Máy điều hoà nhiệt độ và bi kịch của những ‘ốc đảo lạnh’ thời hiện đại

Hậu quả lớn nhất của điều hoà nhiệt độ là nó dạy chúng ta coi thường cây xanh. Những ốc đảo lạnh mọc lên mọi nơi, đè lên những lối xây dựng nhà cửa truyền thống kết hợp hài hoà với thiên nhiên.

Có lần đi đường Lê Lai (TP HCM) tôi giật mình vì cảm giác mát lạnh như một dãy nhà mở điều hòa nhưng không thèm đóng cửa.

Tôi tưởng nhà nào “chơi lớn” mở máy lạnh phả ra đường, nhưng hoá ra nó là gió lùa từ cái công viên xanh rợp kia. Cái mát tự nhiên này càng ngày càng bị lãng quên, thu hẹp và thậm chí bị hắt hủi, vì người ta tin người ta có thể sống mà không cần nó.

Hậu quả lớn nhất của điều hoà nhiệt độ là nó dạy chúng ta coi thường cây xanh.

Cảnh học sinh quay lại trường lớp nóng hầm hập sau khi nghỉ vì dịch COVID-19, điều hoà bị tắt hết và phải mở cửa sổ để đảm bảo an toàn, có lẽ chính là lời nhắc nhở rõ ràng nhất cho tham vọng chế ngự thiên nhiên của loài người bị thất bại.

Bây giờ con virus nCoV kia đến đây, nó đòi chúng ta mở cửa tránh nhiễm khuẩn. Nhưng cái thế giới này lâu rồi đâu còn xây bằng cửa sổ và cây cối nữa? Những toà nhà bọc kính bóng lộn, thiết kế cho hơi điều hoà chạy khắp các tầng, bịt hết khí trời, giờ đòi mở cửa sổ thì mở sao đây?

Máy điều hoà nhiệt độ và bi kịch của những ‘ốc đảo lạnh’ thời hiện đại

Tờ The Guardian (Anh) từng có bài viết về lịch sử điều hoà nhiệt độ xâm chiếm trái đất ra sao, và giờ đang huỷ hoại nó thế nào. Khi mới được phát minh, điều hoà đã giúp thị trường bất động sản Mỹ thế kỷ 20 bùng nổ. Vì giờ đây người ta có thể xây và bán nhà ở mọi nơi, bất chấp thời tiết. Dù có là giữa sa mạc, cứ đặt công trình đóng hộp không khí lạnh vào là đảm bảo con người có thể sống dễ chịu.

Con người có thể mất mạng khi rời xa những chiếc máy lạnh trong những đợt nắng nóng là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Mạng lưới điện thuộc Công ty năng lượng Con Edison, với 62 trạm biến áp và hơn 130.000 dặm đường dây điện chạy khắp TP New York (Mỹ) và quận Westchester (bang New York) có thể tải 13.400MW điện mỗi giây, tương đương với 18 triệu mã lực.

Vào một ngày bình thường, TP New York tiêu thụ khoảng 10.000MW điện mỗi giây nhưng trong những đợt nắng nóng, mức tiêu thụ vượt quá con số 13.000MW. Nhu cầu xài điện cao khi thời tiết nắng nóng khắc nghiệt sẽ khiến hệ thống truyền tải này bị hỏng, dẫn đến mất điện.

Vào năm 2006, một sự cố mất điện đã khiến 175.000 người ở quận Queens sống trong cảnh mất điện một tuần lễ liền. Một đợt nắng nóng xảy ra cùng lúc đã khiến 40 người thiệt mạng.

Thế rồi đến giai đoạn phất lên của các nước đang phát triển ở Nam Bán cầu và vùng quanh xích đạo, nhu cầu xây các toà nhà, siêu thị, khu mua sắm càng lớn. Nhưng họ không tin tưởng kiến thức kiến trúc bản địa, mà đi thuê những kiến trúc sư từ phương Tây – vốn ở vùng Bắc bán cầu ôn và hàn đới về, một phần để copy-paste ảo mộng “thịnh vượng” và “giàu có” của trời Tây.

Không giống như thời thuộc địa, những vị kiến trúc sư này xây những toà nhà mà họ không phải ở. Cho nên họ cứ bưng đúng cái thiết kế của thế giới mình, gắn cái điều hoà vào, mặc xác khí hậu địa phương.

Và thế là những ốc đảo lạnh mọc lên mọi nơi, đè lên những lối xây dựng nhà cửa truyền thống kết hợp hài hoà với thiên nhiên xung quanh. Cần tính toán chiều gió, luồng gió, bóng nắng, ủ xanh mát mái nhà làm gì nữa, khi chỉ cần bật điện là ta có thể ướp lạnh mọi ngóc ngách? Dần dần, điều hoà nhiệt độ không đơn thuần là biểu tượng xa xỉ, mà thành một phần tất yếu của cuộc sống.

Nhưng cùng lúc, chúng còn là những cỗ máy đói năng lượng. Để làm lạnh một căn phòng nhỏ, lượng điện nó ngốn được tính còn lớn hơn 4 cái tủ lạnh chạy cùng lúc. Và khi mà biến đổi khí hậu ập đến cùng sóng nhiệt, lượng tiêu thụ điện từ chạy máy điều hoà tăng vọt, các nhà năng lượng mới nhận ra áp lực của một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn dần.

Vậy mới nói, một đám virus đến đây, ngoài những hậu quả về người kinh khủng, chúng nó còn giáng cho chúng ta một cái tát tỉnh ngộ hơn cả mấy chục chiến dịch môi trường cộng lại.

Theo NHUNG / VNEXPRESS

Tags: , ,