⠀
Tại sao Marx đúng? – 9 – Chủ nghĩa Marx dẫn đến nhà nước độc tài?
Quyền lực thực sự ngày nay nằm ở các ngân hàng, các tập đoàn và các định chế tài chính, mà những vị giám đốc của chúng chẳng bao giờ được ai bầu cử.
Nguồn: Why Marx was right / Terry Eagleton / 2011.
Biên dịch: Đinh Xuân Hà và Phương Sơn / Doi-mat.vn.
PHẢN BÁC:
Chủ nghĩa Marx tin vào một nhà nước nắm mọi quyền lực trong tay. Sau khi xóa bỏ tư hữu, những nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ thống trị bằng quyền lực bạo ngược, và quyền lực đó sẽ chấm dứt tự do cá nhân. Điều này đã diễn ra ở tất cả những nơi mà chủ nghĩa Marx được áp dụng vào thực tế, không có lý do gì để mong đợi rằng mọi chuyện sẽ khác đi trong tương lai. Một phần trong lô-gic của chủ nghĩa Marx là nhân dân phục tùng đảng, đảng phục tùng nhà nước, và nhà nước thì phục tùng một kẻ độc tài quái dị. Dân chủ tự do có thể không hoàn hảo, nhưng rõ ràng còn hơn bị nhốt trong bệnh viện tâm thần vì dám lên án một chính quyền chuyên chế dã man.
BIỆN GIẢI:
Tóm tắt:
Sức mạnh để phản bác lại những phê phán về K. Marx trong nhóm vấn đề trên là hiện thực không thiên vị trong tư tưởng của K. Marx, cả về lý luận và thực tiễn trong tiến trình lịch sử nhân loại. Để làm được điều này, T. Eagleton đã luận giải khái quát các quan điểm về nhà nước của các nhà triết học trước K. Marx và cùng thời với K. Marx; luận giải quá trình đúc kết kinh nghiệm, hình thành, phát triển lý luận về nhà nước trong tư tưởng của K. Marx; phân tích những phê phán của K. Marx về sự hà khắc của nhà nước tư bản; minh giải đầy sức thuyết phục tư tưởng của K. Marx về quyền lực và quyền lực nhà nước nói chung, quyền lực nhà nước tư bản, quyền lực nhà nước cộng sản chủ nghĩa. Ông chứng minh rằng, cái mà K. Marx hy vọng sẽ tiêu vong trong xã hội cộng sản chủ nghĩa không phải là nhà nước theo nghĩa là chính quyền trung ương mà là kiểu nhà nước với tư cách là một công cụ bạo lực. Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý hành chính sẽ tiếp tục sống mãi. K. Marx tin tưởng vào quyền làm chủ của nhân dân và “hài lòng” với cái bóng lờ mờ của nhà nước được gọi là dân chủ nghị viện. Ông coi dân chủ là quá vĩ đại, không thể giao nó cho một mình Quốc hội. Dân chủ phải có tính địa phương, mang tính nhân dân rộng rãi và xuất hiện ở tất cả các thể chế, các hình thức tự quản của xã hội. Nó phải được mở rộng cả trong đời sống kinh tế và đời sống chính trị; phải có nghĩa là sự tự chủ thực sự của nhân dân. Nhà nước mà K. Marx bảo vệ là sự cai trị của công dân đối với chính họ, không phải của thiểu số đối với số đông, tức là hòa tan nhà nước vào xã hội. Như thế tức là nhà nước không mang tính phe phái, một nhà nước công dân có tính tự giác cao. Điều này trái ngược hoàn toàn với những luận điểm phê phán chủ nghĩa Marx. |
Marx là người phản đối không khoan nhượng nhà nước. Ông thậm chí còn mong đợi một thời điểm nhà nước sẽ tiêu vong. Những người phê bình ông có lẽ coi niềm hy vọng này là không tưởng một các ngớ ngẩn, nhưng đồng thời, họ cũng không thể lên án ông vì có lòng nhiệt huyết đối với một chính quyền bạo ngược.
