Tại sao Marx đúng? – 7 – Không còn đấu tranh giai cấp?

Có câu chuyện hoang đường rằng, Karl Marx biến sự phức tạp của xã hội hiện đại thành hai giai cấp hoàn toàn phân cực.

Tại sao Marx đúng? – 7 – Không còn đấu tranh giai cấp?

Tại sao Marx đúng? 

Lời nói đầu
1 – Chủ nghĩa Marx đã lỗi thời?
2 – Chủ nghĩa Marx là độc tài, bạo lực?
3 – Chủ nghĩa Marx là thuyết quyết định luận?
4 – Chủ nghĩa Marx là không tưởng?
5 – Chủ nghĩa Marx sùng bái kinh tế?
6 – Marx vô thần nên không quan tâm đến mặt tinh thần của con người?
7 – Không còn đấu tranh giai cấp?
8 – Chủ nghĩa Marx đối lập với dân chủ?
9 – Chủ nghĩa Marx dẫn đến nhà nước độc tài?
10 – Chủ nghĩa Marx đóng góp gì cho các phong trào cấp tiến hiện đại?

.

Nguồn: Why Marx was right / Terry Eagleton / 2011.
Biên dịch: Đinh Xuân Hà và Phương Sơn / Doi-mat.vn.

PHẢN BÁC:

Nỗi ám ảnh chán ngắt về giai cấp đã khiến chủ nghĩa Marx quá ư lạc hậu. Những người theo chủ nghĩa Marx dường như đã không để ý rằng, hình ảnh giai cấp xã hội đã thay đổi không còn nhận ra so với ngày Karl Marx viết những tác phẩm của mình. Cụ thể là giai cấp công nhân, những người họ hình dung một cách ngây thơ rằng, sẽ đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa xã hội, đã biến mất hầu như không còn dấu vết. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới hòa đồng (social world), nơi mà những vấn đề giai cấp ngày càng ít đi, tính lưu động xã hội ngày càng lớn, và việc bàn luận về đấu tranh giai cấp cũng cổ xưa như bàn luận về việc thiêu chết những người dị giáo. Những người công nhân cách mạng, giống như những ông chủ tư bản độc ác, là điều bịa đặt trong trí tưởng tượng của những người theo chủ nghĩa Marx.

BIỆN GIẢI:

Tóm tắt:

Để phản bác có sức thuyết phục sự phê phán đối với chủ nghĩa Marx về vấn đề này, T. Eagleton đã đi sâu phân tích nhận thức về giai cấp. Tác giả luận giải về lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội, về các giai cấp và bản chất cơ bản của các giai cấp; về các quan điểm, nhận thức khác nhau về khái niệm giai cấp, giai cấp xã hội. Từ những sự minh giải trên, tác giả khẳng định rằng, chủ nghĩa Marx không định nghĩa giai cấp theo phong cách sống, địa vị, thu nhập, giọng nói, nghề nghiệp hay tình trạng gia đình. Với K. Marx, giai cấp không phải là vấn đề anh cảm thấy thế nào mà là anh đang làm gì, anh đang đứng ở đâu trong một phương thức sản xuất cụ thể.

Tác giả luận giải về quá trình hình thành giai cấp công nhân, khẳng định chủ nghĩa Marx không đặt trọng tâm vào giai cấp công nhân chỉ vì nhìn thấy một số ưu điểm của lao động, cũng không đặt tầm quan trọng chính trị vào giai cấp công nhân vì họ được cho là bị chà đạp nhất trong các nhóm xã hội, mà điểm quyết định nhất chính là giai cấp công nhân có được vị trí trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vì ở trong hệ thống đó nên giai cấp công nhân quen với cách làm việc được chủ nghĩa tư bản tổ chức, trở thành một lực lượng có kỹ năng, có ý thức tập thể và chính trị tỉnh táo. Họ là những người không thể thiếu được đối với sự thành công của chủ nghĩa tư bản nhưng lại có lợi ích vật chất bị chủ nghĩa tư bản làm cho suy giảm.

Chính họ mới có khả năng tiếp quản và vận hành nền sản xuất vì lợi ích của tất cả mọi người, mang sứ mệnh thủ tiêu chủ nghĩa tư bản và giải phóng tất cả mọi người. Tác giả cũng phân tích rõ những tiên liệu của K. Marx về sự phát triển của khoa học-công nghệ sẽ làm gia tăng quá trình vô sản hóa những nhà chuyên môn, cùng với tình trạng tái vô sản hóa rất nhiều công nhân công nghiệp. Và như vậy, lực lượng giai cấp công nhân sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nhiều. Vậy nên luận thuyết về sự tiêu vong của giai cấp công nhân là một sự phóng đại thái quá, phi thực tế.

.

Chúng ta thấy rằng, những người theo chủ nghĩa Marx có vấn đề với chủ nghĩa xã hội không tưởng. Đây là một lý do vì sao họ phản đối một cách ảo tưởng rằng, chỉ vì ngày nay những vị giám đốc điều hành có thể chưng diện những chiếc giày thể thao hàng hiệu, nghe nhạc Range Against the Machine[1] và giai cấp xã hội đã biến mất khỏi bề mặt trái đất. Chủ nghĩa Marx không định nghĩa giai cấp theo phong cách sống, địa vị, thu nhập, giọng nói, nghề nghiệp hay tình trạng gia đình. Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội không phải đấu tranh hay đôi khi hy sinh qua hàng thế kỷ chỉ đơn giản để chấm dứt thói trưởng giả học làm sang.

