Một số suy nghĩ về hệ giá trị của người Việt Nam

Việc xác định hệ giá trị người Việt hiện đại là vô cùng hệ trọng. Hệ trọng đối với sự phát triển con người, xây dựng nhân cách, hệ trọng đối với sự phát triển đất nước.

Một số suy nghĩ về hệ giá trị của người Việt Nam

Tác giả: ThS. Phan Thị Hà, Bộ môn Lý luận Chính trị, Trường Cao đẳng Kinh tế – Tài chính Vĩnh Long.

Nguồn: Bài viết tham gia hội thảo “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Kỷ yếu hội thảo in thành sách “Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại”

1. Giá trị và hệ giá trị

Có nhiều quan niệm khác nhau về giá trị. Theo nghĩa chung nhất, giá trị là cái bộc lộ ra tường minh hay kín đáo từ bản thân sự vật, hiện tượng đối với con người. Giá trị chính là ý nghĩa và thường là có ích đối với người thừa nhận. Một định nghĩa giá trị được nhiều tác giả ở Việt Nam sử dụng, coi “giá trị là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong các tài liệu triết học và xã hội học dùng để chỉ ý nghĩa văn hóa và xã hội của các hiện tượng. Về thực chất, toàn bộ sự đa dạng của hoạt động người, của các quan hệ xã hội, bao gồm cả những hiện tượng tự nhiên có liên quan, có thể được thể hiện là các “giá trị khách quan” với tính cách là khách thể của quan hệ giá trị, nghĩa là, được đánh giá trong khuôn thước của thiện và ác, chân lý và sai lầm, đẹp và xấu, được phép và cấm kỵ, chính nghĩa và phi nghĩa, v.v. Khi định hướng đối với hoạt động của con người, phương thức và tiêu chuẩn được dùng làm thể thức đánh giá sẽ định hình trong ý thức xã hội và trong văn hóa thành các “giá trị chủ quan” (bảng đánh giá, mệnh lệnh và những điều cấm, mục đích và ý đồ… được thể hiện dưới hình thức các chuẩn mực). Giá trị khách quan và giá trị chủ quan là hai cực của quan hệ giá trị của con người với thế giới” [Hồ Sĩ Quý 2006: 42].

2. Hệ giá trị của người Việt

K. Marx và F. Engels cho rằng: “bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” [Mác C. và Ăngghen Ph. 1995: 11]. Chỉ dẫn kinh điển này có ý nghĩa nhất định trong việc xác định bảng giá trị cơ bản của dân tộc hay hệ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc. Các giá trị cơ bản của một dân tộc cũng như tính cách dân tộc và tâm lý dân tộc là biểu hiện của bản chất con người của dân tộc đó, là sản phẩm của quá trình tư duy và sáng tạo để tồn tại và phát triển, do đó phải tìm trong các quan hệ xã hội sống còn. Những giá trị tinh thần của người Việt Nam được hình thành và tích lũy qua quá trình lịch sử, được coi là “hạt nhân” cơ bản và bản sắc văn hóa, nối kết các quan hệ xã hội cơ bản của lịch sử văn hóa dân tộc.

Theo GS. Phạm Minh Hạc, “hệ giá trị là các giá trị của một tập hợp người như dân tộc, thế giới, vùng, gia đình, bản thân” [Phạm Minh Hạc 2012: 30]. Do đó, vấn đề xác định hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam là tìm cho được những giá trị bản chất, cốt lõi, được sáng tạo, hun đúc trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc. Hệ giá trị tinh thần của một dân tộc không phải chỉ toàn những điều tốt đẹp. Hệ giá trị tinh thần tích cực của người Việt Nam được kế thừa, phát huy và góp phần mang lại những thành tựu trong các lĩnh vực của đời sống trong thời kỳ đổi mới. Ngược lại, có những thói hư tật xấu của người Việt Nam đang cản trở và tác động xấu đến sự phát triển xã hội.

