⠀
Tại sao Marx đúng? – 1 – Chủ nghĩa Marx đã lỗi thời?
Tuyên bố rằng chủ nghĩa Marx đã kết thúc chẳng khác gì lời tuyên bố rằng công việc cứu hỏa là hết thời bởi vì những kẻ phóng hỏa đã trở nên cực kỳ khôn ngoan và xảo quyệt.
Nguồn: Why Marx was right / Terry Eagleton / 2011.
Biên dịch: Đinh Xuân Hà và Phương Sơn / Doi-mat.vn.
PHẢN BÁC:
Chủ nghĩa Marx đã kết thúc. Từng có thời chủ nghĩa Marx được coi là phù hợp với một thế giới của những nhà máy, những cuộc bạo loạn vì đói kém, những người công nhân mỏ, thợ nạo ống khói, sự khốn cùng tràn lan và đông đảo giai cấp lao động. Và tất nhiên nó chẳng ăn nhập gì với xã hội phương Tây hậu hiện đại ngày càng không còn giai cấp và dễ dàng biến đổi về mặt xã hội như ngày nay. Chủ nghĩa Marx chỉ là một thứ giáo điều của những kẻ cố chấp, sợ hãi hoặc bị lừa dối, không dám thừa nhận rằng thế giới ngày nay đã và đang thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
BIỆN GIẢI:
Tóm tắt:
Ở vấn đề này, T.Eagleton khái quát rằng, hầu hết những phê phán đối với chủ nghĩa Marx đều tuyên bố là hệ thống tư bản chủ nghĩa thay đổi nhiều đến mức không còn nhận biết được so với hệ thống tư bản chủ nghĩa thời K. Marx nghiên cứu, nên tư tưởng của K. Marx không còn phù hợp. Những phê phán K. Marx che đậy căn nguyên sâu xa rằng, chính chủ nghĩa Marx là sự phê phán chủ nghĩa tư bản một cách sâu sắc, toàn diện và khắt khe nhất; đó là sự phê phán duy nhất làm thay đổi bộ phận lớn của thế giới, thậm chí thay đổi cả thế giới. Những người phê phán K. Marx cố tình phớt lờ một điều rõ ràng là K. Marx luôn ý thức được bản chất không ngừng vận động của cái hệ thống tư bản chủ nghĩa mà ông phản bác. Chính nhờ K. Marx mà loài người có được những khái niệm về các hình thái lịch sử khác nhau đã song hành hoặc kế tục nhau tồn tại của tư bản: tư bản thương mại, tư bản nông nghiệp, tư bản công nghiệp, tư bản độc quyền, tư bản tài chính, đế quốc… K. Marx còn nhìn thấy trước được cái mà giờ đây chúng ta gọi là “toàn cầu hóa”. Tác giả đã dẫn số liệu phong phú để chứng minh cho sự chuyển đổi từ xã hội công nghiệp sang xã hội hậu công nghiệp, trong đó bao gồm chủ nghĩa tiêu dùng, truyền thông, công nghệ thông tin và các ngành dịch vụ. Ông còn chứng minh rõ, sức khỏe của chủ nghĩa tư bản đang suy nhược do cạnh tranh quốc tế gia tăng khiến tỷ lệ lợi nhuận giảm sút, vắt kiệt nguồn đầu tư, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, khủng hoảng kinh tế kéo dài, nền dân chủ xã hội trở thành một sự lựa chọn chính trị cực đoan và đắt đỏ. T.Eagleton cho rằng, nguyên nhân gây mất niềm tin vào chủ nghĩa Marx chính là sự cảm nhận dần dần về căn bệnh bất lực chính trị từ phía những người theo chủ nghĩa Marx chứ không phải từ bản thân hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trên thực tế, trật tự xã hội tư bản chủ nghĩa ngày càng cực đoan và tàn nhẫn. Tư bản bị tập trung nhiều hơn vào trong tay một số ít người và ngày càng mang tính cướp đoạt chủng tộc. Ngày càng lan rộng tình trạng ngu si văn hóa, nguy cơ đẩy loài người vào cuộc chiến tranh hủy diệt, thậm chí có thể quét sạch loài người ra khỏi trái đất với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. K. Marx đã từng nhận xét rằng, giới hạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản chính là tư bản, mà quá trình tái sản xuất không ngừng của tư bản là ranh giới mà chủ nghĩa tư bản không thể vượt qua. Từ những luận giải trên, T.Eagleton khẳng định rằng, sự phê phán của K. Marx đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng giống với quan điểm này, tác giả Fredrie Jamoson trong cuốn sách “Hệ tư tưởng của học thuyết”, xuất bản năm 2008 ở London từng viết: “Chủ nghĩa Marx dứt khoác đúng!”. |