Ông đúng ra không hề không tưởng một cách ngớ ngẩn. Cái mà Marx hy vọng sẽ tiêu vong trong xã hội cộng sản chủ nghĩa không phải là nhà nước theo nghĩa là chính quyền trung ương. Bất kỳ nền văn hóa phát triển hiện đại nào đều cần cái đó. Thực vậy, trong quyển ba của bộ Tư bản, Marx đã viết theo quan điểm này rằng: “những hoạt động chung xuất phát từ bản chất của mọi cộng đồng”. Nhà nước với tư cách là một cơ quan quản lý hành chính sẽ tiếp tục sống mãi. Chỉ có nhà nước với tư cách là một công cụ bạo lực thì Marx mới hy vọng sẽ biến mất đi.
Như ông đã nói trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, quyền lực nhà nước dưới chủ nghĩa cộng sản sẽ mất đi đặc tính chính trị của nó. Khi phản đối chủ nghĩa vô chính phủ ở thời của ông, Marx nhấn mạnh nhà nước chỉ biến mất theo nghĩa này. Cái phải ra đi là một loại quyền lực cụ thể, thứ quyền lực đã bảo vệ vững chắc cho sự cai trị của tầng lớp xã hội thống trị đối với phần còn lại của xã hội. Còn công viên quốc gia và trung tâm sát hạch lái xe vẫn còn.
Marx nhìn nhận nhà nước bằng chủ nghĩa hiện thực không thiên vị. Nhà nước rõ ràng không phải là một cơ quan trung lập về chính trị, xử lý các xung đột lợi ích xã hội hết sức công bằng vô tư. Nhà nước không phải là người công minh nhất trong mâu thuẫn giữa lao động và tư bản. Các nhà nước không có nhiệm vụ làm cách mạng thay đổi quyền sở hữu. Nhà nước tồn tại cùng với những thứ khác để bảo vệ trật tự xã hội hiện hành chống lại những người cố thay đổi nó. Nếu trật tự đó vốn dĩ phi lý, thì theo khía cạnh này, nhà nước cũng phi lý. Đấy là điều mà Marx muốn thấy phải kết thúc, chứ không phải nhà hát quốc gia hay đồn cảnh sát.
Chẳng có gì là âm mưu đen tối với ý niệm rằng nhà nước phải mang tính đảng phái. Bất kỳ ai nghĩ như vậy rõ ràng đã không tham gia vào một cuộc biểu tình chính trị nào trong thời gian gần đây. Nhà nước tự do là trung lập giữa chủ nghĩa tư bản và những người chỉ trích nó cho đến khi nào những người chỉ trích nhà nước thắng thế. Khi đó, nhà nước sẽ xuất hiện với vòi rồng và đội quân cơ động.
Không ai nghi ngờ nhà nước có thể bạo lực. Chỉ có Marx mới đưa ra câu trả lời mới cho vấn đề bạo lực này cuối cùng phục vụ cho ai. Chỉ có niềm tin vào sự vô tư không thiên vị một cách phi thực tế của nhà nước, chứ không phải là một kế hoạch đã được định sẵn thì một ngày nào đó chúng ta mới sống hòa thuận với nhau mà không cần sự gây hấn theo phản xạ tự nhiên của nhà nước. Trên thực tế, ngay cả nhà nước trong chừng mực nào đó cũng không còn tin vào sự vô tư không thiên vị của chính mình. Thậm chí, khi đánh đập công nhân biểu tình hay những người diễu hành hòa bình, cảnh sát không còn giả vờ như trung lập nữa. Các chính phủ, nhất là các chính phủ Công Đảng, chẳng buồn giấu giếm sự thù địch của họ đối với phong trào của người lao động.
Như Jacques Ranciere bình luận: “luận điểm từng một thời tai tiếng của Marx cho rằng, chính phủ chỉ đơn giản là người đại diện kinh doanh cho tư bản quốc tế thì ngày nay rõ ràng là một sự thực mà cả “những người theo chủ nghĩa tự do” lẫn “những nhà xã hội chủ nghĩa” đều đồng ý. Sự đồng nhất các hoạt động chính trị với sự quản lý tư bản không còn là bí mật đáng xấu hổ được che đậy đằng sau “các hình thái” dân chủ; đó là sự thật được tuyên bố công khai mà nhờ đó những chính phủ của chúng ta có được tính hợp pháp chính đáng”[1].
