Noam Chomsky: Giấc mơ Mỹ đã chết, CNXH là cho người giàu, và CNTB cho người nghèo

Ở Mỹ, nhà nước đã trở thành công cụ bảm đảo sự an toàn và lợi ích của các nhóm đặc quyền, bỏ phần dân số còn lại trải nghiệm thực tế tàn bạo của chủ nghĩa tư bản. Đó là chủ nghĩa xã hội cho người giàu, chủ nghĩa tư bản cho người nghèo.

Noam Chomsky: Giấc mơ Mỹ đã chết, CNXH là cho người giàu, và CNTB cho người nghèo

Bài phỏng vấn Noam Chomsky, nhà ngôn ngữ học, nhà triết học, nhà khoa học nhận thức, nhà logic học, nhà bình luận và nhà hoạt động chính trị người Mỹ, hiện là giáo sư danh dự hồi hưu ở Viện Công nghệ Massachusetts. Ông thường được xem là một trong những nhà trí thức quan trọng nhất trong nền chính trị Mỹ.

Nguồn: Socialism for the Rich, Capitalism for the Poor: An Interview With Noam Chomsky / C.J. Polychroniou / Global Policy / 2016/12/12.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Nước Mỹ đang nhanh chóng xuống cấp ở vô số mặt trận – cơ sở hạ tầng sụp đổ, khoảng cách giàu nghèo khổng lồ, tiền lương đình trệ, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao, tỉ lệ ngồi tù cao nhất thế giới, và tiếp tục là đất nước tiên tiến duy nhất không có hệ thống chăm sóc sức khỏe chung. Do đó, những vấn đề về bản chất của nền kinh tế Mỹ và hệ thống chính trị suy yếu đang nghiêm trọng hơn bao giờ hết, bao gồm cả những vấn đề về tình trạng của cái được gọi là Giấc mơ Mỹ, niềm cảm hứng cho người Mỹ và những người nhập cư tiềm năng trong một thời gian dài.

Quả vậy, trong bộ phim tài liệu “Lễ cầu siêu cho Giấc mơ Mỹ” (Requiem For The American Dream) hồi năm 2013, Noam Chomsky, người từ lâu đã được xem là một trong những tiếng nói lương tâm của nước Mỹ, một trong những nhà trí thức hàng đầu thế giới, đã nói về sự kết thúc của Giấc mơ Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho Truthout, Chomsky sẽ bàn về một số vấn đề mà nước Mỹ đang đối mặt hôm nay, và có phải giấc mơ Mỹ đã “chết” hay không, nếu nó đã từng tồn tại trên đời này.

– C.J. Polychroniou: Noam, trong một vài tác phẩm của mình, ông đặt vấn đề về quan điểm quen thuộc xem nước Mỹ là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa điển hình. Xin hãy giải thích.

Noam Chomsky: Hãy xem xét điều này: Mỗi lần có khủng hoảng, người trả tiền thuế được kêu gọi để bảo lãnh các ngân hàng, các định chế tài chính quan trọng. Nếu bạn có một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đích thực đã sẵn sàng, điều đó sẽ không diễn ra. Các nhà tư bản đã thực hiện những khoản đầu tư rủi ro và thất bại sẽ bị quét sạch. Nhưng người giàu và có quyền lực không muốn một hệ thống tư bản chủ nghĩa. Họ muốn mình có thể điều hành một nhà nước “vú em” để khi họ gặp rắc rối, người đóng thuế sẽ bảo lãnh cho họ. Cụm từ quen thuộc là “Quá lớn để sụp đổ” (Too big to fail – Lý thuyết khẳng định rằng một số tập đoàn nhất định, đặc biệt là các tổ chức tài chính, rất lớn và liên kết với nhau rằng sự thất bại của họ sẽ là thảm họa đối với hệ thống kinh tế lớn hơn, và do đó họ phải được chính phủ hỗ trợ – Người dịch).

