Tác chiến không người lái trong chiến tranh bất đối xứng nhìn từ xung đột Ukraina

Xung đột Nga – Ukraina không chỉ đánh dấu sự trở lại của chiến tranh thông thường ở châu Âu mà còn đánh dấu sự đổi mới của công nghệ chiến tranh.

Tác chiến không người lái trong chiến tranh bất đối xứng nhìn từ xung đột Ukraina

Chiến trường của cuộc xung đột Nga – Ukraina đã trở thành nơi thử nghiệm các loại vũ khí mới; cả Nga và Ukraina đều sử dụng rộng rãi nhiều loại máy bay và tàu không người lái trong tác chiến. Ukraina đã đi trước trong việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) quân sự và dân sự để thực hiện trinh sát và giám sát chiến thuật, thu thập thông tin tình báo theo thời gian thực, chỉ dẫn hỏa lực pháo binh, cung cấp chuyển tiếp liên lạc, tiến hành các cuộc tấn công tầm ngắn đến tầm xa và đánh giá kết quả tác chiến. Xét về hiệu quả cuối cùng, UAV đã trở thành một công cụ tăng cường sức mạnh quân sự của quân đội Ukraina.

Quân đội Ukraina đi trước một bước

Từ khi cuộc xung đột bùng nổ, quân đội Ukraina đã cố gắng sử dụng “chiến thuật bất đối xứng” để bù đắp cho sự bất lợi về sức mạnh binh lực của mình, các trang thiết bị khái niệm mới bao gồm UAV tấn công và tàu không người lái tự sát đã có rất nhiều cơ hội xuất hiện. Trong cuộc chiến với Nga, Ukraina đã dần chuyển sang cuộc chiến không người lái. UAV của Ukraina đã đạt được các thành tích như đánh chìm tàu chiến Nga. Ukraina đã thành lập lực lượng UAV chuyên dụng, sản xuất UAV tự sát trong nước. Đối mặt với sự tấn công dữ dội của Nga, Ukraina buộc phải chuyển sang thế phòng thủ, trong hoàn cảnh đó, Ukraina coi UAV là con át chủ bài để đảo ngược cục diện chiến tranh, các nước phương Tây cũng đẩy mạnh cung cấp UAV cho Ukraina.

Ông Mikhailo Fedorov, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số của Ukraina, ngày 18/2/2024 nói: “Trong vòng vài tháng chúng tôi đã có thể đạt được năng lực sản xuất hàng trăm chiếc UAV mỗi tháng”. Ông bày tỏ tự tin trong việc xây dựng cơ chế sản xuất UAV, với mục tiêu sản xuất các UAV tự sát tương tự loại “Lancet” của Nga.

Tổng thống Ukraina Zelensky hồi tháng 12/2023 tuyên bố, mục tiêu sản xuất UAV trong nước của Ukraina sẽ là 1 triệu chiếc mỗi năm. Ông Zelensky ngày 6/2/2024 tiết lộ ông đã ký sắc lệnh của tổng thống về việc thành lập lực lượng chiến đấu UAV chuyên dụng của quân đội Ukraina.

Quân đội Ukraina ngày 14/2/2024 tuyên bố họ đã đánh chìm tàu đổ bộ “Ceasar Kunikov” của Hải quân Nga bằng tàu không người lái mặt nước (Unmanned surface vehicle, USV). Con tàu này của Nga vốn neo đậu ven biển phía nam Bán đảo Krym. Bộ Quốc phòng Ukraina ngày 1/2 cũng tiết lộ họ đã sử dụng USV để đánh chìm tàu tên lửa cỡ nhỏ “Ivanovich” của Nga thả neo ven biển Bán đảo Krym. Theo CNN, quân đội Ukraina tuyên bố đã làm tê liệt 1/3 Hạm đội Biển Đen của Nga sau một loạt cuộc tấn công.

Tại miền Đông Ukraina, quân đội Nga chiếm ưu thế cả về trang bị và quân số, từng bước tăng cường tấn công nhằm mở rộng khu vực kiểm soát. Do tiến độ huy động quân bổ sung chậm chạp và vấn đề thiếu quân ngày càng nghiêm trọng, quân đội Ukraina hiện buộc phải tập trung vào phòng thủ. Tình thế bế tắc cùng với việc thay đổi tướng tổng chỉ huy quân đội đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Zelensky có xu hướng giảm. Kết quả cuộc khảo sát dư luận do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev công bố ngày 15/2/2024 cho thấy chỉ 64% số người Ukraina được hỏi cho biết họ “tin tưởng” ông Zelensky, thấp hơn nhiều kết quả khảo sát vào tháng 12/2023 (77%).

Trong bối cảnh đó, để giành được sự ủng hộ của dân chúng, chính phủ Zelensky đang tìm cách đạt được những bước đột phá khi sử dụng thiết bị không người lái vốn rất được kỳ vọng. Các nước phương Tây ủng hộ Ukraina cũng đang tăng cường cung cấp UAV. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 15/2 tuyên bố, các quốc gia thành viên NATO đặt mục tiêu cung cấp cho Ukraina 1 triệu UAV.