Khái niệm kỳ quặc của người Mỹ về “chủ nghĩa giai cấp” dường như chỉ ra rằng hầu như giai cấp là vấn đề thái độ. Tầng lớp trung lưu nên ngừng tỏ ra khinh bỉ giai cấp lao động giống như người da trắng nên thôi cảm thấy mình cao cấp hơn những người Mỹ gốc Phi. Nhưng chủ nghĩa Marx không phải là vấn đề thái độ. Đối với chủ nghĩa Marx, giống như đức hạnh đối với Aristotle, giai cấp không phải là vấn đề anh cảm thấy thế nào mà là anh đang làm gì. Đó là vấn đề anh đang đứng ở đâu trong một phương thức sản xuất cụ thể – dù là nô lệ, nông dân tự canh tác, tá điền, chủ tư bản, tài phiệt, người bán sức lao động, tiểu tư sản,… Chủ nghĩa Marx chưa bị đẩy đến bước phá sản do những học sinh trường Eton[2] đã bắt đầu trở thành những người không có học thức, những hoàng tử hoàng tộc nôn mửa ra rãnh nước bên ngoài những hộp đêm, hay một số nghi thức cổ xưa độc đáo đã bị lu mờ bởi chất dung môi phổ biến được biết đến là tiền. Thực ra, việc tầng lớp quý tộc châu Âu rất vinh dự được đàn đúm với ca sĩ nhạc rốc Mick Jagger rõ ràng không thể đánh dấu sự khởi đầu cho xã hội không có giai cấp.

Chúng ta đã nhiều lần được nghe nói đến sự biến mất của tầng lớp lao động… Tuy nhiên, trước khi chúng ta chuyển sang chủ đề đó, thì sự biến mất không báo trước của giai cấp tư sản giàu sang truyền thống hay giai cấp trung lưu bên trên là gì? Như Perry Anderson đã viết, loài người được khắc họa một cách đáng nhớ bởi những tiểu thuyết gia như Marcel Proust và Thomas Mann đều đã bị tuyệt chủng.

Anderson viết: “nhìn chung giai cấp tư sản, như Baudelaire hay Karl Marx, Ibsen hay Rimbaud, Groz hay Brecht – thậm chí Sartre hay O`Hara – đều thuộc về quá khứ“. Tuy nhiên, những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội không nên quá phấn khích bởi cáo phó này. Như những gì mà Anderson tiếp tục bình luận: “thay thế cho giảng đường vững chắc đó là một biển rộng những dạng thức phù du, trôi nổi – những người đặt kế hoạch (projector) và những giám đốc quản lý, kiểm toán viên và người dọn dẹp vệ sinh, nhân viên chính quyền và những kẻ đầu cơ tư bản hiện đại: chức năng của hệ thống tiền tệ được biết đến là không có tính chất hao mòn xã hội hay tính đồng nhất ổn định“[3]. Giai cấp luôn luôn thay đổi kết cấu của nó. Nhưng như thế không có nghĩa là nó hoàn toàn biến mất không dấu vết.

Bản chất của chủ nghĩa tư bản là làm tiêu tan những nét độc đáo, đánh đổ các thứ bậc và pha trộn hổ lốn những dạng thức phong phú nhất của cuộc sống với nhau. Không có hình thức nào lai tạp và mang tính đa nguyên hơn. Nếu nói về người nào cần bị bóc lột, hệ thống này sẽ là người theo chủ nghĩa bình quân đáng ngưỡng mộ. Nó chống lại tôn ti trật tự như chủ nghĩa hậu hiện đại với đạo đức giả nhất, nhưng cũng bao dung rộng lượng như giáo hoàng phái Anh đứng đắn nhất. Thật đáng lo ngại khi không loại trừ ai cả. Nơi nào có thể tạo ra lợi nhuận, người da đen hay da trắng, đàn bà hay đàn ông, trẻ con hay người già, những vùng lân cận ở Wakefield hay những ngôi làng nông thôn ở Sumatra, đều được đối xử công bằng không chê vào đâu được. Hàng hóa không kiểm tra xem những khách hàng tiềm năng của nó học ở trường nào hoặc có nói ngọng hay không. Nó luôn áp đặt một hình thức thống nhất mà Karl Marx hoàn toàn phản đối như chúng ta đã thấy.

Vì vậy, chúng ta không nên bất ngờ rằng chủ nghĩa tư bản tiến bộ sẽ nuôi dưỡng ảo tưởng về tình trạng phi giai cấp. Đây không đơn giản là mặt trước của tòa nhà mà đằng sau đó chế độ này đang che giấu những bất bình đẳng, mà đây thuộc về bản chất của loài thú vật. Tuy vậy, có những tương phản đáng chú ý giữa không khí vui vẻ thân mật trong những văn phòng hiện đại với hệ thống toàn cầu mà ở đó sự khác biệt giữa giàu sang và quyền lực lớn hơn bao giờ hết. Hệ thống cấp bậc lỗi thời ở một số lĩnh vực kinh tế đã nhường chỗ cho những dạng thức, tổ chức phi tập trung hóa, dựa vào mạng lưới, làm việc theo nhóm, phong phú thông tin, gọi nhau theo tên thân mật, áo không cài khuy cổ.

Nhưng vốn vẫn tập trung vào một số ít người hơn bao giờ hết, và cấp độ nghèo túng và mất quyền sở hữu tăng lên từng giờ. Trong khi những vi giám đốc điều hành vuốt thẳng quần jeans bên trên đôi giày thể thao của mình, thì hơn một triệu người khắp hành tinh bị đói mỗi ngày. Hầu hết những thành phố lớn ở phía Nam địa cầu đều là những khu ổ chuột hôi hám đầy rẫy bệnh tật và chật chội quá mức, và những người sống trong khu ổ chuột chiếm một phần ba dân thành thị trên toàn cầu. Tổng số người nghèo thành thị chiếm ít nhất một nửa dân số thế giới[4]. Trong khi đó, một số người ở phương Tây cố gắng tìm nhiệt tình của mình theo kinh Phúc Âm để truyền bá nền dân chủ tự do đến những người còn lại trên trái đất, ở chính cái nơi mà vận mệnh thế giới đang được quyết định bởi một nhúm tập đoàn phương Tây chỉ chịu trách nhiệm trước không ai khác ngoài những cổ đông của họ.