Vài năm trước đây, quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã có một nghiên cứu thú vị về lợi nhuận của các ngân hàng lớn ở Mỹ. Theo đó, hầu hết trong số này có nhiều lợi thế đến từ chính sách bảo hiểm chính phủ bất thành văn, không chỉ là bảo lãnh mà còn là sự tiếp cận tín dụng rẻ và nhiều thứ khác, bao gồm những thứ mà các nhà nghiên cứu IMF không xem xét, ví dụ như động cơ thực hiện các giao dịch rủi ro, do đó có lợi nhuận cao trong ngắn hạn, và nếu có bất kỳ điều gì sai, luôn luôn có những người đóng thuế. Theo ước tính của Bloomberg Businessweek, trợ cấp ngầm cho người đóng thuế lên tới hơn 80 tỉ USD mỗi năm.

– Đã có nhiều điều được viết và nói ra về bất bình đẳng kinh tế. Có phải bất bình đẳng kinh tế trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa đương đại rất khác với những thời kỳ hậu đói nghèo khác trong lịch sử nước Mỹ?

– Sự bất bình đẳng trong thời kỳ đương đại là hầu như chưa có tiền lệ. Nếu bạn nhìn vào toàn thể sự bất bình đẳng, nó nằm giữa những thời kỳ tệ hại hơn trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào sự bất bình đẳng một cách gần gũi hơn, bạn sẽ thấy rằng bất bình đẳng là do của cải nằm trong tay của một khu vực dân số rất nhỏ. Đã có những thời kỳ tương tự diễn ra trong lịch sử nước Mỹ, như Thời kỳ Kim tiền những năm 1920 (Gilded Age – những thập kỷ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi nước Mỹ có sự chuyển hóa về kinh tế, công nghệ, chính trị, xã hội, khoảng cách giàu nghèo tăng vọt – Người dịch) và thời kỳ thành công của những năm 1990. Nhưng thời kỳ hiện tại là sự cùng cực vì bất bình đẳng đến từ giới siêu giàu. Nói theo nghĩa đen thì 1/10 đầu tiên của 1% dân số là giới siêu giàu. Điều đó không chỉ cực kỳ bất công trong tự thân nó, mà còn đại diện cho một sự phát triển đã có những tác động phá hoại dân chủ và tầm nhìn về một xã hội lý tưởng.

– Tất cả những điều này có nghĩa là gì khi nhắc đến Giấc mơ Mỹ? Có phải Giấc mơ Mỹ đã chết?

– “Giấc mơ Mỹ” suy cho cùng là sự di động giai cấp. Bạn sinh ra trong nghèo khó, nhưng bạn có thể thoát khỏi đói nghèo nhờ làm việc chăm chỉ và mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho các con của bạn. Một số công nhân có khả năng tìm được một công việc lương tốt, mua một căn nhà, một chiếc xe hơi, trả tiền học cho một đứa con. Nhưng tất cả đã sụp đổ, và chúng ta không nên có quá nhiều ảo tưởng về ngày Giấc mơ Mỹ một phần nào đó trở thành sự thật. Ngày nay, tính di động xã hội ở Mỹ còn thấp hơn các xã hội giàu có khác.

– Và thế là nước Mỹ chỉ còn là dân chủ trên danh nghĩa?

– Nước Mỹ tuyên bố mình là thể chế dân chủ, nhưng rõ ràng nó đã trở thành một thứ chủ nghĩa tài phiệt nào đó, mặc dù theo những tiêu chuẩn so sánh thì nó vẫn còn là một xã hội tự do và mở.

Hãy làm rõ ý nghĩa dân chủ là gì. Trong một nền dân chủ, công chúng ảnh hưởng đến các chính sách, và chính phủ thực hiện những hành động được quyết định bởi số đông. Trong khi đó, hầu hết các chính phủ ở Mỹ thực hiện những hành động làm lợi cho các nhóm lợi ích tài chính và doanh nghiệp.

Một điều quan trọng cần hiểu là các khu vực kinh tế lớn và đặc quyền trong xã hội không bao giờ ưa thích dân chủ vì những lý do “tốt đẹp”. Dân chủ đặt quyền lực vào tay dân chúng và giảm quyền của các khu vực đó. Trong thực tế, các giai cấp quyền lực và đặc quyền của đất nước này luôn tìm ra những cách thức hạn chế việc quyền lực bị đặt vào tay dân chúng nói chung, và về điểm này họ không có động thái nào để thay đổi.

