Vì sao ‘bóng ma’ của Marx vẫn ám ảnh các nhà tư bản sau 200 năm?

Nếu không có Marx, các cuộc biểu tình chống lại sự áp bức tư bản sẽ chủ yếu giới hạn trong các yêu cầu cải cách. Đó chỉ là việc giảm nhẹ các triệu chứng của một căn bệnh nan y mà không nỗ lực chữa trị tận gốc.

Vì sao ‘bóng ma’ của Marx vẫn ám ảnh các nhà tư bản sau 200 năm?

Nguồn: Marxism: A living science 200 years later / Rick Nagin / People’s World / 2018/05/11.

Biên dịch: Đại Việt / Redsvn.net.

Ý tưởng của chủ nghĩa Marx bắt nguồn từ giữa thế kỷ 19. Đó là sau khi hai nhà khoa học xã hội vĩ đại, Karl MarxFriedrich Engels, lần đầu tiên nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản là một sự tiếp nối của các hệ thống giai tầng xã hội trước đó, nơi sự giàu có được tích lũy trong tay tầng lớp cai trị từ lao động không được trả công xứng đáng của người lao động.

Marx và Engels chứng minh rằng điều này tất yếu dẫn đến sự đấu tranh liên tục giữa chủ sở hữu tư liệu sản xuất và người lao động. Trong phần mở đầu của Tuyên ngôn Cộng sản, họ nhấn mạnh những gì đã được nhiều học giả khác thừa nhận, rằng những cuộc đấu tranh này là nội dung lịch sử loài người. Nhưng họ cũng cho thấy cuộc đấu tranh giai cấp là động lực của lịch sử. Họ cho thấy rằng kết quả không thể tránh khỏi sẽ là một sự chuyển tiếp mang tính cách mạng dẫn đến chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là sự kết thúc hoàn toàn của xã hội có giai cấp.

Marx và Engels cho thấy rằng diện mạo của mỗi xã hội được xác định bằng hệ thống sản xuất – kinh tế của nó. Trên cơ sở đó, có thể có sự đa dạng trong các tính năng chính trị, pháp lý, văn hóa, tôn giáo và tư tưởng của cấu trúc thượng tầng xã hội nhằm duy trì cơ sở kinh tế này.

Lấy ví dụ ở Mỹ và Ả Rập Saudi ngày nay, và Nam Phi trong thời kỳ chế độ Apartheid còn tồn tại. Ở Nam Phi, chủ nghĩa tư bản được duy trì thông qua một chế độ bán phát xít thực thi luật pháp phân biệt chủng tộc cực đoan. Ở Ả Rập Saudi, cấu trúc thượng tầng bao gồm các thể chế văn hóa, pháp lý và tôn giáo còn sót lại từ phong kiến. Trong khi đó, nước Mỹ có cấu trúc thượng tầng dân chủ tư sản dựa vào sự phân biệt chủng tộc, uy quyền của nam giới, các hình thức đàn áp khác, hệ thống tư pháp hình sự bị kinh tế hóa và dựa trên thiên kiến chủng tộc, và một bộ máy cảnh sát-quân đội phục vụ cho một hệ thống tư bản hiện đại.

Nhưng bất kể sự khác biệt trong cấu trúc thượng tầng của ba quốc gia này, cả ba xã hội đều có cùng một cơ sở tư bản chủ nghĩa tích lũy tài sản từ việc bóc lột giá trị lao động thặng dư của người lao động. Nhu cầu đó đã định hình nên những nét chủ đạo trong đường lối chính sách của các quốc gia này.

Marx và Engels tiếp tục nhận ra rằng mỗi khi năng suất lao động của con người liên tục tăng lên và được củng cố bởi những giai tầng xã hội mới, nó sẽ dẫn đến những thay đổi mang tính cách mạng dẫn đến sự hình thành một xã hội mới mà cuối cùng chỉ có thể được kết thúc với sự xóa bỏ các giai tầng xã hội.

Ví dụ, hệ thống phong kiến ở châu Âu thời Trung cổ cho phép các lực lượng sản xuất tiến xa hơn những gì đã đạt được trong các hệ thống nô lệ của Hy Lạp và La Mã thời cổ đại, nhưng nó trở thành rào cản cho sự phát triển hơn nữa của các đế chế này. Hàng rào này đã bị phá vỡ bởi các cuộc cách mạng tư bản từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.

Chúng ta có thể thấy điều này vận hành như thế nào ở nước Mỹ ngày nay, nơi lợi ích tư bản tư bản, chẳng hạn như ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và các đồng minh bảo thủ của họ kiềm chế sự phát triển của năng lượng tái tạo, hệ thống giao thông hiện đại và khoa học y tế. Chủ nghĩa Marx bao trùm sự phát triển đầy đủ nhất của khoa học và công nghệ, là chìa khóa vượt qua rào cản chủ nghĩa tư bản để thúc đẩy các lực lượng sản xuất, giảm thiểu lao động dư thừa và cải thiện phúc lợi của người lao động.

