The New Yorker: Karl Marx – ông ấy đã trở lại

Học thuyết của một triết gia thế kỷ 19 có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự bất bình đẳng kinh tế và chính trị trong thời đại hiện nay.

The New Yorker: Karl Marx – ông ấy đã trở lại

Karl Marx, một trong những nhà tư tưởng, kinh tế học tầm cỡ thế giới ở thế kỷ 19 cho rằng quyền sở hữu cá nhân và hình thức bán sức lao động là nguyên nhân chủ yếu hình thành nên các giai cấp, tầng lớp xã hội với mức độ sở hữu tài sản khác nhau. Sự phân bố của cải không đồng đều này đã gây nên mâu thuẫn giai cấp, bất công xã hội sâu sắc. Xóa bỏ quan hệ sản xuất người bóc lột người là cơ sở xây dựng một xã hội công bằng. Tư tưởng của ông đã đặt nền móng cho nhiều cuộc đấu tranh đòi tự do chính trị, tự do dân chủ, công bằng xã hội ở các nước trên thế giới trong vòng 200 năm qua. Đến hôm nay, học thuyết trên có ích gì trong việc giúp chúng ta hiểu rõ và giải quyết những bất ổn kinh tế, chính trị của xã hội hiện đại?

Dưới đây là bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Louis Menand đăng tải trên tờ The New Yorker (Mỹ) số ra ngày 10/10/2016 với tựa đề “Ông ấy đã trở lại”.

Nguồn: He’s Back (bản in); Karl Marx, Yesterday and Today (bản điện tử); Louis Menand; The New Yorker; 10/10/2016.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net. Các tiêu đề phụ do Redsvn.net đặt.

———————————————-

23 trang viết làm thay đổi thế giới

Ngày 24/2/1848, một tài liệu 23 trang được xuất bản tại London. Tài liệu này khẳng định rằng công nghiệp hiện đại đã cách mạng hóa thế giới. Những thành tựu của công nghiệp hiện đại đã vượt lên trên mọi thành tựu của các nền văn minh lớn trong quá khứ, từ kim tự tháp Ai Cập, cống dẫn nước La Mã cho tới các nhà thờ theo phong cách kiến trúc Gothic. Những sáng tạo của nó – đường ray xe lửa, tàu hơi nước, điện tín… là sự giải phóng kỳ diệu cho các lực lượng sản xuất. Dưới cái tên thương mại tự do, công nghiệp hiện đại đã đập tan các biên giới quốc gia, giảm giá các sản phẩm, làm cho hành tinh này trở nên tương thuộc và có tính quốc tế. Ngày nay hàng hóa và ý tưởng có mặt ở khắp mọi nơi.

Một điều quan trọng là công nghiệp hiện đại đã xóa bỏ tất cả những hệ thống phân cấp cũ kỹ và mù mờ. Người ta không còn tin rằng dòng dõi hay tôn giáo quyết định địa vị của họ trong cuộc sống. Mọi người đều giống như những người khác. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ và đàn ông đều có thể thấy được rõ ràng chỗ đứng của mình trong các mối quan hệ với những người khác.

Những hình thức sản xuất, giao tiếp và phân phối mới cũng đã tạo ra một lượng của cải khổng lồ. Nhưng có một vấn đề là sự giàu có không được phân bố đồng đều. Mười phần trăm dân số thế giới nằm trong tay gần như mọi tài sản, 90% còn lại thì không sở hữu cái gì cả. Khi các thành phố và thị trấn được công nghiệp hóa, khi của cải được tập trung hơn, khi người giàu ngày càng giàu hơn, giai cấp trung lưu bắt đầu chìm xuống mức nghèo khó của giai cấp công nhân.

Trong thực tế, chẳng bao lâu nữa thế giới sẽ chỉ còn hai loại người: người sở hữu tài sản và người bán sức lao động cho họ. Khi các hệ tư tưởng xóa nhòa những thứ từng làm cho bất bình đẳng trở thành chuyện tự nhiên và được thực thi, không thể tránh khỏi việc người lao động ở khắp nơi thấy được chủ đích của hệ thống cầm quyền, vậy là họ nổi dậy và cướp chính quyền. Người đã dự đoán những điều này không ai khác chính là Karl Marx, và tài liệu được nhắc tới là “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” (Communist Manifesto).

 >> Tuyên ngôn Đảng Cộng sản
.

Karl Max đã không sai.

Xem xét sự liên quan khá hiển nhiên của ông và chính trị đương đại, điều thú vị là hai cuốn sách quan trọng gần đây về Marx đều nhiệt tình đưa ông trở về thế kỷ của mình. “Marx không thuộc về thời hiện đại của chúng ta” mà là “một hình tượng quá khứ nhiều hơn là nhà tiên tri của hiện tại”, lời khăng định của Jonathan Sperber trong cuốn “Karl Max: Cuộc sống thế kỷ 19” (nhà xuất bản Liveright) ra mắt năm 2013. Và “đưa Marx trở lại với môi trường thế kỷ 19 của ông” là mục tiêu của Gareth Stedman Jones trong cuốn sách mới “Karl Marx: Greatness and Illusion” (Karl Max: Sự vĩ đại và ảo tưởng, nhà xuất bản Harvard).

Sứ mệnh của Jones rất xứng đáng. Lịch sử hóa (historicizing) hay diễn giải lại hiện tại bằng quá khứ là những gì các học giả đang làm. Sperber giảng dạy ở đại học Missouri và Stedman Jones, giảng viên đại học Queen Mary London kiêm đồng giám đốc trung tâm lịch sử và kinh tế đại học Cambridge đều đem lại những hiểu biết xuất sắc trong công việc đưa Marx trở lại cội nguồn của ông là cuộc sống chính trị và trí thức của châu Âu thế kỷ 19.

Marx là một trong những người gây tranh cãi nhiều nhất mọi thời đại, và rất nhiều bài viết của ông là công kích các nhà tư tưởng, giờ đây chỉ còn là những lý giải khó hiểu và phức tạp về những sự kiện đã bị lãng quên phần lớn. Cả Sperber và Stedman Jones đều cho là nếu bạn đọc Marx trong bối cảnh mà một người đàn ông tham gia vào cuộc chiến hủy diệt nhau không hồi kết của triết lý và chính trị thì ý nghĩa của một số đoạn quen thuộc trong các tác phẩm của ông sẽ giảm bớt đi. Sự tham gia của Marx có tính địa phương hơn. Cuối cùng, hình ảnh Marx của hai nhà văn trên về cơ bản không khác lắm so với Marx mà chúng ta đã biết, nhưng có chất Victoria hơn [thời nữ hoàng Victoria trị vì nước Anh từ 1837-1901, tính cách phổ biến của con người thời đại này là “tiết dục, khắt khe, tẻ nhạt và hẹp hòi” – ghi chú của người dịch]. Điều thú vị là cách tiếp cận của hai tác giả trên có điểm giống nhau nhưng không trùng lặp nhau nhiều lắm.