Mặc dù vậy, những người ủng hộ chủ nghĩa Marx không đơn thuần “chống lại” tầng lớp tư bản, như người ta chống lại việc săn bắn thú rừng hay hút thuốc lá. Chúng ta đã thấy rằng, không ai ngưỡng mộ những thành tựu to lớn của họ hơn Karl Marx. Chính bản thân chủ nghĩa xã hội cũng cần dựa trên những thành tựu này: sự phản đối cương quyết đối với chuyên chế chính trị, sự tích lũy của cải quy mô lớn mang lại viễn cảnh cho sự thịnh vượng chung, tôn trọng cá nhân, tự do công dân, quyền dân chủ, một cộng đồng quốc tế thực sự…

Lịch sử giai cấp đã từng có được không dễ dàng bị loại bỏ. Như chúng ta đã nói, chủ nghĩa tư bản đã chứng tỏ là một lực lượng mang tính giải phóng nhưng cũng đồng thời thảm khốc không kém; và chỉ có chủ nghĩa Marx, chứ không phải bất kỳ một học thuyết chính trị nào khác, đã cố gắng truyền tải một giải thích đúng đắn về chủ nghĩa tư bản, khác hẳn với sự tán dương hồ đồ hoặc kết tội chụp mũ.

Tuy nhiên, trong số những món quà to lớn mà chủ nghĩa tư bản ban cho thế giới, có thứ ngoài dự tính đó là giai cấp công nhân – một lực lượng xã hội mà chủ nghĩa tư bản đã dựng lên vì những mục đích tư lợi của chính nó đến mức giai cấp này về nguyên tắc có khả năng tiếp quản lại chủ nghĩa tư bản. Đây là một lý do vì sao sự trớ trêu lại nằm ngay trong viễn cảnh của Karl Marx về lịch sử. Viễn cảnh của trật tự tư bản chủ nghĩa đã chứa đựng một không khí u ám sản sinh ra người đào mồ chôn chính nó.

Chủ nghĩa Marx không đặt trọng tâm vào giai cấp công nhân chỉ vì nó nhìn thấy một số ưu điểm xuất sắc của lao động. Những tên kẻ trộm và chủ ngân hàng cũng phải làm việc vất vả, nhưng Karl Marx không nổi tiếng bởi sự đấu tranh cho những loại người này (tuy nhiên, ông đã từng viết về những kẻ trèo tường khoét vách trong một bài văn khôi hài nhại lại học thuyết kinh tế của chính ông).

Như chúng ta đã thấy, chủ nghĩa Marx muốn thủ tiêu lao động càng nhiều càng tốt. Chủ nghĩa Marx cũng không đặt tầm quan trọng chính trị như vậy vào giai cấp công nhân bởi họ được cho là bị chà đạp nhất trong số các nhóm xã hội. Có rất nhiều nhóm như thế – dân du mục, sinh viên, người tị nạn, người già, người thất nghiệp tạm thời và những người thất nghiệp lâu năm – là những người nghèo túng hơn người lao động bình thường.

Giai cấp công nhân vẫn không ngừng là mối quan tâm đối với những người ủng hộ chủ nghĩa Marx ngay cả khi họ có được phòng vệ sinh trong nhà hay ti vi màu. Mà điểm quyết định nhất chính là giai cấp công nhân có được vị trí trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chỉ có những ai trong hệ thống đó, đã quen với cách làm việc, được chủ nghĩa tư bản tổ chức thành một lực lượng có kỹ năng, có ý thức tập thể và chính trị tỉnh táo. Là những người không thể thiếu được đối với sự hoạt động thành công của chủ nghĩa tư bản nhưng có lợi ích vật chất bị nó làm cho suy giảm, mới có khả năng tiếp quản và vận hành nó vì lợi ích của tấc cả mọi người. Không một chính khách gia trưởng thiện chí hay những người kích động bên ngoài nào có thể làm điều đó vì họ – điều đó muốn nói rằng quan tâm của Karl Marx đến giai cấp công nhân (mà dưới thời ông chiếm phần lớn dân số) là không thể tách rời sự tôn trọng của ông đối với nền dân chủ.

Nếu Karl Marx gán cho giai cấp công nhân (và một số thứ khác nữa) tầm quan trọng như thế là vì ông coi họ là những người mang sứ mệnh giải phóng cho tất cả loài người:

Ở sự hình thành một giai cấp bị trói buộc bởi những xiềng xích triệt để, một giai cấp của xã hội công dân mà không phải là giai cấp của xã hội công dân; ở sự hình thành một lĩnh vực do phải chịu những đau khổ phổ biến mà có tính chất phổ biến và không đòi hỏi một quyền đặc thù nào cả, vì cái đang đè nặng lên nó không phải là sự vô quyền đặc thù mà là sự vô quyền nói chung, không còn có thể viện đến quyền lịch sử mà chỉ có thể viện đến quyền của con người… – tóm lại, một lĩnh vực biểu hiện sự mất đi hoàn toàn của con người và do đó chỉ có thể hồi sinh được bản thân mình bằng cách hồi sinh con người một cách hoàn toàn. Kết quả ấy của sự giải thể của xã hội, với tính cách là một đẳng cấp đặc thù, chính là giai cấp vô sản“[5].

