Khuôn mẫu tư duy và định kiến xã hội đối với việc hình thành dư luận xã hội

Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến, thái độ có tính chất phán xét, đánh giá của các nhóm xã hội hay của xã hội nói chung trước những vấn đề mang tính thời sự, có liên quan tới lợi ích chung, thu hút sự quan tâm của nhiều người và được thể hiện trong các nhận định hoặc hành động thực tiễn của họ(1). Nội dung và sắc thái của dư luận xã hội được quy định đầu tiên và chủ yếu bởi trình độ hiểu biết, những đánh giá đúng/sai của công chúng, nhóm xã hội đối với các vấn đề, sự kiện, hiện tượng xã hội. Trong đó, nền tảng của các phản ứng này là các khuôn mẫu tư duy xã hội đã được định hình, tồn tại trong tiềm thức và gắn kết với tâm thế xã hội.

Khuôn mẫu tư duy và định kiến xã hội đối với việc hình thành dư luận xã hội

1. Khuôn mẫu tư duy và định kiến xã hội

Khuôn mẫu tư duy

Khuôn mẫu tư duy (solid impression) là sự nhận thức thông thường của những cảm giác đầu tiên: niềm tin và hành vi được gán bởi một nhóm người đánh giá bằng mắt hoặc nhận xét diện mạo của một ai đó có quan hệ với những nhóm người đặc biệt khác. Khuôn mẫu tư duy xã hội là những quan niệm suy lý, phán xét khái quát, giản đơn, hữu hạn nhưng có tính phổ biến và tương đối bền vững trong một cộng đồng xã hội(2).

Khuôn mẫu tư duy có thể hình thành định kiến và những giả định sai về cá nhân hay một nhóm xã hội. Một khuôn mẫu tư duy có thể là khái niệm thông thường và đơn giản hóa, quan điểm, hoặc sự tưởng tượng, dựa vào giả định đặc trưng cho các thành viên trong các nhóm khác nhau có chung lợi ích, đặc điểm. Khuôn mẫu tư duy trong nhiều trường hợp được định dạng bởi một sự tương quan không thực tế. Mặc dù thường được nhìn nhận như những nhận định tiêu cực, khuôn mẫu tư duy có thể là tích cực trong một số hoàn cảnh cụ thể.

Đối với hầu hết các nhóm xã hội, khuôn mẫu tư duy không phải là sự đại diện đúng đắn của một nhóm bất kỳ. Chúng thường xuất hiện như là một phương tiện của sự giải thích và sự khác biệt giữa các nhóm hoặc được xem là một hệ thống lý lẽ bào chữa. Vị thế xã hội hoặc vị trí xã hội củng cố nội dung của khuôn mẫu tư duy và đặc điểm cá nhân thông thường của các thành viên trong nhóm. Những nhóm có điều kiện kinh tế và xã hội thuận lợi được định hướng tư duy trong cách có thể giúp giải thích được sự khác biệt hoặc chênh lệch nào đó hơn các nhóm yếu thế. Theo cách đó, khuôn mẫu tư duy tập trung và phóng đại sự khác biệt giữa các nhóm. Sự cạnh tranh giữa các nhóm có ít điểm giống nhau và nhiều sự khác biệt. Điều đó làm cho chúng giống như những nhóm rất khác nhau nhưng trên thực tế chúng giống nhau nhiều hơn là khác nhau.

Với những cá nhân đơn lẻ, khuôn mẫu tư duy có thể hình thành theo xu hướng tích cực và tiêu cực. Những xu hướng này dần hình thành nên định kiến xã hội. Ranh giới giữa khuôn mẫu tư duy và định kiến rất mờ nhạt và hai khái niệm này thường dễ nhầm lẫn. Khuôn mẫu tư duy là khái niệm được chuẩn hóa và đơn giản hóa dựa vào một vài sự thừa nhận/chấp nhận trước đó. Khuôn mẫu tư duy cũng có thể được tạo ra dựa trên một vài những quan điểm của sự hiểu biết không thực tế. Định kiến có khuynh hướng thiên về những kiểu mẫu hành vi khác biệt. Khi khuôn mẫu là định kiến thì con người sẽ có ứng xử bất hợp lý với người khác. Sự khác biệt giữa khuôn mẫu và định kiến thể hiện ở sự khác nhau giữa niềm tin và thái độ(3).

Định kiến xã hội

Theo J.P Chaplin (1968), định kiến là thái độ tiêu cực được hình thành trên cơ sở của yếu tố cảm xúc. Là niềm tin hoặc cách nhìn thường không thiện cảm, dẫn đến cho chủ thể một cách nghĩ hoặc một cách ứng xử tương ứng với người khác(4). Định kiến là những nhận thức thiếu căn cứ, phiến diện và một chiều của chủ thể mang định kiến. Định kiến được hiểu là những thái độ tiêu cực nảy sinh trên cơ sở chắc chắn, tập hợp của các quan niệm, ý kiến, niềm tin hoặc biểu tượng có tính chất rập khuôn và đơn giản hóa quá mức về những đặc điểm bề ngoài, thái độ và hành vi ứng xử xã hội, những ấn tượng xấu…về một nhóm người nào đó tùy theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ.