Marx và Engels ca ngợi những khám phá khoa học vĩ đại trong thời đại của họ, bao gồm thuyết tiến hóa, nghiên cứu nhiệt động lực học và lý thuyết tế bào trong sinh học như sự giải phóng con người khỏi nhiều thế kỷ chìm trong mê tín và các thế lực siêu nhiên. Họ tìm cách khám phá các định luật và quy trình khách quan cơ bản cho xã hội và lịch sử. Họ cho thấy rằng những định luật và quy trình khách quan này mang tính quyết định hơn là ý chí chủ quan, toan tính và mong muốn của các nhà lãnh đạo chính trị riêng lẻ.

Trong bài phát biểu của mình trước mộ của Marx năm 1883, Engels khẳng định: Cũng như Darwin đã khám phá ra định luật tiến hóa trong giới tự nhiên, Marx đã khám phá ra định luật tiến hóa trong lịch sử nhân loại. Ông đã phơi bày một sự thật đơn giản, rằng loài người trước hết phải ăn, uống, có nơi trú ẩn và quần áo, trước khi nó có thể theo đuổi chính trị, khoa học, tôn giáo, nghệ thuật v..v… Và do đó việc sản xuất các phương tiện sinh tồn đã hình thành nền tảng cho các thể chế nhà nước, các quan niệm pháp lý, nghệ thuật, và thậm chí cả những ý tưởng tôn giáo, thay vì quy trình ngược lại như đã từng được giải thích theo lối duy tâm.

Marx và Engels nhấn mạnh rằng ý tưởng của họ không nên được coi là giáo điều, phải được ghi nhớ hoặc áp dụng máy móc, mà đúng hơn chỉ là những hướng dẫn hành động. Ý tưởng của họ chỉ có thể được xác nhận và sẽ phải được xây dựng thông qua thử nghiệm liên tục, theo quy trình thử nghiệm – báo lỗi – thử nghiệm.

Bạn không thể là một người Marxist nếu chỉ đứng một mình. Bạn chỉ có thể là một người Marxist nếu bạn cũng ở trong trận chiến giải phóng nhân loại. Chỉ đơn giản là chỉ trích chủ nghĩa tư bản và cho thấy đó là gốc rễ của vấn đề này hay vấn đề khác không làm cho ai đó trở thành một người Marxist.

Như Marx đã từng nói, “Các nhà triết học đã giải thích thế giới theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên, vấn đề là phải cải biến thế giới”. Công cuộc giải phóng con người chỉ có thể thắng lợi bằng cuộc đấu tranh của những người lao động. Chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội khoa học chính là sự kết hợp giữa thực tế đấu tranh của người lao động với lý luận về một cuộc cách mạng giải phóng người lao động.

Chủ nghĩa Marx là một lý thuyết mang tính cách mạng. Nếu không có nó, các cuộc biểu tình chống lại sự khai thác và áp bức tư bản sẽ chủ yếu giới hạn trong các yêu cầu cải cách. Đó chỉ là việc giảm nhẹ các triệu chứng của một căn bệnh nan y mà không có những nỗ lực chữa trị tận gốc.

Trong Tuyên ngôn Cộng sản, Marx và Engels giải thích rằng những người cách mạng có vai trò và trách nhiệm hai lần: Họ “đấu tranh cho việc đạt được các mục tiêu trước mắt, để thực thi những lợi ích tạm thời của tầng lớp lao động; nhưng trong phong trào của hiện tại, họ cũng đại diện và gánh vác tương lai của phong trào đó”.

Marx tiết lộ bản chất của khai thác tư bản và những lý do cho cuộc khủng hoảng kinh tế liên tục và không thể tránh khỏi của hệ thống tư bản. Các công trình của ông tập trung vào việc phân tích quy luật hoạt động của hệ thống tư bản.

Cả Marx và Engels đã phân tích cặn kẽ về sức mạnh của người lao động trong các tác phẩm về sự tiến hóa qua nhiều giai đoạn khác nhau của xã hội loài người, với những trường hợp cụ thể như cuộc đấu tranh lịch sử của công nhân, nông dân châu Âu, và cuộc nội chiến Mỹ.

Marx và Engels đã theo sát cuộc nội chiến Mỹ. Trong nhiều bài báo và thư, họ kêu gọi Tổng thống Lincoln bãi bỏ chế độ nô lệ để giải phóng người lao động và coi đây là một điều cần thiết về quân sự để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Hàng ngàn người Cộng sản Đức di cư sang Mỹ. Nhiều người trong đó chạy trốn khỏi tình trạng bạo lực và bất ổn sau khi cuộc cách mạng ở Đức năm 1848 bị đàn áp, và họ trở thành những thành viên tích cực trong phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ và nội chiến Mỹ. Marx và Engels đã liên hệ với những người cảm tình viên của mình trong suốt cuộc chiến ở Mỹ. Nhân vật tiêu biểu là Joseph Wedemeyer. Ông là người đầu tiên xuất bản các tác phẩm của Marx và Engels tại Mỹ, đồng thời chiến đấu như một Trung tá trong Quân đội Liên minh.