– Sự tập trung của cải sẽ dẫn tới sự tập trung quyền lực. Tôi nghĩ rằng đây là một sự thật không thể chối cãi. Khi chủ nghĩa tư bản luôn dẫn tới cái kết là sự tập trung của cải, phải chăng nó tương phản hoàn toàn với dân chủ?

– Sự tập trung của cải tự nhiên dẫn tới sự tập trung quyền lực, và sự tập trung quyền lực lại chuyển đổi thành luật pháp ủng hộ các nhóm lợi ích của người giàu và có quyền, do đó ngày càng gia tăng sự tập trung quyền lực và của cải nhiều hơn. Các biện pháp chính trị khác nhau, ví dụ như chính sách tài chính, bãi bỏ quy định, các quy tắc về quản lý doanh nghiệp được thiết kế để gia tăng sự tập trung quyền lực và của cải nhiều hơn. Và đó là những gì chúng ta đã chứng kiến trong thời kỳ tân tự do. Đó là một vòng luẩn quẩn nguy hiểm có sự gia tăng liên tục. Nhà nước có mặt để đem lại sự an toàn và hỗ trợ cho lợi ích của các khu vực quyền lực và đặc quyền trong xã hội, bỏ phần dân số còn lại trải nghiệm thực tế tàn bạo của chủ nghĩa tư bản. Đó là chủ nghĩa xã hội cho người giàu, chủ nghĩa tư bản cho người nghèo.

Vì vậy, theo nghĩa đó thì chủ nghĩa tư bản đã thật sự gây hại cho nền dân chủ. Nhưng điều vừa được mô tả, vòng luẩn quẩn nguy hiểm của sự tập trung quyền lực và của cải, có tính truyền thống đến mức nó cũng đã được Adam Smith nhắc đến từ năm 1776. Trong cuốn Sự giàu có của các quốc gia (Wealth of Nations), Adam Smith nói rằng, ở Anh quốc, những người kiểm soát xã hội – các nhà buôn và nhà sản xuất trong thời của ông ấy, là “những kiến trúc sư chính sách chủ yếu”. Và họ đảm bảo rằng các nhóm lợi ích của họ được quan tâm rất kỹ, tuy nhiên, các chính sách mà họ ủng hộ và thực thi thông qua chính phủ lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân Anh hoặc những nước khác.

Giờ đây, những người kiểm soát xã hội và thiết lập chính sách không phải là các nhà buôn và nhà sản xuất mà là các tập đoàn đa quốc gia và các định chế tài chính. Đó là những tập đoàn từng được Adam Smith gọi là kẻ kiếm soát nhân loại. Và họ đang theo đuổi châm ngôn đáng ghét mà Adam đã viết thành công thức: Tất cả cho chúng ta và không có gì cho bất kỳ ai khác. Họ sẽ theo đuổi các chính sách có lợi cho họ và có hại cho mọi người khác bởi vì các nhóm lợi ích tư bản chủ nghĩa yêu cầu họ làm như thế. Điều đó thuộc về bản chất của hệ thống. Và có khá nhiều thứ mà tất cả mọi người sẽ nhận được trong sự thiếu vắng một phản ứng chung của dân chúng.

– Hãy trở lại với ý tưởng Giấc mơ Mỹ và nói về các nguồn gốc của hệ thống chính trị Mỹ. Ý tôi là, hệ thống chính trị Mỹ chưa bao giờ có ý định trở thành một nền dân chủ (trong thực tế thuật ngữ luôn được dùng để miêu tả kiến trúc của hệ thống chính trị Mỹ là “cộng hòa”, rất khác so với nền dân chủ mà các xã hội La Mã cổ xưa đã hiểu đúng), và đã luôn có sự đấu tranh vì tự do và dân chủ từ bên dưới, sự đấu tranh tiếp diễn tới hôm nay. Trong bối cảnh đó, ít nhất thì Giấc mơ Mỹ không phải là một câu chuyện hoang đường, một phần nào đó?

