Vài nét về những thành phố sinh thái kiểu mẫu của thế giới

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các thành phố xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường Trái đất, mà còn mang lại cuộc sống tốt đẹp cho cư dân sống tại đây.

Vancouver, Canađa

Nằm ở bờ biển Thái Bình Dương của tỉnh British Columbia, Vancouver là thành phố lớn thứ ba và cũng là hải cảng quan trọng nhất của Canađa. Đây cũng là thành phố lý tưởng nhất để sống trên thế giới theo đánh giá của Tạp chí Econmomist (Anh) dựa trên các tiêu chí như cơ sở hạ tầng, hàng hóa, dịch vụ, mức độ an toàn…

Điểm danh những thành phố sinh thái kiểu mẫu của thế giới

So với các thành phố khác có cùng quy mô, Vancouver được đánh giá cao trong việc kiểm soát lượng khí thải CO2 và duy trì chất lượng không khí, một phần nhờ sự quan tâm của thành phố trong việc thúc đẩy năng lượng xanh và ưu tiên phát triển thủy điện. Vancouver cam kết giảm lượng phát thải 33% vào năm 2020.

Trong khi các thành phố khác đang tiếp tục mở rộng các con đường và gia tăng lượng xe cộ, Vancouver vẫn kiên trì theo đuổi cuộc sống đô thị bền vững. Trong đó, phải kể đến sự thay đổi trên đảo Granville, một bán đảo thân thiện dành cho người đi bộ, nơi có các chợ cộng đồng và các hoạt động nghệ thuật lớn.

Nhiều khu phố khác ở Vancouver cũng rất thân thiện với môi trường, với nhiều tuyến đường xe đạp như Đại lộ số 10 phía Tây. Để bảo vệ môi trường, người dân thường xuyên sử dụng xe đạp, xe máy điện và xe đạp một bánh.

Curitiba, Brazil

Việc quy hoạch đô thị thành công trong điều kiện nền kinh tế chưa phát triển ở Curitiba là bài học điển hình cho nhiều thành phố trên thế giới. Để bảo vệ môi trường, thành phố 3 triệu dân ở miền Nam Braxzil đã sử dụng hệ thống xe buýt tốc hành hiệu quả lần đầu tiên trong những năm 1960.

Với tinh thần sáng tạo, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước dân chúng, những người lãnh đạo tại Curitiba đã giải quyết từng vấn nạn của đô thị, từ ngập lụt, rác thải, nhà ở xã hội tới bảo tồn di sản. Đây cũng là thành phố duy nhất của Nam Mỹ đạt mức trên trung bình về chỉ tiêu sinh thái trong bảng xếp hạng.

Copenhagen, Đan Mạch

Nhiều năm qua, Copenhagen luôn được xếp loại là thành phố xanh bậc nhất châu Âu. Chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều chính sách và kế hoạch bảo vệ môi trường nhằm thực hiện mục tiêu trở thành thành phố carbon trung tính trước năm 2025. Đặc biệt, dự án công nghệ sạch đã thu hút sự tham gia của hơn 500 công ty. Ngoài ra, người dân Copenhagen rất quan tâm tới vấn đề môi trường.

Hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố được thiết kế phù hợp cho người dân đi bộ hoặc sử dụng xe đạp (hơn 50% người dân thường xuyên sử dụng xe đạp để đi lại). Các phương tiện giao thông công cộng cũng chỉ cách người dân trong bán kính khoảng 350m. Nhờ những biện pháp đó, Copenhagen có lượng khí thải CO2 thấp hơn rất nhiều so với quy mô.

Ngoài các con đường được thiết kế phong phú dành cho hoạt động đi bộ và chạy xe đạp, người dân Copenhagen có ý thức cao trong việc tái chế rác thải và thói quen ủ phân hữu cơ, cũng như tiết kiệm điện, nhiệt.

San Francisco, Mỹ

San Francisco được xếp loại là thành phố xanh nhất của Bắc Mỹ, với lịch sử lâu dài trong việc gìn giữ môi trường trước khi thành lập các nhóm môi trường chuyên nghiệp (Câu lạc bộ Sierra) vào thế kỷ 19. San Francisco có tỷ lệ tái chế rác thải vào bậc nhất thế giới, lên tới 77%, thông qua việc phân loại bắt buộc vật liệu tái chế và phân ủ từ thùng rác thông thường.

Người dân thành phố rất quan tâm tới nguồn gốc và chất lượng thực phẩm, vì vậy họ ưu tiên sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương. Nhiều khu chợ được mở ra để phục vụ cho nhu cầu sử dụng nông sản địa phương, đặc biệt là các thực phẩm theo mùa.

Cape Town, Nam Phi

Cape Town là thành phố lớn thứ hai của Nam Phi triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường như thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và ưu tiên sử dụng các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo. Bắt đầu từ năm 2008, Cape Town đã sử dụng năng lượng từ trang trại gió thương mại đầu tiên, nhằm đạt được 10% năng lượng tái tạo vào năm 2020.

Những nỗ lực này đã tạo sự biến chuyển lớn trong thành phố, nhiều tuyến đường xe đạp được xây dựng, thị trường nông nghiệp phát triển, các thực phẩm, nguyên liệu chủ yếu được sản xuất tại địa phương.

Người dân địa phương có ý thức “hướng tới tự nhiên” và thường xuyên sử dụng xe đạp để đi lại. Mặc dù, các trung tâm thành phố không có nhiều tuyến đường dành riêng cho xe đạp chuyên dụng, loại phương tiện này vẫn được người dân ưu tiên sử dụng để di chuyển trong thành phố thay cho ôtô.

Nhà của nhiều người dân có hệ thống năng lượng mặt trời riêng và vườn rau xanh. Đặc biệt, thành phố đã thành lập Ủy ban Môi trường để đưa ra các hướng dẫn, cung cấp các sáng kiến trồng cây, phục hồi và bảo vệ, gìn giữ các không gian xanh.

Theo TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG / BBC

Tags: ,