàn về mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa giải phóng con người, giải phóng xã hội và giải phóng tự nhiên. Theo nghĩa này, học thuyết Marx là một trong những học thuyết giải phóng con người và tự nhiên, một học thuyết làm thành giá trị và nguyên tắc cao nhất của kinh tế học sinh thái Marxist. Giá trị và nguyên tắc này nằm ở cơ sở khoa học và đúng đắn của kinh tế học sinh thái Marxist. Cũng theo nghĩa này, chúng ta có thể định nghĩa kinh tế học sinh thái Marxist là khoa học vạch ra quy luật, cơ chế tổ chức thống nhất, sự vận động và phát triển của nó, đó cũng là kinh tế học Marxist theo nghĩa rộng. Thứ ba, phải tiến hành những nghiên cứu toàn diện về tư tưởng kinh tế học sinh thái của K. Marx bắt đầu từ từng bộ phận cấu thành của nó, tức là thông qua nghiên cứu từng phần của bộ phận đó, nhằm đạt được một sự hợp nhất kinh tế sinh thái học của K. Marx về mặt lý luận trên một trình độ cao hơn; từ đó, cung cấp cơ sở lý luận cho triết học, kinh tế học, xã hội học Marxist và đặc biệt là sinh thái học Marxist.

7. Từ lâu nay, kinh tế học truyền thống của cả phương Đông lẫn phương Tây đều tách biệt giữa sinh thái học tự nhiên và kinh tế – xã hội. Kinh tế học Marxist cũng trong tình trạng như vậy. Về mặt lý luận, kinh tế học Marxist không tính đến khung lý thuyết, những tư tưởng sinh thái học của K. Marx; cho nên, trong kinh tế học Marxist truyền thống, không có sự kết nối giữa lý luận kinh tế học và tư tưởng sinh thái học của K. Marx. Nó cũng không làm rõ được về mặt sinh thái học ý nghĩa của môi trường – sinh thái tự nhiên đối với nền văn minh hiện đại và sự phát triển kinh tế – xã hội của con người. Trên thực tế, do ảnh hưởng của nền văn minh công nghiệp tư bản chủ nghĩa, lý luận này đã “lờ đi” sự tha hoá và thực tại của nền văn minh tư bản, đặc biệt nó đã “lờ đi” cái thực tại tương tự như vậy hiện vẫn tồn tại trong tiến trình văn minh hoá và phát triển xã hội chủ nghĩa. Nó cũng không chú ý đến chức năng cơ bản mang tính quyết định của môi trường tự nhiên đối với sự phát triển kinh tế và xã hội hiện đại cả trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Kinh tế học Marxist truyền thống đã đánh mất tiếng nói và chức năng dẫn dắt của nó trong việc giải quyết những vấn đề khủng hoảng sinh thái toàn cầu hay sự phát triển bền vững mà xã hội hiện đang đặt ra. Vì vậy, một khía cạnh quan trọng nữa trong sự phát triển kinh tế học Marxist truyền thống là phải tính đến tư tưởng sinh thái học của K. Marx, phải đưa lý luận về môi trường sinh thái tự nhiên của K. Marx vào cái khung lý thuyết của chính bản thân nó để thích nghi với nhu cầu khách quan của nền văn minh hiện đại và nhu cầu phát triển. Đồng thời, một nhiệm vụ quan trọng khác là phải xây dựng kinh tế học sinh thái Marxist theo hình mẫu mới của kinh tế học Marxist. Trên quan điểm về sự thống nhất nội tại giữa sinh thái học và kinh tế học Marxist, quy luật khách quan của sự vận động và phát triển hệ thống kinh tế – sinh thái hiện đại phải được lột tả xung quanh chủ thể của mối quan hệ phát triển giữa hoạt động kinh tế của con người và sinh thái học tự nhiên. Vì thế, chúng ta phải làm sống lại lý luận kinh tế sinh thái học của K. Marx trên cơ sở sinh thái học tự nhiên và kinh tế – xã hội, vượt qua những hạn chế mà lý luận kinh tế học Marxist truyền thống đã không thể giải quyết nổi hoặc không thể giải quyết được triệt để vấn đề mối quan hệ giữa hoạt động kinh tế của con người và môi trường – sinh thái tự nhiên. Cuối cùng, từ mọi phương diện, cần phải xác định được vị trí tiếng nói và chỉ dẫn mà K. Marx và chủ nghĩa Marx đã nêu ra trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đời sống xã hội hiện đại và sự phát triển không bền vững của nền kinh tế xã hội hiện đại. Điều này có thể làm nên một sự chuyển biến về chất trong lịch sử kinh tế học Marxist.