– Chắc chắn. Ngay trong lịch sử nước Mỹ, đã có những xung đột diễn ra giữa áp lực có thêm tự do và dân chủ đến từ bên dưới và những nỗ lực kiểm soát và thống trị của giới ưu tú từ bên trên. Trở lại thời điểm của sự sáng lập đất nước, như anh đã chỉ ra, “những người cha lập quốc”, kể cả James Madison, nhà kiến trúc chính, người có niềm tin vào dân chủ nhiều như bất kỳ hình tượng chính trị hàng đầu nào khác vào thời đó, cũng cảm nhận rằng hệ thống chính trị Mỹ nên ở trong tay người giàu bởi vì người giàu là “tập hợp những người đàn ông có trách nhiệm hơn”. Và vì vậy, cấu trúc hệ thống hiến pháp chính thức đã trao nhiều quyền hơn vào tay Thượng viện, vốn chưa được xây dựng bằng bầu cử vào thời đó. Thượng viện được chọn từ những người đàn ông giàu có và có sự đồng cảm với những người sở hữu của cải và bất động sản riêng, theo cách nói của Madison.

Anh sẽ thấy rõ điều này khi đọc những tranh luận về Tập quán Hiến pháp. Như Madison đã nói, mối quan tâm chính của trật tự chính trị phải là “bảo vệ thiểu số giàu có trước đa số”. Và ông đã đưa ra các lập luận rắng nếu mỗi người đều được tự do bỏ phiếu, đa số người nghèo sẽ hợp lại và tổ chức để lấy đi của cải của người giàu. Điều đó rõ ràng là không công bằng, vì vậy hệ thống hiến pháp đã được thiết lập để ngăn cản nền dân chủ, Madison bổ sung.

Hãy nhớ lại rằng Aristotle (384-322 TCN, triết gia Hy Lạp được xem là một trong những người cha đẻ của triết học phương Tây – Người dịch) đã từng nói một điều gì đó tương tự trong cuốn Chính trị (Politics) của ông. Trong tất cả những hệ thống chính trị, ông ấy cảm thấy rằng dân chủ là tốt nhất. Nhưng ông cũng đã thấy vấn đề tương tự mà Madison thấy trong một nền dân chủ thật sự. Đó là, người nghèo có thể tổ chức để lấy đi tài sản của người giàu. Tuy nhiên, giải pháp mà ông đề nghị, là một cái gì đó giống như một nhà nước phúc lợi với mục tiêu giảm thiểu bất bình đẳng kinh tế. Một giải pháp khác đã được “những người cha lập quốc” của Mỹ Giờ đây, cái gọi làtheo đuổi, đó là giảm thiểu sự dân chủ.

Cái gọi là Giấc mơ Mỹ luôn có một phần dựa trên huyền thoại và một phần dựa trên thực tế. Từ đầu thế kỷ 19 cho tới nay, và mãi tới gần đây, người dân thuộc giai cấp công nhân, trong đó có những người nhập cư, đã kỳ vọng cuộc sống của họ trong xã hội Mỹ sẽ được cải thiện nhờ làm việc chăm chỉ. Và điều đó đúng một phần, mặc dù nó không áp dụng cho hầu hết người Mỹ gốc Phi và phụ nữ cho tới rất lâu sau này.

Dường như điều đó không còn đúng với hiện tại. Thu nhập trì trệ, tiêu chuẩn sống sụt giảm, mức nợ sinh viên quá mức, và khó tìm những công việc được trả lương tốt đã tạo nên cảm giác tuyệt vọng trong lòng nhiều người Mỹ, những người đang bắt đầu nhìn về quá khứ với nỗi luyến tiếc nhất định. Ở một mức độ nào đó, điều này giải thích cho sự gia tăng của những người ưa thích Donald Trump và sự thu hút của thông điệp chính trị từ ai đó như Bernie Sanders trong giới thanh niên.