Điều này không phải để nói rằng, chúng ta có thể bỏ qua cảnh sát, tòa án, nhà tù hay thậm chí đội quân cảnh sát cơ động. Ví dụ, đội đặc nhiệm có thể rất cần thiết nếu một nhóm khủng bố được trang bị vũ khí hóa học hay nguyên tử đang sẵn sàng hành động, và những người càng có xu hướng cánh tả càng hiểu rõ thực tế này. Không phải tất cả bạo lực nhà nước đều mang danh nghĩa bảo vệ sự nguyên trạng.
Trong quyển ba bộ Tư bản, chính Marx đã chỉ ra sự khác biệt giữa chức năng giai cấp cụ thể và chức năng giai cấp trung lập của nhà nước. Người sĩ quan cảnh sát ngăn cản những kẻ du côn phân biệt chủng tộc đánh đập dã man một người châu Á không phải là hành động như một người đại diện của chủ nghĩa tư bản. Những căn phòng dành riêng cho phụ nữ bị cưỡng bức không phải là ví dụ xấu xa cho sự áp bức của nhà nước. Những nhân viên điều tra tịch thu máy tính tải nội dung khiêu dâm trẻ em không phải đang vi phạm nhân quyền một cách thô bạo. Chừng nào còn có tự do của con người thì sẽ cũng có cả sự lạm dụng tự do đó; và chỉ một vài sự lạm dụng kinh khủng đó cũng đủ để phải cách ly những kẻ gây rối vì sự an toàn của những người khác. Nhà tù không chỉ đơn giản là nơi trừng phạt những người bị tước đoạt về mặt xã hội, mặc dù nó đúng là như vậy.
Không có bằng chứng cho thấy Marx đã bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào trong các tuyên bố trên. Trên thực tế, ông tin rằng nhà nước là một lực lượng đầy sức mạnh bảo vệ cái thiện. Chính vì thế, ông ủng hộ mạnh mẽ luật pháp để cải thiện điều kiện xã hội ở Anh thời Victoria. Chẳng có gì là áp bức khi vận hành các trại mồ côi dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, hay khi đảm bảo rằng, mọi người lái xe cùng một bên khi đi đường.
Cái mà Marx bác bỏ là truyện thần thoại ủy mị về nhà nước như là một khởi nguồn của sự hài hòa, nối kết một cách hòa bình các nhóm và giai cấp khác nhau. Theo ông, nhà nước là khởi nguồn của sự chia rẽ hơn là sự hòa thuận. Nhà nước thực sự tìm cách giữ xã hội lại với nhau, nhưng nó làm thế rốt cục là bởi vì lợi ích của giai cấp thống trị. Đằng sau sự công bằng vô tư bề ngoài của nó là tình trạng chia rẽ đảng phái. Thể chế nhà nước “đeo cùm mới cho người nghèo, và trao sức mạnh mới cho người giàu… mãi mãi ấn định luật sở hữu và bất bình đẳng; chuyển sự chiếm đoạt một cách khéo léo sang quyền bất khả xâm phạm; và phục vụ cho ý muốn cho những người đầy tham vọng, bắt toàn bộ nhân loại thành lao động vĩnh viễn, nô lệ và đau khổ”. Đấy không phải là lời của Marx, mà là (như chúng đã thấy) lời của Jean-Jacques Rousseau trong tác phẩm Bàn về bất bình đẳng.
Marx không hề lập dị khi nhìn thấy mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước và đặc quyền giai cấp. Đúng là ông không phải lúc nào cũng giữ quan điểm này. Là một môn đồ trẻ của Hegel, ông nói về nhà nước bằng những lời lẽ tích cực. Nhưng đấy là trước khi ông trở thành một nhà Marxist và cả khi ông trở thành nhà Marxist, ông vẫn nhấn mạnh rằng ông không phải là một nhà Marxist.