Đối với Karl Marx, giai cấp công nhân về ý nghĩa nào đó là một nhóm xã hội cụ thể. Không chỉ bởi vì theo ông, nó báo hiệu sự sai lầm kéo theo nhiều loại sai lầm khác (chiến tranh đế quốc, mở rộng thuộc địa, đói kém, diệt chủng, sự tước đoạt thiên nhiên, và ở mức độ nào đó là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chế độ gia trưởng), mà nó còn có ý nghĩa to lớn vượt ra ngoài vi phạm của chính nó. Với nghĩa này, nó giống như anh chàng giơ đầu chịu báng trong những xã hội cổ đại, bị đuổi ra khỏi thành phố bởi vì đại diện cho tội phạm phổ biến, nhưng cũng cùng lý do đó mà có được sức mạnh để trở thành nền móng của một trật tự mới.

Bởi vì, giai cấp công nhân vừa cần thiết cho chế độ tư bản chủ nghĩa, đồng thời cũng bị chính chế độ tư bản loại trừ. “Cái giai cấp mà không phải là một giai cấp” này là một điều bí ẩn hay câu hỏi hóc búa chưa có lời giải. Theo nghĩa đen hoàn toàn, nó tạo ra trật tự xã hội – mà cả một cơ ngơi đồ sộ phải dựa vào lực lượng lao động thầm lặng, bền bỉ của nó – nhưng nó lại không thể tìm thấy sự đại diện thực sự nào trong trật tự đó, không được thừa nhận đầy đủ về nhân tính của nó. Nó có khả năng lao động, nhưng đồng thời cũng bị tước quyền sở hữu, vừa cụ thể lại vừa phổ biến, một phần không thể thiếu của xã hội loài người nhưng lại không là một cái gì cả.

Theo nghĩa đó, do chính cái nền tảng của xã hội này có tính tự mâu thuẫn nên giai cấp công nhân báo hiệu thời điểm mà ở đó toàn bộ cơ sở lô-gic của trật tự đó bắt đầu phân hủy và tan rã. Nó là bảo bối có khả năng lật ngược tình thế của nền văn minh, một nhân tố chắc chắn không phải ở bên trong cũng không phải ở bên ngoài, một vị thế mà ở đó dạng thức sự sống đó bị buộc phải đương đầu với chính mâu thuẫn hình thành nên nó. Bởi vì giai cấp công nhân không có lợi ích thực sự trong tình trạng nguyên trạng, nó trở nên phần nào vô hình bên trong nó; nhưng cùng với lý do đó, nó có thể báo trước một tương lai thay thế khác. Đó là “sự tan rã” của xã hội theo chủ nghĩa phủ định của nó – sản phẩm phế thải hay thứ rác rưởi mà trật tự xã hội không thể tìm được đúng nơi dành cho nó.

Theo nghĩa này, nó như là một dấu hiệu nào đó cho sự phá hủy và tái tạo căn bản cần thiết để bao gồm cả nó. Nhưng nó cũng là sự tan rã của xã hội hiện tại với nghĩa tích cực hơn, vì khi giai cấp công nhân nắm được chính quyền, cuối cùng sẽ thủ tiêu hoàn toàn xã hội có giai cấp. Những cá nhân rốt cục sẽ không còn chịu sự ràng buộc của giai cấp xã hội, và sẽ có khả năng tự phát triển bản thân. Theo nghĩa này, giai cấp công nhân cũng mang tính “phổ biến”, bởi trong sự cố gắng thay đổi hoàn cảnh, họ cũng có thể rung chuông hạ màn toàn bộ bản trường ca bẩn thỉu của xã hội có giai cấp.

Vì vậy, đây lại là một sự trớ trêu hay mâu thuẫn nữa – chỉ thông qua giai cấp thì giai cấp mới chiến thắng được. Nếu chủ nghĩa Marx quá say sưa với khái niệm giai cấp, thì đó là vì nó muốn nhìn thấy mặt sau của giai cấp. Chính Karl Marx dường như đã coi giai cấp xã hội như là một hình thức của sự tha hóa. Gọi con người đơn thuần là “công nhân” hay “tư bản” là để che đi những tính cách riêng biệt của họ bên dưới một phạm trù vô hình. Nhưng sự tha hóa chỉ có thể được xóa bỏ từ bên trong. Chỉ bằng cách thông qua giai cấp, chấp nhận nó như là một thực tế xã hội không thể tránh khỏi thay vì mong ước nó biến mất, mới có thể phá hủy nó. Điều này cũng đúng đối với dân tộc và giới tính. Coi mỗi cá nhân là duy nhất cũng là chưa đủ, như những người Mỹ theo chủ nghĩa tự do (có lẽ bao gồm cả trùm truyền thông Donald Trump và những kẻ giết người hàng loạt ở Boston – The Boston Strangler) coi ai cũng là “đặc biệt”.

Theo một nghĩa nào đó thì việc mọi người ẩn danh tập trung với nhau có thể coi là sự tha hóa, nhưng theo nghĩa khác, nó lại là điều kiện cho sự giải phóng họ. Lại một lần nữa, lịch sử chuyển động bằng mặt “xấu” của nó. Những người theo chủ nghĩa tự do đầy thiện chí mà coi mỗi thành viên của Phong trào Giải phóng Ruritania[6] như một cá nhân duy nhất đã không nắm bắt được mục đích của phong trào này. Mục đích của nó là làm cho những người Ruritania có thể thực sự tự do là chính mình. Tuy nhiên, nếu ngay bây giờ họ được như thế, họ có thể không cần Phong trào Giải phóng.