Chủ nghĩa Marx đã kết thúc có vẻ như là một âm thanh dễ chịu đối với những người Marxist bất cứ nơi đâu. Họ có thể thôi tuần hành và bãi công, quay trở về với sự che chở, đùm bọc của gia đình vẫn đầy ưu tư phiền muộn, an nhàn tận hưởng mỗi buổi tối ở nhà thay vì phải tham gia những buổi hội họp tẻ nhạt. Người Marxist giờ đây chẳng mong gì hơn là không còn Marxist nữa. Trở thành một người Marxist thật chẳng khác nào một Phật tử hay là một tỷ phú vậy. Không những thế, một người Marxist còn như một thầy thuốc chuyên làm phúc. Nghĩa là người đó phải là người thật kiên trì, bền chí, thật chuyên tâm vào công việc cứu chữa người bệnh để rồi sau khi bệnh khỏi thì chẳng còn ai cần đến họ nữa.
Cũng giống như vậy, sứ mệnh của các chính trị gia giáo điều là đi đến cái đích mà ở đó vai trò của họ không còn cần thiết nữa do nhiệm vụ đã hoàn tất. Khi đó, họ có thể thoải mái rút lui, đốt bỏ đi những tấm hình Che Guevara, cầm lại chiếc đàn cello bị lãng quên bao ngày tháng, cùng nhau đàm đạo về điều gì đó thú vị hơn là các phương thức sản xuất Á châu. Giả sử trong 20 năm tới vẫn tồn tại đâu đó những người Marxist hay những người theo thuyết nam nữ bình quyền thì đó quả là một viễn cảnh đáng buồn. Chủ nghĩa Marx bao hàm một sứ mệnh chỉ mang tính tạm thời mà giải thích tại sao bất kỳ ai từng cống hiến hết mình cho nó cuối cùng cũng không hiểu được. Có một cuộc sống sau chủ nghĩa Marx là toàn bộ giá trị của chủ nghĩa Marx.
Viễn cảnh làm say mê lòng người khác thường này có một vấn đề duy nhất. Chủ nghĩa Marx là sự phê phán chủ nghĩa tư bản. Đó là sự phê phán sâu sắc, toàn diện và khắt khe nhất từ trước đến nay. Không những thế, chủ nghĩa Marx còn là sự phê phán duy nhất làm thay đổi bộ phận lớn của thế giới. Điều đó muốn nói rằng, chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại, thì chủ nghĩa Marx cũng sẽ tồn tại. Đào thải đối thủ của mình là tự đào thải chính mình. Trước khi biến mất, chủ nghĩa tư bản vẫn sẽ mạnh mẽ như xưa.
Hầu hết những phê phán của chủ nghĩa Marx ngày nay đều không tranh luận về điểm này. Thay vào đó, họ tuyên bố rằng, hệ thống tư bản chủ nghĩa đã thay đổi nhiều đến mức không còn nhận biết được nữa so với thời của Karl Marx, và do đó những tư tưởng của Karl Marx không còn phù hợp nữa. Trước khi xem xét nhận định này một cách chi tiết, cần lưu ý rằng bản thân Karl Marx luôn ý thức được bản chất không ngừng vận động của cái hệ thống mà ông phản bác. Chính nhờ có chủ nghĩa Marx mà chúng ta có được những khái niệm về các hình thái lịch sử khác nhau của tư bản: tư bản thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, độc quyền, tài chính, đế quốc…
Vậy thì tại sao việc chủ nghĩa tư bản thay đổi bộ mặt của nó trong những thập niên gần đây lại làm mất niềm tin vào một học thuyết vốn coi sự thay đổi là thuộc tính của chủ nghĩa tư bản? Không những thế, Karl Marx còn tiên đoán trước sự thu hẹp lại của giai cấp công nhân và tự tăng lên mạnh mẽ của lao động cổ cồn. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này ở phần sau. Karl Marx thậm chí còn nhìn thấy trước được cái mà chúng ta gọi ngày nay là “toàn cầu hóa”. Đây quả thực là một điều kỳ lạ đối với một người có tư tưởng bị coi là cổ xưa.