8. Hai nguyên lý cơ bản phải được xem xét trong xây dựng khung lý thuyết cho kinh tế học sinh thái Marxist là: 1) Nội dung, nguyên lý cơ bản, bản chất tinh thần và phương pháp tư duy của học thuyết Marx phải phù hợp với nhau, đặc biệt là lập luận chặt chẽ và những quan điểm lý luận kinh tế học sinh thái trong sinh thái học và kinh tế học của K. Marx phải được thể hiện một cách trọn vẹn và toàn diện. 2) Chủ đề của thời đại và cơ sở thực tiễn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc phải được phản ảnh ở trong đó. K. Marx đã chỉ ra rằng, tất cả những nội dung thực sự của các hệ thống trong mọi thời đại đều được hình thành xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi trong bản thân những thời đại đó và tất cả những hệ thống này đều dựa trên cơ sở tổng thể phát triển của đất nước đó trong quá khứ. Tôi cho rằng, trên cơ sở hai đòi hỏi đó, việc xây dựng khung lý thuyết của kinh tế học sinh thái Marxist sẽ phải chứa đựng nội dung dựa trên 5 trình độ khác biệt sau đây:

Thứ nhất, phải xác lập được điều kiện tiên quyết cơ bản với tư cách cơ sở lý luận xuất phát từ sự hợp nhất học thuyết Marx, từ đó có thể tiến hành nghiên cứu những tư tưởng kinh tế sinh thái của K. Marx; đồng thời, đặt cơ sở cho triết học, xã hội học, kinh tế học và sinh thái học Marxist đối với kinh tế học sinh thái Marxist.

Thứ hai, một điểm khởi đầu về mặt lôgíc khoa học, chẳng hạn như học thuyết về sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập của K. Marx, học thuyết về sự thống nhất bên trong giữa nhân tố tự nhiên và nhân tố kinh tế – xã hội phải được xác lập và trở thành điểm khởi đầu cho nghiên cứu kinh tế học sinh thái Marxist.

Thứ ba, cần phải xây dựng được mạch nguồn chính, chẳng hạn như lý luận về mối quan hệ chuyển hoá mang tính kinh tế – sinh thái giữa con người và giới tự nhiên của K. Marx, cái lý luận đã làm rõ một cách sâu sắc bản chất của kinh tế – sinh thái, tôi gọi đó là lý luận về bản chất kinh tế – sinh thái. Bản chất này xác định rằng, quan điểm phát triển của học thuyết Marx là sự thống nhất hữu cơ giữa tư tưởng phát triển kinh tế – xã hội và tư tưởng phát triển sinh thái tự nhiên; đồng thời, nó cũng là ranh giới sống của kinh tế học sinh thái Marxist.

Thứ tư, một quan niệm cốt lõi cơ bản mang tính khách quan, chẳng hạn như lý luận về nguyên nhân bên trong của môi trường sinh thái của K. Marx, là lý luận về sự chuyển hoá những yếu tố biến đổi bên ngoài thành những yếu tố biến đổi bên trong cần phải được xác lập; nhờ đó, sự đổi mới và phát triển lý luận kinh tế trong thế kỷ 21 có thể được thực hiện thông qua việc tạo lập một sự vận hành kinh tế bền vững và phát triển môi trường – sinh thái. Đồng thời, đây cũng là tư tưởng hạt nhân của kinh tế học sinh thái Marxist.

Thứ năm, một nhánh lý thuyết cơ bản mới phản ánh tính nhị nguyên của kinh tế – sinh thái, phản ánh sự biến đổi vật chất, lý thuyết sinh hoá nội tại của môi trường – sinh thái, lý luận toàn diện về sản xuất, lực lượng sản xuất theo nghĩa rộng, sự luân chuyển vật chất, sự phát triển đầy đủ của nền văn minh,… phải được xây dựng và làm thành lý luận cơ bản cho những phần chủ yếu của kinh tế học sinh thái Marxist.

