⠀
Mỹ không có kế hoạch duy trì Ukraina tồn tại như một quốc gia
Việc Nga bị tiêu diệt hoặc suy yếu thành quốc gia hạng ba được phương Tây coi là biện pháp thay đổi triệt để trật tự thế giới. Để đạt mục tiêu này, họ sẵn sàng đánh Nga đến người Ukraina cuối cùng.
Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev nói về những nơi an toàn nhất trên Trái đất và cuộc đối đầu với Phương Tây
– Nikolai Platonovich, chúng ta đang nói chuyện vào đêm trước kỷ niệm 78 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Không có gì bí mật rằng trong thế giới đương đại, đặc biệt là ở Phương Tây, nhiều người muốn nhanh chóng quên đi ngày này, cố tình quên lãng vai trò của đất nước chúng ta trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông đánh giá thế nào về chiến dịch này?
– Một kết quả quan trọng của Chiến tranh thế giới thứ hai là sự hình thành Liên hợp quốc. Liên Xô đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nên tổ chức này và giành được một trong những vị thế hàng đầu trong đó.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Washington và London ảo tưởng rằng họ có cơ hội tạo dựng một thế giới đơn cực. Người Anglo-Saxon không từ bỏ ảo tưởng này ngay cả ngày hôm nay. Ở Phương Tây, việc Nga bị tiêu diệt hoặc suy yếu thành quốc gia hạng ba chịu sự kiểm soát của bên ngoài được họ coi là biện pháp thay đổi triệt để trật tự thế giới.
Tuy nhiên, tham vọng của họ không tính đến sức mạnh của nhà nước chúng ta và ý chí độc lập của nhân dân Nga. Vì thế, để giành quyền thống trị, người Anglo-Saxon tìm cách xuyên tạc kết quả của cuộc chiến, tước bỏ vị thế của một quốc gia chiến thắng có tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, viết lại lịch sử để xóa bỏ ký ức về chiến công oai anh hùng của nhân dân Liên Xô đa dân tộc.
Những nỗ lực bóp méo lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai đã bắt đầu ở Phương Tây ngay cả trước khi chấm dứt những phát súng cuối cùng của cuộc chiến này. Ngay trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột ở Anh, họ đã cho xuất bản một bộ sưu tập các tài liệu có chủ ý cho rằng Liên Xô phải gánh chịu lỗi lầm chủ yếu gây ra chiến tranh ở Châu Âu. Hiện nay, các chuyên gia của họ xuyên tạc các sự kiện mà không chút lương tâm để đánh đồng hệ tư tưởng hiếu chiến của nước Đức phát xít với các tư tưởng cộng sản của Liên Xô nhưng trên thực tế họ chỉ lặp lại y nguyên luận điệu của những kẻ tiền nhiệm.
– Ở đây, việc cố tình lãng quên lịch sử ở phương Tây đi kèm với việc quên lãng bản chất phản nhân loại của chủ nghĩa phát-xít. Ông giải thích thế nào về xu hướng viết lại lịch sử này?
– Nhưng làm sao họ có thể lãng quyên được? Có nhiều chứng cứ không thể chối cãi về cách thức đại diện của giới thượng lưu Anglo-Saxon đồng lõa với chủ nghĩa phát xít, ủng hộ Hitler về mặt tài chính và tổ chức trong khi ngày hôm nay họ đang duy trì bộ mặt “dân chủ”.
Trong chiếc áo đuôi tôm hay bộ đồng phục, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã là cái ác vô điều kiện, bất kể họ mặc quần áo gì. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề địa chính trị đương đại, người Anglo-Saxon sẵn sàng hồi sinh hệ tư tưởng tân quốc xã. Những thí nghiệm như vậy không thể tạo dựng được quyền thống trị mà chỉ có thể đưa thế giới lâm vào thảm họa, do đó chúng ta phải kiên quyết và không khoan nhượng đập tan các thí nghiệm đó.