Cho đến nay, hệ giá trị tinh thần truyền thống của người Việt đã được các nhà nghiên cứu tiếp cận ở các góc độ khác nhau; hầu hết là ca ngợi những giá trị tốt đẹp. Tuy vậy, cũng có những nhà nghiên cứu tiếp cận giá trị dân tộc ở những góc khuất, những thói hư tật xấu, những điểm còn hạn chế, nhằm loại bỏ những gì có thể cản trở dân tộc, đất nước trên đường phát triển. Xu hướng này khác với những điều thường bắt gặp trong các sách giáo khoa và đa số công trình nghiên cứu về lịch sử. Người làm sử phần lớn là ca ngợi và tôn vinh những chiến công hiển hách, những thành tựu vĩ đại của dân tộc mà ít chú ý phân tích những sai lầm, thất bại đã từng xảy ra trong lịch sử. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân làm cho thế hệ trẻ có thể sa vào phiến diện trong nhận thức do chỉ được nghe những cái hay, cái tốt mà ít hay không hề thấy sai lầm hay thất bại của các thế hệ tiền nhân. Việc thiếu hiểu biết về nguyên nhân của các hạn chế trong hệ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc cũng từ đây mà ra.

Có thể và cần thiết phải chia hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam thành hai tuyến để khảo sát: (1) Hệ giá trị tinh thần truyền thống và (2) Những điểm hạn chế, các thói hư tật xấu về văn hóa đang cản trở sự phát triển con người và đất nước.

Về những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của người Việt, GS. Trần Văn Giàu đã đúc kết trong hệ thống gồm bảy giá trị tinh thần cốt lõi: “Yêu nước, Cần cù, Anh hùng, Sáng tạo, Lạc quan, Thương người, Vì nghĩa” [Trần Văn Giàu 2011].

Tác giả Nguyễn Đắc Hưng thì khẳng định, hệ giá trị truyền thống Việt Nam là hệ giá trị mang đậm tính nhân văn được xuất phát từ lịch sử xa xưa của dân tộc, đó là: “Yêu nước, bất khuất, tự lập, tự cường, lao động cần cù, thông minh, hiếu học, trọng thầy, hiếu thảo, thủy chung, ý thức công đồng, nhân ái, vị tha, rộng lượng, dễ thích ghi, thích hài hòa, không ưa cực đoan…” [Nguyễn Đắc Hưng 2009: 272].

Trong nghị quyết TW 5 khóa VIII năm 1998, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định các giá trị: “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết; ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái; lòng khoan dung; trọng nghĩa tình; trọng đạo lý; đức tính cần cù; sự sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử; tính giản dị trong lối sống”. Văn bản này có ý nghĩa như một định hướng quan trọng đối với các nhà nghiên cứu mấy chục năm trở lại đây. Đúc kết kinh nghiệm giải quyết các vấn đề văn hóa và con người từ khi có Nghị quyết TW 5 đến nay, Nghị quyết TW 9 khóa XI của Đảng (tháng 6-2014) tiếp tục khẳng định: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước…. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” [Đảng CSVN 2014].

Như vậy, một lần nữa các giá trị tốt đẹp cơ bản của hệ giá trị Việt Nam được văn kiện của Đảng nhấn mạnh chính thức là Yêu nước, Nhân ái, Nghĩa tình, Trung thực, Đoàn kết, Cần cù, Sáng tạo.

Tìm kiếm ngược trở lại các tác giả có những suy tư sớm nhất về hệ giá trị người Việt, chúng tôi thấy rất cần lưu ý đến nhận định của học giả Trần Trọng Kim. Ông cho cho rằng: Người Việt có “Trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, sáng dạ, nhớ lâu, hiếu học, trọng học thức, quý sự lễ phép, trọng đạo đức, yêu hòa bình, can đảm, kỷ luật, sùng lễ bái, thương người, nhớ ơn. Người Việt Nam từ Bắc chí Nam theo một phong tục, nói một thứ tiếng, cùng giữ một kỷ niệm, thật là cái tính đồng nhất của một dân tộc từ đầu đến cuối” [Trần Trọng Kim 2008: 18]. Học giả Đào Duy Anh cho rằng: “Người Việt thông minh, giàu trí nghệ thuật, trực giác, ham học, thích văn chương, giỏi chịu đựng, hy sinh vì đại nghĩa, dung hòa, trọng lễ giáo và chuộng hòa bình” [Đào Duy Anh 1998: 24].

Những giá trị được khẳng định trong Nghị quyết TW 5, Nghị quyết TW 9, cùng với những ý kiến của các nhà văn hóa lớn của đất nước luôn là những chỉ dẫn quan trọng. Xuất phát từ đây, những giá trị và những phẩm chất tốt đẹp khác của người Việt có điều kiện để được phân tích, sắp xếp trong bảng tổng thể các giá trị người Việt.