Định kiến xã hội tạo nên sự phân biệt xã hội. Đó là sự thay đổi hình ảnh hoặc làm méo mó, biến dạng về bản thân khiến chủ thể mang định kiến có sự đánh giá lạc hướng, tạo nên sự phân biệt trong đối xử với người bị định kiến. Định kiến cũng có thể là những phẩm chất hay ứng xử của người khác dựa trên những mong đợi của chủ thể mang định kiến.

Theo Kramer (1949) và Mann (1959), định kiến là thái độ – một sự biểu hiện của trí tuệ. Cũng như các thái độ khác, định kiến là một thành tố của nhận thức và có ảnh hưởng tới cảm xúc và hành vi của con người. Nó định hướng hành vi của chủ thể đối với người bị định kiến.“Định kiến là thái độ mang tính tiêu cực, bất hợp lý đối với các nhóm hoặc các thành viên của nhóm”(5). Thái độ bất hợp lý, tiêu cực của định kiến được thể hiện ở các khía cạnh: (1) dựa trên nguyên nhân sai lầm hoặc thiếu lôgíc, (2) bất hợp lý vì nó không được tất cả các thành viên của nhóm hoặc các nhóm chấp nhận, (3) dựa trên những niềm tin hoặc thông tin không đúng, (4) bất hợp lý bởi nó phụ thuộc vào thái độ thiếu khách quan của người quản lý nhóm trong đối xử với các thành viên của nhóm.

Theo Rosenberg: Định kiến xã hội là một định hướng được tiếp thu có mục đích thiết lập một sự phân biệt xã hội. Như vậy, định kiến là một sự phân biệt đối xử(6). Quan điểm này của ông cho phép phân biệt hai thành tố căn bản của định kiến: thành tố nhận thức và thành tố ứng xử. Có thể sơ đồ hóa như sau:

Như vậy, tuy có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề định kiến nhưng các tác giả đều thừa nhận định kiến là một kiểu thái độ tiêu cực- bất hợp lý đối với người khác dựa trên những nhận thức thiếu căn cứ, phiến diện, một chiều của chủ thể là người mang định kiến.

Thực tế cũng dễ dàng nhận thấy trong quá trình tiếp xúc giữa các cá nhân trong nhóm với nhau đặc biệt là người lạ, họ thường đưa ra những cách nhìn nhận, đánh giá sự hiểu biết nhất định về đối tượng dựa trên nhiều nguồn thông tin khác nhau: Sách, báo, các phương tiện thông tin – tuyên truyền… mà cá nhân thu nhận được từ cuộc sống. Những nhận định tri thức đó trở thành niềm tin của cá nhân và được coi như là một khuôn đúc về người khác trong quá trình nhận định của chính họ.

Định kiến quy định hành vi của cá nhân và nhiều khi đưa đến việc hình thành các mối quan hệ theo hướng tiêu cực. Do đó mỗi cá nhân phải tự tách ra khỏi những khuôn mẫu đó.

2. Vai trò của khuôn mẫu tư duy và định kiến xã hội trong việc hình thành và biến đổi dư luận xã hội

Quá trình hình thành dư luận xã hội

Giai đoạn 1: Các cá nhân biết đến sự kiện, vấn đề

Sự hình thành dư luận xã hội phụ thuộc vào nguyên nhân, tính chất của sự kiện, hiện tượng. Những sự kiện, hiện tượng ảnh hưởng đến quyền lợi của đa số, đến chuẩn mực đạo đức của nhóm thì dư luận xã hội hình thành nhanh chóng hơn so với những sự kiện chỉ ảnh hưởng đến một số ít người hoặc chỉ động chạm đến những vấn đề không cơ bản của nhóm.