– Một số chuyên gia ở phương tây cho rằng sự thống trị toàn cầu là cần thiết để Phương Tây duy trì sự thịnh vượng kinh tế của chính mình. Hóa ra, xét về lịch sử, Nga là cản trở tham vọng đó của Phương Tây?
– Theo nghĩa này, thậm chí có thể tán đồng với họ. Nga là khúc xương trong cổ họng của Phương Tây khi họ đang ra sức tạo ra trật tự thế giới của riêng mình. Hơn một trăm năm trước, nhà địa lý người Anh Mackinder đã dựng nên lý thuyết nổi tiếng về trục địa lý của lịch sử và cái gọi là “Heartland” (“Trái tim của lục địa”) trùng với vùng đất thuộc lãnh thổ của nước Nga. Ông ta lập luận rằng giành được quyền kiểm soát Heartland đồng nghĩa với việc giành được quyền thống trị Hòn đảo Thế giới với tên gọi là lục địa Âu-Á (Eurasia). Theo quan điểm của Mackinder, quyền thống trị Heartland tạo cơ sở để kiểm soát không gian Á-Âu và rút cuộc sẽ thống trị toàn thế giới.
Mackinder cũng là người đề xuất ý tưởng cô lập nhà nước của chúng ta bằng cái gọi là “hàng rào vệ sinh” bao gồm các quốc gia nhỏ ở Đông Âu. Ông ta cũng đề xuất ý tưởng tách Ukraina khỏi Nga, cũng như tách Nga khỏi các vùng ngoại vi của đế chế Nga. Đã nhiều năm trôi qua nhưng mục tiêu của họ vẫn không hề thay đổi.
– Hóa ra địa chính trị của Phương Tây ngày nay vẫn phát triển theo tư duy cũ của họ?
– Chiến lược toàn cầu của Phương Tây chống Nga không hề thay đổi trong nhiều thế kỷ. Tôi nhớ đến Mackinder là vì ông ta là một trong những người đầu tiên xây dựng nên lý thuyết này khi tổng kết nhiều cuộc “thập tự chinh” hiếu chiến của cái gọi là nền văn minh Phương Tây chống lại Nga.
Ngay cả việc mở rộng về phía đông của NATO cũng đang được tiến hành theo chính sách của Napoléon, Kaiser Wilhelm và Hitler.
Tất cả các chiến dịch xâm lược lớn chống lại đất nước chúng ta đã được thực hiện để xóa bỏ nước Nga với tư cách là lực lượng địa chính trị chủ yếu trên lục địa Á-Âu.
Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã soạn thảo nhiều kế hoạch nhằm hủy diệt Liên Xô, với ý định ném bom nguyên tử vô nhân đạo vào hàng chục thành phố của Liên Xô và Trung Quốc.
Mỹ chuẩn bị những kế hoạch này là bởi họ không bị trừng phạt vì tội khủng bố hạt nhân chống lại người dân Nhật Bản trong vụ ném bom ở Hiroshima và Nagasaki.
– Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken trong khi phát biểu tại Nhật Bản có nói về nỗi thống khổ của con người do các vụ đánh bom hạt nhân. Sự thật là, ông ta cố tình lờ tịt câu chuyện chính Washington đã thực hiện vụ ném bom này. Theo ông, tại sao Anthony Blinken không lên án khả năng xảy ra xung đột hạt nhân?
– Không có gì đáng ngạc nhiên ở đây cả. Trên thực tế, người Mỹ không biết đến chiến tranh là gì. Trên lục địa của họ, những trận chiến cuối cùng đã kết thúc vào năm 1865. Họ chưa từng trải qua nỗi khủng khiếp của phong tỏa, hủy diệt, nạn đói, trại tập trung, không bị sát hại hàng triệu người. Do đó, giới tinh hoa của họ dễ dàng nói về sự cần thiết phải vũ trang, buộc Nga phải chịu thất bại quân sự và chuẩn bị tiến hành các cuộc chiến mới. Họ vi phạm các thỏa thuận quốc tế và ngang nhiên chuẩn bị tiếp tục tiến hành các vụ thử vũ khí nguyên tử một cách trơ trẽn. Họ quyết định chuyển giao cho Australia công nghệ chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như một phần của một liên minh quân sự AUKUS.