Những người nói về sự hòa thuận và nhất trí nên cảnh giác với cái người ta có thể gọi là quan điểm giáo sĩ công nghiệp về thực tại. Nói nôm na thì ý niệm này có nghĩa là, một bên là những ông chủ tham lam và một bên là những công nhân tham chiến, trong khi ở giữa là người giáo sĩ đúng mực, ăn nói nhẹ nhàng, có tư tưởng tự do đang cố gắng hết mình đưa hai bên đối chọi đến gần với nhau, như là hiện thân của lẽ phải, công bằng và sự tiết chế. Nhưng tại sao lúc nào ở giữa cũng phải là nơi nhạy cảm? Tại sao chúng ta có xu hướng coi bản thân là ở giữa và người khác là cực đoan? Rốt cuộc, sự tự tiết chế của người này lại là chủ nghĩa cực đoan của người khác. Mọi người không ai rêu rao mình là cuồng tín, cũng như bảo mình là kẻ non nớt. Liệu có ai cố tìm cách giảng hòa nô lệ và chủ nô, hay thuyết phục người dân bản xứ chỉ than phiền nhẹ nhàng về những người đang âm mưu xóa sổ họ? Mảnh đất ở giữa phân biệt chủng tộc và chống phân biệt chủng tộc là gì?
Nếu Marx không dành thời gian cho nhà nước, phần nào là bởi vì ông coi nhà nước như một quyền lực tha hóa. Cứ như thể là cái thực thể đáng kính trọng này đã tịch thu sung công quỹ khả năng của con người để quyết định sự tồn tại của họ, và giờ đây đang làm điều đó nhân danh họ. Thật vô liêm sỉ nếu gọi quá trình này là “dân chủ”.
Chính Marx bắt đầu sự nghiệp của mình như một nhà dân chủ cấp tiến và cuối cùng lại là một nhà cách mạng, khi ông nhận ra nền dân chủ đích thực đòi hỏi phải có nhiều chuyển đổi như thế nào; chính với tư cách là một nhà dân chủ mà ông đã thách thức uy quyền tối cao của nhà nước. Ông một lòng một dạ tin tưởng vào chủ quyền của nhân dân và hài lòng với cái bóng lờ mờ của nhà nước được gọi là dân chủ nghị viện. Về nguyên tắc, ông không phản đối quốc hội, cũng giống như Lenin. Nhưng ông coi dân chủ là vĩ đại, không thể giao phó cho một mình quốc hội. Nó phải có tính địa phương, mang tính quần chúng và xuất hiện ở tất cả các thể chế của xã hội dân sự. Nó phải mở rộng đời sống kinh tế cũng như đời sống chính trị. Nó phải có nghĩa là sự tự chủ thực sự, chứ không phải chính phủ được giao phó cho một tầng lớp chính trị cao cấp. Nhà nước mà Marx bảo vệ là sự cai trị của công dân đối với chính họ, không phải của thiểu số đối với số đông.
Marx cho rằng, nhà nước là tách biệt với xã hội công dân. Có một mâu thuẫn hiển nhiên giữa hai điều đó. Ví dụ, chúng ta là những công dân bình đẳng trong nhà nước, nhưng không hề bình đẳng trong sự tồn tại xã hội hàng ngày. Sự tồn tại xã hội đó bị xé nát bởi các mâu thuẫn, nhưng nhà nước chiếu ra một hình ảnh không vết rạn nứt về nó. Nhà nước coi chính nó như là sự hình thành xã hội từ bên trên, nhưng trên thực tế, nó là sản phẩm của xã hội. Xã hội không xuất phát từ nhà nước, thay vào đó, nhà nước là kẻ ăn bám xã hội. Toàn bộ cơ cấu bị đảo lộn. Như một nhà phê bình diễn đạt: “Nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản bị lộn tùng phèo” – ám chỉ rằng, thay vì thể chế chính trị điều chỉnh chủ nghĩa tư bản, thì chủ nghĩa tư bản điều chỉnh chúng. Người phát ngôn đó là Robert Reich, cựu Bộ trưởng Bộ lao động Mỹ, người hoàn toàn không được coi là một nhà Marxist.
Mục tiêu của Marx là khép lại khe hở giữa nhà nước và xã hội, hoạt động chính trị và cuộc sống hàng ngày, bằng cách hòa tan nhà nước vào xã hội. Và ông gọi đó là dân chủ. Con người phải đòi lại quyền lực trong cuộc sống thường ngày đã bị nhà nước chiếm đoạt. Chủ nghĩa xã hội là sự hoàn thiện của nền dân chủ, không phải là sự phủ nhận nó. Chính vì vậy, nhiều người bảo vệ nền dân chủ không thể coi cách nhìn này đáng chê trách một tí nào.