3. Những điều hạn chế, một số thói hư tật xấu cản trở phát triển

Bên cạnh hệ giá trị tinh thần truyền thống tốt, người Việt cũng có những thói hư tật xấu mang tính phản giá trị. Thực ra những nét hạn chế của người Việt về văn hóa cũng ẩn giấu ngay trong bảng giá trị. Tuy nhiên vấn đề này trước đây chưa được nghiên cứu, đánh giá nghiêm khắc. Ngay thái độ chung của cộng đồng cũng có cái nhìn chưa thật đúng mức về vấn đề này. Người Việt không ưa nhìn vào cái xấu của mình, không biết hay không thích tự cười nhạo mình. Điều này không rõ nguyên nhân thuộc nét tính cách hay thuộc về trình độ phát triển.

Về những thói xấu của người Việt, học giả Đào Duy Anh nhận xét mà ông cho rằng cũng chỉ tương đối: “chậm chạp, nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh, thích chơi cờ bạc, nhút nhát, tinh vặt, bài bác chế nhạo” [Đào Duy Anh 1998: 25]. Học giả Trần Trọng Kim viết: “Tinh vặt, quỷ quyệt, bài bác, nhạo chế. Tâm địa thì nông nổi, làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang, ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Tin ma quỷ, không nhiệt tín tôn giáo nào cả, kiêu ngạo, nói khoác” [Trần Trọng Kim 2008: 18]. Điều hai học giả uyên bác này nhận xét rõ ràng là căn cứ rất ý nghĩa để đối chiếu với con người trong cuộc sống hôm nay. Khó phủ nhận được trong đời sống xã hội Việt Nam ngày nay giữa con người và con người với nhau ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc như:

+ Mưu cầu lợi ích cá nhân, tham lam, thèm khát giàu có đến mức chỉ quan tâm đến lợi ích nhóm, tham nhũng và làm ngơ trước tham nhũng.

+ Tinh thần chia ngọt sẻ bùi, lá lành đùm lá rách, thương yêu người hoạn nạn truyền thống không làm giảm bớt được tâm lý vô cảm. Tình trạng thờ ơ, quay lưng lại số phận đồng loại khá phổ biến. Cái ác có mặt ở khắp nơi.

+ Tâm lý háo danh ngày càng công nhiên và thực hiện với những thủ pháp nhỏ nhen, kể cả trong tầng lớp trí thức. Giả dối tràn lan đến mức trở thành bình thường và trắng trợn trong xã hội. Con người giả dối, cơ chế buộc phải làm dối, chính sách cũng có chỗ cho gian dối và luật pháp cũng thực thi một cách gian dối.

+ Sự lệch lạc về giá trị, về định hướng giá trị tràn lan, ở đâu cũng thấy có, từ gia đình đến nhà trường, cơ quan công quyền, cộng đồng và xã hội. Giàu có và chức tước, bằng cấp và danh vọng, nổi tiếng và được tâng bốc… đã vô tình dẫn dắt giới trẻ khiến nhiều phẩm chất tốt đẹp bị biến thành những lời sáo ngữ vô hồn. Những hiện tượng này ngày nào cũng có thể bắt gặp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những giá trị thực để làm người như: giỏi chuyên môn và cống hiến nhiều cho xã hội, thương người và khoan dung, khiêm tốn và cầu thị, hy sinh cá nhân và mang lại hạnh phúc cho người khác… ngày càng ít trở thành động lực để con người phấn đấu và phát triển [Trần Ngọc Thêm 2014].