– Nhưng Châu Âu trong cuộc xung đột này, trên thực tế, là tâm điểm của các sự kiện. Có chính trị gia nào ở Châu Âu có thể đánh giá khách quan những gì đang xảy ra và từ chối con đường do Washington đề xuất không?
– Nền chính trị Châu Âu ngày nay đang sa sút sâu sắc nhất về đạo đức và trí tuệ. Một ví dụ sinh động là Hội nghị an ninh Munich, nơi các chính trị gia Phương Tây tụ tập chỉ để đọc cho nhau nghe các hướng dẫn của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Sau khi tạo ra các cơ chế của Liên minh Bắc Đại Tây Dương để đáp ứng nhu cầu của mình, trên thực tế Mỹ đã chiếm đóng Châu Âu. Bị đặt vào thế tuyệt vọng, các quan chức Châu Âu đã biến Cựu Thế giới thành cơ sở kinh tế cho các thí nghiệm của Mỹ, ngoan ngoãn thực hiện các nhiệm vụ quân sự của NATO. Còn bộ chỉ huy NATO chịu sự kiểm soát của Lầu Năm Góc, tương tác trực tiếp với các nhà sản xuất vũ khí mà hoàn toàn phớt lờ các cơ quan quyền lực của các quốc gia khác.
Việc mở rộng NATO cho phép Washington đặt thêm các lãnh thổ ở Đông Âu dưới sự kiểm soát của Mỹ. Chỉ dấu về vấn đề này là trình tự kết nạp các quốc gia mới vào liên minh. Trình tự này quy định thề trung thành với “chủ sở hữu” bằng cách chuyển toàn bộ các tài liệu cần phê chuẩn không cho bất kỳ ai mà là cho chính phủ Mỹ.
– Phương Tây đưa mọi hành động của mình phù hợp với các lý thuyết và lập luận của họ. Do đó, giới tinh hoa Châu Âu rất coi trọng khái niệm “thế giới tuyệt đẹp” của Klaus Schwab là người sáng lập và đứng đầu Diễn đàn Kinh tế Thế giới, liên quan đến việc tạo dựng một cuộc sống thịnh vượng chỉ dành cho một nhóm người nhất định. Liệu có thể lập luận rằng hành động của họ lúc này được quyết định bởi chính khái niệm này?
– Theo lý thuyết của Schwab và những người khác có quan điểm giống như ông, “thế giới tuyệt đẹp” này không dành cho nước Nga và các cư dân Nga. Theo kế hoạch Phương Tây, họ đang ráo riết gây áp lực chính trị, quân sự và kinh tế đối với nước ta.
NATO đã triển khai thêm lực lượng quân sự ở Đông Âu. Khoảng 60.000 lính Mỹ đang đồn trú trong khu vực này. Liên minh đã hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quân sự gần biên giới của chúng ta, tăng quy mô và cường độ huấn luyện hoạt động và chiến đấu của quân đội. Họ cung cấp thiết bị và vũ khí cho Ukraina, mở hàng chục trung tâm huấn luyện binh lính cho quân đội Ukraina.
Trong khi đưa ra những tuyên bố giả dối về tầm quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố, Phương Tây đang tích cực sử dụng các tổ chức khủng bố và cực đoan chống lại Nga, sử dụng các phương pháp mà họ đã sử dụng trong những năm 1990 ở Bắc Kavkaz.
Các cơ quan tình báo Phương Tây đang huấn luyện những kẻ khủng bố và những kẻ phá hoại để phạm tội ác trên lãnh thổ nước ta, với hy vọng gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân Nga và phá hoại nền tảng hiến pháp của nhà nước chúng ta.
Khi phong tỏa tài sản tài chính của Nga, người Anglo-Saxon áp dụng các khuôn mẫu đã được nước Anh thử nghiệm từ những năm 1920, khi London ngang nhiên và trơ tráo chiếm đoạt nguồn dự trữ vàng của Đế quốc Nga.
