⠀
Những điều cần biết về mối liên hệ của ô nhiễm không khí với ung thư
Mỗi người chúng ta hít thở vào phổi khoảng 10 ngàn lít khí vào phổi mỗi ngày. Chính vì vậy, chất lượng không khí ở nơi chúng ta sinh sống, học tập và làm việc có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mỗi người.
Chịu trách nhiệm nội dung: ThS.Trịnh Vạn Ngữ.
Cố vấn khoa học: TS. Nguyễn Hồng Vũ, TS. Nguyễn Ngọc Hoàn.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí trong năm 2012 dẫn đến cái chết của khoảng 7 triệu người trên toàn thế giới.
Nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí là một trong các nguyên nhân gây ung thư. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho thấy trong năm 2010 trên toàn thế giới có khoảng 223.000 ca tử vong vì bệnh ung thư phổi do ô nhiễm không khí gây ra.
Vậy ô nhiễm không khí là gì? Và các nguồn gây ra ô nhiễm không khí từ đâu? Chúng ta cần hiểu nó để tránh không làm nó gia tăng và bảo vệ cho bản thân mình và người khác!
Ô nhiễm không khí là sự phân tán của các loại hạt, các phân tử hay các chất có hại khác vào bầu khí quyển của Trái đất, các thành phần này tùy thuộc vào các nguồn ô nhiễm đang ở khu vực đó, tùy thuộc vào thời gian trong năm và cả thời tiết.
Nguồn ô nhiễm không khí có thể do con người tạo ra, chẳng hạn như khói từ các phương tiện giao thông, từ quá trình sản xuất công nghiệp… Tuy nhiên cũng có một số nguồn gây ô nhiễm là từ tự nhiên như bụi sa mạc do hoạt động của núi lửa, cháy rừng…
Các dạng ô nhiễm và các nguồn gây ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí thường được chia thành ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà.
Ô nhiễm không khí ngoài trời
Là một dạng ô nhiễm không khí chính và cũng là vấn đề môi trường quan trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
Không khí ngoài trời có thể bị ô nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau: khí thải từ giao thông vận tải, từ các nhà máy công nghiệp, từ quá trình sản xuất nông nghiệp và một số nguyên nhân tự nhiên như cháy rừng, bụi sa mạc, núi lửa.
Hầu hết các loại ô nhiễm không khí ngoài trời là hỗn hợp của nhiều chất có hại, bao gồm:
– Các chất dạng hạt (particulate matter (PM): Đây là loại ô nhiễm không khí phổ biến nhất, được hình thành từ việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch (như than đá và dầu mỏ) và bao gồm cả các kim loại độc hại, các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ nguồn tự nhiên (núi lửa, cháy rừng).
PM thường được phân loại theo kích thước của nó :
Bụi PM2.5 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm ( đường kính chỉ bằng 3% sợi tóc).
Bụi PM10 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm
– Các loại khí như oxit lưu huỳnh, oxitnitơ, oxitcacbon, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, benzen, các hydrocarbon thơm đa vòng, và Ozon mặt đất (O3): hình thành do phản ứng của oxy và các thành phần từ khói bụi đô thị.
Ô nhiễm không khí trong nhà
Không chỉ ở bên ngoài mà không khí trong nhà cũng có thể bị ô nhiễm. Các nguồn ô nhiễm không khí bao gồm khói thuốc lá, từ việc đốt than, củi, các hóa chất có trong sơn hoặc các sản phẩm làm sạch, khí máy lạnh và một số từ các loại vật liệu xây dựng như amiăng, formaldehyde vv…
Tình hình ô nhiễm không khí đáng báo động tại Việt Nam
Theo báo cáo quan trắc và phân tích môi trường của cục môi trường, năm 2002 nồng độ bụi trung bình trong không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng lớn hơn chỉ số tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 3 lần, ở các nút giao thông thuộc các đô thị này nồng độ bụi lớn hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 5 lần, ở các khu đô thị mới đang diễn ra quá trình thi công xây dựng nhà cửa, đường sá và hạ tầng kỹ thuật thì nồng độ bụi thường vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 – 20 lần.
Theo bản đồ tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu 2001 – 2006 của NASA chỉ số PM2.5 của miền Bắc Việt Nam đang ở mức 20 – 25, cao gấp 2-2.5 lần so với mức an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa ra (10 µg/m3).
Theo số liệu này những khu vực có chỉ số PM2.5 cao nhất chính là Bắc Phi và Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí ở mức độ đáng báo động. Nhiều khu vực ở phía Đông và Đông Bắc Trung Quốc, chỉ số PM2.5 lên đến 80, cao hơn cả sa mạc Sahara.