Song có lẽ chính phẩm chất “cổ xưa” của Karl Marx đã khiến cho Karl Marx vẫn còn giá trị đến ngày nay. Karl Marx bị lên án là lạc hậu bởi chính những người cổ xúy cho một chủ nghĩa tư bản đang nhanh chóng quay trở lại mức độ bất bình đẳng như dưới thời Victoria. Vào năm 1976, rất nhiều người ở phương Tây đã nghĩ rằng chủ nghĩa Marx có cơ sở hợp lý. Nhưng đến năm 1986 nhiều người trong số họ đã không còn nói như vậy nữa. Vậy thì chính xác điều gì đã xảy ra? Phải chăng những con người này đã bị chết trên giàn thiêu của những đứa trẻ chập chững biết đi? Phải chăng chủ nghĩa Marx giờ đây đã bị phát hiện là nhảm nhí bởi một nghiên cứu mới nào đó gây chấn động thế giới? Liệu chúng ta có tình cờ phát hiện ra một bản thảo của Karl Marx bị thất lạc từ bao lâu nay thú nhận rằng tất cả chỉ là trò đùa? Không phải chúng ta giật mình khám phá ra rằng Karl Marx làm thuê cho chủ nghĩa tư bản. Điều này thì chúng ta ai cũng biết. Nếu chẳng có cái nhà máy dệt Ermen & Engels ở Salford do cha của F. Engels làm chủ thì chắc hẳn Karl Marx đã không thể cho ra đời những bút chiến chống lại những chủ sản xuất bông vải.
Quả là có điều gì đó đã xảy ra trong giai đoạn này. Kể từ giữa những năm 1970 trở lại đây, hệ thống phương Tây đã trải qua những thay đổi quan trọng[1]. Đó là sự chuyển đổi từ sản xuất công nghiệp truyền thống sang nền văn hóa “hậu công nghiệp” trong đó bao gồm chủ nghĩa tiêu dùng, truyền thông, công nghệ thông tin và ngành dịch vụ. Những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, phi tập trung hóa, linh hoạt, và không buộc phải theo tôn ti thứ bậc đang nổi lên. Các thị trường được dỡ bỏ các quy định điều tiết, và phong trào giai cấp công nhân bị đè nén gay gắt cả về phương diện luật pháp lẫn phương diện chính trị. Lòng trung thành giai cấp truyền thống bị suy yếu, trong khi đó những bản sắc địa phương, giới tính và sắc tộc ngày càng nổi lên mạnh mẽ. Chính trị ngày càng bị thâu tóm và lũng đoạn.
Công nghệ thông tin mới đóng vai trò chủ đạo trong việc đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nhất là khi một nhóm công ty xuyên quốc gia chi phối sản xuất và đầu tư trên khắp hành tinh nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhanh nhất. Nhiều cơ sở sản xuất được chuyển đến những nơi có nguồn nhân công rẻ tại các quốc gia “kém phát triển”, khiến một số người phương Tây đầu óc thiển cận vội vã kết luận rằng, giờ đây ngành công nghiệp nặng đã biến mất khỏi hành tinh này. Tiếp sau sự lưu động mang tính toàn cầu này là luồng lao động di cư xuyên quốc gia, kéo theo đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa phát xít khi dòng người nhập cư nghèo khổ đổ xô đến những nền kinh tế phát triển cao. Trong lúc các quốc gia “ngoại vi” đang phải đối phó với điều kiện lao động cơ cực, các tài liệu sản xuất bị tư hữu hóa, chế độ phúc lợi bị cắt giảm và gánh chịu những điều kiện thương mại bất bình đẳng quái ác, thì các vị giám đốc điều hành đến từ các nước giàu nới lỏng cà vạt, để phanh cổ áo, gặm nhấm sức khỏe tinh thần của nhân viên.