Một điểm chung giữa các nhà Marxist là cho rằng quyền lực thực sự ngày nay nằm ở các ngân hàng, các tập đoàn và các định chế tài chính, mà những vị giám đốc của chúng chẳng bao giờ được ai bầu cử, và những quyết định của chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Nhìn chung, sức mạnh chính trị là người hầu cận ngoan ngoãn của các Chúa tể vũ trụ (Masters of the Universe). Các chính phủ luôn quở trách những người Marxist, thậm chí còn đặt ra cả Sắc lệnh Hành vi phản xã hội[2] để áp dụng với họ; nhưng nếu họ cố tìm cách chấm dứt công việc của chính phủ thì họ sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm là bị bắt vào tù bởi chính những lực lượng an ninh của chính phủ. Nhà nước giỏi lắm cũng chỉ có thể hy vọng thu dọn một vài hủy hoại về con người mà hệ thống hiện tại gây ra. Nó làm vậy, một phần vì vấn đề nhân đạo, và một phần để khôi phục lại lòng tin vào hệ thống đã bị lu mờ. Đấy là những gì chúng ta gọi là nền dân chủ xã hội.
Nói tóm lại, việc chính trị mang công mắc nợ kinh tế là lý do tại sao nhà nước, như chúng ta biết, không thể đơn giản bị bắt làm con tin cho những mục đích xã hội chủ nghĩa. Marx viết trong cuốn Nội chiến ở Pháp rằng, giai cấp công nhân không thể xê dịch bộ máy nhà nước hiện tại và sử dụng nó cho mục đích của mình. Bởi vì bộ máy đó có một xu hướng nội tại luôn gắn với hiện trạng. Cái phiên bản nghèo nàn, lệch lạc ghê gớm của nó về nền dân chủ chỉ phù hợp với những quyền lợi chống dân chủ đang thống trị hiện nay.
Mô hình quan trọng của Marx về sự tự trị của nhân dân là Công xã Paris năm 1871, trong vài tháng sôi động, những người lao động của tư bản Pháp nắm quyền điều hành chính số phận của họ. Công xã, như Marx miêu tả trong cuốn Nội chiến ở Pháp, bao gồm những ủy viên hội đồng địa phương, hầu hết là nam công nhân, được bầu cử bằng bỏ phiếu phổ thông và có thể bị các cử tri bãi miễn. Phục vụ công cộng cũng phải được trả lương, quân đội chính quy bị hủy bỏ, và cảnh sát chịu trách nhiệm trước Công xã. Quyền lực trước đây do nhà nước Pháp thực thi nay do các chiến sĩ công xã đảm đương. Các cha xứ bị trục xuất khỏi đời sống công cộng, trong khi các tổ chức giáo dục được mở ra cho những người dân thường và được giải phóng khỏi sự can thiệp của cả nhà thờ và nhà nước. Quan tòa, thẩm phán và công chức được bầu ra, có trách nhiệm với người dân và có thể bị người dân bãi nhiệm. Công xã, dưới danh nghĩa sản xuất hợp tác xã cũng chủ định xóa bỏ sở hữu tư nhân.
Marx viết: “Không phải cứ 3 năm hoặc 6 năm một lần lại quyết định cá nhân nào trong giai cấp thống trị phải đại diện và đàn áp nhân dân tại Nghị viện, quyền đầu phiếu phổ thông phải phục vụ nhân dân đã được tổ chức thành Công xã”. Ông viết tiếp: “Công xã… về thực chất nó là một chính phủ cho giai cấp công nhân… là hình thức chính trị rốt cục đã tìm ra được khiến cho có thể thực hiện được việc giải phóng lao động về mặt kinh tế”[3]. Mặc dù ông không phải không chỉ trích cái công trình xấu số này (chẳng hạn ông nói rằng, đa số các chiến sĩ Công xã không phải là những nhà xã hội chủ nghĩa); ông đã tìm thấy trong đó nhiều yếu tố của chính trị xã hội chủ nghĩa. Viễn cảnh này ra đời từ thực tiễn giai cấp công nhân, chứ không phải từ một thực tiễn bản vẽ thiết kế nào đó. Trong một thời khắc ngắn ngủi nhưng đầy mê hoặc, nhà nước đã không còn là quyền lực tha hóa nữa mà thay vào đó là hình thái của chính quyền nhân dân tự trị.