Dù vậy, Marx vẫn là người sáng lập một học thuyết, theo cách gọi của Michel Foucault. Đã có một hệ tư tưởng khổng lồ được đặt theo tên ông. “Tôi không phải là người Marxist”, người ta cho rằng Marx đã nói câu này. Đây là một câu nói phù hợp giúp chúng ta phân biệt những ý định của Marx với cách thức người khác sử dụng tác phẩm của ông. Phần lớn ý nghĩa của những công trình đó nằm trong những lợi ích tương lai (downstream effects) của nó. Marx đã cố gắng kiểm soát những lợi ích này bất chấp thực tế mà Sperber và Stedman Jones chỉ ra là ở một mức độ nào đó, Marx giống như một người xây dựng hệ thống thế kỷ 19 đã tin tưởng là mình biết tất cả mọi chuyện sẽ xảy ra như thế nào và ông viết ra những tác phẩm ẩn chứa sức mạnh trí tuệ vượt thời gian. Cho đến hôm nay, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” vẫn giống một quả bom sắp nổ trong tay bạn.

Không giống như nhiều nhà phê bình tư bản công nghiệp thế kỷ 19 khác, Marx là người cách mạng thật sự. Tất cả tác phẩm của ông được viết ra để phục vụ cuộc cách mạng mà ông đã dự đoán trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” và ông chắc chắn điều đó sẽ đến. Sau khi Marx qua đời, những cuộc cách mạng cộng sản đã xảy ra dưới tên ông, tuy không diễn ra chính xác ở những địa điểm và theo những cách thức mà Marx đã tưởng tượng. Đến giữa thế kỷ 20, hơn một phần ba dân số thế giới sống dưới những chế độ tự gọi mình là Marxist và thật sự tin tưởng đó chính là Marxist.

Điều này thực sự có ý nghĩa vì một trong những nguyên tắc chủ chốt của Marx là lý thuyết phải luôn luôn gắn liền với thực tiễn. Đó cũng là quan điểm của ông trong tác phẩm nổi tiếng Luận cương về Feuerbach: “Cho đến nay các triết gia chỉ lý giải thế giới theo những cách khác nhau, điều quan trọng là thay đổi nó”. Marx không nói rằng triết học không cần thiết mà Marx nói rằng những vấn đề triết học trỗi dậy từ những điều kiện của cuộc sống thực tế và chỉ có thể được giải quyết bằng cách thay đổi các điều kiện sống, tái lập lại thế giới. Những ý tưởng của Marx đã được dùng để xây dựng lại thế giới hay một phần lớn của thế giới. Mặc dù về mặt luật pháp thì không có ai bắt Marx phải chịu trách nhiệm về kết quả, dựa trên nguyên tắc của chính Marx, có thể nói là kết quả cũng nói lên một điều gì đó về chủ nghĩa Marx.

Tóm lại, bạn có thể đưa Marx trở lại thế kỷ 19 nhưng bạn không thể giữ ông ấy ở đó. Marx đã dành nhiều thời gian để công kích các đối thủ, dập tắt những ngọn lửa bè phái, thậm chí ông không thể hoàn thành công trình mà ông xem là tác phẩm lớn của ông, bộ “Tư bản” [trong bộ “Tư bản”, tập 1 là tập duy nhất được xuất bản khi Marx còn sống, còn các tập 2 và 3 thì sau khi ông qua đời mới ra mắt, nhờ công Engels biên soạn lại các ghi chú của Marx – ghi chú của người dịch]. Dù tích cực hay tiêu cực, những điều trên không thể chứng minh rằng tư tưởng của Marx đã lỗi thời. Ông đã thấy rằng những nền kinh tế thị trường tự do hiện đại đã để lại những hệ quả của riêng chúng, sản sinh ra sự bất bình đẳng gộp. Vì vậy Marx đã triển khai một hình thức phân tích mà cuối cùng cũng quay lại với phép biện chứng kinh điển của Socrates: Biến những khái niệm mà chúng ta nghĩ là mình hiểu và đón nhận nó từ bên trong thành một nguồn lực để nắm lấy những điều kiện kinh tế và xã hội trong cuộc sống của chính chúng ta.

Sự vô danh

Ngoài người cộng tác trung thành và trọn đời của ông, Friedrich Engels, hầu như không ai đoán được rằng Marx sẽ có ảnh hưởng lớn như thế nào khi ông qua đời ở tuổi 64, năm 1883. Khi đó, chỉ 11 người có mặt tại đám tang Marx. Trong hầu hết sự nghiệp của mình, Marx là một ngôi sao trong chòm sao tí hon của các nhà cách mạng thất bại và những người cấp tiến bị lưu đày (cùng những người kiểm duyệt, cảnh sát mật theo dõi họ) nhưng hầu như vô danh trong chòm sao đó. Tác phẩm giúp ông nổi tiếng hôm nay không phải là sách bán chạy thời đó. “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” bị lãng quên gần như ngay khi xuất bản, và không được in thêm trong 24 năm tiếp theo. “Tư bản” bị số đông bỏ qua khi tập đầu tiên ra mắt năm 1867. Sau 4 năm, tập này bán được một ngàn bản và mãi đến năm 1886 mới được dịch sang tiếng Anh.

Các tập hai và ba của “Tư bản” được xuất bản sau khi Marx qua đời, do Engels tổng hợp từ hàng trăm trang bản thảo viết ngoáy (chữ viết tay của Marx đặc biệt xấu và Engels là một trong vài người ngoài gia đình Marx có thể đọc được chúng). “Luận cương về Feuerbach” được Marx viết năm 1845, mãi đến năm 1888 mới được biết đến khi Engels cho xuất bản chúng. Tiếp đến là một trong số các văn bản quan trọng nhất với những người Marxist thế kỷ 20, tác phẩm có cấu trúc rời rạc mang tên “Hệ tư tưởng Đức”. Rồi tác phẩm được gọi là “Bản thảo Paris” và cuốn sách được các biên tập viên Xô viết đặt tựa “Grundrisse” không được biết tới cho mãi đến sau năm 1920. “Bản thảo Paris” chưa được hoàn tất là một cuốn sách giáo khoa thần thánh trong thế kỷ 19 mà bản tiếng Anh đã biến mất cho mãi tới năm 1959. Dường như Marx đã cho rằng không có tài liệu nào ở trên có thể được xuất bản.

Trong cuộc sống riêng của Marx, công trình khiến ông được chú ý bên ngoài nhóm của mình là một cuốn dày 35 trang với tên “Nội chiến ở Pháp” xuất bản năm 1871. Trong cuốn này, Marx tuyên bố công xã Paris bị đè bẹp một cách bạo lực và chỉ tồn tại ít ngày là “sự tiên phong vinh quang của một cái mới”, đó là xã hội Cộng sản. Ngày hôm nay, đó không phải là một văn bản được trích dẫn nhiều.

