10 điều ‘tiên tri’ chính xác của Karl Marx về thế kỷ 21

Hai thế kỷ sau khi Marx ra đời, nhiều quan điểm của ông về chủ nghĩa tư bản vẫn còn mới nguyên như thể chúng được viết ra cho thế kỷ 21.

10 điều ‘tiên tri’ chính xác của Karl Marx về thế kỷ 21

Bài viết của tác giả Sergio Alejandro Gómez đăng trên tờ Granma của Cuba ngày 16/5/2018.

Nguồn: Ten Marxist ideas that define the 21st century / Sergio Alejandro Gómez / Granma International / 2018/05/16.

Biên dịch: Đại Việt / Redsvn.net.

Mỗi khi hồi chuông báo động về một cuộc khủng hoảng kinh tế vang lên, số lượng những cuốn sách của Karl Marx được bán ra lại tăng vọt. Rất ít người hiểu cách chủ nghĩa tư bản hoạt động và hậu quả của nó đối với nhân loại như nhà tư tưởng người Đức thế kỷ 19 này.

Bất kể bộ máy tuyên truyền đang thống trị thế giới cố gắng bác bỏ phân tích của Marx như thế nào, tư tưởng của ông vẫn trường tồn cùng thời gian bằng tính hợp lý của mình. Chủ nghĩa Marx không chỉ là một phương pháp để hiểu thế giới mà còn là một công cụ để biến đổi thế giới, và thực tế đã chứng minh điều đó.

Hai thế kỷ sau khi Marx ra đời, nhiều nhận định của ông đã được chứng thực trong thế kỷ 21.

1. Tập trung hóa và trung tâm hóa tư bản

Trong bộ Tư bản, Marx đã lý giải sự vận hành của nền kinh tế trong chủ nghĩa tư bản và dự đoán xu hướng tập trung hóa và trung tâm hóa tư bản.

Trong khi khía cạnh thứ nhất – tập trung hóa (concentration) – đề cập đến sự tích lũy giá trị thặng dư được tạo do sự chiếm đoạt giá trị lao động dư thừa (lao động thặng dư) của người lao động, thì khía cạnh thứ hai – trung tâm hóa (centralization) – bao gồm sự tăng vốn do thâu tóm, sáp nhập các tập đoàn tư bản, hầu như luôn luôn là kết quả của sự phá sản hoặc khủng hoảng kinh tế.

Phân tích này là đòn giáng mạnh vào lập luận của những người cho rằng “bàn tay vô hình” có thể phân phối sự giàu có đến tất cả mọi người.

Thực tế đã diễn ra như Marx dự đoán, khi một trong những đặc điểm của chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 21 là khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo. Theo báo cáo mới nhất của Oxfam, 82% tài sản được tạo ra trên toàn thế giới vào năm 2017 đã đi vào túi những người giàu nhất – chiếm 1% dân số toàn cầu, trong khi 3,7 tỷ người, một nửa dân số nghèo nhất thế giới không có sự gia tăng của cải.

2. Sự bất ổn định và chu kỳ khủng hoảng của tư bản

Nhà triết học Đức là một trong những người đầu tiên hiểu rằng khủng hoảng kinh tế không phải là lỗi của hệ thống tư bản, mà là một trong những đặc điểm nội tại của nó.

Cho đến ngày nay, vẫn có những nỗ lực được đưa ra để phản bác quan điểm này.

Tuy nhiên, những diễn biến từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1929 cho đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 rõ ràng tuân theo các mô hình được vạch ra bởi Marx. Do đó, ngay cả các ông trùm Phố Wall cuối cùng cũng phải quay sang đọc các trang của bộ Tư bản để tìm câu trả lời cho vấn đề.

3. Đấu tranh giai cấp

Có lẽ, một trong những ý tưởng Marxist mang tính cách mạng nhất là nhận định: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp“, như chúng ta đọc trong Tuyên ngôn Cộng sản được viết bởi Marx và Friedrich Engels năm 1848.

Đối với Marx, nhà nước tư sản là sự tiến hóa của một công cụ thống trị giai cấp trong lịch sử, nhằm tạo ra các giá trị phục vụ cho giai cấp tư sản.

Một thế kỷ rưỡi sau đó, các cuộc đấu tranh xã hội vẫn diễn ra gay gắt giữa 1% những người kiểm soát tài sản thế giới và 99% còn lại.

>> Một cái nhìn về giai cấp và đấu tranh giai cấp trong thế kỷ 21
.

4. Đội quân công nghiệp dự trữ

Nhà tư bản, theo Marx, cần giữ mức lương thấp để tối đa hóa lợi nhuận. Điều này có thể đạt được nếu có một lớp công nhân tiềm tàng sẵn sàng chờ để thay thế một lớp công nhân từ chối chấp nhận hiện trạng. Đó là lực lượng mà Marx gọi là “đội quân công nghiệp dự trữ”.

Mặc dù các công đoàn và đoàn thể xã hội đấu tranh liên tục từ thế kỷ 19 đến nay đã thay đổi các yếu tố dẫn đến tình trạng này, đặc biệt là ở các nước phát triển, nỗ lực duy trì mức tiền công thấp từ các ông chủ vẫn tiếp tục là một hằng số trong lĩnh vực sản xuất.

Trong thế kỷ 20, các công ty sản xuất lớn ở châu Âu và Mỹ đã chuyển đến châu Á để tìm kiếm một lực lượng lao động có tay nghề cao mà họ có thể trả công thấp hơn.

Mặc dù các chính phủ gần đây đã nêu ra vấn đề thất nghiệp trong nước thông qua quá trình chuyển dịch này, như chính quyền Donald Trump ở Mỹ, thực tế là các công ty này đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhờ khai thác lao động giá rẻ.