– Tuy nhiên, bên cạnh việc gây áp lực với chính nước Nga, Phương Tây cũng đang ráo riết sử dụng thông tin và sức ép tâm lý đối với người Nga. Mục tiêu cuối cùng của họ là gì?
– Phương Tây đang cố gắng phá hoại sự đoàn kết nội bộ của đất nước và nhân dâng ta, hủy hoại tinh thần công dân của chúng ta, gieo rắc vào họ những cảm xúc thấp hèn. Toàn bộ các tổ chức ở Mỹ và Châu Âu đang ráo riết xây dựng những lý thuyết giả khoa học điên rồ nhất. Họ cho rẳng phải định dạng lại nhận thức của người Nga, buộc người dân Nga phải ăn năn hối lỗi trước công dân thuộc các quốc gia và tôn giáo khác đã từng phải chịu đựng cái gọi là sự áp bức của đế quốc [Nga].
Một số quỹ của Mỹ đang tích cực giới thiệu với giới thượng lưu ở Washington các bài báo khoa học của họ được viết vội vàng theo lệnh của Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ với tiêu đề “Một quóc gia thất bại: Hướng dẫn chia cắt nước Nga”. Theo các tác giả, họ đặt cược chủ yếu vào việc tạo ra và duy trì sự bất ổn ở các quốc gia láng giềng với Nga, cũng như đặt cược vào cuộc chiến tranh thông tin, bao gồm cả sự hỗ trợ cho “đôi quân thứ năm” và kích động chủ nghĩa ly khai trong lòng nước Nga.
Chỉ tính riêng các tổ chức của George Soros-người đã từng phản bội đồng bào của mình ở Hungary khi đi theo Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đã chi 800 triệu đô la mỗi năm để tạo dựng các video hư cấu, dàn dựng các bức ảnh và tin giả trên mạng xã hội.
Phương Tây đang ra sức phá hủy nền tảng của bản sắc dân tộc và toàn Nga, ráo riết áp đặt những cái mới xa lạ với chúng ta, chẳng hạn như đa dạng giới tính và chủ nghĩa xét lại lịch sử.
– Chúng ta có thể ngăn chặn sự xâm lược văn hóa này không?
– Những kẻ chống Nga đã quen lạm dụng lòng tốt và sự hào phóng của chúng ta. Những kẻ chống Nga được Phương Tây nuôi dưỡng đang biện hộ cho những ý tưởng chống Nga, ra sức tuyên truyền cho chủ nghĩa tự do, bác bỏ các khái niệm về Tổ quốc và tình yêu Tổ quốc, tiếp tay cho hành động phá hoại của kẻ thù. Chúng ta cần phải kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ nền văn hóa và lịch sử của mình vì tương lai của nhà nước. Bộ máy tuyên truyền của Phương Tây sẽ không thể hoạt động được khi vấp phải danh dự, tinh thần khảng khái, sự kiên định vững vàng và đạo đức không thể lay chuyển vốn có của nhân dân ta. Các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống phải được ủng hộ và củng cố bằng mọi cách có thể, đồng thời không quên vạch trần các thuyết giả khoa học bài Nga vốn trở thành cơ sở cho các hành động chống Nga hung hăng.
– Chúng ta nói về một loại áp lực khác. Theo ông, có ý kiến cho rằng Phương Tây rằng tìm cách kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của Nga bằng cách sử dụng các vấn đề khí hậu có đúng không?
– Mỹ và các khách hàng Châu Âu của họ không chút do dự, từ diễn đàn của các tổ chức quốc tế thúc đẩy các ý tưởng tất cả các quốc gia trên hành tinh sử dụng tài nguyên nước của Nga. Họ tung hứng một cách trơ trẽn các dữ liệu cho rằng trữ lượng nước ngọt của Nga không tương xứng với dân số và hoạt động kinh tế của nước ta. Các nhà khoa học và chính trị gia Phương Tây tự đưa ra tuyên bố dứt khoát rằng chỉ có các quốc gia thuộc tập thể Phương Tây mới có quyền định đoạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có trên thế giới, còn tài nguyên thiên nhiên đã bị phân bổ không công bằng cho nước Nga. Với những tuyên bố như vậy, Phương Tây thực sự thừa nhận rằng họ không thể làm được gì nếu không có tài nguyên thiên nhiên của Nga.