Một trong những lý do cho sự vô danh của Marx là chỉ đến cuối cuộc đời ông thì các phong trào cải thiện đời sống công nhân mới bắt đầu giành được thắng lợi ở châu Âu và Mỹ. Các phong trào này mang tính cải tổ hơn là cách mạng, chúng không phải là phong trào Marxist (mặc dù những năm sau đó Marx đã dự báo về khả năng chuyển tiếp hòa bình sang chủ nghĩa cộng sản). Với sự lớn mạnh của phong trào lao động, người ta háo hức tìm hiểu tư tưởng chủ nghĩa xã hội và vì vậy có hứng thú với Marx.

Như Alan Ryan đã viết trong lời giới thiệu rõ ràng, súc tích đặc trưng của ông về tư tưởng chính trị của Marx: “Karx Max: Cách mạng và không tưởng”, nếu Vladimir Lenin không đến Petrograd và khởi xướng cách mạng Nga năm 1917, có thể hôm nay Marx sẽ được biết đến như “một nhà lý thuyết chính trị, kinh tế, xã hội, triết gia thế kỷ 19 không thật sự quan trọng”. Cách mạng Nga đã khiến thế giới nhìn nhận sự chỉ trích chủ nghĩa tư bản của Marx một cách nghiêm túc. Sau 1917, chủ nghĩa cộng sản không còn là một giấc mơ không tưởng.

Khó khăn tài chính và cuộc sống lưu vong

Trường hợp Marx là một ví dụ về những gì có thể xảy ra khi mọi người chống lại cha mẹ họ và đi theo con đường riêng. Cha của Marx, một luật sư ở Trier, một thành phố nhỏ miền Tây Đức đã cố gắng hướng ông theo ngành luật nhưng Marx lại chọn triết học. Ông đã học đại học Friedrich-Wilhelms-Universität nơi Hegel từng dạy và tham gia vào một nhóm trí thức được gọi là Các nhà Hegel trẻ hay Hegel cánh tả. Hegel thận trọng trong việc chỉ trích nhà nước và tôn giáo Phổ nhưng nhóm Hegel trẻ thì không. Vì vậy ngay khi Marx nhận được bằng tiến sĩ năm 1841, sự áp đàn áp đã chính thức xảy ra. Cố vấn của Marx bị sa thải và Các nhà Hegel trẻ trở thành những học giả bị xã hội ruồng bỏ. Thế là Marx phải làm những gì mà nhiều tiến sĩ thất nghiệp cũng làm: Gia nhập làng báo.

Ngoài một ít nhuận bút từ sách, viết báo là nguồn thu nhập duy nhất của Marx. (Có một câu chuyện là một lần, trong lúc tuyệt vọng, Marx đã nộp hồ sơ làm thư ký đường sắt và bị từ chối vì chữ viết xấu. Tuy nhiên Sperber cho rằng chuyện này không có cơ sở). Trong những năm 1840, Marx biên tập và cộng tác với nhiều báo chính trị ở châu Âu, từ 1852 tới 1862, ông phụ trách một chuyên mục cho tờ báo có lượng phát hành lớn nhất thế giới lúc bấy giờ là New York Daily Tribune.

Khi khi thiếu việc trong nghề báo, Marx đã tồn tại dựa vào hỗ trợ của Engels và lợi tức từ tiền thừa kế của cha (cha Marx qua đời năm 1838 và ông được hưởng thừa kế từ 1848). Đôi lúc Marx tuyệt vọng vì thiếu thức ăn. Có lúc ông không thể rời nhà chỉ vì đã đem cầm cả chiếc áo khoác duy nhất. Người ta cho rằng tác giả “Tư bản” là một kẻ ngốc về mặt tài chính, rằng ông và vợ đã tiêu phí tiền mình có cho những thú vui của giai cấp trung lưu như các lớp học vẽ và nhạc cho trẻ em. Điều đó đã trở chuyện “mỉa mai” phổ biến trong các tiểu sử về Marx. Nhưng Sperber phản biện về quan điểm này. Theo ông, Marx có ít tiền để tiêu phí hơn giả định của các nhà sử học và ông chấp nhận sự nghèo đói như một cái giá cho đường lối chính trị của mình. Ông có thể vui vẻ sống một mình trong một khu ổ chuột, nhưng không muốn gia đình mình phải chịu đựng điều đó. Ba trong số các con của Marx chết khi còn nhỏ và người con thứ tư chết khi mới sinh. Cái nghèo và điều kiện sống dưới mức tiêu chuẩn có thể là nguyên nhân cho thảm kịch này.

Nghề báo của Marx đã khiến ông trở thành kẻ lưu vong thường xuyên. Ông đã viết và xuất bản nhiều bài báo mạo phạm tới nhà cầm quyền. Vì vậy, năm 1843 ông bị trục xuất khỏi Cologne (Đức) nơi ông giúp điều hành tờ Sông Rhein. Sau đó ông tới Paris nơi có một cộng đồng người Đức lớn. Đó cũng là nơi ông và Engels kết bạn. Một cuộc gặp trước đó ở Cologne không suôn sẻ lắm, nhưng rồi một cuộc gặp nữa ở quán Café de la Régence năm 1844 kết thúc bằng 10 ngày trao đổi cùng nhau.

Engels nhỏ hơn Marx hai tuổi và cũng có đường lối chính trị giống Marx. Không lâu sau khi họ gặp nhau, Engels viết cuốn “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” kết thúc bằng một dự đoán về một cuộc cách mạng cộng sản. Cha của Engels là một nhà công nghiệp Đức trong ngành dệt may, chủ sở hữu các xí nghiệp ở Barmen, Bremen và Manchester (Anh). Mặc dù ông không chấp nhận đường lối chính trị của con trai và người bạn đồng hành, ông cũng để cho Engels một chỗ ở xí nghiệp Manchester. Engels ghét công việc đó dù ông giỏi về nó cũng như giỏi hầu hết mọi thứ. Ông đi săn cáo với giới quý tộc mà ông coi thường và chế nhạo khi Marx cố cưỡi một con ngựa. Cuối cùng Engels cũng trở thành đối tác của Marx và thu nhập của Engels đã giúp Marx sống được.

Năm 1845, Marx bị đuổi khỏi nước Pháp. Ông liền tới Brussels (Bỉ). Dù vậy, ba năm sau, những chuyện mà không ai lường trước đã xảy ra: Cách mạng bùng nổ khắp châu Âu, từ Pháp, Ý, Đức tới đế quốc Áo. Marx đã viết “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” ngay khi những cuộc nổi dậy đó đang diễn ra. Khi bạo lực tới Brussels, ông bị nghi ngờ hỗ trợ phe nổi loạn, bị trục xuất khỏi nước Bỉ. Ông quay về Paris. Ở đó những người nổi dậy đã chiếm cung điện Tuileries và đốt cháy ngai vàng nước Pháp.