4. Những điều cần suy nghĩ

Trên Báo Nhân dân Chủ nhật ngày 6/7/2014, tác giả Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, đã có những ý kiến rất đáng lưu ý: “Sức mạnh của văn hóa là điều không thể phủ nhận, nhưng cũng cần nhìn nhận cả hai mặt. Ở khía cạnh tích cực, nó có sức xuyên phá qua mọi biên giới, nhất là trong thế giới phẳng hiện nay, qua đó mở cửa cho các lợi ích khác theo vào. Ở khía cạnh ngược lại, nó có thể trở thành yếu tố cản trở sự phát triển của một quốc gia, dân tộc. Lịch sử đã chứng minh điều này. Sự biến mất của nhiều nền văn minh, văn hóa ở châu Phi, châu Mỹ… có thể là những minh chứng cụ thể: một nền văn hóa, dù phát triển cao và rực rỡ đến đâu mà cô lập, khép kín thì sẽ bị xơ cứng, thoái hóa, thui chột và không thể trường tồn. Bài học này đã soi sáng cho nhiều nước trong những bước đi thời hiện đại được nhiều người gọi là “sự chiếm lĩnh im lặng”, “quyền lực mềm” hay “sức mạnh mềm”… Rõ ràng, văn hóa đối ngoại là con tàu chở hình ảnh đặc thù của quốc gia này vào sân ga của quốc gia khác, còn nó được chấp nhận hay không, tận dụng mức độ nào, phát triển hay không và phát triển đến đâu tùy thuộc vào quan điểm, vào thế và lực của quốc gia lái con tàu đó” [Nguyễn Mạnh Cầm 2014].

Điều mà chúng tôi thấy cần lưu ý ở bài viết của tác giả Nguyễn Mạnh Cầm là theo ông, một nền văn hóa, dù phát triển cao và rực rỡ đến đâu mà cô lập, khép kín thì sẽ bị xơ cứng, thoái hóa, thui chột và không thể trường tồn. Hiện nay, chúng ta đang dường như quá chú ý đến sức mạnh nội sinh mà không thật quan tâm đến việc tiếp thu văn hóa văn minh từ bên ngoài. Nhiều giá trị tốt đẹp của nhân loại rất khó phát triển ở Việt Nam. Những khuôn thước văn hóa của xã hội văn minh cũng dễ bị méo mó khi du nhập. Việc đề cao bản sắc thái quá cũng tự biến thành thứ cô lập với bên ngoài. Có thể không quá khó để thấy một số giá trị truyền thống đã bị biến thành thứ xơ cứng, thoái hóa và thui chột.

Liên quan đến giá trị nhân văn trong hệ thống giáo dục, GS. Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nhận định: “Cần có sự phân tầng để giáo dục nhân văn một cách hiệu quả bởi mỗi lứa tuổi sẽ tìm thấy cho mình những chuẩn mực và giá trị khác nhau. Cần phân biệt giữa giáo dục nhân văn và chủ nghĩa nhân văn. Giáo dục nhân văn là giáo dục làm người với đầy đủ tính cơ bản và tính toàn diện. Giáo dục nhân văn cần phân tầng theo từng bậc học. Ở đại học, chúng ta có thể lồng ghép giáo dục nhân văn vào các môn học có sẵn. Ngoài ra, có thể thông qua các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học; qua vai trò của thầy cô giáo; qua cán bộ quản lý; qua các hoạt động xã hội,… tác động vào tình cảm, nhận thức để hình thành các giá trị nhân văn cho các sinh viên” [Giáo dục 2010].

Giá trị nhân văn được nói tới ở đây là giá trị làm người, giá trị nhân cách. Giáo dục giá trị nhân văn được đặt ra trong khung cảnh giáo dục nhân cách thời gian gần đây bị lãng quên hay bị xem nhẹ một cách vô tình trong hệ thống giáo dục. Thật đáng ngạc nhiên khi một trong những sứ mệnh thiêng liêng như vậy của giáo dục mà lại chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều ý kiến cho rằng, đã muộn khi nhìn lại vấn đề này. Tất nhiên cái khó của việc giải quyết vấn đề là mức độ tương thích những chuẩn mực giá trị được giáo dục trong trường với các giá trị đang tồn tại thực trong xã hội, đang vận động tự nhiên ngoài xã hội. Việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về giá trị làm người, về giá trị tinh thần truyền thống trong hệ thống giáo dục sẽ không có hiệu quả nếu cả xã hội không coi đó là giá trị, hay vô tình không coi đó là giá trị.

