Chúc mừng sinh nhật Lenin. Ngọn lửa của ông vẫn ấm áp giữa thế giới u ám này

Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đang co giật vì bệnh tật, các ý tưởng của Vladimir Ilyich Lenin vẫn còn mang ý nghĩa rất quan trọng với chúng ta.

Tác giả: Tomáš Tengely-Evans.

Nguồn: Lenin and his ideas today, Tomáš Tengely-Evans, Socialist Worker (Britain), 19/04/2020.

Biên dịch: Đại Việt / Redsvn.net.

Xã hội tư bản đang tiến tới thảm họa với biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường toàn cầu, dịch bệnh và nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Các tư tưởng của Lenin vẫn rất quan trọng đối với tất cả chúng ta, những người muốn thoát khỏi hệ thống mục nát này.

Thời nay, truyền thông phương Tây vẫn ra sức tô vẽ một bức tranh biếm họa về Lenin. Họ tuyên truyền rằng ông là một người theo chủ nghĩa giáo điều và độc tài, người đã nắm quyền lực trong một cuộc đảo chính và dẫn đến sự cai trị khủng khiếp của Stalin ở nước Nga.

Nhưng thực tế không phải như vậy.

Quan điểm chính trị của Lenin được hình thành vào một thời điểm mà những cuộc khủng hoảng lớn cho thấy hệ thống chính trị đương thời đã coi thường cuộc sống của những người dân thường đến mức nào.

Ông đã phát triển ý tưởng mới khi trăn trở về những vấn đề chưa từng có. Và những ý tưởng đó đã được thử nghiệm trong các cuộc đấu tranh chống lại hệ thống, giúp mở ra sự thay đổi mang tính cách mạng.

Trong phần lớn cuộc đời chính trị của mình, Lenin và các đồng chí của ông luôn là một phần của hệ thống các đảng xã hội chủ nghĩa Châu Âu. Nhưng đảng Bolshevik của Lenin là đảng duy nhất chứng kiến cuộc cách mạng thành công của người lao động ở Nga năm 1917. Đây không phải là một sự tình cờ.

Lenin đã mở ra những ý tưởng đột phá về chiến tranh, chủ nghĩa đế quốc, nhà nước và việc hỗ trợ cho những người bị áp bức. Và điều quan trọng nhất là, ông hiểu rõ những gì cần thiết cho các nhà xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng một tổ chức cách mạng có sức mạnh thay đổi thế giới.

Xung đột giữa những người thuộc tầng lớp lao động và các ông chủ tiếp tục là cơ sở để Lenin củng cố lý luận về chủ nghĩa tư bản. Dưới ánh sáng ấy, các cuộc nổi dậy và cách mạng lớn hơn bắt đầu nổ ra từ các cuộc đấu tranh tự phát nhằm vào các vấn đề cụ thể của người lao động.

Cuộc cách mạng Tháng Hai ở Nga năm 1917 bắt đầu như một cuộc biểu tình phản đối tình trạng thiếu bánh mì. Nó làm chúng ta nghĩ về cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa tân tự do ở Chile cuối năm 2019, bắt đầu như một cuộc biểu tình về giá vé tàu điện ngầm. Ở Iran, giá nhiên liệu tăng là tia lửa làm bùng phát các cuộc bạo loạn.

Thử thách cho cách mạng

Các cuộc đấu tranh có thể trở thành một thách thức rộng lớn hơn cho hệ thống, mà một chiến thắng là hoàn toàn có cơ sở.

Trong mọi cuộc đấu tranh, sẽ có một cuộc chiến giữa các lực lượng cải cách – những người chủ trương thực hiện những thay đổi hạn chế trong hệ thống – và những người muốn sự thay đổi mang tính cách mạng.

Một tổ chức cách mạng theo mô hình mà Lenin khởi xưởng sẽ mang lại cơ hội thành công cao hơn cho người lao động.

Bạn có thể thấy điều này trong làn sóng nổi dậy trên toàn thế giới trước khi có đại dịch COVID-19.

Ví dụ, tại Sudan, một phong trào quần chúng đã thành công trong việc loại bỏ nhà độc tài Omar al-Bashir năm 2019. Phong trào quần chúng sau đó tập trung trên đường phố để yêu cầu chấm dứt sự cai trị của quân đội.

Và khi cuộc đấu tranh ngày càng sâu sắc, những người dân thường bắt đầu đặt câu hỏi về cách thức xã hội được tổ chức. Tại một số quảng trường, người ta thành lập các ủy ban cách mạng, cho thấy một cái nhìn thoáng qua về cách xã hội có thể được điều hành một cách dân chủ từ dưới lên theo mô thức Xô-viết của Lenin.