Những gì đã diễn ra trong những tháng đó ở Paris được Marx miêu tả là “nền chuyên chính vô sản”. Một vài câu nói nổi tiếng của ông làm ớn lạnh những nhà phê bình ông. Nhưng điều ông ám chỉ trong những lời lẽ nghe ghê gớm ấy chính là nền dân chủ nhân dân. Nền chuyên chính vô sản đơn giản nghĩa là sự cầm quyền bởi số đông. Bất luận thế nào thì cụm từ “chuyên chính” trong thời của Marx không nhất thiết nói đến những gì cụm từ này bao hàm ngày nay. Nó muốn nói đến sự vi phạm hiến pháp chính trị bên ngoài pháp luật.
Đối thủ tranh luận chính trị của Marx, Auguste Blanqui, một người có đặc điểm nổi bật là bị tất cả chính phủ Pháp từ 1815 đến 1880 bỏ tù, đã gọi “nền chuyên chính vô sản” để ám chỉ sự cai trị nhân danh quần chúng nhân dân; bản thân Marx dùng nó để chỉ chính phủ của nhân dân. Blanqui được bầu làm chủ tịch xã, nhưng chỉ ngồi ở ghế bù nhìn. Đơn giản là ông ở tù trong thời gian đó.
Đôi khi Marx viết nhà nước như thể chỉ là một công cụ trực tiếp của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, trong các tác phẩm viết về lịch sử của ông, ông thường tỏ ra có sắc thái hơn rất nhiều. Nhiệm vụ của nhà nước chính trị không phải chỉ để phục vụ quyền lợi trước mắt của giai cấp cầm quyền. Nó cũng phải duy trì sự liên kết xã hội; và mặc dù, hai mục đích này cuối cùng chỉ là một, nhưng vẫn có một mâu thuẫn sâu sắc giữa chúng trong thời gian ngắn hạn hay trung hạn.
Ngoài ra, nhà nước dưới chủ nghĩa tư bản có các quan hệ giai cấp độc lập hơn so với, ví dụ như chế độ phong kiến. Vua chúa phong kiến là nhân vật cầm quyền cả chính trị và kinh tế, trong khi đó dưới chủ nghĩa tư bản, các vai trò này thường tách biệt. Nghị sĩ Quốc hội nhìn chung không phải là ông chủ sử dụng lao động. Có nghĩa là, bộ mặt nhà nước tư bản chủ nghĩa được đặt lên trên các quan hệ giai cấp không chỉ đơn giản là một bộ mặt. Nhà nước độc lập về quyền lợi vật chất như thế nào phần lớn phụ thuộc vào việc thay đổi các điều kiện lịch sử.
Marx dường như lý luận rằng, trong cái gọi là mô hình sản xuất châu Á, kéo theo đó là nhiều công trình thủy lợi rộng lớn mà chỉ nhà nước mới có thể đảm đương, nhà nước đúng là lực lượng xã hội thống trị. Cái gọi là những nhà Marxist tầm thường có xu hướng thừa nhận mối quan hệ một đối một giữa nhà nước và giai cấp thống trị về kinh tế, và có nhiều lúc điều này là đúng. Đã có những lúc giai cấp chiếm hữu trực tiếp điều hành nhà nước. George Bush và những ông chủ dầu mỏ của ông ta là trường hợp điển hình. Nói cách khác, một trong những thành tựu đáng ghi nhận của Bush là đã chứng minh được chủ nghĩa Marx thông tục là đúng đắn. Ông ta cũng dường như đã cố gắng hết sức để làm cho hệ thống tư bản chủ nghĩa trở nên tồi tệ nhất, một thực tế nữa khiến người ta tự hỏi, liệu ông có bí mật làm việc cho Bắc Triều Tiên hay không?
Tuy nhiên, các quan hệ đang xét đến ở đây thường phức tạp hơn những gì chính quyền Bush có thể gợi ý (thực tế, hầu hết mọi thứ trong cuộc sống con người phức tạp hơn những gì nó muốn nói). Ví dụ, có những giai đoạn giai cấp này cai trị nhân danh một giai cấp khác. Ở nước Anh thế kỷ XIX, như chính Marx đã chỉ ra, tầng lớp quý tộc đảng Whig vẫn là giai cấp chính trị cầm quyền, trong khi tầng lớp trung lưu công nghiệp ngày càng chi phối nhiều hơn về kinh tế; và nói chung, tầng lớp quí tộc đó vẫn đại diện cho quyền lợi của tầng lớp trung lưu công nghiệp.