Trong tác phẩm “Chủ nghĩa xã hội: Không tưởng và khoa học”, Engels cho thấy sự vô ích của các lý thuyết cải cách tìm cách vượt qua cuộc đấu tranh giai cấp và né tránh đề cập đến sự cần thiết của việc nắm lấy quyền lực chính trị. Những lý thuyết này là không thực tế, nhưng đã truyền cảm hứng cho sự hình thành của hàng trăm cộng đồng xã hội chủ nghĩa không tưởng trên khắp nước Mỹ, mà nhiều người trong đó dựa trên các giáo phái tôn giáo chạy trốn cuộc bức hại ở châu Âu. Những xã hội này cuối cùng đã tan rã hoặc bị hấp thụ bởi hệ thống tư bản bủa vây xung quanh.

Từ thời điểm công bố cho đến ngày nay, các nguyên tắc cách mạng được nêu trong Tuyên ngôn Cộng sản đã phải đối mặt với cuộc tấn công bất tận từ những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản. Thách thức chính là tính hình thức của nhiều loại cải cách được đề xướng bởi một số người nhận mình là xã hội chủ nghĩa. Họ đã nỗ lực tìm cách cung cấp các giải pháp cho sự đàn áp người lao động, bỏ qua việc giải quyết vấn đề giành quyền lực chính trị, chấm dứt quyền sở hữu tư nhân với các phương tiện sản xuất và kiểm soát tài sản của người giàu do người lao động tạo ra.

Trong các tác phẩm “Phê phán Cương lĩnh Gotha”, “Sự khốn cùng của triết học”, và những lá thư cho các nhà tư tưởng tiến bộ khác, Marx và Engels đã tranh luận chống lại các nỗ lực cải cách nhằm phá hoại bản chất cách mạng của chủ nghĩa xã hội khoa học. Với sự giàu có và quyền kiểm soát đối với các phương tiện truyền thông đại chúng và các thể chế tư tưởng khác, các nhà tư bản có quyền lực phi thường để thuyết phục và hối lộ các bộ phận trong giới lao động để họ tiếp tục chấp nhận việc bị khống chế.

Và nếu những biện pháp này thất bại, sự kiểm soát của giới tư bản đối với chính phủ sẽ cho phép họ sử dụng mọi biện pháp cưỡng chế. Họ không ngần ngại triển khai mọi biện pháp chống lại các cuộc đình công, biểu tình và các hình thức phản đối tập thể khác trong suốt lịch sử bất kể mức độ dân chủ chính thức của thể chế. Ví dụ điển hình ở nước Mỹ, như vụ bắt giữ, đàn áp bằng bạo lực và giết người nhằm vào các nhà tổ chức công đoàn và các nhà hoạt động dân quyền, bắn sinh viên tại Đại học Kent và Jackson vào năm 1970, trục xuất hàng loạt người nhập cư La tinh và bắn hạ người Mỹ gốc Phi không vũ trang. Đằng sau mặt tiền của ngay cả những thể chế dân chủ nhất dưới chủ nghĩa tư bản là những gì Marx và Engels gọi là “chế độ độc tài của tư sản”.

Hoặc, như Lenin, một người kế thừa của Marx, sau này đã viết: “Nền dân chủ quan liêu là vô giá trị trong việc giáo dục và huấn luyện người vô sản cho cuộc đấu tranh. Nó luôn luôn hẹp hòi, đạo đức giả, dối trá và sai trái. Nó luôn luôn là nền dân chủ cho những người giàu có và là sự lừa gạt cho người nghèo”.

>> Noam Chomsky: Giấc mơ Mỹ đã chết, CNXH là cho người giàu, và CNTB cho người nghèo
.

Engels viết: “Nhà nước không là gì ngoài một guồng máy cho sự đàn áp giai cấp này của một giai cấp khác, và thực tế này ở các nước cộng hòa dân chủ cũng không hề thua kém hơn chế độ quân chủ“.

Nền dân chủ của một chính phủ tư bản và các giá trị mà nó tuyên bố có thể được thực hiện ở những mức độ nào đó, nhưng chức năng cuối cùng vẫn là duy trì việc khai thác các tầng lớp lao động. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể trở thành thực tế nếu người lao động kiểm soát một nhà nước mang tính cách mạng với các phương tiện cưỡng chế để ngăn chặn sự thâu tóm quyền lực của các tập đoàn tư bản. Đó là bản chất của nhà nước chuyên chính vô sản mà Marx đề cập đến trong “Phê phán Cương lĩnh Gotha”.

Xuất phát từ các nguyên tắc cách mạng và viễn cảnh lần đầu tiên được Marx và Engels đưa ra, các cuộc đấu tranh tiến bộ và các ý tưởng Marxist cho giải phóng nhân loại nói chung của thế kỷ 21 đã trở nên phong phú, tiếp nối nguồn cảm hứng từ sự phát triển của phong trào công nhân, dân chủ, cách mạng và xã hội chủ nghĩa từ thế kỷ 20.

ĐẠI VIỆT / REDSVN.NET

Tags: , , , , , ,