Liên quan đến giáo dục nhân văn là vấn đề giáo dục giá trị làm người trong phạm vi gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường giáo dục quan trọng đầu tiên cho mỗi người về toàn bộ hệ giá trị vật chất, tinh thần, nhất thời, vĩnh cửu và toàn nhân loại. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, mặc dù môi trường gia đình ở nước ta hiện nay cũng có rất nhiều vấn đề khó giải quyết, thậm chí có những vấn đề nhức nhối mà trước đây chưa hề xuất hiện, nhưng nhìn chung đại đa số gia đình vẫn là môi trường tốt lành cho sự phát triển các giá trị nhân văn cho thế hệ trẻ. Việc bảo tồn và phát huy hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam và sàng lọc, loại bỏ những thói xấu, những phản giá trị, sở dĩ còn được như ngày nay, phần lớn là nhờ sự lành mạnh của môi trường gia đình so với các môi trường khác. Các bậc làm cha mẹ, ông bà và những người lớn tuổi trong gia đình hiện nay, có thể chưa phải là những người thật sự gương mẫu, mực thước ở ngoài gia đình, nhưng trong gia đình thì phần nhiều lại là những nhân tố tích cực cho sự phát triển, đủ để điều chỉnh hành vi của con cháu theo chiều hướng nhân văn và tiến bộ.

Nói đến môi trường ngoài gia đình có ý nghĩa đối với giáo dục giá trị, theo chúng tôi, cần thiết phải chú ý đến môi trường pháp lý. Hiện nay luật pháp, việc thực thi luật pháp, thái độ đối với luật pháp của công dân, của người làm luật và của người cầm cân nảy mực cũng khá nhiều vấn đề không bình thường. Điều đó không tránh khỏi làm hỏng hệ giá trị, làm lệch định hướng giá trị, nhất là các giá trị làm người. Một cơ chế quản lý và quản trị lành mạnh là một hệ các quyết sách phải được thực thi một cách nghiêm minh, nhất quán mà không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của công chức hay người quản lý. Đó cũng là cơ chế kiểm soát và vận hành hiệu lực để ngăn chặn được nạn tham nhũng ngay từ bên trong. Tình trạng hành xử võ đoán, tùy tiện, rồi lén lút bẻ cong luật pháp… như vẫn xảy ra đây đó đã bộc lộ một tình trạng đáng báo động về môi trường pháp lý.

Tác giả Trần Hữu Quang viết: “Khi người ta chứng kiến ngày càng nhiều chuyện bất bình thường trở thành “bình thường” (như tệ phong bì, đút lót, mãi lộ, trấn lột…), khi cái xấu, cái tiêu cực và cái ác ngày càng lan tràn, thì điều khó tránh khỏi là người ta cảm thấy hoang mang (ít ra vào lúc đầu), để rồi sau đó khi buộc lòng phải “sống chung” với nó (vì muốn cưỡng lại cũng không được) thì riết rồi người ta cũng đâm ra quen với nó. Nguy cơ cần suy ngẫm ở đây là: nguy cơ bình thường hóa cái bất thường, không chỉ về mặt cấu trúc xã hội mà cả về mặt chủ quan nơi tâm thức cá nhân người dân và kể cả (hay nhất là) nơi cá nhân công chức. Sống trong tình trạng này, nhiều người có thể căm ghét nó lúc đầu, nhưng rồi do quá mệt mỏi với nó nên đâm ra bàng quan với nó. Đó là chưa kể có những kẻ tận dụng sự tranh tối tranh sáng ấy để thủ lợi, kẻ thì chủ động cố ý làm điều sai trái, kẻ thì đành “nhắm mắt đưa chân” vì vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm chẳng đặng đừng của tình trạng này… Cuối cùng hệ quả nghịch lý của tình trạng này là kẻ vi phạm lại được lợi, còn người lương thiện thì lúc nào cũng thua thiệt. Trong một xã hội như vậy mà không mất lòng tin thì mới là chuyện lạ” [Trần Hữu Quang 2012].

Không khó để nhận ra tác giả Trần Hữu Quang có phần nhấn đậm mặt trái của vấn đề. Nhưng như vậy cũng là cần thiết để hiểu được sự nguy hại của tình trạng môi trường pháp lý xuống cấp. Chúng tôi cũng bày tỏ sự đồng ý với ông khi bình luận thêm rằng, trong một môi trường như vậy mà giá trị làm người, giá trị định hướng hành vi không sai lệch đi, không biến dạng đi thì mới là chuyện lạ.