Đã chẳng xảy ra điều gì khi hệ thống tư bản đang trong thời kỳ sung sức và vô tư. Nhưng những biểu hiện hung hãn như gần đây, cũng giống như hầu hết các hình thức gây hấn khác, có nguyên nhân từ sự lo lắng sâu xa bên trong.
Nếu như hệ thống tư bản chủ nghĩa trở nên buồn vui thất thường, thì đó là vì sức khỏe của nó đang âm thầm suy nhược. Sự bùng nổ thời hậu chiến đột ngột biến mất đã dẫn đến sự thay đổi tổ chức này. Cạnh tranh quốc tế gia tăng khiến tỷ lệ lợi nhuận giảm sút, vắt kiệt các nguồn đầu tư và làm chậm tỷ lệ tăng trưởng. Thậm chí nền dân chủ xã hội giờ đây cũng trở thành một sự lựa chọn chính trị quá cực đoan và đắt đỏ. Do đó, vị trí sân khấu đã phải nhường cho Reagan và Thatcher, những nhân vật góp phần dỡ bỏ các nhà máy sản xuất truyền thống, kìm kẹp phong trào lao động, cho phép thị trường nhả phanh chạy hết tốc lực, củng cố hơn nữa cánh tay trấn áp của nhà nước và ủng hộ nhiệt thành một thứ triết lý xã hội mới được biết đến là thói tham lam trơ tráo. Đầu tư cho sản xuất được thay bằng đầu tư vào ngành dịch vụ, tài chính và truyền thông chính là cách phản ứng trước tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài, chứ không phải là một cú nhảy vọt từ một thế giới cũ kỹ xấu xa sang một thế giới mới mát mẻ và dũng cảm.
Tuy nhiên, khó có thể tin rằng, hầu hết những người theo quan điểm cấp tiến trong thời kỳ từ những năm 1970 đến những năm 1980 thay đổi suy nghĩ của mình về hệ thống tư bản chủ nghĩa chỉ đơn giản vì các nhà máy dệt vải ngày càng ít đi. Đó không phải là lý do khiến họ từ bỏ chủ nghĩa Marx mà chính là niềm tin rằng không dễ gì phá dỡ được cái chính thể mà họ đang đối mặt. Cái mang tính quyết định không phải là những ảo tưởng về chủ nghĩa tư bản mới, mà chính là sự vỡ mộng về khả năng thay đổi chủ nghĩa tư bản.
Chắc chắn có nhiều người một thời đi theo chủ nghĩa xã hội từng biện hộ cho nỗi u uất của mình bằng cách tuyên bố rằng, nếu như chủ nghĩa tư bản không thay đổi được, thì việc gì phải làm điều đó. Tuy nhiên, lý do vẫn là ở chỗ thiếu niềm tin vào một sự thay đổi có khả năng thuyết phục. Do phong trào giai cấp công nhân bị bóp méo và thấm đẫm máu, phe chính trị cánh tả thoái lui mạnh mẽ, tương lai dường như đã biến mất không còn dấu vết.
Đối với một số người cánh tả, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu diễn ra vào cuối thập niên 1980 đã khiến họ thực sự tỉnh ngộ. Không phải tự nhiên mà trào lưu cấp tiến thành công nhất kỷ nguyên hiện đại (chủ nghĩa dân tộc cách mạng) vào thời điểm này cũng hoàn toàn suy kiệt. Cái đã sản sinh ra văn hóa hậu hiện đại và sự phủ nhận của nó đối với cái gọi là đại luận thuyết (grand narratives) và lời tuyên bố hào hùng về “Sự kết thúc của Lịch sử” chính là sự tin chắc rằng giờ đây tương lai là nhiều thứ hơn hiện tại. Hoặc, như một nhà hậu hiện đại cởi mở từng nói: “Hiện tại cộng với nhiều sự lựa chọn hơn”.