Việc chủ nghĩa Marx nhìn xa vượt ra ngoài giai cấp công nhân khi xem xét nó còn mang một ý nghĩa khác nữa. Không một người ủng hộ chủ nghĩa xã hội có tự trọng nào từng tin rằng giai cấp công nhân có thể tự mình hạ bệ chủ nghĩa tư bản. Chỉ gò ép làm đồng minh chính trị thôi đã có thể coi là một nhiệm vụ nản chí. Chính Karl Marx đã nghĩ rằng, giai cấp công nhân nên ủng hộ giai cấp nông dân tiểu tư sản, không chỉ ở những nước Pháp, Nga và Đức, nơi mà công nhân công nghiệp vẫn còn ít. Những người Bolshevik cũng đã tìm cách vun đắp một mặt trận liên minh của công nhân, nông dân nghèo, quân nhân, thủy thủ, trí thức thành thị v.v…

Khía cạnh này có điểm đáng lưu ý là những người vô sản đầu tiên lại không phải là những nam thanh niên cổ xanh. Mà đó lại là những người phụ nữ thuộc tầng lớp dưới trong xã hội cổ đại. Từ “giai cấp vô sản” bắt nguồn từ tiếng Latinh là “con đẻ”, có nghĩa là, những người quá nghèo chỉ có thể phục vụ nhà nước bằng dạ con của mình. Do quá thiếu thốn không thể đóng góp cho cuộc sống kinh tế bằng bất kỳ cách nào khác, những người phụ nữ này tạo ra lực lượng lao động dưới dạng trẻ em. Họ không có gì để giao nộp ngoài thành quả của cơ thể họ. Cái mà xã hội yêu cầu ở họ không phải là sản xuất mà là tái sản xuất. Giai cấp vô sản bắt đầu cuộc sống từ những thứ nằm ngoài quá trình lao động chứ không phải nằm bên trong quá trình đó. Thế nhưng, công việc vất vả mà họ phải chịu đựng còn đau đớn hơn là đi phá đá.

Ngày nay, trong kỷ nguyên của những xí nghiệp bóc lột công nhân tàn tệ và lao động công nghiệp ở Thế giới thứ ba, người vô sản điển hình vẫn là phụ nữ. Công việc lao động trí óc dưới thời Victoria hầu hết được thực hiện bởi những người đàn ông thuộc tầng lớp trung lưu bên dưới thì ngày nay, phần lớn dành cho công nhân nữ, những người thường được trả lương ít hơn công nhân nam lao động chân tay không có kỹ thuật. Cũng chính những phụ nữ là những người cung cấp nhân viên cho sự bành trướng rộng lớn của những công việc bán hàng và văn phòng khi ngành công nghiệp nặng suy giảm mạnh sau Thế chiến thứ nhất. Trong thời của Karl Marx, nhóm những người làm công ăn lương lớn nhất không phải là giai cấp công nhân công nghiệp mà là đầy tớ trong nhà, hầu hết là phụ nữ.

Vì vậy, giai cấp công nhân không phải luôn luôn là đàn ông, khỏe mạnh và khéo tay với một chiếc búa tạ. Nếu bạn nghĩ theo cách đó, bạn sẽ thấy sửng sốt bởi tuyên bố của nhà địa lý David Harvey rằng: “giai cấp vô sản thế giới chưa bao giờ nhiều như hiện nay“[7]. Nếu giai cấp công nhân có nghĩa là những công nhân nhà máy cổ xanh, thì xã hội tư bản chủ nghĩa tiên tiến thực sự giảm rõ rệt – mặc dù, một phần là do những công việc như vậy đã được xuất khẩu sang những vùng nghèo nàn hơn trên thế giới. Tuy nhiên, đúng là việc làm trong ngành công nghiệp trên phạm vi toàn cầu đã giảm xuống. Ngay cả khi nước Anh là phân xưởng của thế giới, những người giúp việc trong gia đình và những người lao động nông nghiệp vẫn nhiều hơn công nhân chế tạo[8]. Xu hướng giảm lao động chân tay và tăng lao động trí óc không phải là hiện tượng “hậu hiện đại”. Trái lại, có thể thấy điều đó ngay từ những ngày đầu của thế kỷ XX.

Karl Marx không cho rằng, bạn phải lao động chân tay để được coi là giai cấp công nhân. Ví dụ, trong bộ Tư bản, ông xếp những người lao động trong ngành thương mại cùng hạng với công nhân công nghiệp, và không đồng nhất hoàn toàn giai cấp vô sản với cái được gọi là công nhân sản xuất theo nghĩa là những người trực tiếp tạo ra hàng hóa. Đúng hơn là giai cấp công nhân bao gồm tất cả những người bị ép bán sức lao động của mình cho tư bản, những người tiều tụy vì những kỷ luật hà khắc và những người không có hoặc có rất ít quyền kiểm soát điều kiện lao động của mình. Nói một cách tiêu cực, chúng ta có thể mô tả họ là những người được nhiều lợi nhất nếu chủ nghĩa tư bản sụp đổ.

Theo nghĩa này, những lao động cổ trắng tầng lớp dưới, thường là những người không có kỹ thuật, lương thấp, việc làm bấp bênh và không có tiếng nói trong quá trình lao động được tính trong nhóm đó. Có cả giai cấp công nhân lao động trí óc cũng như lao động công nghiệp, bao gồm rất nhiều công nhân kỹ thuật, văn phòng và hành chính bị tước đi sự tự chủ và quyền của mình. Chúng ta nên nhớ lại, giai cấp không chỉ là vấn đề về sở hữu hợp pháp trừu tượng mà còn là khả năng triển khai sức mạnh của mình đối với người khác nhờ lợi thế của chính mình.