Các nhóm công nhân có tổ chức đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy ở Sudan. Bước tiếp theo hợp lý có thể là thành lập các hội đồng công nhân, có khả năng phá vỡ quyền lực của chế độ.

Tờ Financial Times nhận xét, cảm giác của người Nga vào năm 1917 khi chế độ sa hoàng bị lật đổ hẳn có một cái gì đó giống với bầu không khí ở thủ đô Khartoum của Sudan vào tháng 4/2019.

Nhưng ở Sudan, giai cấp công nhân đã không giành chính quyền như ở Nga năm 1917. Sự lãnh đạo của phong trào quần chúng ở đây bị chi phối bởi các lực lượng chính trị không sẵn sàng đi theo một con đường cách mạng triệt để.

Họ đã ký một thỏa thuận tồi tệ với chế độ hiện thời và sử dụng nó như một phương tiện để trấn áp các đối thủ chính trị. Không có đảng cách mạng nào ở Sudan có thể đấu tranh chống lại sự thỏa hiệp này và làm sâu sắc thêm cuộc cách mạng.

Những người phản đối Lenin cho rằng đảng cách mạng là một ý tưởng độc đoán hoặc là một dạng của chủ nghĩa tinh hoa. Họ viện dẫn cuốn “Phải làm gì?” – tập sách nhỏ Lenin viết từ năm 1902 về cách tổ chức các đảng xã hội – như một bằng chứng về điều này.

Trong đó, Lenin viết rằng “ý thức chính trị giai cấp chỉ có thể đến với người lao động từ bên ngoài”. Điều này nghe có vẻ như sự thúc đẩy các nhà xã hội chủ nghĩa áp đặt ý tưởng của họ lên tầng lớp lao động. Nhưng đó không phải là điều mà Lenin đã diễn giải.

Nhiều tác phẩm của Lenin được viết trong những hoàn cảnh cách mạng cụ thể. Khi viết cuốn “Phải làm gì?”, Lenin đang chiến đấu chống lại những người được ông gọi là “các nhà kinh tế học”. Những người đó cho rằng giai cấp công nhân, thông qua đấu tranh vì vấn đề cụ thể như tiền lương hoặc điều kiện làm việc, chứ không phải những vấn đề vĩ mô như giành quyền lực chính trị, sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Lenin cho rằng “nền kinh tế đã hạn chế một cách có hệ thống các phong trào công nhân trong việc bảo vệ lợi ích cục bộ của họ”. Đối với Lenin, những người theo chủ nghĩa xã hội cách mạng phải là “đại diện của những người bị áp bức” chứ không phải chỉ là các “thành viên của công đoàn thương mại”.

Ở những đoạn khác trong cuốn “Phải làm gì?”, Lenin viết rằng các nhà xã hội chủ nghĩa phải có khả năng phản ứng với mọi biểu hiện của sự chuyên chế áp bức và tổng quát tất cả những biểu hiện này để cho các công nhân khác có thể nhận thấy bản chất của hệ thống tạo ra sự áp bức và bóc lột.

Đội quân quần chúng

Một đảng cách mạng không phải là nhóm người tách biệt khỏi giai cấp công nhân hay phong trào quần chúng. Đó là một tổ chức được xây dựng từ những “chiến sĩ” thuộc tầng lớp lao động, những người đã liên kết cuộc đấu tranh của riêng mình thành một cuộc chiến lớn hơn nhằm đổi thay toàn bộ hệ thống.

Cách thức chính xác mà một đảng cách mạng được tổ chức phụ thuộc vào hoàn cảnh chính trị. Và Lenin đã linh hoạt về các đặc điểm cụ thể của hoàn cảnh, nhưng cho dù đó là một nền dân chủ nghị viện hay nhà nước toàn trị, thì vẫn cần một đảng cách mạng.

Nó xuất phát từ một thực tế là tư tưởng của người lao động không bao giờ thuần nhất với nhau. Một số người muốn kết liễu chủ nghĩa tư bản, trong khi số khác chấp nhận lệ thuộc và muốn thỏa hiệp với hệ thống tư bản. Một phần lớn ngồi ở đâu đó giữa hai luồng ý tưởng này.

Một đảng cải cách, chẳng hạn như Đảng Lao động Anh quốc, là sự phản chiếu tất cả các mâu thuẫn này và đã mắc kẹt trong những ý tưởng thỏa hiệp. Một đảng cách mạng chân chính phải được dẫn dắt bởi những người có ý chí đấu tranh cao nhất.

