5 bài học địa chính trị đắt giá từ đầu thập niên 1990 đến nay

Bức tranh thế giới hiện đại đầy rẫy sự xung đột. Nền kinh tế châu Âu tiếp tục u ám, thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân Nga – Mỹ đình trệ, chủ nghĩa cực đoan gia tăng tại nhiều khu vực, các thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu đạt được quá chậm chạp so với hậu quả của nó… Thực tiễn này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách rút ra bài học để đối phó với những bất ổn đó.

Năm bài học về đối ngoại dưới đây, được rút ra dựa trên những chính sách mà các cường quốc đã triển khai, có thể giúp giải quyết những xung đột của hiện tại và tương lai.

1. Cạnh tranh giữa các cường quốc chưa chấm dứt

Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, rất nhiều người tin rằng cuộc đối đầu giữa các quyền lực chính trị kiểu cũ cũng đã đến hồi kết. Phát biểu khi chạy đua vào Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng nói rằng “kỷ nguyên mới không có chỗ cho những tính toán thuần túy về sức mạnh chính trị”, thay vào đó, thế giới hướng tới sự hợp nhất của các thị trường tự do, chia sẻ các giá trị dân chủ và Internet, con người sẽ tập trung vào việc làm giàu và sống sung túc.

Nhưng những gì xảy ra trong hai thập kỷ qua cho thấy rằng cuộc cạnh tranh này chưa bao giờ chấm dứt. Mỹ chưa bao giờ buông lơi quyền lực chính trị của mình, các Tổng thống Mỹ đã tập trung mọi nguồn lực để duy trì vị thế siêu cường số 1 của Mỹ. Họ hiểu rằng khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ phụ thuộc vào vị thế trên, nhất là ưu thế cường quốc duy nhất ở Tây bán cầu. Vị thế siêu cường đã giúp Washington tự do “đi dạo vòng quanh thế giới và can dự vào rất nhiều điểm nóng”, những điều không thể làm nếu Mỹ suy yếu.

Nhưng Mỹ không phải là nước duy nhất tìm kiếm thứ quyền lực chính trị này. Những chính sách ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi bàn cờ địa chính trị hình thành sau chiến tranh, thách thức thế lực của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Các cuộc xung đột quân sự (Cuộc chiến Gruzia 2008, xung đột ở Ukraina) tại khu vực quanh nước Nga và công cuộc Đông tiến của NATO đe dọa không gian sinh tồn của Moskva cũng cho thấy rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nhưng hòa bình đúng nghĩa chưa được thực sự thiết lập ở khu vực này. Phản ứng của Nga đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraina và các biện pháp trừng phạt của Phương Tây với nước này khiến người ta nhớ lại cuộc đối đầu Đông – Tây trong những thập niên 70-80 của thế kỷ trước.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, các cường quốc khu vực như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản cũng đang xem xét lại những mối quan ngại địa chính trị truyền thống một cách nghiêm túc hơn. Do vậy, nếu ai đó nghĩ rằng cuộc cạnh tranh vị thế cường quốc là cái gì đó thuộc về quá khứ là hoàn toàn sai lầm.

2. Các vấn đề khu vực trở thành vấn đề toàn cầu

Sau hai cuộc thế chiến, những người theo chủ nghĩa lạc quan cho rằng thế giới sẽ hòa hợp trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các xã hội với những giá trị và lịch sử khác nhau sẽ hội nhập trên những nền tảng tương đồng về thể chế. Các khác biệt về chính trị sẽ được giải quyết trong khuôn khổ các thể chế quốc tế và những vấn đề chính trị lớn sẽ mang tính toàn cầu hơn (như cơ chế đầu tư và thương mại, tiêu chuẩn lao động, kiểm soát vũ khí hay quản trị kinh tế vĩ mô…). Và những vấn đề mang tính khu vực như quyền của người thiểu số, tranh chấp biên giới sẽ dần biến mất khỏi chương trình nghị sự toàn cầu.

Nhưng đáng ngạc nhiên là bản sắc và những vấn đề địa phương vẫn đang tiếp tục là những vấn đề nhức nhối trong đời sống chính trị thế giới. Khu vực Trung Đông vẫn diễn ra xung đột giữa người Israel và người Palestine. Người Catalan và người Kurd vẫn đòi ly khai… Cùng với những nỗ lực nhằm tạo ra một chính quyền tập trung tại Afghanistan và xây dựng những chính phủ hiệu quả tại Iraq, Libya là tình trạng ly khai và chia rẽ giáo phái sâu sắc. Hoạt động phản kháng lại sự can thiệp từ bên ngoài đang tạo cảm hứng cho chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia sống dậy.

Dòng chảy quốc tế của hai thập kỷ qua cho thấy rằng việc bỏ qua bản sắc địa phương, khu vực là một viễn kiến ngây thơ và nguy hiểm, và bất kỳ sáng kiến ngoại giao nào không tính tới bản sắc và các điều kiện bản địa đều thất bại.