– Sau Thế chiến II, và khá lâu cho đến giữa những năm 1970, có một phong trào ở Mỹ hướng đến một xã hội theo chủ nghĩa quân bình hơn và tự do nhiều hơn, bất chấp sự phản kháng và chống đối từ giới ưu tú và nhiều cơ quan chính phủ khác nhau. Có phải điều xảy ra sau đó đã khôi phục tiến bộ kinh tế thời hậu chiến tranh, và tạo ra trong tiến trình đó một trật tự kinh tế xã hội mới đã được xác định là trật tự kinh tế xã hội của chủ nghĩa tân tự do?

– Từ đầu những năm 1970, một phần vì khủng hoảng kinh tế đã xảy ra vào đầu giai đoạn đó và sự sụt giảm tỉ lệ lợi nhuận, nhưng cũng một phần vì quan điểm cho rằng dân chủ đã quá phổ biến, một chiến dịch thâu tóm kinh tế hùng hậu đã được bắt đầu để chống lại những nỗ lực quân bình chủ nghĩa của thời hậu chiến, những nỗ lực chỉ tăng mạnh theo thời gian. Tự thân nền kinh tế đã chuyển sang sự mở rộng tài chính (sự gia tăng quy mô và tầm ảnh hưởng của khu vực tài chính trong tổng thể nền kinh tế – Người dịch). Các định chế tài chính đã mở rộng khủng khiếp.

Năm 2007, ngay trước khi xảy ra sự đổ vỡ mà các định chế tài chính chịu trách nhiệm đáng kể, họ chiếm đến 40% lợi nhuận doanh nghiệp, một con số bất ngờ. Vòng luẩn quẩn nguy hiểm giữa tích tụ tư bản và quyền lực chính trị đã gia tăng, và của cải tập trung ở khu vực tài chính ngày càng gia tăng. Các chính trị gia, đối mặt với chi phí cho các chiến dịch ngày càng tăng, đã phụ thuộc sâu hơn vào túi tiền của những người ủng hộ giàu có. Và các chính trị gia đã tặng thưởng cho những người ủng hộ bằng cách thúc đẩy các chính sách có lợi cho phố Wall và các nhóm lợi ích kinh doanh – quyền lực. Thông qua thời kỳ này, chúng ta có một loại hình đấu tranh tranh giai cấp được làm mới do giai cấp kinh doanh định hướng nhằm chống lại người nghèo và người lao động, cùng với một nỗ lực có ý thức để phục hồi lại lợi nhuận của các thập niên trước.

– Giờ đây Trump là tổng thống, liệu cuộc cách mạng chính trị Bernie Sanders đã kết thúc?

– Điều đó tùy vào quyết định của chúng ta và những người khác. “Cuộc cách mạng chính trị” Bernie Sanders là một hiện tượng đáng chú ý. Chắc chắn là tôi đã ngạc nhiên và hài lòng. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, thuật ngữ “cách mạng” đã bị hiểu nhầm ở một mức nào đó. Sanders là một Nhà Giao dịch Mới (New Dealer) tận tụy và trung thực. Các chính sách của ông sẽ không khiến Eisenhower ngạc nhiên quá nhiều. Trong thực tế, việc ông ấy được xem là “cấp tiến” đã cho chúng ta biết quang phổ chính trị ưu tú đã dịch chuyển sang cánh hữu trong thời kỳ tân tự do xa đến mức nào. Có một số chi nhánh đầy hứa hẹn trong cuộc vận động Sanders, ví dụ như phong trào Thương hiệu Quốc hội mới (Brand New Congress) và một số phong trào khác.

Cũng đã có, và nên có, những nỗ lực phát triển một đảng cánh tả độc lập thật sự, một đảng không chỉ có mặt mỗi bốn năm mà liên tục làm việc ở cấp độ người bình dân lẫn cấp độ bầu cử (mọi thứ từ ban giám hiệu trường, các cuộc họp thành phố, cho đến cơ quan lập pháp nhà nước và cao hơn), và ở tất cả những cách thức khác mà họ có thể theo đuổi. Có nhiều cơ hội và lợi ích cơ bản, đặc biệt khi chúng ta chuyển sự chú ý sang hai cái bóng khổng lồ đang lơ lửng bên trên mọi thứ: Chiến tranh hạt nhân và thảm họa môi trường, cả hai đều là hành động khẩn cấp đáng ngại và phức tạp.

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Tags: , , , , ,