Marx cũng lý luận rằng, Louis Bonaparte cai trị nước Pháp vì quyền lợi của chủ nghĩa tư bản tài chính, trong khi vẫn thể hiện mình là đại diện cho tầng lớp tiểu nông. Tương tự, đảng Quốc xã cai trị vì quyền lợi của giới tư bản bên trên, nhưng làm điều đó qua một lý tưởng có bề ngoài rõ ràng vì giai cấp trung lưu bên dưới. Họ vì thế, có thể nổi giận với những kẻ ký sinh thuộc tầng lớp trên và những những người giàu ăn không ngồi rồi theo những cách có thể bị những người thiếu chín chắn chính trị không hoàn toàn hiểu nhầm. Chủ nghĩa phát xít quả là một hình thái của chủ nghĩa cấp tiến. Không có cơ hội cho nền văn minh của giai cấp trung lưu tự do…Chỉ có chủ nghĩa cấp tiến của cánh hữu chứ không phải cánh tả.
Không giống như nhiều người theo chủ nghĩa tự do, Marx không phản đối quyền lực theo cách như vậy. Khó mà nói rằng, mọi quyền lực là đáng ghét để xoa dịu những người không có quyền lực, ít nhất, không phải bởi những người đã có chút ít của để dành. Những người cho rằng, từ “quyền lực” luôn có vẻ không xứng đáng thì quả là may mắn. Quyền lực trong sự nghiệp giải phóng nhân loại không được nhầm lẫn với chuyên chế. Khẩu hiệu “Quyền Lực Đen”[4] mơ hồ hơn nhiều tiếng gào thét “Đả đảo quyền lực!”. Tuy nhiên, chúng ta chỉ biết được quyền lực như thể là sự giải phóng thực sự nếu nó cố gắng chuyển đổi không chỉ thiết chế chính trị hiện tại, mà còn chính ở ý nghĩa của bản thân quyền lực. Chủ nghĩa xã hội không dẫn đến việc thay thế một nhóm cai trị này bằng nhóm cai trị khác. Khi nói về Công xã Paris, Marx nhận xét rằng: “Đó không phải là một cuộc cách mạng để chuyển giao quyền lực ấy từ tay một bộ phận của giai cấp thống trị này sang tay một bộ phận khác, mà là một cuộc cách mạng để đập tan chính ngay bộ máy ghê tởm đó của sự thống trị giai cấp”[5].
Chủ nghĩa xã hội đem lại một sự thay đổi trong chính khái niệm về chủ quyền. Không có nhiều điểm giống nhau giữa những gì mà từ “quyền lực” muốn nói tới ở London ngày nay và những gì nó ám chỉ ở Paris năm 1871. Hình thái phát triển rực rỡ nhất của quyền lực là quyền lực với chính nó, và dân chủ nghĩa là việc thi hành khả năng này bằng tập thể. Chính phong trào Khai sáng đã khẳng định rằng, hình thái duy nhất của chủ quyền đáng để biện hộ cái mà chính chúng ta đã tạo thành. Sự tự quyết đó là nội hàm có giá trị quý báu nhất của tự do. Và dù con người có thể sẽ lạm dụng tự do của mình, họ cũng sẽ không phải là con người một cách đầy đủ nếu không có tự do. Đôi khi họ bị cho là đã quyết định vội vàng và ngu ngốc- những quyết định mà một nhà chuyên quyền khôn ngoan có lẽ không mắc phải. Nhưng nếu những quyết định đó không phải là những quyết định của họ, chắc chắn có gì đó trống rỗng và không đáng tin về họ, tuy nhiên, có thể họ là người có đầu óc biết suy xét.