Vào cuối năm đó, hầu hết các cuộc cách mạng đã bị các lực lượng phong kiến nghiền nát. Nhiều người đã hoặc sẽ trở thành những hình tượng quan trọng trong văn học và nghệ thuật châu Âu – như Wagner, Dostoyevsky, Baudelaire, Turgenev, Berlioz, Delacroix, Liszt, George Sand cũng bị bắt trong cao trào cách mạng. Sự kiện này dẫn tới một cuộc khủng hoảng về đường lối chính trị (Đó là chủ đề của tiểu thuyết “Giáo dục tình cảm” của Flaubert [một trong những tiểu thuyết có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 19 – ghi chú của người dịch]).

Thất bại của những cuộc cách mạng 1848 chính là những gì mà Marx muốn ám chỉ trong câu nói mà ông học từ Engels: “Lần đầu tiên là bi kịch, lần thứ hai là hài kịch”. “Bi kịch” là số phận của cách mạng Pháp dưới thời Napoleon, còn “hài kịch” là việc bầu cháu trai của Napoleon, Louis-Napoleon Bonaparte làm tổng thống Pháp vào tháng 12/1848 (đây là người Marx đánh giá là vô dụng). Sau này Bonaparte cũng tự tuyên bố mình là hoàng đế và cai trị tới năm 1870 khi Pháp bại trận trong chiến tranh với Phổ. Công xã Paris là phụ phẩm của cuộc chiến tranh đó.

Năm 1849, một lần nữa Marx lại bị trục xuất. Ông cùng gia đình chuyển tới London, nơi ông chỉ định ở tạm thời nhưng cuối cùng đã ở đây suốt quãng đời còn lại. Đó là nơi mà ông dành nhiều ngày giam mình trong phòng đọc của bảo tàng Anh, để nghiên cứu và viết “Tư bản”, và là nơi ông được chôn cất tại nghĩa trang Highgate. Bức tượng bán thân bằng đồng mà chúng ta thấy trên mộ ông hôm nay đã được Đảng Cộng sản Anh quốc đặt ở đó vào năm 1956.

Đời tư của Karl Marx

Marx là người thế nào? Những báo cáo chính thức về Marx không nhiều nhưng tất cả đều nhất quán ở chỗ: Ở một số khía cạnh, Marx là một hình ảnh biếm họa về giới học giả Đức (mục tiêu mà ông từng muốn trở thành): Người biết tất cả mọi thứ, bệ vệ với mái tóc chưa tỉa tót và chiếc áo choàng dài cài sai nút. Khi tự miêu tả mình với một trong số các con, Marx cho rằng mình là “một cỗ máy bị buộc tội tàn phá sách và ném chúng dưới một hình thức đã thay đổi vào đống phân của lịch sử”. Ông viết suốt đêm trong làn khói thuốc lá và hàng đống sách, tài liệu bao quanh. “Chúng là nô lệ của tôi”, ông nói, “và chúng phải phục vụ tôi để tôi hài lòng”.

Về mặt nghề nghiệp, Marx khá nghiêm khắc. Ông có khả năng trình bày thuyết phục nhưng bị tật nói nhịu nên chỉ là một nhà hùng biện tồi. Marx biết điều đó và hiếm khi diễn thuyết trước đám đông. Ông tỏ ra tàn nhẫn trong các tác phẩm, là kẻ thù của nhiều bạn bè và đồng minh cũ, và không thể chịu nổi những kẻ ngốc nghếch – một tập con khá lớn trong mối quan hệ của ông… Một người lưu vong Đức nhắc đến ông như “một đại diện các tập quán tri thức và người bảo vệ biên giới tự phong”.

Dù vậy, ông vẫn xứng đáng được tôn trọng. Nhớ lại Marx ở tuổi 28, một đồng nghiệp miêu tả ông là “lãnh tụ bẩm sinh của mọi người”. Ông thật sự giỏi việc điều hành, với cương vị biên tập viên và sau này là người thống lĩnh Hiệp hội Công nhân Quốc tế, còn được biết đến với tên phổ biến hơn là Quốc tế Thứ Nhất. Tóc ông màu đen, đôi mắt ông cũng đen, nước da ông ngăm ngăm. Engels gọi ông là “đồng chí đen từ Trier”. Còn vợ và các con gọi ông là “Moor” [một dân tộc gốc Ả Rập pha trộn với người Berber – Ghi chú của người dịch].

Trong cuộc sống cá nhân, tính tình Marx ôn hòa và tử tế. Khi ông không bị ốm thì ông tỏ ra dễ mến, hòa đồng. (Marx có lá gan kém, từng bị viêm cuống phổi và mưng mủ to bằng nắm đấm. Sperber nghĩ rằng đó là do chứng rối loạn miễn dịch nhưng cũng có thể là do bệnh gan). Marx yêu thích những điều như: Shakespeare, viết truyện cho ba cô con gái, tận hưởng rượu vang đỏ và xì gà rẻ tiền. Vợ và các con gái của Marx yêu quý ông. Một gián điệp chính quyền Phổ ghé thăm Marx tại nhà vào năm 1852 ngạc nhiên khi nhận ra ông là “người lịch thiệp và dịu dàng nhất trong số các quý ông”.

Marx đính hôn với Jenny von Westphalen cũng đến từ Trier khi ông 18 và bà 22. Sperber cho rằng một câu chuyện cổ tích đã được thêu dệt từ cuộc hứa hôn này, nhưng người ta nói Jenny rất xinh đẹp và tận tụy với Marx. Ông đã viết những bài thơ tình say đắm cho bà. Cuộc đính hôn kéo dài 7 năm, trong thời gian ông hoàn thành việc học và họ hiếm khi gặp nhau. Mối quan hệ được duy trì chủ yếu qua thư. (Sperber tin rằng họ đã quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nhà báo Louis Menand của The Newyorker cũng hy vọng như thế!). Trong những lá thư của mình, Jenny gọi Marx là “con lợn rừng nhỏ”.

Một rắc rối có thể đã xảy ra trong gia đình Marx chính là đứa con của người hầu gái Helene Demuth. Helene là món quà cho nhà Marx từ mẹ của Jenny. (Hầu hết phụ nữ ở nước Anh thế kỷ 19 đều cố gắng để có một người hầu như thế, kể cả cô Bates trong cuốn “Emma” của Jane Austen, người sống dựa vào những hàng xóm giàu có của mình). Con của Helene sinh năm 1851, được đặt tên Frederick hay còn gọi là Freddy và được cha mẹ nuôi chăm sóc. Các con gái của Marx đã không gặp Frederick cho đến sau ngày Marx qua đời.