Trong số những người mong muốn chủ trì lễ tang của giai cấp công nhân, rất nhiều người xuất thân từ sự phát triển ghê gớm của lĩnh vực dịch vụ, thông tin liên lạc. Sự quá độ từ công nghiệp đến chủ nghĩa tư bản “cuối cùng”, chủ nghĩa tư bản “tiêu dùng”, chủ nghĩa tư bản “hậu công nghiệp” hoặc “hậu hiện đại” thực sự đã kéo theo một số thay đổi đáng kể, như ta đã thấy gần đây. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng, không gì trong số này thay thế được bản chất cơ bản của những mối quan hệ sở hữu tư bản chủ nghĩa. gược lại, những thay đổi như vậy hầu như là để mở rộng và củng cố chúng.

Cũng cần nhớ lại rằng, công việc trong lĩnh vực dịch vụ cũng có thể nặng nhọc, bẩn thỉu và không thú vị như những công việc trong ngành công nghiệp truyền thống. Chúng ta không những phải nghĩ đến những bếp trưởng sang trọng và nhân viên tiếp tân ở Phố Harley mà còn nghĩ đến công nhân bốc vác, vận tải, dọn phế thải, bưu điện, bệnh viện, vệ sinh và cung cấp thực phẩm. Quả thực là, hầu như không nhìn thấy được sự khác biệt giữa công nhân dịch vụ và chế tạo nếu xét về lương, điều kiện làm việc và quản lý giám sát. Những người làm việc ở tổng đài cũng bị bóc lột giống như những người lao động cực nhọc ở mỏ than. Gọi tên là “dịch vụ” hay “lao động cổ trắng” làm mờ nhạt những khác biệt to lớn giữa phi công hàng không và nhân viên bảo vệ bệnh viện, hay công chức cấp cao và nữ phục vụ khách sạn. Như Jules Townshend bình luận: “Việc phân loại công nhân lao động trí óc ở lớp dưới, những người không kiểm soát được công việc của mình, phải chịu lương thấp và việc làm bấp bênh, không thuộc giai cấp công nhân là có vấn đề“[9].

Trong mọi trường hợp, bản thân ngành công nghiệp dịch vụ liên quan đến rất nhiều hàng hóa chế tạo. Nếu công nhân công nghiệp bị xếp dưới nhân viên ngân hàng và nhân viên phục vụ quán rượu, thì tất thảy quầy thu ngân, bàn làm việc, quầy bán rượu, máy tính và máy rút tiền mặt ở đâu ra? Một nữ nhân viên phục vụ, tài xế, trợ giảng hay thợ sửa máy tính không được tính là tầng lớp trung lưu đơn giản vì họ không sản xuất ra những sản phẩm hữu hình. Nếu xét đến lợi ích vật chất thì họ cũng có nhiều lợi ích khi thiết lập một trật tự xã hội công bằng hơn như đối với những người nô lệ bị bóc lột nhất vậy.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, một lực lượng lớn người nghỉ hưu, thất nghiệp và bệnh tật kinh niên, cùng với những người không có nghề nghiệp ổn định, không phải là một bộ phận cố định của quá trình lao động “chính thức” nhưng là những người chắc chắn được tính là giai cấp công nhân.

Đúng là công việc về kỹ thuật, hành chính và quản trị đã tăng lên mạnh mẽ, vì chủ nghĩa tư bản sử dụng công nghệ để sản xuất được nhiều sản phẩm hơn trong khi cần ít nhân công hơn. Thế nhưng nếu điều này không bác bỏ chủ nghĩa Marx thì một phần là bởi chính Karl Marx cực kỳ lưu ý đến nó. Từ giữa thế kỷ XIX, ông đã viết về “sự gia tăng liên tục của tầng lớp trung lưu”, trong đó ông phê phán môn kinh tế chính trị chính thống đã bỏ sót vấn đề này. Đây là những người “đứng ở giữa ranh giới, một bên là công nhân, còn bên kia lại là nhà tư bản“[10] – một cách diễn đạt vừa đủ để làm mất uy tín câu chuyện hoang đường rằng, Karl Marx biến sự phức tạp của xã hội hiện đại thành hai giai cấp hoàn toàn phân cực.

Trong thực tế, Marx lập luận rằng, ông đã nhìn thấy trước sự biến mất thực sự của giai cấp vô sản giống như ta đã biết dưới thời của ông. Không phải bị lật đổ bởi những người tước quyền sở hữu và nghèo đói, mà chủ nghĩa tư bản bị hạ bệ bởi sự áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, một hoàn cảnh có thể đem lại một xã hội của những cá nhân tự do và bình đẳng. Bất luận nghĩ gì về tác phẩm này của Karl Marx, không có gì nghi ngờ rằng ông đã nhận thức rõ ràng về việc làm thế nào mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng sản sinh ra nhiều lao động chuyên môn và kỹ thuật như vậy. Ông đã nói trong tác phẩm Grundrisse về “kiến thức xã hội tổng quát đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp“, một cụm từ hình dung trước cho cái mà hiện nay người ta gọi là xã hội thông tin.

Thế nhưng, sự phổ biến của lĩnh vực kỹ thuật và quản lý hành chính đã khiến cho đường ranh giới không ngừng mờ nhạt giữa giai cấp công nhân và tầng lớp trung lưu. Công nghệ thông tin mới báo hiệu sự biến mất của rất nhiều công việc truyền thống, cùng với tình trạng giảm mạnh sự ổn định kinh tế, cơ cấu việc làm ổn định và thiên hướng nghề nghiệp. Một ảnh hưởng của nó là làm gia tăng quá trình vô sản hóa những nhà chuyên môn, cùng với tình trạng tái vô sản hóa rất nhiều công nhân công nghiệp.

