Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường có mối quan hệ như thế nào?

Khái niệm “Phát triển bền vững” xuất hiện trong phong trào bảo vệ môi trường từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20. Năm 1987, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” của Hội đồng thế giới về môi trường và phát triển (WCED) – Liên Hợp Quốc, “Phát triển bền vững” được định nghĩa “là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”.

Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường có mối quan hệ như thế nào?

Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định “Phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển. Bao gồm:

– Phát triển kinh tế (quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế),
– Phát triển xã hội (quan trọng nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm)
– Bảo vệ môi trường (quan trọng nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

Trong đó, tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; Thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; Khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống. Như vậy, bảo vệ môi trường là một trong ba yếu tố cấu thành của phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra đối với mọi quốc gia là không thể xem nhẹ, hoặc coi trọng bảo vệ môi trường, hay phát triển kinh tế, phát triển xã hội, mà trọng quá trình hoạch định chính sách, đặt ra các quy định pháp luật, các quốc gia đều phải bảo đảm hài hòa việc phát triển bền vững cả ba yếu tố này. Đây là bài toán khó không chỉ đối với các nước kém phát triển mà cả đối với các nước phát triển và đang phát triển.

Ở Việt Nam, quan điểm phát triển bền vững đã được khẳng định trong đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam (như Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước) và các văn bản pháp luật của Nhà nước (Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) ban hành kèm theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt bởi Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 2/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ). Khái niệm phát triển bền vững đã được quy định tại khoản 4, Điều 3, Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Theo đó, phát triển bền vững được hiểu “là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.

Như vậy, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cần giải quyết hàng loạt các vấn đề thuộc ba lĩnh vực là kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ nhất, bền vững kinh tế. Mỗi nền kinh tế được coi là bền vững cần đạt được những yêu cầu sau:

– Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế.
– Trường hợp có tăng trưởng GDP cao nhưng mức GDP bình quân đầu người thấp thì vẫn coi là chưa đạt yêu cầu phát triển bền vững.
– Cơ cấu GDP cũng là vấn đề cần xem xét. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững.
– Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Thứ hai, bền vững về xã hội. Tính bền vững về phát triển xã hội ở mỗi quốc gia được đánh giá bằng các tiêu chí, như hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không cao quá và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.

Thứ ba, bền vững về môi trường. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới… đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện tự nhiên. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.

Theo TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG

Tags: ,