Vậy thì, nguyên nhân gây mất niềm tin vào chủ nghĩa Marx trên hết là sự cảm nhận dần dần về căn bệnh bất lực chính trị. Khó mà giữ được niềm tin vào sự thay đổi khi sự thay đổi không nằm trong chương trình hành động, thậm chí là càng khó khi người ta cần phải duy trì niềm tin bằng mọi giá. Cuối cùng, nếu như không tránh được sự tất yếu hiển nhiên thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được cái tất yếu sẽ tất yếu như thế nào. Nếu những kẻ nhát gan cố bám víu vào các luận điểm trước đây của họ trong hai thập niên nữa, họ có lẽ sẽ chứng kiến một chủ nghĩa tư bản thật hả hê, đắc chí và vững chắc đến nỗi mà vào năm 2008, nó chỉ việc tiếp tục cho những máy rút tiền tự động hoạt động trên các đại lộ xa hoa. Những kẻ nhát gan ấy còn được chứng kiến cả một châu lục phía nam Kênh đào Panama chuyển hẳn sang phía chính trị cánh tả.
Giờ đây “Sự kết thúc của Lịch sử” đang ở điểm kết thúc. Dù thế nào đi nữa thì người Marxist cũng cần phải làm quen với thất bại. Thực ra họ đã từng chứng kiến những kết cục còn thê thảm hơn thế nhiều. Lợi thế chính trị luôn ở về phía chế độ cầm quyền, nếu chỉ vì họ có nhiều xe tăng hơn là ta có. Tuy nhiên những viễn tưởng nóng vội và hy vọng sục sôi những năm cuối thập kỷ 1960 đã khiến cho sự suy sụp này trở thành một liều thuốc đắng khó nuốt đối với những người từng kinh qua thời kỳ đó.
Do đó, điều khiến cho chủ nghĩa Marx có vẻ không còn hợp lý không phải là ở chỗ chủ nghĩa tư bản đã thay hình đổi dạng. Vấn đề ở đây hoàn toàn ngược lại. Thực tế là hệ thống tư bản chủ nghĩa vẫn đang hoạt động bình thường, thậm chí là còn tốt hơn bình thường. Điều nực cười là chính những cái tưởng như giúp đả phá chủ nghĩa Marx lại cũng làm tăng thêm niềm tin vào những khẳng định của chủ nghĩa Marx. Nó được đẩy đến cực điểm bởi vì trật tự xã hội mà chủ nghĩa Marx đương đầu, thay vì trở nên nhân từ và ôn hòa hơn, thì lại trở thành tàn nhẫn và cực đoan hơn bao giờ hết. Và chính điều này làm cho sự phê phán của Karl Marx đối với toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa thành đúng đắn hơn.
Xét trên quy mô toàn cầu, tư bản đã trở nên bị tập trung nhiều hơn vào tay một số ít người và ngày càng mang tính chất cướp bóc, còn giai cấp công nhân không ngừng tăng lên về số lượng. Hoàn toàn có thể hình dung một tương lai mà ở đó những kẻ siêu giàu sống trong những khu biệt thự kín cổng cao tường và được canh gác cẩn mật, trong khi đó khoảng một tỷ người phải sống trong các khu nhà ổ chuột tồi tàn dơ dáy với trạm gác và tường rào thép gai bao quanh. Trong tình cảnh đó, tuyên bố rằng chủ nghĩa Marx đã kết thúc chẳng khác gì lời tuyên bố rằng công việc cứu hỏa là hết thời bởi vì những kẻ phóng hỏa đã trở nên cực kỳ khôn ngoan và xảo quyệt.