Như John Gray chỉ rõ: “Tầng lớp trung lưu đang đang gặp lại tình trạng kinh tế bấp bênh không có tài sản đã từng làm khổ sở giai cấp vô sản thế kỷ XIX“[11]. Nhiều người trong số đó mà theo truyền thống sẽ bị gán mác giai cấp trung lưu bậc thấp – giáo viên, công nhân xã hội, kỹ sư, nhà báo, mục sự bậc trung và viên chức hành chính – thì nay phải chấp nhận một quá trình vô sản hóa tàn nhẫn, bởi vì họ phải chịu một sức ép từ những kỷ luật quản lý chặt chẽ. Và điều này có nghĩa là họ cũng bị lôi cuốn vào sự nghiệp của giai cấp công nhân khi có một cuộc khủng hoảng chính trị.

Tất nhiên, sẽ là điều tuyệt vời cho những người theo chủ nghĩa xã hội nếu những vị giám đốc, quản lý và các nhà quản trị kinh doanh hàng đầu cũng đấu tranh vì sự nghiệp của họ. Những người Marxist không hề chống lại những quan tòa, ngôi sao nhạc rock, trùm truyền thông và những vị tướng lĩnh đang nhiệt tình gia nhập hàng ngũ của họ. Không có gì ngăn cấm Rupert Murdoch và Paris Hilton, miễn là họ chứng tỏ đã biết ăn năn hối lỗi và trải qua một thời gian sám hối lâu dài. Thậm chí, Martin Amis và Tom Cruise cũng có thể được trao tư cách làm thành viên tạm thời. Do địa vị xã hội và tình trạng tài sản của mình, đúng là những cá nhân này thường có xu hướng gắn bó với chế độ hiện hành. Tuy nhiên, nếu vì một vài lý do lạ lùng nào đó vì lợi ích của các nhà thiết kế thời trang chứ không phải của nhân viên bưu điện muốn chế độ đó kết thúc, thì những người Marxist sẽ tập trung sự chú ý chính trị của họ vào những nhà thiết kế thời trang và phản đối mạnh mẽ sự tiến bộ của nhân viên bưu điện.

Vì vậy, vấn đề không hề rõ ràng như những nhà lý luận về Cái-chết-của-công-nhân đã đưa ra. Trên đỉnh của xã hội bậc thang, chúng ta thấy rõ cái gọi là giai cấp cầm quyền, mặc dù đó không hề là âm mưu của những kẻ xấu xa theo chủ nghĩa tư bản. Đội ngũ của họ bao gồm quý tộc, quan tòa, luật sư và giáo sĩ, ông trùm truyền thông, sĩ quan quân đội cao cấp và bình luận viên báo chí, chính trị gia, sĩ quan cảnh sát và viên chức nhà nước, giảng viên (một vài người trong số họ là kẻ phản bội chính trị), đại địa chủ, nhân viên ngân hàng, môi giới chứng khoán, nhà tư bản công nghiệp, lãnh đạo cao cấp, hiệu trưởng các trường công… Hầu hết bản thân họ không phải là nhà tư bản, nhưng một cách gián tiếp họ lại đóng vai trò là tác nhân của tư bản. Dù họ không sống dựa vào tư bản, tô nhượng hay thu thập từ lương cũng chẳng có gì khác biệt.  Không phải tất cả những người kiếm được tiền hay lương đều là giai cấp công nhân. Lấy cô ca sĩ Britney Spears làm ví dụ. Bên dưới tầng xã hội cao nhất này là nhiều tầng xã hội trung lưu khác gồm những giám đốc, nhà khoa học, quản lý, viên chức… Và những nhóm người này chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số thế giới.

Chris Harman ước tính, quy mô của giai cấp công nhân toàn cầu vào khoảng hai tỷ người, hay với con số tương tự tùy thuộc nhiều vào cùng một cơ sở lập luận kinh tế[12]. Một ước tính khác cho là khoảng ba tỷ người[13]. Giai cấp công nhân dường như đã biến mất, giống hệt sự mất tích của Huân tước Lucan[14].

Không nên quên một số lượng lớn dân số thế giới sống ở những khu ổ chuột đang tăng nhanh một cách đáng kinh ngạc. Nếu những người sống ở khu ổ chuột chưa chiếm hầu hết dân số thành thị toàn cầu, thì họ sẽ sớm làm được điều đó. Những người này không phải một phần của giai cấp công nhân theo nghĩa cổ điển của thuật ngữ này, nhưng họ hoàn toàn không đứng ngoài quá trình sản xuất. Họ có xu hướng tham gia không ổn định vào quá trình đó, làm những công việc lương thấp, không được đào tạo hay được bảo vệ, không có hợp đồng, quyền lợi, quản lý hay khả năng thương lượng. Họ bao gồm những người bán rong, nhân viên bán quần áo, người bán đồ ăn, gái điếm, lao động trẻ em, người đạp xe ba gác, đầy tớ trong nhà và nhà kinh doanh tư nhân nhỏ lẻ.

 >> Max Weber và sự bổ sung cho quan điểm về phân tầng xã hội – giai cấp của Marx
.

Chính Karl Marx cũng phân biệt những tầng lớp khác nhau của những người thất nghiệp; và những gì Karl Marx nói về thất nghiệp “trôi nổi” hay lao động lúc có lúc không trong thời của ông, những người mà ông vẫn coi là giai cấp công nhân, có vẻ giống như tình trạng của rất nhiều người sống trong khu ổ chuột hiện nay. Nếu họ không thường xuyên bị bóc lột, thì chắc chắn họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế; và cùng với nhau, họ hình thành nên cộng đồng xã hội phát triển nhanh nhất nhất thế giới. Nếu họ có thể dễ dàng làm mồi cho những phong trào tôn giáo phản động thì họ cũng có thể tập hợp những hành động phản kháng chính trị ấn tượng.

Ở Mỹ Latinh hiện nay, nền kinh tế không chính thức này sử dụng hơn một nửa lực lượng lao động. Họ hình thành nên một giai cấp vô sản không chính thức mà đã chứng tỏ khả năng tổ chức chính trị tốt của mình; và nếu họ nổi dậy chống lại những tình trạng thảm khốc của mình, thì không có gì nghi ngờ rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới sẽ lung lay tận gốc rễ.