Vậy, quyền lực sẽ tồn tại từ hiện tại tư bản chủ nghĩa sang tương lai xã hội chủ nghĩa – nhưng không ở trong cùng một hình thái. Chính ý niệm về quyền lực cũng đã trải qua một cuộc cách mạng. Nhà nước cũng vậy. Theo một nghĩa của từ “nhà nước”, thì “chủ nghĩa xã hội nhà nước” cũng có nội hàm nhiều mâu thuẫn như “thuyết nhận thức luận của Tiger Woods”. Nhưng theo nghĩa khác, từ này lại có ý nghĩa nào đó. Với Marx, vẫn còn một nhà nước dưới chủ nghĩa xã hội; chỉ khi vượt qua chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, thì nhà nước áp bức sẽ được thay thế bằng một cơ quan quản lý hành chính. Nhưng đó không phải là một nhà nước mà bản thân chúng ta sẽ nhận ra dễ dàng như thế. Cứ như là có ai đó chỉ ra một mạng lưới phân cấp của những cộng đồng tự trị, được quản lý linh hoạt bởi một chính quyền trung ương được bầu cử dân chủ, và công bố “có nhà nước rồi”, khi chúng ta đang mong đợi một cái gì đó đường bệ và vĩ đại – ví dụ, cái gì đó giống như Điện Westminster, Nhà Trắng và Hoàng Tử Andrew bí ẩn khó hiểu.
Một phần của mối bất hòa giữa Marx với những người vô chính phủ là vấn đề quyền lực cơ bản như thế nào trong mọi trường hợp. Đấy thực sự có phải là vấn đề? Theo quan điểm của Marx thì đó không phải là vấn đề. Với ông, quyền lực chính trị phải được thiết lập trong một bối cảnh lịch sử rộng hơn. Đã có người đặt câu hỏi, quyền lực phục vụ cho quyền lợi vật chất gì, và theo ông, đấy mới là những vấn đề cốt lõi. Nếu ông chỉ trích những người bảo thủ lý tưởng hóa nhà nước, thì ông cũng mất kiên nhẫn với những người vô chính phủ đã đánh giá quá mức tầm quan trọng của nhà nước.
Marx không “cụ thể hóa” quyền lực, mà tách nó ra khỏi môi trường xã hội xung quanh và coi quyền lực như một thứ trong chính nó. Đây rõ ràng là một trong những ưu điểm trong công trình của ông. Cái mà Marx bỏ sót về quyền lực lại là cái mà người đồng bào của ông là Nietzsche và Freud nhận ra theo những cách khác nhau rõ rệt. Quyền lực có lẽ không phải là thứ ở trong chính nó; nhưng có một yếu tố ở trong nó đang tắm mình trong uy quyền vì lợi ích của chính bản thân nó – diễu võ dương oai không có mục tiêu cụ thể nào, và luôn luôn vượt quá những lợi ích thực tế mà nó đã theo đuổi. Shakespeare biết điều này khi ông viết về quan hệ giữa Prospero và Ariel trong vở kịch Bão tố. Ariel là sứ giả trung thành của quyền lực Prospero, nhưng ông ta không ngừng trốn chạy sự ngự trị này, và chỉ làm việc của bản thân mình. Với bản tính đùa cợt tinh quái, ông ta chỉ thích thú với những quyền lực ma thuật của ông như là những mục đích tự thân, không để chúng bị ràng buộc vào ý định chiến lược của ông chủ của mình.
Coi quyền lực đơn giản chỉ là phương tiện là đã bỏ qua bản chất quan trọng này của nó; và làm như vậy, có lẽ sẽ hiểu nhầm, tại sao quyền lực lại mang tính chất cưỡng chế kinh khủng như nó vốn bị hiểu như thế.
———————————
Chú thích:
[1] Jacques Ranciere: Sự bất hòa (Dis-agreement), Minneapolis, 1999, p.113.
[2] Sắc lệnh Hành vi phản xã hội do thủ tướng Anh Tony Blair ban hành năm 1998 nhằm điều chỉnh một sô hành vi dân sự (ND).
[3] Nội chiến ở Pháp, trong Các Mác và Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.1994, t.17, tr.454.
[4] Quyền lực đen (Black Power) là một khẩu hiệu chính trị được sử dụng trong phong trào đòi quyền lợi và tôn trọng giá trị của người da đen, chủ yếu là người Mỹ gốc Phi trong những năm 1960 và 1970. Phong trào này cũng lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới (ND).
[5] Dự thảo lần thứ nhất cuốn Nội chiến ở Pháp, trong Các Mác và Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.1994, t.17, tr.715.
Theo TRIETHOC.EDU.VN
Tags: Tư bản, Chủ nghĩa xã hội, Bộ máy hành chính, Dân chủ, Karl Marx, Tại sao Marx đúng?, Cộng sản