Tại hội thảo “Ô nhiễm không khí- mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng” diễn ra vào ngày 17/1/2017, Tổ chức Phi chính phủ GreenID công bố: lượng bụi PM2.5 trung bình năm 2016 ở TP Hồ Chí Minh là 28,23 µg/m3 cao gần gấp 3 lần số với mức cho phép của WHO, trong khi tại Hà Nội chỉ số này lên tới 50,5 µg/m3 cao gấp đôi so với ngưỡng quy chuẩn của quốc gia và cao gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình của WHO.
Các số liệu này cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí ở hai thành phố lớn nước ta đang gia tăng ở mức báo động.
Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ và nguy cơ gây ung thư
Năm 2013 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) đã chính thức kết luận rằng ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong các nguyên nhân gây ung thư cho con người. Sự ô nhiễm không khí do các loại hạt (PM) tỷ lệ thuận với tỷ lệ mắc bệnh ung thư đang gia tăng, đặc biệt là ung thư phổi.
Tại sao ô nhiễm dạng hạt hay bụi lại nguy hiểm?
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những hạt có đường kính bé hơn 10 µm (PM10) là những hạt có thể bị con người hít vào khi thở và chúng sẽ tích tụ trên phổi. Trong khi đó những hạt có đường kính bé hơn 2.5 µm (PM2.5) là những hạt đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng xâm nhập trực tiếp vào các túi phổi, một số hạt còn có khả năng xâm nhập vào hệ tuần hoàn.
Theo số liệu cập nhật năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới WHO, trong năm 2012:
ô nhiễm không khí ngoài trời có liên quan đến:
– 72% các ca tử vong sớm do bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ
– 14% các ca tử vong là do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm đường hô hấp cấp,
– và đặc biệt có 14% các ca tử vong là do ung thư phổi gây ra.
Trong một nghiên cứu khác của đại học Birmingham và đại học Hong Kong từ năm 1998 đến 2011 cho thấy cho thấy cứ tăng mỗi 10 microgam trên mét khối (μg /m3) phơi nhiễm với PM2.5, nguy cơ tử vong do ung thư tăng 22%, trong đó:
-42% nguy cơ tử vong do ung thư ở đường tiêu hóa
-35% nguy cơ tử vong do ung thư gan, ống mật, túi mật và ung thư tuyến tụy
-80% nguy cơ tử vong do ung thư vú (ở phụ nữ)
-36% nguy cơ tử vong vì ung thư phổi (ở nam giới)
Ô nhiễm không khí trong nhà cũng có ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe:
Trong năm 2012 có 4.3 triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà và chủ yếu là do khói thuốc lá và sử dụng nhiên liệu để nấu ăn.Trong số các ca tử vong:
– 12% là do viêm phổi
– 34% đột quỵ
– 26% bệnh tim thiếu máu cục bộ
– 22% bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), và
– 6% là do ung thư phổi.
Trong đó khoảng 17% các trường hợp tử vong sớm do ung thư phổi ở người lớn là do tiếp xúc với nguồn ô nhiễm không khí từ việc sử dụng các loại nhiên liệu rắn như gỗ, than củi hoặc than. Nguy cơ đối với phụ nữ là cao hơn vì đa số họ là người sử dụng các nguồn nhiên liệu này.
Làm thế nào để giảm nguy cơ tiếp xúc với không khí ô nhiễm?
Ô nhiễm không khí trong nhà có thể được giảm đi bằng cách đảm bảo rằng tòa nhà được thông gió và làm sạch thường xuyên để ngăn chặn sự tích tụ các chất độc hại từ việc đun nấu, hóa chất và nấm mốc, và đặc biệt là bỏ thuốc lá để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình cũng như xã hội.
Về ô nhiễm không khí ngoài trời, tránh tiếp xúc với nguồn ô nhiễm bằng cách sử dụng các phương tiện bảo hộ, đồng thời có kế hoạch lâu dài để tăng diện tích phủ xanh thực vật, đặc biệt là giữ được rừng. Ngoài ra, những đơn vị có thẩm quyền phải có biện pháp để quản lý tốt các phương tiện giao thông, giảm khí thải từ các hoạt động sản xuất, nhà máy.
Mỗi người chúng ta hình thành nên xã hội. Hãy chung tay bảo vệ bầu không khí trong lành cho chúng ta và cả thế hệ mai sau.
Theo RUY BĂNG TÍM
Tags: Ô nhiễm môi trường, Sức khỏe, Ung thư