Như Karl Marx tiên đoán, bất bình đẳng thu nhập trong thời đại của chúng ta đã tăng lên mạnh mẽ. Thu nhập của một tỷ phú người Mexico ngày nay tương đương với số tiền kiếm được của 17 triệu đồng bào nghèo khổ nhất của ông ta. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra sự thịnh vượng hơn bao giờ hết mà lịch sử nhân loại từng chứng kiến, nhưng cái giá phải trả là vô cùng lớn, nhất là khi nói đến cảnh bĩ cực của hàng tỷ con người.
Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2001 đến 2,74 tỷ người sống dựa vào mức thu nhập dưới 2 USD mỗi ngày. Chúng ta đang đối diện với một tương lai gần như là chắc chắn mà ở đó các quốc gia có vũ khí hạt nhân gây chiến để giành giật những nguồn tài nguyên ngày một khan hiếm. Mà sự khan hiếm tài nguyên ấy lại chính là hệ quả của chủ nghĩa tư bản. Và lần đầu tiên trong lịch sử, dạng thức sống đang phổ biến của chúng ta có sức mạnh không chỉ sản sinh ra chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, làm lan rộng tình trạng ngu si văn hóa, đẩy chúng ta vào các cuộc chiến tranh hay xua chúng ta vào các trại tập trung, mà còn quét sạch chúng ta ra khỏi hành tinh này.
Chủ nghĩa tư bản sẽ sẵn sàng chống lại xã hội nếu như điều đó mang lại lợi nhuận, và điều đó giờ đây có nghĩa là sự hủy diệt nhân loại trên một quy mô khôn lường. Cái điều từng bị coi là ý tưởng khải huyền không có thực thì ngày nay lại đơn giản là một chủ nghĩa hiện thực nghiêm túc. Khẩu hiệu truyền thống của phe cánh tả “chủ nghĩa xã hội hay là sự man rợ” chưa bao giờ tỏ ra thích hợp xác đáng hơn cũng chưa bao giờ thiếu đi sự khoa trương khoe mẽ.
Trong những điều kiện khốn cùng này, như Fredric James đã viết: “Chủ nghĩa Marx dứt khoát lại phải đúng”[2]. Bất bình đẳng một cách lạ kỳ về của cải và quyền lực, chiến tranh ngang ngược, sự bóc lột thậm tệ, và một nhà nước hà khắc, thô bạo: nếu như tất cả những đặc điểm này mô tả thế giới ngày nay, thì đó cũng chính là những vấn đề mà chủ nghĩa Marx đã từng đề cập và lên án trong gần hai thế kỷ.
Vậy thì có thể cho rằng vẫn còn một vài bài học để giáo dục hiện tại. Bản thân Karl Marx từng ấn tượng mạnh mẽ với diễn biến bạo lực kinh hoàng khi tầng lớp lao động thành thị bị cưỡng ép, bị nhổ bật gốc rễ nông dân tại nước Anh nơi ông sinh sống – một quá trình mà Brazil, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ hiện đang phải trải qua.
Tristram Hunt viết rằng tác phẩm Hành tinh ổ chuột của Mike Davis, một cuốn sách kể về “những núi phân hôi thối” quá quen thuộc với những khu ổ chuột ngày nay ở Lagos hay Dhaka, có thể xem như một phiên bản mới cho tác phẩm Tình cảnh giai cấp công nhân Anh (The Condition of the Working Class) của F. Engels. Khi Trung Quốc biến thành công xưởng của thế giới, thì như Hunt bình luận: “những đặc khu kinh tế ở Quảng Đông và Thượng Hải lại gợi nhớ đến Manchester và Glasgow của thời những năm 1840”[3].