Engels tuyên bố mình là cha Freddy. Điều này không phải là vô lý. Engels không kết hôn và ưa thích những phụ nữ trong giai cấp công nhân. Người tình lâu năm của ông là Mary Burns làm việc ở xí nghiệp Manchester. Dù vậy, 46 năm sau, khi sắp ra đi trên giường bệnh (Engels mất năm 1895 vì ung thư vòm họng) người ta cho là ông đã tiết lộ việc Marx mới chính là cha ruột của Freddy, một thông tin chỉ phổ biến trong giới Cộng sản và tới năm 1962 mới được công khai. Cũng như tác giả của tiểu sử Karl Marx bằng ngôn ngữ tiếng Anh chuẩn mực David McLellan, Sperber và Stedman Jones chấp nhận câu chuyện này. Nhưng một trong những người viết tiểu sử về Engels là Terrell Carver cho rằng nó không có bằng chứng thuyết phục. Demuth vẫn ở với gia đình và sau khi Marx chết mới đến làm việc cho Engels. Và cuộc hôn nhân của nhà Marx vẫn yên ổn.

Một nhà nhân đạo

Sự đồng cảm với Marx đã khiến Sperber và Stedman Jones khẳng định rằng chúng ta cần đọc Marx trong bối cảnh thế kỷ 19 của ông, vì họ hi vọng tách được Marx ra khỏi những diễn giải về tác phẩm của ông được thực hiện sau khi ông qua đời bởi những người như Karl Kautsky – ủng hộ viên tiếng Đức chính của ông, Georgi Plekhanov – ủng hộ viên tiếng Nga chính, và người có ảnh hưởng nhiều nhất -Engels. Chủ yếu nhờ vào những tác giả đó mà mọi người bắt đầu xem chủ nghĩa Marx là “chủ nghĩa xã hội khoa học”, một cụm từ tổng kết về chủ nghĩa cộng sản thế kỷ 20: Ý tưởng cho rằng con người có thể được tái cấu trúc theo một lý thuyết tự mang tính quy luật lịch sử.

Năm 1939, khi triết gia người Anh Isaiah Berlin xuất bản “Karl Marx: Cuộc đời và hoàn cảnh của ông”, một nghiên cứu có nhiều người đọc nhưng không hoàn toàn say mê nó (mà vẫn được in lại), ông miêu tả Marx là “giữa những nhà sáng lập đầy quyền lực của những đức tin mới, những kẻ nổi dậy và nhà cải cách cứng rắn, có thể diễn giải thế giới bằng một nguyên tắc nhiệt tình, rõ ràng, đơn nhất đã tuyên cáo và hủy diệt tất cả những gì mâu thuẫn với nó. Đức tin của ông… cũng thuộc về loại đức tin vô hạn tuyệt đối, loại đức tin đặt dấu chấm hết cho tất cả mọi câu hỏi và hóa giải mọi khó khăn”. Cái nhìn kiểu này đã biến cái tên Marx thành một nhãn hiệu của cuộc Chiến tranh lạnh.

Quả đúng là tư tưởng Marx có tính giáo điều cao. Do đó, có vẻ lầm lạc khi nói rằng triết lý của Marx cống hiến cho tự do con người. Nhưng đúng như vậy. Marx là một nhà tư tưởng khai phóng: Ông muốn một thế giới lý tính và minh bạch mà ở đó con người được giải phóng khỏi sự kiểm soát của các lực lượng bên ngoài.

Đó là cốt lõi trong triết lý Hegel của Marx. Quan điểm Hegel cho rằng lịch sử là sự tiến bộ hướng tới tự do đích thực của nhân loại bằng sự tự làm chủ và tự thấu hiểu, nhìn thế giới không có ảo tưởng – những ảo tưởng mà chính chúng ta tạo ra.

Ví dụ gây tranh cãi về điều này của các nhà Hegel trẻ chính là Thượng Đế trong Thiên Chúa giáo (đây cũng là những gì Feuerbach đã viết). Chúng ta tạo ra Thượng Đế và rồi giả vờ rằng Thượng Đế tạo ra chúng ta. Chúng ta đại diện cho chính khái niệm của mình và biến nó thành một cái gì đó “ở bên ngoài” mà những mệnh lệnh của nó (cũng do chúng ta dựng nên) khiến chúng ta phải đấu tranh để hiểu rõ và tuân thủ. Chúng ta là những người thỉnh cầu sự tưởng tượng của chính mình.

Những khái niệm như Thượng Đế không phải là sai lầm mà vì lịch sử có chất lý tính: Thế giới được chúng ta tạo ra theo cách chúng ta muốn vì một mục đích nào đó. Chúng ta sáng tạo ra Thượng Đế vì Thượng Đế giúp chúng ta giải quyết một số vấn đề nhất định. Nhưng khi một khái niệm bắt đầu cản trở bước tiến của chúng ta tới sự tự làm chủ, nó phải bị phê phán và bỏ lại sau lưng. Nếu không thì chúng ta sẽ trở thành những công cụ của Công cụ chúng ta đã tạo ra, như những kẻ tham gia Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm nay.

Việc vứt bỏ các công cụ mà chúng ta đã hiện thực hóa trở nên khó khăn là vì sự tồn tại của những hệ tư tưởng biện hộ cho chúng, và những gì làm cho sự sáng tạo của con người giống như “cách mọi thứ đang là”. Xóa bỏ các hệ tư tưởng là nhiệm vụ của triết học. Marx là một triết gia. Tựa đề phụ của “Tư bản” là “Phê bình kinh tế chính trị”. Cuốn sách chưa hoàn thành dự định sẽ là sự chỉ trích những khái niệm kinh tế làm cho các quan hệ xã hội trong nền kinh tế thị trường tự do có vẻ tự nhiên và không thể tránh khỏi, tương tự cách mà những khái niệm như xiềng xích lớn của sự tồn tại và quyền lực thần thánh của các vị vua làm cho những quan hệ xã hội của chế độ phong kiến có vẻ tự nhiên và không thể tránh khỏi.

Lý do khiến “Tư bản” giống một công trình kinh tế học hơn triết học là vì nó đầy những bảng biểu, biểu đồ thay vì các tam đoạn luận, là những lý do được nêu ra trong Luận cương về Feuerbach: Mục đích của triết học là hiểu rõ các điều kiện tồn tại của con người để thay đổi chúng. Marx thường nói rằng khi ông đọc Hegel, ông thấy triết học đang chổng ngược đầu, vì vậy ông lật ngược nó lại và đặt đứng trên chân mình. Cuộc sống là hành động chứ không phải tư duy. Chỉ tư duy thôi thì chưa đủ để trở những bậc thầy về lý thuyết.

