⠀
Đừng để kẻ khoác áo nhà sư làm nhơ bẩn Phật giáo Việt Nam
Tôi viết bài báo này khi chứng kiến các hoạt động đậm màu sắc báng bổ giáo lý nhà Phật của sư Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng. Từ vụ “nữ sinh giao gà”, “oan gia trái chủ”, “khất tiền mặt” đầu năm đến vụ “xá lợi tóc Phật” cuối năm 2023…
Chư tăng chùa Ba Vàng khất thực mùa Phật Đản. Ảnh: Chuabavang.com.
Toàn những vụ việc chẳng những đi ngược lại chánh pháp theo giáo lý Phật giáo mà còn là các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhưng rồi “tác giả” của các “sáng kiến” này đều xuôi chèo mát mái, thoát khỏi lưới pháp luật một cách ngoạn mục khiến một người hoạt động trong lĩnh vực pháp lý và có tìm hiểu đôi chút về triết lý Phật giáo như tôi cảm thấy bị xúc phạm.
Khi nhìn về giáo lý nguyên thủy với nhiều chiêm nghiệm sâu sắc của ngài Tất Đạt Đa vốn dĩ đã tồn tại từ thời Cổ đại, khi mà xã hội còn sơ khai, tôi tự hỏi tại sao lại có thể bị người ta làm cho biến tướng đến thảm hại như vậy trong xã hội được gọi là hiện đại, văn minh như ngày nay?
>> Đạo Phật là đạo của sự tự lực, không có chỗ cho kẻ trông chờ vào phép màu >> Khi tà sư ẩn mình trong chùa, lợi dụng sự mê tín để trục lợi |
Phật giáo và Lão giáo là hai trường phái tư tưởng có con đường truyền bá và phát triển đặc thù dẫn đến hệ quả là triết học trong mắt các nhà nghiên cứu học thuật nhưng lại là tôn giáo trong mắt tuyệt đại đa số dân chúng (ít nhất là ở Việt Nam).
Có vẻ trong văn hóa tiếp nhận của phương Đông, con đường phổ biến một hệ tư tưởng nào đó muốn thành công cần phải “tín ngưỡng hóa/tôn giáo hóa” chăng? Lịch sử phát triển của triết học Phật giáo, Lão giáo hay thậm chí Khổng giáo thể hiện điều đó. Nguyên nhân là do dâu? Do dân chúng bình dân ít hiểu biết, hay do họ dễ bị thu hút bởi các tín điều huyễn hoặc siêu nhiên, hay do người ta có tâm lý muốn có con đường ngắn nhất để đạt thành ước nguyện, hay đơn giản là họ bất lực không thể tự vươn lên thoát khỏi số phận của chính mình nên cần dựa dẫm vào một thế lực bên ngoài?
Thật ra tất cả những nguyên nhân trên đều có thể, nhưng có một nguyên nhân đáng lưu tâm nằm trong bản thân triết lý của Phật giáo và Lão giáo. Về vũ trụ quan, triết lý của hai phái này đều rất “thực tế”, giải thích sự hình thành và quy luật vận động của sự vật hiện tượng không hề mang màu sắc huyễn hoặc siêu nhiên. Tuy nhiên về nhân sinh quan, khi bàn về con đường “tu tập” để thoát khỏi khổ đau bất hạnh thì lại là một dạng nhiệm vụ bất khả thi đối với giống loài homo sapiens này. Chẳng hạn, Phật giáo đòi hỏi con người phải diệt dục, diệt ái, diệt hỉ nộ ái ố,… nghĩa là từ bỏ hết các cảm xúc mang tính “người” nhất. Còn Lão giáo lại đòi hỏi sống “vô vi”, không mong cầu, và cả không nên phấn đấu để cải thiện bất cứ cái gì, nghĩa là rất “thuận tự nhiên” mà là tự nhiên nguyên sơ, kiểu “thu ăn măng trúc đông ăn giá, xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”.
Khó thế thì mấy ai là làm được, người ta nản thì người ta bỏ, người ta quay sang tìm cái tôn giáo nào mà con đường “tu tập” đạt đc hạnh phúc một cách ngắn nhất. Do đó Hindu giáo với hệ tư tưởng đa thần dần thống trị Ấn Độ. Để có thể tồn tại và mở rộng tầm ảnh hưởng, Phật giáo buộc phải “cải cách” cách thức truyền bá. Hiểu đc tâm lý của chúng sinh như vậy, Phật giáo bắt đầu chia thành các nhánh, cài cắm các yếu tố huyền hoặc thần linh nhiệm màu vào để thu hút sự chú ý của dân chúng với hy vọng là khi họ chịu theo rồi thì dần dần hướng dẫn họ đi vào con đường chánh đạo. Một kiểu lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Mặc dù không cứu vãn được Phật giáo tại quê hương của mình nhưng rõ là nhờ có sự cải cách đó mà Phật giáo được truyền bá rộng khắp ra nhiều các quốc gia trên thế giới và có tầm ảnh hưởng sâu sắc, trở thành một trong các tôn giáo lớn nhất thế giới hiện nay.
Nhưng cái gì cũng có giá của nó.
Để có tầm ảnh hưởng như vậy, đổi lại có rất nhiều biến tướng sai lầm, dẫn đến việc nhiều nơi, nhiều chùa chiền, Phật giáo không còn giữ được giá trị triết lý như ban đầu vốn có, thậm chí hoàn toàn “phản bội” lại lý tưởng của Đức Thích Ca Mâu Ni. Chùa Ba Vàng và hàng loạt các hoạt động sặc mùi lừa đảo chính là một ví dụ sinh động và trực quan nhất. Và chắc chắn là không chỉ có mỗi chùa Ba Vàng ở Việt Nam!
Như vậy, để trở thành một tôn giáo lớn thì Phật giáo phải “hy sinh” sự ảnh hưởng với tư cách là một triết học sâu sắc.
Liệu mục đích có còn biện minh cho phương tiện được không? Hay nói cách khác, cái giá phải trả cho việc trở thành một trong các tôn giáo lớn nhất hiện nay có đáng khi mà cuối cùng người ta chỉ xem Phật giáo như là một tôn giáo hữu thần huyền hoặc, điều mà Như Lai luôn nhất mực phản đối trong suốt cuộc đời truyền bá tư tưởng của mình?
Theo LÂM NGHI / FACEBOOK
Tags: Phật giáo, Mê tín, Suy thoái văn hóa