9. Lý luận kinh tế học sinh thái Marxist sẽ chỉ ra rằng, K. Marx là nhà thám hiểm sớm nhất trong lý luận về sự phát triển kinh tế – sinh thái bền vững và là người tiền phong cho tư tưởng xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển hài hoà. Học thuyết Marx, như V.I.Lênin đã nói, là học thuyết hoàn bị nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển. Vì thế, học thuyết Marx mãi mãi là một tư tưởng khoa học về phát triển. Theo quan niệm lịch sử tự nhiên của K. Marx, tư tưởng khoa học về phát triển phải là sự thống nhất giữa phát triển kinh tế – xã hội và tư tưởng về phát triển – sinh thái trên cơ sở lấy sự thống nhất giữa con người và sinh thái làm cội rễ tư tưởng của nó. Trong học thuyết về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của K. Marx, tư tưởng về xã hội hài hoà và hợp tác xã hội mà con người đã theo đuổi hàng triệu năm có thể trở thành hiện thực trong chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nền văn minh cộng sản chủ nghĩa là hình dung cao nhất về sự hài hoà và hợp tác giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người. Trong khi lực lượng sản xuất vật chất phát triển cao có thể mang lại sự hài hoà về kinh tế, thì sự phát triển cao của tự nhiên có thể đưa đến sự hài hoà – sinh thái, hai thứ đó là ngưỡng cửa để nhân loại bước vào nền văn minh xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Có thể nói một cách không nghi ngờ rằng, xã hội xã hội chủ nghĩa hài hoà là sự thể hiện đầy đủ nhất thuộc tính kinh tế – sinh thái, sinh thái học và đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Vì thế, mục tiêu thực tiễn của việc xây dựng kinh tế học sinh thái Marxist rõ ràng là cung cấp một cách thức tư duy mới cho giai đoạn phát triển từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh – sinh thái. Nhờ đó, những chức năng dẫn dắt và khích lệ của kinh tế học Marxist đối với tư tưởng phát triển khoa học thực tiễn, đối với xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hài hoà và thúc đẩy sự phát triển hợp tác toàn diện, bền vững của nền văn minh xã hội chủ nghĩa sẽ đóng một vai trò cơ bản.

10. Tăng cường nghiên cứu kinh tế học sinh thái Marxist không chỉ theo nghĩa nhấn mạnh nghiên cứu học thuyết của K. Marx, Ph.Ăngghen và những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx, mà còn là sự phát triển mới chủ nghĩa Marx theo kiểu Trung Quốc, điển hình là những thành tựu lý luận của chủ nghĩa Marx mang đặc sắc Trung Quốc. Chủ nghĩa Marx mang đặc sắc Trung Quốc, chẳng hạn không chỉ sự phát triển kinh tế – sinh thái Marxist bền vững trong lĩnh vực nghiên cứu chính trị, mà cả những thành tựu cải cách to lớn của nó trên phương diện lý luận phát triển kinh tế – sinh thái bền vững trong lĩnh vực học thuật ở Trung Quốc cũng phải được tiến hành. Tất cả những điều này đã được thể hiện trong ba giai đoạn sau đây: 1) Từ cuối những năm 70 đến cuối những năm 1980 của thế kỷ 20, những học giả Trung Quốc đã đưa ra lý luận kinh tế – sinh thái lấy lý thuyết về phát triển kinh tế – sinh thái hài hoà làm hạt nhân. Đây là một đóng góp chủ yếu về mặt lý luận đối với sự phát triển lý luận kinh tế – sinh thái của K. Marx. 2) Từ những năm 90 của thế kỷ 20, những học giả Trung Quốc đã nêu lên tư tưởng kinh tế học phát triển bền vững trên nền tảng phát triển hài hoà kinh tế – sinh thái, coi đó là cơ sở lý luận chủ yếu để phát triển tư tưởng về phát triển bền vững trong quan niệm kinh tế – sinh thái của K. Marx. 3) Từ giai đoạn cải cách và mở cửa của Trung Quốc, những nhà lãnh đạo Trung ương thế hệ thứ hai và Uỷ ban Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt của ông Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bắt đầu một cục diện mới trong nỗ lực gắn kết kinh tế học sinh thái Marxist với thực tiễn Trung Quốc, xây dựng nên một học thuyết mới về phát triển kinh tế – sinh thái bền vững giữa xây dựng kinh tế và dân số, tài nguyên và môi trường; đồng thời, xây dựng lý luận phát triển kinh tế – sinh thái Marxist bền vững cho giai đoạn mới. Vì thế, việc hệ thống hoá, tổng kết những lý luận này trên một cấp độ mới của chủ nghĩa Marx sinh thái và xây dựng kinh tế học sinh thái Marxist mang đặc sắc Trung Quốc là nhiệm vụ cấp bách. Đây cũng là sự phát triển mới, theo kịp với thời đại của kinh tế học Marxist.

—————————–

Chú thích:

[1] Tập hợp những thư từ (về Tư bản) của K. Marx và Ph.Ăngghen. bản in năm 1976. Nxb Nhân Dân, tr.196.

Theo VIENTRIETHOC.COM.VN

Tags: , , , ,