– Gần đây, Đức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, từ bỏ năng lượng hạt nhân. Theo ông, Berlin đang dựa vào điều gì?
– Bằng cách cắt giảm công suất phát điện, giới lãnh đạo Đức đang từ bỏ nền kinh tế quốc gia sử dụng nhiều năng lượng. Các nguồn năng lượng tái tạo mà các quan chức Châu Âu dựa vào sẽ không thể thay thế hoàn toàn năng lượng do các nhà máy điện hạt nhân tạo ra. Năng lượng hạt nhân không chỉ là nguồn điện đáng tin cậy mà còn là một trong những phương pháp phát điện thân thiện với môi trường nhất.
Trong 20 năm qua, Châu Âu đã mất 1/4 diện tích rừng do gia tăng khai thác, do 60% năng lượng tái tạo đến từ sinh khối, gần một nửa trong số đó đến từ rừng. Với tốc độ khai thác này, Châu Âu sẽ hoàn toàn không còn rừng.
Chịu gánh nặng của chương trình nghị sự về môi trường, các quan chức Châu Âu hoàn toàn phớt lờ lập luận của các nhà môi trường chuyên nghiệp về lợi ích của việc hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng.
Trong khi đó, độ tin cậy của các nguồn năng lượng thay thế là có điều kiện. Ví dụ, vụ phun trào của núi lửa Shiveluch ở Kamchatka đã vô hiệu hóa các tấm pin mặt trời. Nhưng Shiveluch không phải là Vesuvius hay American Yellowstone-nơi được coi là ngọn núi lửa không hoạt động nguy hiểm nhất thế giới.
Bạn có nhớ Núi lửa Yellowstone không? Một khi núi lửa này phun trào sẽ là thảm họa chưa từng có. Nó có khả năng phun trào lớn hơn hàng ngàn lần so với những gì nhân loại biết đến. Các quan sát cho thấy trong những năm qua, hoạt động của núi lửa tăng lên, magma trào lên bề mặt với tốc độ cao. Số trận động đất bao quanh miệng núi lửa cũng đang tăng lên, lên tới 2 nghìn trận mỗi năm.
Các nghiên cứu được tiến hành cho phép mô phỏng quá trình phun trào và hậu quả kéo theo. Có ý kiến cho rằng tất cả sự sống ở Bắc Mỹ bị hủy hoại là điều không thể tránh khỏi. Hầu hết dân số thế giới sẽ phải chịu đựng hậu quả của hàng loạt các vụ phun trào núi lửa, động đất, sóng thần và mưa axit. Nhưng điều này khiến người dân Mỹ lo lắng chứ không phải các chính trị gia của nước này.
Vấn đề bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng kinh tế trước sức tàn phá của núi lửa đòi hỏi phải nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học về núi lửa. Các nước Phương Tây trong khi đang tăng cường số lượng các biện pháp trừng phạt một cách ám ảnh, không nên tách biệt khỏi Nga mà nên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực khoa học, bao gồm cả khoa học địa chất. Các công trình nghiên cứu và thành tựu vì lợi ích của sự tiến bộ và cứu sống con người nên trở thành tài sản chung của toàn nhân loại.
Đồng thời, tôi muốn các nhà chức trách Mỹ với Yellowstone của họ thường xuyên hơn nhớ lại sự thông thái của dân gian. Một câu ngạn ngữ Anh có nghĩa: “Những người sống trong nhà kính không nên ném đá”. Washington-nơi quyết định số phận của các quốc gia và dân tộc khác, nên nhớ rằng ở Pompeii, người La Mã cổ đại cũng đã từng sống sung túc và không xa lạ với thói ăn chơi trác táng.
Nhân tiện, một số người ở Mỹ cho rằng với khả năng phun trào, Đông Âu và Siberia sẽ là những nơi an toàn nhất. Rõ ràng, đây là câu trả lời cho câu hỏi tại sao giới tinh hoa Anglo-Saxon lại háo hức chiếm hữu Heartland đến như vậy.