Kết luận

Việc xác định hệ giá trị người Việt hiện đại là vô cùng hệ trọng. Hệ trọng đối với sự phát triển con người, xây dựng nhân cách, hệ trọng đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên việc xác định hệ giá trị này không phải sẽ chỉ tạo ra một kết quả bao gồm thuần túy những giá trị chủ quan, mà chúng ta có thể nghĩ ra theo kiểu lý tưởng hóa hiện thực. Giá trị đích thực bao giờ cũng nằm ở đâu đó trong mối quan hệ khách – chủ quan. Đó phải là các giá trị tồn tại thực trong đời sống, hay đã ít nhiều được định hình trong đời sống, được xây dựng và bổ sung thành những khuôn mẫu lý tưởng để phấn đấu và thực hiện.

Tính quan trọng và bức thiết của việc xây dựng hệ thống giá trị người Việt còn là ở chỗ, khi thừa nhận các giá trị tồn tại trong bảng giá trị, hiện thực hóa các giá trị đó, thì sự tồn tại của bản thân bảng giá trị đó cũng không phủ nhận, không loại trừ, hay loại bỏ những hạn chế, những thói hư tật xấu có thật của người Việt đã và đang tồn tại một cách thực tế trong đời sống. Hệ giá trị người Việt là hệ thống các giá trị tốt đẹp của người Việt. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ở người Việt không có gì là hạn chế, là không tích cực, cần phải hạn chế hoặc loại bỏ. Trong điều kiện hiện nay, việc chú ý hơn nữa đến những cái xấu, cái tiêu cực trong đời sống giá trị, rõ ràng là nhu cầu bức thiết của sự phát triển. Nếu không nghiêm khắc nhìn nhận cái xấu, cái tiêu cực ở trình độ giá trị người, thì việc tiếp thu các giá trị từ bên ngoài cũng khó tránh khỏi hạn chế. Việc đề cao bản sắc văn hóa cũng là một biểu hiện khác của đời sống giá trị. Bản sắc văn hóa khi bị tuyệt đối hóa, khi được nhìn nhận như là một thứ hơn hẳn so với các nền văn hóa khác, thì nguy cơ quay lưng lại với các giá trị tiên tiến từ bên ngoài có thể xảy ra.

———————

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

1. Đảng CSVN 2011: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. – H.: NXB Chính trị Quốc gia.
2. Đảng CSVN 2014: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI. – http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nghi-quyet-Hoi-nghi-Trung-uong-9-khoa-XI/201435.vgp
3. Đào Duy Anh 1998: Việt Nam văn hóa sử cương (tái bản). – NXB Đồng Tháp.
4. Hồ Sĩ Quý 2006: Về giá trị và giá trị châu Á. – H.: Chính trị Quốc gia.
5. Giáo dục 2010: Giáo dục nhân văn cho sinh viên – dù khó mấy cũng phải làm. – http://news.duytan.edu.vn/NewsDetail.aspx? id=1736 &pid=2061&lang=vi-vn
6. Lương Gia Ban, Nguyễn Thế Kiệt 2014: Giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với việc xây dựng nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay. – H.: Chính trị Quốc gia.
7. Mác C. và Ăngghen Ph. 1995: Toàn tập. – H.: Chính trị Quốc gia.
8. Nguyễn Đắc Hưng 2009: Việt Nam – văn hóa và con người. – H.: Chính trị Quốc gia.
9. Nguyễn Mạnh Cầm 2014: Văn hóa và hội nhập. – Báo Nhân dân, ngày 6-7.
10. Phạm Minh Hạc 2012: Giá trị học. – H.: NXB Dân trí.
11. Trần Hữu Quang 2012: Đi tìm nguồn gốc của tình hình suy thoái đạo đức trong xã hội. – http://tuhieuminh.blogspot.com/2013/12/i-tim-nguon-goc-cua-tinh-hinh-suy-thoai.html
12. Trần Ngọc Thêm 2014: Người Việt lười hay chăm? – http://tranngocthem.name.vn/ung-dung-vhh/xa-hoi-hom-nay/127-người-việt-lười-hay-chăm-gs-trần-ngọc-thêm-có-khi-dại-gì-mà-chăm.html
13. Trần Trọng Kim 2008: Việt Nam sử lược (tái bản). – H.: Văn hóa Thông tin.
14. Trần Văn Giàu 2011: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. – H.: Chính trị Quốc gia.

Theo VĂN HÓA HỌC

Tags: ,