Marx cho rằng chủ nghĩa tư bản công nghiệp cũng được tạo ra vì một lý do tốt đẹp: Gia tăng sản lượng kinh tế – cái mà “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” ca ngợi. Tuy nhiên, cái giá của nó là một hệ thống mà trong đó có một giai cấp là những người chủ sở hữu tài sản (theo thuật ngữ Marx là tư sản – bourgeoisie) lạm dụng một giai cấp khác là công nhân (hay vô sản – proletariat).

Các nhà tư bản không làm điều này vì họ tham lam hoặc độc ác. Họ làm nó vì sự cạnh tranh đòi hỏi điều đó. Đó là cách hệ thống hoạt động. Chủ nghĩa tư bản công nghiệp là một con quái vật của Frankenstein đã đe dọa chính những người tạo ra nó, một hệ thống mà chúng ta xây dựng vì những mục đích của riêng chúng ta và giờ đây lại đang kiểm soát chúng ta.

Marx là một nhà nhân đạo. Ông tin rằng chúng ta là những con người chuyển hóa thế giới quanh mình để sáng tạo ra những đối tượng vì lợi ích của cả thế giới. Là một giống loài, đó là bản chất của chúng ta. Một hệ thống chuyển hóa hoạt động này thành “sức lao động” được mua và dùng để gia tăng tài sản cho những người khác sẽ là một chướng ngại cho sự nhận thức đầy đủ về loài người của chúng ta. Chủ nghĩa tư bản đã được định sẵn để tự phá hủy, cũng như mọi hệ thống kinh tế trước đó đã tự phá hủy. Cuộc cách mạng giai cấp công nhân sẽ dẫn tới giai đoạn cuối cùng của lịch sử: Chủ nghĩa Cộng sản mà Marx đã viết “là giải pháp cho bài toán khó của lịch sử và tự biết nó là giải pháp này”.

Marx đã vô cùng tận tụy trong việc tìm kiếm bằng chứng thực nghiệm cho lý thuyết của ông. Đó là ý nghĩa của việc đặt triết học đứng trên đôi chân nó. Và đó cũng là lý do vì sao ông dành tất cả thời gian ngồi một mình ở bảo tàng Anh nghiên cứu các báo cáo về các điều kiện xí nghiệp, các dữ liệu về sản xuất công nghiệp và các thống kê về thương mại quốc tế. Đó là một nỗ lực anh hùng cho thấy thực tiễn gắn liền với lý thuyết. Vì vậy chúng ta không cần ngạc nhiên vì sao ông không thể hoàn thành cuốn sách của mình [bộ “Tư bản” – Ghi chú của người dịch].

Marx không nói nhiều về việc cuộc sống sẽ vận hành như thế nào trong một xã hội cộng sản, và điều này trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi các thể chế cố gắng biến chủ nghĩa cộng sản thành thực tế. Marx có lý do để mơ hồ. Ông nghĩ rằng tất cả những khái niệm, giá trị và niềm tin của chúng ta phát sinh từ những điều kiện trong thời đại của chúng ta, nghĩa là khó mà biết được điều gì ở phía bên kia sự thay đổi của lịch sử. Về lý thuyết, sau cách mạng, mọi thứ sẽ “sẵn sàng để đạt được” – giấc mơ lớn nhất mà chủ nghĩa cấp tiến cánh tả từng có cho tới nay.

Nói về những gì một xã hội cộng sản sẽ không có thì Marx rõ ràng hơn. Sẽ không có hệ thống giai cấp, không sở hữu tư nhân, không có quyền lực cá nhân (cái mà Marx cho là được đặt ra để bảo vệ quyền của các chủ sở hữu tài sản muốn níu giữ lấy nó), và không nhà nước (mà Marx gọi là “một ủy ban quản lý các vụ việc phổ biến của toàn bộ giới tư sản”). Nhà nước dưới hình thức đảng phái đã được chứng minh là một khái niệm tư sản mà các thể chế cộng sản thế kỷ 20 cho rằng không thể vươn xa. Chủ nghĩa cộng sản không phải là một tôn giáo mà thật sự nó là vô thần, như cách những người chống Cộng dùng để nói về nó. Nhưng Đảng sẽ hoạt động theo cách Thượng Đế vận hành trong Thiên Chúa giáo, như một quyền lực bên ngoài bí ẩn và không thể ngăn cản, theo ý kiến của Feuerbach.

Tuy nhiên, Marx đã không đưa ra nhiều hướng dẫn về cách một xã hội sẽ hoạt động như thế nào nếu không có tư hữu, các giai cấp hay nhà nước. Một ví dụ hay cho vấn đề này là sự chỉ trích của ông về phân công lao động. Trong chương đầu tiên của “Sự giàu có của các quốc gia” xuất bản năm 1776, Adam Smith đã xác định sự phân công lao động hay chuyên môn hóa là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế. Tình huống ví dụ của Smith là việc sản xuất kim ghim. Thay vì mỗi lần một công nhân làm ra một chiếc kim ghim, một xí nghiệp kim ghim có thể chia nhỏ công việc thành 18 hoạt động riêng biệt từ phác thảo dây đến khi đóng gói và gia tăng sản xuất bằng hàng ngàn công nhân. Đối với chúng ta, đây rõ ràng là một cách thức hiệu quả để tổ chức công việc từ các dây chuyền lắp ráp xe hơi cho đến quy trình “sản xuất tri thức” ở các trường đại học.

Nhưng Marx lại xem sự phân công lao động là một trong những con quỷ của cuộc sống hiện đại. Và Hegel cũng vậy. Điều đó khiến cho các công nhân quay vòng trong máy móc và tước đoạt mọi mối quan hệ với sản phẩm lao động của mình. “Hành động của chính con người trở thành một quyền lực xa lạ đối nghịch với anh ta, biến anh ta thành nô lệ thay vì là người kiểm soát chính mình”, như cách nói của Marx. Marx viết, trong một xã hội cộng sản, “không ai có phạm vi hoạt động độc quyền nhưng mỗi người đều có thể đạt kết quả trong mọi công việc mà anh ta mơ ước”. Chúng ta có thể “đi săn vào buổi sáng, đi câu buổi chiều, chăn gia súc buổi tối, chỉ trích sau bữa tối… mà không bao giờ trở thành thợ săn, người đánh cá, người chăn cừu hay nhà phê bình”.

Đoạn văn được trích dẫn thường xuyên này nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đó là trọng tâm trong tư tưởng của Marx. Loài người có tính hòa nhập và sáng tạo tự nhiên. Một hệ thống đối xử với chúng ta như những cỗ máy là một hệ thống vô nhân đạo. Nhưng vấn đề là xã hội sẽ ra sao nếu không có sự phân công lao động sản xuất ra đủ hàng hóa để sống sót? Sẽ không ai muốn chăn gia súc hoặc dọn kho thóc mà mọi người đều muốn là nhà phê bình. Như Marx thừa nhận, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra sự giàu có với tất cả những con quỷ của nó. Dường như Marx đã mong muốn là, theo một cách nào đó, tất cả tính chất của hình thức sản xuất tư bản chủ nghĩa có thể được ném qua một bên nhưng sự dư dật trong cuộc sống vẫn tồn tại một cách kỳ diệu.