Khi các cá nhân chứng kiến sự kiện, biết đến vấn đề nào đó thì họ cố gắng cập nhật thông tin về hiện tượng, sự kiện và đánh giá tính chất của nó. Đây thực chất là quá trình cá nhân biết đến và nhận thức sự kiện. Mỗi cá nhân khác nhau có sự nhìn nhận, đánh giá sự kiện, vấn đề theo những khuôn mẫu tư duy và những định kiến khác nhau. Do đó ngay từ lúc này, trong mỗi người đã hình thành nên một tư duy khác nhau về sự kiện, vấn đề mà mình được chứng kiến, được biết đến. Ở giai đoạn này, khuôn mẫu tư duy được thể hiện rõ nét trong quá trình hình thành dư luận. Mỗi cá nhân mang những khuôn mẫu riêng để đánh giá, nhìn nhận vấn đề nên việc mâu thuẫn trong quan điểm đánh giá sẽ làm cho quá trình tranh luận trong nhóm được thúc đẩy nhanh hơn. Từ những xuất phát điểm là những khuôn mẫu và định kiến xã hội khác nhau mà có sự khác biệt trong quan điểm đó. Khi còn sự khác biệt trong quan điểm, khuôn mẫu của mỗi nhóm thì dư luận xã hội cũng chưa được hình thành. Chính vì thế, khuôn mẫu của cá nhân tới khuôn mẫu của nhóm đã làm cho quá trình hình thành dư luận bị chậm lại. Đồng thời việc khuôn mẫu tư duy hình thành theo nhóm sẽ càng làm tăng thêm sức mạnh của chính nó. Khi một nhóm đã có định kiến xã hội sâu sắc về một vấn đề gì đó thì không dễ gì họ sẽ bị thuyết phục để theo một khuôn mẫu khác.

Giai đoạn 2: Hình thành ý kiến cá nhân trên cơ sở tâm thế và tiền tâm thế

Ngay khi chứng kiến một sự kiện, vấn đề nào đó, trong mỗi cá nhân đã có sự hình thành nên ý kiến riêng của mình đối với sự kiện, vấn đề đó. Ý kiến cá nhân này được hình thành trên cơ sở của tâm thế và tiền tâm thế cá nhân.

Tâm thế cá nhân, xã hội được hiểu là trạng thái chuẩn bị về mặt tinh thần, đảm bảo tư thế sẵn sàng phản ứng của các cá nhân, nhóm xã hội đối với các sự kiện, hiện tượng nhất định. Tâm thế cá nhân, xã hội bao gồm 3 thành phần: nhận thức, cảm xúc và ý chí trước đối tượng nhất định.

Sự hình thành dư luận xã hội có thể diễn ra theo các quy luật biến đổi tâm thế do sự bất đồng giữa các thành tố nhận thức của tâm thế với nội dung thông tin mà chủ thể tâm thế tiếp nhận được. Chính nhờ vào tâm thế này mà mỗi cá nhân có được những ý kiến riêng của mình về cùng một sự kiện, cùng một vấn đề.

Có thể nhận thấy rằng, giai đoạn 1 và 2 diễn ra hầu như đồng thời. “Ấn tượng ban đầu” của mỗi cá nhân được đánh giá là rất quan trọng. Thí dụ: Một tấm ảnh của một người đàn ông được đưa cho một nhóm người nhận xét, kèm theo đó là một lời gợi ý. Với nhóm được gợi ý “đây là một tù nhân” họ đã miêu tả người đàn ông ấy với sự lưu manh, mọi điểm chỉ để chứng minh đó là con người gian ác. Với nhóm được gợi ý “đây là một nhà khám phá” họ đã miêu tả đó là một người sáng sủa, uyên bác… Như vậy ý kiến cá nhân đã hình thành dường như từ trước và sự việc chỉ là để củng cố thêm nhận thức của họ. Những đánh giá ban đầu này gần như theo suốt họ, trở thành một định kiến khó thay đổi. Điều này làm cho quá trình hình thành dư luận khó khăn bởi những luồng ý kiến trái chiều. Khuôn mẫu tư duy hình thành theo nhóm sẽ càng trở nên khó phá bỏ hơn.

Giai đoạn 3: Sự tương tác các ý kiến, tạo thành ý kiến chung

Trước một vấn đề, sự kiện, mỗi thành viên trong nhóm có sự trao đổi ý kiến với nhau hay còn gọi là sự tương tác các ý kiến. Ở mỗi cá nhân có những suy nghĩ và tư duy khác nhau theo khuôn mẫu đã có từ trước hay mới hình thành của họ. Những ý kiến chung của nhóm không phải là tổng số các ý kiến mà là tập giao của các ý kiến, từ đó đưa ra cách nhìn chung nhất về sự kiện, vấn đề. Tiếp tục từ các nhóm nhỏ thành các nhóm lớn hơn bao quát cả tổng thể. Quá trình này diễn ra rất phức tạp và khó định lượng thời gian hoàn thành vì còn phụ thuộc và nhiều yếu tố: vai trò của các trưởng nhóm, ý thức tham gia của các thành viên và sự hợp nhất được các ý kiến cá nhân.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều hình thành ý kiến chung nhưng sự hình thành ý kiến chính là các yếu tố tạo ra dư luận xã hội. Dư luận xã hội sẽ hình thành nhanh nếu quá trình tương tác này diễn ra nhanh chóng, đồng thời với nó là khuôn mẫu tư duy, định kiến xã hội của nhóm không quá sâu sắc.