Karl Marx cho rằng, sự tập trung công nhân trong nhà máy là điều kiện tiên quyết cho giải phóng chính trị. Bằng việc tập hợp công nhân lại vì những mục đích tư lợi của chính họ, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những điều kiện mà họ có thể tổ chức về mặc chính trị, điều mà nhà cầm quyền không hề nghĩ đến. Chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại mà không có giai cấp công nhân, trong khi giai cấp công nhân có thể phát triển thịnh vượng hơn nhiều nếu không có chủ nghĩa tư bản. Những người sống trong khu ổ chuột ở các thành phố lớn trên thế giới không được tổ chức vì mục đích sản xuất, nhưng không có lý do gì để cho rằng, đây là nơi duy nhất mà những người khốn khổ trên trái đất có thể hiệp lực lại để thay đổi tình trạng của mình. Giống như giai cấp vô sản cổ điển, họ tồn tại như một tập thể, có lợi ích nhất khi kết thúc trật tự thế giới hiện đại, và không còn gì để mất ngoài xiềng xích[15].

Vậy thì, sự tiêu vong của giai cấp công nhân đã bị quá phóng đại. Người ta đã nói đến sự thay đổi của những vòng tròn đẳng phương từ giai cấp đến dân tộc, giới tính và chủ nghĩa hậu thực dân. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này sau. Trong khi chờ đợi, chúng ta nên nhớ rằng, chỉ những người coi giai cấp là vấn đề những ông chủ nhà máy quần áo bảnh bao và những công nhân lem luốc mới có thể nắm được khái niệm đơn giản như vậy. Tin rằng giai cấp đã chết giống như Chiến tranh lạnh, họ chuyển sang văn hóa, bản sắc, tính dân tộc và giới tình. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, những điều này cũng gắn bó với giai cấp xã hội như trước đây.

Tại sao Marx đúng? 

Lời nói đầu
1 – Chủ nghĩa Marx đã lỗi thời?
2 – Chủ nghĩa Marx là độc tài, bạo lực?
3 – Chủ nghĩa Marx là thuyết quyết định luận?
4 – Chủ nghĩa Marx là không tưởng?
5 – Chủ nghĩa Marx sùng bái kinh tế?
6 – Marx vô thần nên không quan tâm đến mặt tinh thần của con người?
7 – Không còn đấu tranh giai cấp?
8 – Chủ nghĩa Marx đối lập với dân chủ?
9 – Chủ nghĩa Marx dẫn đến nhà nước độc tài?
10 – Chủ nghĩa Marx đóng góp gì cho các phong trào cấp tiến hiện đại?

.

———————————

Chú thích:

[1] Một ban nhạc rock nổi tiếng của Mỹ những năm 1980 (ND).
[2] Trường Eton được thành lập năm 1440 bởi vua Henry VI của Anh, là một trường công đào tạo những học sinh nam mà nhiều người trong số này sau này trở thành những người nổi tiếng (ND).
[3] Perry Anderson: Nguồn gốc của tính hậu hiện đại (The Origins of Postmodernity), London, 1998, tr.85.
[4] Xem Mike Davis: Hành tinh ổ chuột (Planet of Slums), London, 2006, tr.25.
[5] “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen – Lời nói đầu”, trong Karl Marx và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H2002, t.1, tr.588.
[6] Ruritania là một vương quốc viễn tưởng nằm chính giữa châu Âu, được hình thành từ ba tác phẩm của nhà văn Anthony Hope (1863-1933) (ND).
[7] Xem Leo Panitch và Colin Leys (Đồng chủ biên): The Socialist Register, New York, 1998, tr.68.
[8] Tôi dựa trên những tính toán của Alex Callinicos và Chris Harman: Những thay đổi của giai cấp công nhân (The Changing Working Class), London and Melbourne, 1987; Lindsey German: Vấn đề giai cấp (A Question of Class), London, 1996; và Chris Harman: Những người công nhân của thế giới (The Workers of the World), Tạp chí International Socialism, số 96, 8-2002.
[9] Jules Townshend: Chính trị học của chủ nghĩa Marx (The Politics of Marxism), London and New York, 1996, tr.237.
[10] Tom Bottomore (Chủ biên): Luận giải về Marx (Interpretation of Marx), Oxford, 1968, tr.19.
[11] John Gray: Bình minh giả tạo: Những ảo tưởng về chủ nghĩa tư bản toàn cầu (False Dawn: The Delusions of Global Capitalism), London, 2002, tr.111.
[12] Chirs Harman: Những người công nhân của thế giới (The Workers of the World). Để có so sánh tương phản về giai cấp công nhân, tham khảo G.A.Cohen: Nếu bạn là một người theo chủ nghĩa bình quân, tại sao bạn lại giàu thế (If You’rean Egalitarian, How Come You’re So Rich?), London, 2000.
[13] Xem Perry Anderson: New Left Review, no.48 (November/December 2007), tr.29.
[14] Để các bạn đọc rõ hơn về tội ác của tầng lớp bên trên ở Anh, Huân tước Lucan là một nhà quý tộc người Anh được cho là đã giết chết người giúp việc của mình và biến mất không để lại dấu vết nhiều năm trước đây.
[15] Slvoj Zizek đã nói vậy trong: Bảo vệ sự nghiệp đã mất (In Defense of Lost Causes), London, 2008, tr.425. Để biết sự giải thích tuyệt vời về tình trạng khu ổ chuột hiện nay, xem Mike Davis: Hành tinh ổ chuột (Planet of Slums), London, 2006.

Theo TRIETHOC.EDU.VN

Tags: , , , ,