– Các thảm họa nhân đạo đang sắp xẩy ra sẽ thúc đẩy các quốc gia hướng tới sự hiểu biết lẫn nhau, chứ không phải xung đột. Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới trong cuộc chiến chống lại virus corona đã chứng minh điều ngược lại. Ông có nghĩ rằng trong trường hợp xảy ra một thảm họa tương tự, bài học chia cắt các quốc gia có sẽ lặp lại không? Hay mọi người vẫn nhìn nhận tình hình khác với chính phủ của họ?
– Đừng quên rằng ở Mỹ, cũng như ở các quốc gia không thân thiện khác, có nhiều công dân có thái độ tích cực đối với Nga.
Những người Mỹ và Châu Âu đáng kính cũng có thể bỏ qua tuyên truyền chống Nga của Washington, đến đất nước chúng ta và trở thành công dân của Liên bang Nga, tuân theo luật pháp Nga và tôn trọng văn hóa của chúng ta.
Nhân đây, ngày càng có nhiều người muốn chọn Nga làm nơi định cư. Hầu hết họ là những người theo đạo Cơ đốc có niềm tin sâu sắc, gần gũi về mặt tinh thần với những giá trị luân lý và đạo đức vốn được bảo vệ ở Nga, nhưng lâu nay vẫn bị chà đạp ở Mỹ.
Để biết thông tin: trong năm qua, số lượng công dân Mỹ được cấp hộ chiếu từ các quốc gia khác đã tăng gấp ba lần. Huyền thoại về “giấc mơ Mỹ” đã không còn nữa. Ngày nay, Mỹ thực sự đang trượt dài vào thời Trung cổ. Nhà cầm quyền Mỹ phớt lờ sự tàn ác của những kẻ cấp tiến, buộc công dân của họ phải cúi đầu trước những nhà hoạt động BLM. Một cuộc săn lùng phù thủy thực sự có thể được gọi là cuộc đàn áp ngày càng mạnh mẽ đối với các đại diện của giới truyền thông. Trong hai năm qua, đã có hơn 300 cuộc tấn công phóng viên tại Mỹ. Hàng chục nhà báo đã bị bắt và bị kết án chỉ vì thực hiện nhiệm vụ nghề nghiệp của họ, đưa tin về những chủ đề mà chính quyền muốn giữ im lặng.
Các quá trình chính trị trong nước ở Mỹ đang trở nên hỗn loạn và không thể kiểm soát được do sự khác biệt không thể hòa giải giữa giới tinh hoa, các tập đoàn và cơ cấu quyền lực.
– Sự hỗn loạn có thể được quan sát thấy không chỉ trong quốc gia này mà còn vượt ra ngoài biên giới của nó. Và tất cả điều này diễn ra trong bối cảnh thiên tai và khủng hoảng kinh tế. Theo ông, tại sao trong những điều kiện này, Mỹ lại cần Ukraina?
– Người Mỹ chỉ cần Ukraina như một đối tượng khai thác tàn nhẫn các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có mà không có dân số truyền thống. Theo đường lối tân quốc xã như vậy, Washington đã biến Ukraina thành một lãnh thổ mà hàng triệu người đang ồ ạt rời đi, tìm kiếm sự bảo vệ ở nước ngoài khỏi các vấn đề kinh tế xã hội và sự áp bức theo tư tưởng phát xít. 30 năm biến động do Washington tổ chức ở Ukraina đã làm giảm một nửa dân số của quốc gia này. Và ngày nay, Nhà Trắng dễ dàng tiếp tục cuộc chiến với Nga cho đến người Ukraina cuối cùng. Đồng thời, việc duy trì Ukraina như một quốc gia không nằm trong kế hoạch của Mỹ.
Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM
Tags: Ukraina, Nghiên cứu quốc tế, Quan hệ Nga - phương Tây, Xung đột Nga - Ukraina, Bá quyền phương Tây, Bá quyền Mỹ, Nga