Vậy điều gì xảy ra nếu như không phải chủ nghĩa Marx lỗi thời mà chính chủ nghĩa tư bản đã lỗi thời? Quay trở lại nước Anh thời Victoria, Karl Marx đã nhìn thấy sự suy tàn của chế độ. Sau khi thúc đẩy sự xã hội phát triển ở thời hoàng kim của mình, chủ nghĩa tư bản ngày nay trở nên lề mề, chậm chạp đi theo sau sự phát triển xã hội. Karl Marx coi xã hội tư bản đầy những thứ hão huyền, hoang đường và sùng bái, cho dù nó tự hào nhiều về tính hiện đại của mình. Chính sự khai sáng của chủ nghĩa tư bản – niềm tin đầy tự mãn vào tính hợp lý vượt trội của nó – cũng chỉ là một thứ mê tín. Nếu chủ nghĩa tư bản có thể có những tiến bộ đáng kinh ngạc nào đó, thì sẽ có một cảm nhận khác rằng chẳng qua nó buộc phải cố hết sức chỉ để tồn tại, Karl Marx đã từng nhận xét rằng, giới hạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản chính là tư bản, và quá trình tái sản xuất không ngừng của tư bản là ranh giới mà chủ nghĩa tư bản không thể vượt qua. Bởi vậy, vẫn có cái gì đó tĩnh lặng và lặp đi lặp lại một cách đáng ngờ về chính cái hệ thống năng động nhất trong mọi hình thái xã hội tồn tại trong lịch sử.
Cái thực tế rằng cơ sở logic chống đỡ cho chủ nghĩa tư bản vẫn không thay đổi chính là lý do vì sao sự phê phán của Karl Marx đối với chủ nghĩa tư bản vẫn có giá trị đến tận ngày nay. Chỉ khi nào chủ nghĩa tư bản thực sự có khả năng phá vỡ những giới hạn của chính nó, đồng thời mở đường cho những gì thật sự mới mẻ, thì sự từ bỏ học thuyết Marx mới trở thành hiện thực. Thế nhưng chủ nghĩa tư bản không thể tạo dựng được một tương lai mà không tái sản sinh hiện tại của nó theo đúng trình tự. Và rõ ràng, sẽ còn nhiều lựa chọn khác nữa.
Chủ nghĩa tư bản đã đem lại những thành tựu vật chất khổng lồ. Mặc dù cách tổ chức sắp xếp đời sống này đã có thời gian dài để chứng tỏ khả năng thỏa mãn mọi nhu cầu của con người, thì nay dường như nó không còn làm được điều đó nữa. Vậy chúng ta phải chờ đợi bao lâu nữa để chủ nghĩa tư bản thực hiện cam kết của mình? Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục thỏa mãn với câu chuyện hoang đường rằng sự giàu có thần kỳ được tạo ra bởi phương thức sản xuất này sẽ đến với tất cả mọi người vào thời điểm thích hợp? Liệu thế giới có đối xử với những tuyên bố tương tự của những người cực tả bằng sự độ lượng ôn hòa theo kiểu chúng ta hãy chờ xem sao? Những người cánh hữu từng thừa nhận rằng sẽ luôn có những bất công lớn tồn tại ngay trong lòng hệ thống tư bản chủ nghĩa, nhưng muốn có những thay đổi thì rất khó và biết đâu lại trở nên tồi tệ hơn. Chí ít những người theo quan niệm này vẫn còn trung thực hơn là những kẻ chỉ biết xưng tụng rằng rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nếu ngẫu nhiên đã có cả người giàu và người nghèo, cũng như ngẫu nhiên có cả người da đen và người da trắng, thì những lợi thế của sự giàu sang sẽ có thể lan truyền kịp thời tới nơi khốn khó. Thế nhưng nếu nói rằng có những người nghèo túng và có cả những người giàu có thì thật chẳng khác nào nói rằng thế giới này có cả cảnh sát lẫn tội phạm. Mà thực tế là như vậy, nhưng việc đó che đậy một sự thật rằng, có cảnh sát là bởi vì có những tên tội phạm.
———————————
Chú thích:
[1] Mặc dù một số nhà Marxist vẫn nghi ngờ tầm quan trọng về những thay đổi này. Chẳng hạn như Alex Callinicos trong tác phẩm Against Postmodernism, Cambridge, 1989, Chương 5.
[2] Fredric Jameson: Hệ tư tưởng của học thuyết (The Ideologies of Theory), London, 2008, p.514.”
[3] Tristram Hunt: “War of the Words”, Guardian, 9 May 2009.
Theo TRIETHOC.EDU.VN
Tags: Tư bản, Công bằng xã hội, Karl Marx, Tại sao Marx đúng?