Một tổ chức cách mạng hiệu quả sẽ ra đời trong một hoàn cảnh cách mạng cụ thể. Đảng Bolshevik của Lenin được xây dựng trong điều kiện khó khăn trước các phong trào cách mạng 1905 và 1917. Họ đã thử nghiệm các ý tưởng, phạm sai lầm, rút ra bài học và giành được sự tôn trọng trong phong trào của giai cấp công nhân. Họ cũng đã học được nhiều điều từ các cuộc đấu tranh tự giác của người lao động.

Trong các cuộc cách mạng năm 1905 và 1917, công nhân Nga đã tự động thiết lập các Xô-viết (hội đồng công nhân) riêng. Lenin đã nhận ra các Xô-viết chính là những hạt nhân của chính quyền cách mạng. Đến thời điểm tháng 10/1917, ông xác định đó là cơ sở cho một nhà nước mới của giai cấp công nhân mới, và giương cao khẩu hiệu “Tất cả quyền lực về tay các Xô-viết”.

Một lý do khiến Lenin luôn tranh luận về cách mạng là vì ông hiểu vai trò của nhà nước trong xã hội tư bản.

Trong cuốn “Nhà nước và Cách mạng”, Lenin lập luận chống lại ý kiến cho rằng nhà nước là một cơ quan trung lập. “Nhà nước là một cơ quan cai trị giai cấp, một cơ quan đại diện cho sự áp bức của một giai cấp với các giai cấp khác”, ông viết.

“Nhà nước còn tồn tại thì sẽ không có tự do. Khi có tự do, sẽ không còn nhà nước”.

Nhà nước tư bản thực hiện bầu cử, lập ra quốc hội và đưa ra các biện pháp dân chủ hạn chế. Nhưng nhà nước này được điều hành bởi các hệ thống quan liêu theo cách thức nhiều khi là ma quái do sự giật dây của các ông trùm tư bản. Ở hệ thống đó, các quyết định kinh tế lớn được đưa ra dựa trên lợi ích của các tập đoàn, và được bảo vệ bởi lực lượng cảnh sát, quân đội.

Đó là lý do tại sao giao cấp công nhân không thể sử dụng nhà nước hiện có để thay đổi xã hội. Họ phải thành lập các tổ chức dân chủ của riêng mình và nắm quyền lực chính trị cho mình trong một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đã có những thay đổi lớn đối với nhà nước kể từ khi Lenin viết các tác phẩm của mình, nhưng chức năng đàn áp của nó thì vẫn còn.

Cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 ở Nga là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chân chính, nơi những người công nhân nắm quyền lực và tự mình điều hành xã hội trong suốt thời gian diễn ra cách mạng.

Lenin nhận định rằng cuộc cách mạng này phải lan sang các nước tư bản tiên tiến khác, hoặc nó sẽ đứng trước nguy cơ bị diệt vong. Và thực tế đã chứng minh điều đó.

Làn sóng cách mạng ở châu Âu đã không thành công, khiến Cách mạng Nga bị cô lập. Đội quân của 14 đế quốc đã xâm lược nước nga để vực dậy các thế lực muốn tái lập trật tự cũ.

Cuộc nội chiến đã tàn phá giai cấp công nhân – nòng cốt của cuộc cách mạng trước đó – và làm trống rỗng các Xô-viết, phá hoại cơ sở quyền lực của người lao động.

Trong bối cảnh ấy, những người Bolshevik được giao trách nhiệm xây dựng một bộ máy quan liêu rộng lớn và cố gắng hết sức để bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng.

Nhưng Joseph Stalin đã trở thành người đại diện cho sự phá vỡ các thành quả này. Tất cả những chính sách xã hội tiến bộ nhất thế giới thời đó của chính quyền cách mạng như hợp pháp hóa phá thai, ly dị, đồng tính luyến ái đã bị Stalin đảo ngược. Những biểu hiện sinh động về quyền lực chính trị của giai cấp công nhân đã không còn.

Đến năm 1930, bộ máy quan liêu do Stalin lãnh đạo đã phát triển một hệ thống đặc quyền đặc lợi của riêng mình, và sẽ tiếp tục được củng cố ở các thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Trên một số phương diện, nước Nga của Stalin giống với một thể chế tư bản nhà nước trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ tư bản phương Tây.

Đó không phải là một hệ quả tất yếu của những ý tưởng hay tham vọng của Lenin. Ý tưởng của nhà cách mạng lỗi lạc vẫn có thể giúp chúng ta chống lại một hệ thống tư bản tàn bạo ngày nay.

REDSVN.NET

Tags: , , , ,