Giai đoạn 4: Hình thành ý kiến chung gọi là dư luận xã hội

Đến giai đoạn này, khuôn mẫu tư duy và định kiến xã hội đã không còn vai trò rõ nét nữa. Quá trình đấu tranh, tương tác đã dẫn tới việc hình thành ý kiến chung, tạo thành luồng dư luận xã hội. Tuy vậy, ngay cả khi dư luận xã hội đã được hình thành thì khuôn mẫu tư duy cũng chưa hẳn đã mất đi, nó còn tồn tại để hình thành những luồng dư luận khác, trái chiều.

Thí dụ: Trong sự phát triển của xã hội ngày nay, mặc dù xã hội đã, đang nói và thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ, (pháp luật đã quy định nam và nữ giới được bình đẳng trong mọi lĩnh vực), điều này chứng tỏ dư luận xã hội đã được hình thành, các khuôn mẫu giới nữ không được coi trọng đã bị thất bại nhưng trên thực tế đại đa số chúng ta lại không làm được. Hơn nữa, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại nhiều trong cuộc sống, chẳng hạn như trong bạo lực gia đình thì nạn nhân chính là phụ nữ, trong việc sinh con thì xã hội đều thích sinh con trai hơn con gái, trong phân công lao động trong gia đình cũng có sự bất bình đẳng… Lý do tại sao? Để hiểu được sự việc phải trải qua một quá trình dài về thời gian và không gian, có nghĩa là trải qua các cuộc tranh luận của các cá nhân trong xã hội. Ví dụ như ở lĩnh vực phân công việc nội trợ trong gia đình. Việc người phụ nữ gánh vác hầu hết những công việc nội trợ phản ánh sự phân công lao động về giới: một mặt mang tính chất tự nhiên; mặt khác chủ yếu hơn, phản ánh quan niệm xã hội. Sự phân công mang tính chất tự nhiên thể hiện ở chỗ, trong công việc gia đình những việc nặng nhọc đòi hỏi sức khoẻ, sự xốc vác thì nam giới thường đảm nhận, chẳng hạn như việc sửa chữa, xây dựng nhà cửa… Nhưng những ảnh hưởng của quan niệm xã hội mang tính truyền thống (trong đó có định kiến giới) mới là ảnh hưởng chủ yếu làm cho người đàn ông ít tham gia công việc nội trợ.

Như vậy dư luận xã hội đã được hình thành và việc thay đổi suy nghĩ, định kiến của một nhóm người là rất khó. Những định kiến ấy vẫn tồn tại ngay cả khi dư luận xã hội xuất hiện và được củng cố. Đây cũng là một yếu tố làm cho dư luận xã hội có thể phát triển hơn nữa hoặc bị triệt tiêu. Nếu dư luận xã hội được giải quyết một cách triệt để và thỏa đáng thì dư luận xã hội sẽ đi theo hướng bị triệt tiêu, hình thành dư luận mới ủng hộ cách giải quyết và dư luận xã hội sẽ chấm dứt. Và ngược lại, nếu dư luận xã hội không được giải quyết triệt để và thỏa đáng thì dư luận xã hội cũ vẫn tồn tại và cường độ sẽ tăng lên và xuất hiện dư luận xã hội mới về cách thức giải quyết.

Quá trình hình thành dư luận là một quá trình lâu dài và bị tác động mạnh của các luồng ý kiến các nhau. Khuôn mẫu tư duy khiến cho quá trình hình thành dư luận bị chậm lại nhưng có ích hơn. Dư luận xã hội nào càng có các luồng ý kiến khác nhau, càng gây tranh cãi nhiều thì khi hình thành nó càng có ý nghĩa hơn bởi nó đã được trải qua một quá trình đấu tranh, nó chỉ hình thành khi có một quan điểm thống nhất. Quan điểm cuối cùng sẽ là quan điểm tồn tại lâu nhất. Và truyền thông đại chúng chính là phương tiện quan trọng nhất trong quá trình hình thành dư luận từ ngay giai đoạn đầu đến khi nó được hình thành và phát triển, nó giúp quá trình hình thành dư luận được nhanh chóng hơn, các luồng thông tin có cơ hội tìm được sự giao thoa với nhau nhiều hơn.

———————–

Chú thích:

(1), (2) http://philosophy.vass.gov.vn: Ngọ Văn Nhân: “Dư luận xã hội có phải là một bộ phận của ý thức xã hội”, Tạp chí Triết học, số 6 (169), truy cập ngày 10-10-2017.
(3) http://en.wikipedia.org/wiki/Stereotype)
(4), (6) Xem: Vũ Mộng Đóa: Giáo trình Tâm lý học xã hội, Đại học Đà Lạt, 2007, tr.24, 25.
(5) Vũ Dũng: Tâm lý học xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2000.

Theo THS. NGUYỄN THỊ LAN / TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,