3. Sự thất bại của chính sách can dự, lật đổ

Sau khi Liên Xô sụp đổ, mục tiêu đối đầu với một nhà nước của Mỹ và phương Tây biến mất để rồi chuyển hướng sang các quốc gia khác như Iraq, Iran, Libya, Syria, Triều Tiên và Serbia. Phương Tây biến các nước này thành những mục tiêu mới cho các loại vũ khí hủy diệt của mình với cáo buộc đây là những chế độ độc tài với hồ sơ nhân quyền nghèo nàn.

Hệ quả trong hai thập kỷ qua, đã có rất nhiều quốc gia bị can thiệp và phải thay đổi chế độ, như ở Libya và Iraq, hay bị chia tách như Kosovo, Serbia, sang một thể chế không sáng sủa hơn mà trái lại đầy rẫy những bất ổn, bạo loạn, tham nhũng và chia rẽ sâu sắc hơn trong xã hội.

Việc thiết lập một chính phủ hiệu quả trong xã hội Somali, Yemen hay Afghanistan là vô cùng khó khăn. Còn khó khăn hơn khi xã hội đó bị chia rẽ về sắc tộc, tôn giáo, vốn tạo điều kiện cho chủ nghĩa cực đoan nảy nở. Do vậy, bài học cho các cường quốc khi muốn can dự để thay đổi chế độ ở một quốc gia là cần cân nhắc kỹ về điều mà họ thực sự muốn làm.

4. Sai lầm của chính sách ngoại giao cường quyền

Trong hai thập kỷ, thay vì theo đuổi chính sách ngoại giao tích cực, điều chỉnh những xung đột lợi ích để cùng có lợi, Mỹ có xu hướng đưa ra mệnh lệnh, đe dọa để đạt được mục tiêu. Cách tiếp cận này đã khiến Mỹ lao vào Chiến tranh Kosovo năm 1999 và đẩy Iran vào việc phát triển số lượng máy ly tâm của nước này từ con số 0 năm 2000 lên 11.000 năm 2014.

Chính sách này cũng được Mỹ và Phương Tây áp dụng để phản ứng với cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Lập trường cơ bản của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và NATO là Nga phải ngừng mọi hoạt động tại Ukraina, rút khỏi Krym và để Kiev hội nhập với EU, NATO.

Nói cách khác, phương Tây yêu cầu Moskva từ bỏ hoàn toàn Ukraina cùng toàn bộ lợi ích của nước này tại Ukraina. Nhưng nhìn vào lịch sử Nga, sự gần gũi về mặt địa lý với Ukraina và những quan ngại an ninh dài lâu của mình, thật khó để Tổng thống Nga Putin tính toán tới các đề nghị trên. Điều này chỉ khiến Ukraina là bên phải gánh chịu tổn thất lớn nhất.

Tất nhiên, Mỹ không phải là nước duy nhất áp dụng chính sách ngoại giao kiểu cường quyền như vậy. Chính phủ Israel cũng tuyên bố chỉ đàm phán với Palestine nếu các cuộc hòa đàm không bao giờ đưa tới một thỏa thuận hoặc Palestine chính thức từ bỏ việc thành lập một nhà nước của mình.

Thật không may là những chính sách ngoại giao kiểu ra tối hậu thư, đe dọa và cưỡng bức như vậy ít khi mang lại thành công và sự bền vững. Bởi vì ngay cả đối thủ yếu hơn vẫn có sức mạnh riêng của mình và các cường quốc sẽ gặp nhiều khó khăn để đạt được toàn bộ những gì họ muốn. Thêm nữa, khi bên yếu bị ép phải “buông súng”, họ sẽ nuôi giữ nỗi phẫn uất của mình để tìm kiếm cơ hội lật lại vấn đề khi có điều kiện. Thất bại trong đàm phán ngoại giao còn làm cho xung đột trở nên sâu sắc hơn và khó giải quyết hơn trong tương lai.

5. Cái giá của sự ngạo mạn

Người Hy Lạp cổ đại từng cảnh báo sự ngạo mạn hay tự tin thái quá của con người khi muốn thách thức với thánh thần, chỉ đem tới những cái chết ngu ngốc. Sự ngạo mạn này đang dẫn dắt Mỹ và NATO tiếp tục hành trình Đông tiến của mình mà bất chấp những hệ quả lâu dài trong tương lai.

Cũng chính sự tin tưởng tuyệt đối vào sức hút và quyền lực thuyết phục của mình mà các nhà ngoại giao Mỹ cho rằng có thể thúc đẩy một giải pháp hai nhà nước tại Trung Đông. Sự ngạo mạn cũng đưa Tổng thống George Bush tới Chiến tranh Iraq, khiến EU thành lập khu vực tiền tệ chung bất chấp những cảnh báo bất cập về thể chế.

Trong một thế giới mà không có một quyền lực trung tâm và các nước gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau, những cường quốc ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn để áp đặt ý chí của mình lên nước khác mà không chịu mất gì đó. Những thành công trong quá khứ không đảm bảo một tương lai bền vững, các nước đang ở thời kỳ đỉnh cao một thời có thể rơi vào những cuộc khủng hoảng không báo trước. Do vậy, các bài học lịch sử luôn dạy rằng những nhà lãnh đạo cẩn trọng luôn sẵn sàng một kế hoạch B cho tương lai của đất nước mình.

Theo DÂN TRÍ / FOREIGN POLICY

Tags: , , , ,