Marx còn đúng hay không?

Năm 1980, triết gia Peter Singer xuất bản một quyển sách ngắn về Marx, trong đó liệt kê một số dự đoán của Marx: Khoảng cách thu nhập giữa công nhân và chủ sở hữu sẽ gia tăng, những nhà sản xuất độc lập sẽ bị cưỡng bức lui xuống hàng ngũ vô sản, lương sẽ duy trì ở các mức tối thiểu, tỉ suất lợi nhuận sẽ giảm, chủ nghĩa tư bản sẽ sụp đổ và sẽ có những cuộc cách mạng ở những nước tiên tiến. Singer cho rằng hầu hết những dự đoán này “rõ ràng là sai lầm” đến nỗi khó mà hiểu được làm cách nào mà ai đó đồng cảm với Marx có thể bảo vệ những quan điểm đó.

“Các nhà kinh tế học hôm nay sẽ làm tốt việc lấy cảm hứng từ ví dụ của ông ấy”, lời Thomas Piketty nói về Marx trong “Tư bản trong thế kỷ 21”, quyển sách bán chạy xuất bản năm 2013. Cuốn sách này dành cho cho các độc giả thế kỷ 21 những điều mà Marx từng hy vọng “Tư bản” có thể làm cho bạn đọc thế kỷ 19. Nó sử dụng các dữ liệu để chứng minh bản chất thật của các quan hệ xã hội và việc này buộc chúng ta nghĩ lại những khái niệm có vẻ tự nhiên và không thể tránh khỏi. Một trong số này là khái niệm thị trường, thường được hình dung là một cơ chế tự tối ưu và can thiệp vào nó là một sai lầm. Nhưng trên thực tế, thị trường lại thường xuyên làm gia tăng sự bất bình đẳng. Một khái niệm khác liên quan chặt chẽ với thị trường là chế độ trong dụng nhân tài (meritocracy), thường được hiểu là một sự bảo đảm cho sự dịch chuyển xã hội [social mobility, còn gọi là di động xã hội hay cơ động xã hội, một khái niệm để chỉ sự dịch chuyển của cá nhân, gia đình và các nhóm xã hội trong các cơ cấu, hệ thống xã hội – Ghi chú của người dịch]. Nhưng Piketty cho rằng khái niệm này phục vụ chủ yếu cho những người chiến thắng về kinh tế, khiến họ cảm thấy mình có đạo đức.

Piketty nói rằng, 30 năm sau năm 1945, tỉ lệ tăng trưởng cao ở các nước tiên tiến đã đi cùng với sự gia tăng thu nhập, điều có ích cho tất cả các giai cấp. Bất bình đẳng nghiêm trọng về sự giàu có đã thuộc về quá khứ (đó là lý do vì sao vào năm 1980, người ta cho là các dự đoán của Marx đều nhầm lẫn, một ý kiến có thể nói là khá hợp lý).

Piketty nói tiếp, hôm nay nhìn lại, 30 năm đó chỉ là một ngoại lệ. Khủng hoảng [khủng hoảng kinh tế do suy thoái ở Mỹ và một số nước năm 1920-1921- Ghi chú của người dịch] và hai cuộc chiến tranh thế giới đã quét sạch những người chủ sở hữu một cách hiệu quả, còn 30 năm sau 1945 đã tái khởi động trật tự kinh tế.

Piketty viết: “Mức độ giàu có cá nhân rất cao đạt được từ những năm 1980 và 1990 tại các quốc gia giàu có ở châu Âu và Nhật Bản phản ánh trực tiếp logic của những người theo Marx”. Marx đã đúng khi cho rằng không có sự bình đẳng một cách tự nhiên trong các nền kinh tế hiện đại. Như cách Piketty đặt vấn đề “Không có một tiến trình ngẫu hứng, tự nhiên nào ngăn chặn các lực lượng bất bình đẳng và bất ổn mãi mãi chiếm ưu thế”.

Xu hướng gia tăng sự bất bình đẳng trong hệ thống chắc chắn đúng trong thế kỷ của Marx. Vào năm 1900, 1% dân số giàu nhất ở Anh và Pháp sở hữu hơn phân nửa tài sản của nước mình, 10% người đầu bảng sở hữu đến 90% của cải. Chúng ta lại đang tiến đến những mức độ đó một lần nữa vào ngày hôm nay. Tại Mỹ, theo thống kê của cục dự trữ liên bang, 10% dân số đầu bảng sở hữu 72% của cải, và 5% người ở cuối bảng chỉ có 2% tổng tài sản quốc gia. Khoảng 10% thu nhập quốc gia thuộc về top 247 ngàn người trưởng thành (một phần ngàn dân số trưởng thành).

Đó không phải là vấn đề chỉ giới hạn ở những nước giàu. Sự giàu có toàn cầu cũng được phân bố không đồng đều với tỉ lệ tương tự hoặc tệ hơn. Piketty không dự đoán một cuộc cách mạng của người lao động toàn thế giới mà chỉ lưu ý rằng mức độ bất bình đẳng này “không thể duy trì được”. Ông có thể thấy trước thời điểm mà phần lớn tài sản trên hành tinh của chúng ta nằm trong tay các tỉ phú.

Và Marx cũng không sai về việc xu hướng mức lương của công nhân sẽ suy giảm khi thu nhập của các chủ tư bản tăng lên. Trong 60 năm đầu của thế kỷ 19 (thời điểm Marx bắt đầu viết “Tư bản”), lương công nhân ở Anh và Pháp quanh quẩn ở các mức gần tối thiểu. Hiện nay khó có thể đánh giá mức độ nghèo đói kinh tế của nền kinh tế công nghiệp thế kỷ 19. Trong một giai đoạn vào năm 1862, tuần làm việc trung bình ở xí nghiệp Manchester là 48 giờ.

Có vẻ như sự sụt giảm lương đã quay trở lại. Sau 1945, lương tăng vì thu nhập quốc dân tăng nhưng thu nhập của những người kiếm được ít tiền nhất lên tới đỉnh cao vào năm 1969 trong khi lương theo giờ tối thiểu ở Mỹ là 1,6 USD, tương đương với 10,49 USD theo thời giá hôm nay (2016), khi lương theo giờ tối thiểu quốc gia là 7,25 USD. Và khi lương của các công việc trong khu vực dịch vụ giảm, số giờ làm trong tuần làm việc lại gia tăng vì chúng ta bắt buộc phải làm nhiều hơn một công việc.