Về tiền lương, các nghiên cứu hiện tại cho thấy sức mua của người lao động, về mặt hàng có thể mua và không phải là giá trị danh nghĩa của chúng, đã giảm ở các nước phương Tây trong gần 30 năm.

Và khoảng cách còn lớn hơn giữa các giám đốc điều hành và nhân viên cấp thấp.

Theo một bài báo trên tờ The Economist, trong hai thập kỷ qua, lương của người lao động ở các nước như Mỹ đã dậm chân tại chỗ, trong khi mức lương của các giám đốc điều hành hàng đầu đã tăng lên đáng kể: Họ đã thu có nhập gấp 40 lần mức lương trung bình để bỏ túi gấp 110 lần so với trước đây.

5. Mặt tối của tư bản tài chính

Trong khi Marx nêu chi tiết về cơ chế bóc lột lao động trong quá trình tích lũy tư bản, ông dành sự chỉ trích đặc biệt nhằm vào tư bản tài chính – vốn không có vai trò sản xuất vật chất trực tiếp trong nền kinh tế, nhưng được tạo ra theo cách thức “hư cấu”, chẳng hạn như hối phiếu (promissory note) hoặc trái phiếu.

Trong thời của Marx, người ta không thể tưởng tượng ra sự phát triển của lĩnh vực tài chính trong nền kinh tế hiện đại, khi các giao dịch tài chính được thực hiện với tốc độ ánh sáng nhờ việc sử dụng máy tính.

Đầu cơ và xây dựng các cơ chế tài chính phức tạp – chẳng hạn như cái gọi là “tín dụng thứ cấp” (subprime), đã kích hoạt cuộc khủng hoảng 2007-2008 – điều đã xác nhận một cách chắc chắn mối lo ngại của Marx.

6. Chủ nghĩa tiêu dùng – sự xuất hiện của những nhu cầu sai lầm

Vào thế kỷ 19, khi quảng cáo thương mại vẫn chưa bùng nổ trên các phương tiện truyền thông, Marx đã cảnh báo về nguy cơ hệ thống tư bản sẽ tạo ra sự loạn tâm và nhu cầu giả trong dân chúng để phục vụ cho mục đích tiêu thụ hàng hóa.

Việc mở rộng các sản phẩm và nhu cầu trở thành một chiến lược đầy tính toán và không ngừng tính toán cho thứ lòng tham phi nhân tính, xảo trá, bất thường và hư vô“, ông dự đoán cách đây hơn 150 năm.

Trong thế giới ngày nay, những chiếc smartphone trở nên lỗi thời chỉ trong vài tháng và các nhà quảng cáo có chiến lược tẩy não người dùng để họ có thể bỏ tiền ra mua mẫu mới nhất. Trong khi đó, các thiết bị gia dụng được thiết kế để bảo đảm rằng chúng sẽ lỗi thời sau một vài năm và tạo ra nhu cầu thay thế chúng.

>> Chủ nghĩa tiêu dùng: ‘Người tiêu dùng chỉ là một lũ đần độn’

7. Toàn cầu hóa

Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm lấn khắp toàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi”, Marx và Engels đã viết vậy trong Tuyên ngôn Cộng sản.

Mô tả của họ về sự toàn cầu hóa của thị trường, kèm theo việc áp đặt một nền văn hóa được xác định bởi tiêu thụ, là không thể chính xác hơn.

>> Lời tiên tri về thế giới phẳng của Karl Marx
.

8. Sự nổi lên của độc quyền

Đồng thời, xu hướng toàn cầu hóa đi kèm với việc tạo ra độc quyền xuyên quốc gia. Trong khi lý thuyết kinh tế tự do cổ điển cho rằng sự cạnh tranh sẽ duy trì tính đa dạng của quyền sở hữu, Marx tiến thêm một bước nữa và xác định khuynh hướng hợp nhất của thị trường dựa trên quy luật cá lớn nuốt cá bé.

Các tập đoàn lớn trong lĩnh vực truyền thông, viễn thông và dầu mỏ là một số ví dụ thời hiện đại về quy trình được Marx mô tả.

9. Xu hướng tự hủy hoại của chủ nghĩa tư bản

Tất cả những gì vững chắc đều tiêu tan như mây khói” là một trong những phản ánh giác ngộ nhất về chủ nghĩa tư bản trong Tuyên ngôn Cộng sản.

Marx và Engels hiểu được tính sáng tạo và đồng thời là bản chất tự hủy hoại của chủ nghĩa tư bản, trong đó việc theo đuổi năng suất ở bất kỳ giá nào cũng tạo ra nhịp điệu vô nhân đạo của sản xuất và tiêu thụ không bền vững.

Đó là chính xác là xu hướng đang diễn ra, dẫn đến nguy cơ sụp đổ của hành tinh chúng ra.

Tác động của con người với sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đã được chứng minh một cách khoa học, mặc dù một số lãnh đạo quốc gia, chẳng hạn như Trump của Mỹ, vẫn tiếp tục phủ nhận điều này.

10. Tiềm năng cách mạng của các tầng lớp lao động

Di sản lớn nhất của Marx đối với lịch sử không phải là sự phân tích sâu sắc của ông về những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản, mà là lời kêu gọi xây dựng một xã hội mới dựa trên chủ nghĩa cộng sản.

Thông điệp rằng người vô sản có tiềm năng tự thoát khỏi sự đàn áp và bất bình đẳng của Marx đã làm thay đổi thế kỷ 20 với những cuộc cách mạng đầy cảm hứng ở Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và các quốc gia thế giới thứ ba khác. Lời kêu gọi người lao động trên toàn thế giới đoàn kết lại của Marx vẫn còn nguyên giá trị trong thế kỷ 21.

ĐẠI VIỆT / REDSVN.NET

Tags: , ,