Marx và thế kỷ 21

Liên tưởng tới thời đại chúng ta, thời đại mà Bernie Sanders, Donald Trump, Brexit và bạo lực phổ biến ở châu Âu dường như đều mang gam màu Marxist. Đề nghị giảm bất bình đẳng của Sanders xuất phát từ Piketty: Đánh thuế người giàu và tạo ra cơ hội tiếp cận tri thức cho nhiều người hơn. Còn Trump, khi tỏ ra ưa thích kiểu lãnh đạo tập trung, có thể hài lòng khi biết rằng Marx ủng hộ tự do thương mại theo kiểu “những điều tồi tệ hơn”: Bằng cách đặt mức lương thấp hơn, tự do thương mại sẽ gia tăng sự nghèo đói kinh tế của giai cấp công nhân và dẫn tới cách mạng nhanh chóng hơn. Trong các thuật ngữ được dùng khắp nơi hôm nay, cảnh tả, cánh hữu và trên báo chí: Hệ thống đã bị “lũng đoạn” để trao thưởng cho “nhóm ưu tú” mà Marx gọi là “giai cấp cai trị”.

Lý thuyết của Marx hữu dụng như thế nào trong việc hiểu rõ những thứ bong bóng sôi sục này ở những nền kinh tế tiên tiến? Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn chưa hiểu thật rõ hồ sơ cư dân chính xác của những người bỏ phiếu cho Brexit, những người ủng hộ Trump và Sanders, đó là những người bị thiệt hại vật chất bởi tự do thương mại và nhập cư hay những người chống đối tình trạng hiện nay vì các lý do khác… Tất cả những người ở vế sau có thể là niềm an ủi cho những người có nhiều tiền hơn, những người dễ dàng hiểu được vì sao người chịu thiệt hại kinh tế lại nổi giận nhiều hơn là hiểu được vì sao người chẳng có gì để phàn nàn lại có thể bực bội với toàn bộ bức tranh kinh tế một cách đơn giản như thế.

Trong sự bối rối chính trị, dễ cảm nhận rằng chúng ta đang thấy một điều gì đó chưa từng xuất hiện ở những quốc gia như Anh và Mỹ từ trước năm 1945: Mọi người tranh cãi về những gì mà Marx gọi là bản chất thật của các quan hệ xã hội. Nền chính trị của thế giới làm chúng ta đau lòng. Khi các đường lối chính trị tiếp tục lột trần những hạn chế truyền thống của nó một cách nguy hiểm như chúng ta đã thấy, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn các quan hệ đó là gì.

Có thể các quan hệ đó không hoàn toàn thuộc về kinh tế. Một chủ đề chính trong sách của Stedman Jones là việc Marx và Engels trong nỗi ám ảnh với các giai cấp đã bỏ qua sức mạnh của những hình thức bản sắc khác. Một trong số đó là chủ nghĩa quốc gia. Với Marx và Engels thì phong trào công nhân mang tính quốc tế. Một ví dụ là hôm nay chúng ta thấy giữa những người bỏ phiếu ủng hộ Brexit có một sự trở lại với chủ nghĩa quốc gia, và ở Mỹ là những điều giống với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bản địa.

Cũng theo Stedman Jones, Marx và Engels đã không đánh giá được rằng mục tiêu đứng lên đấu tranh của giai cấp công nhân ở Anh thế kỷ 19 không phải là sở hữu phương tiện sản xuất mà là sự tham gia chính trị, là quyền được bỏ phiếu. Khi điều đó được thỏa mãn, cuộc nổi dậy đã lắng xuống.

Nhưng hiện nay bỏ phiếu không còn là vấn đề được quan tâm. Điều đang xảy ra ở những nền dân chủ giàu có không giống với một cuộc chiến giữa những người có tài sản và người không có gì mà giống với một cuộc chiến giữa những người được hưởng lợi ích xã hội và những người bị bỏ rơi. Không có ai sống trong nghèo đói lại không muốn đổi lấy một cuộc sống tốt hơn, nhưng những gì hầu hết mọi người muốn là cuộc sống hiện tại. Họ sợ mất điều đó hơn là mong ước về một cuộc sống khác, mặc dù họ cũng muốn con cái mình có một cuộc sống mới nếu chúng được lựa chọn.

Những đặc điểm của xã hội hiện đại hay thổi phồng nỗi sợ và đe dọa những niềm hy vọng đó, và sự phân phối của cải không phải là điều quan trọng nhất. Tiền bạc quan trọng với mọi người nhưng địa vị quan trọng hơn. Nói đúng hơn là vì địa vị là một cái gì đó bạn không thể mua được. Địa vị liên quan đến bản sắc cũng nhiều như cách địa vị liên quan tới thu nhập. Thật không may, địa vị cũng là một trò chơi được ăn cả ngã về không. Những cuộc đấu tranh về địa vị thường gây chia rẽ xã hội và chúng có thể giống với chiến tranh giai cấp.

Trong cuốn sách về Marx của mình, Ryan đã có một sự quan sát là có thể chính Marx đã tạo nên “nền dân chủ hiện đại” thông qua “những cố gắng áp đặt bình đẳng chính trị lên bất bình đẳng kinh tế mà nó không có cách nào xoa dịu được”. Đây là một vấn đề tương đối mới bởi vì sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản hiện đại trùng hợp với sự xuất hiện của các nền dân chủ hiện đại, làm cho bất bình đẳng của cải không nhất quán với bình đẳng chính trị. Nhưng vấn đề phân phối các nguồn lực xã hội không đồng đều thì không mới. Một trong những luận điểm thú vị nhất của Piketty là “trong mọi xã hội đã được biết tới qua mọi thời đại, phân nửa dân số ít giàu nhất hầu như không sở hữu cái gì cả”, còn 10% đứng đầu lại sở hữu “hầu hết những gì có ở đó để sở hữu”.

Quan điểm trên có thể không đúng với các xã hội bộ lạc và cũng không đúng với nhà nước dân chủ sớm nhất mà chúng ta đã biết là Athens cổ đại, ít nhất là đúng với các công dân của nó. Nhưng sự bất bình đẳng đã tồn tại trong chúng ta một thời gian dài. Chủ nghĩa tư bản đã không đảo ngược điều này trong thế kỷ 19 và chủ nghĩa tư bản tài chính cũng không đảo ngược nó trong thế kỷ 21. Điều duy nhất có thể đảo ngược sự bất bình đẳng là các hoạt động chính trị nhắm vào sự thay đổi các hệ thống mà đối với nhiều người, đơn giản đó là cách mà mọi thứ phải là (những thể chế, quy định, tập quán xã hội cũ gây nên bất bình đẳng – Ghi chú của người dịch). Chúng ta đã sáng tạo ra các cơ cấu xã hội của chúng ta thì chúng ta có thể thay đổi chúng khi chúng đang chống lại chúng ta. Sẽ không có Thượng Đế nào trừng phạt chúng ta nếu chúng ta làm điều đó.

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Tags: , , , , ,