Trên mạng xã hội, người ta đang phân tích những hành động mới nhất của các nhóm tác chiến Nga thực hiện các cuộc tấn công chiến thuật với sự hỗ trợ của UAV loại FPV. FPV là UAV nhỏ có bốn cánh quạt hoặc nhiều cánh quạt được trang bị camera và tác chiến do người điều khiển. UAV này thường mang theo những loại bom đạn cỡ nhỏ có thể gây hư hại cho máy bay chiến đấu và xe bọc thép.

Hiện tại, Ukraina có 10 công ty có thể sản xuất UAV tầm xa với phạm vi hoạt động bao phủ Moskva và St. Petersburg; các công ty này cơ bản đều của tư nhân. Năm 2023, năng lực sản xuất UAV của Ukraina đã tăng gấp 130 lần. Năm ngoái, số lượng UAV được Ukraina đặt hàng chính thức là 300.000 chiếc các loại, trong đó hơn 100.000 chiếc đã được vận chuyển ra tuyến đầu của cuộc xung đột. Để đẩy nhanh việc cung cấp UAV, Ukraina sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất linh kiện. Ngoài ra, Ukraina cũng đã nới lỏng các hạn chế đối với việc các công ty tư nhân sản xuất đạn dược cho UAV. Hiện nay, có tới mấy chục công ty đang thử tham gia sản xuất bom đạn cho UAV.

Kể từ đầu năm 2023, Ukraina đã đào tạo hơn 20.000 người điều khiển UAV bằng cách cung cấp kinh phí huấn luyện quân sự cho các trường học và cung cấp chi phí liên quan cho các binh sĩ Ukraina tham gia huấn luyện. Kể từ cuối năm ngoái, tần suất các cuộc tấn công tầm xa bằng UAV của Ukraina nhằm vào các mục tiêu năng lượng và quân sự của Nga đã tăng lên đáng kể.

Quân đội Nga đẩy nhanh sản xuất và sử dụng UAV

Chính quyền Ukraina tuyên bố tính đến 9 giờ sáng ngày 20/2/2024, trong vòng 24 giờ Nga đã tấn công tổng cộng 9 tỉnh, khiến ít nhất 3 dân thường thiệt mạng và 22 dân thường bị thương. Không quân Ukraina cho biết quân đội Nga đã phóng 19 UAV từ Primorye Akhtarsk. Cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraina trong năm qua có đặc điểm là bên cạnh việc bắn hàng triệu quả đạn pháo, hai bên sử dụng ngày càng nhiều UAV trinh sát và tấn công cũng như các loại vũ khí có độ chính xác cao khác. Những vũ khí này đã thay đổi đáng kể chiến thuật cận chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi cuối năm 2023 đã đề ra nhiệm vụ phát huy kinh nghiệm sử dụng UAV, chỉ đạo quân đội khi huấn luyện các chuyên gia sử dụng UAV cần “kịp thời điều chỉnh nội dung huấn luyện căn cứ theo những thay đổi trong hành động chiến thuật của đối phương”. Trong chiến thuật mới của lực lượng đột kích Nga, UAV FPV được sử dụng để tấn công sinh lực của đối phương. Do khả năng thao tác thành thục của những người điều khiển, độ chính xác tấn công của các UAV này khá cao và lực lượng đột kích có thể giành được thắng lợi chiến thuật mà không bị tổn thất nặng nề.

Cũng cần chỉ ra rằng quân đội Ukraina cũng đang sử dụng chiến thuật tương tự. Chuyên gia quân sự, Đại tá đã nghỉ hưu Vladimir Popov nói: “Có thể nói rằng cho đến nay, Nga vẫn còn rất thiếu UAV FPV được sử dụng trên tiền tuyến. Ở đó cần một số lượng lớn UAV. Bên nào có thể sản xuất trên quy mô lớn nhiều sản phẩm hơn sẽ có thể liên tục giành được thắng lợi chiến thuật trên chiến trường”. Đồng thời, ông chỉ ra rằng ngoài UAV FPV, cả hai bên còn sử dụng các loại UAV khác như UAV chiến lược trong khu vực diễn ra “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga…

Những gợi mở của tác chiến không người lái

Do sự thúc đẩy của công nghệ cao, các UAV trong một khoảng thời gian rất ngắn đã được nâng cấp định vị từ trinh sát sang hướng dẫn rồi tới tấn công, thực hiện nâng cấp chiến thuật từ tác chiến đơn lẻ sang tác chiến phối hợp nhiều máy bay và chuyển đổi từ công cụ phụ trợ chiến tranh thành vũ khí sát thương có hiệu quả; tác dụng trên chiến trường ngày càng quan trọng. Với sự tiến bộ nhanh chóng về tốc độ kết nối mạng và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên 5G, sự phát triển năng lực tác chiến của UAV sẽ ảnh hưởng đến bố cục chiến lược tổng thể của một quân đội.

Tất cả các nước lớn trên thế giới đều đã có quy hoạch phát triển và bố trí chiến lược cho UAV. Nga đã quyết định tập trung vào phát triển lực lượng chiến đấu không người lái, trọng điểm là UAV Sukhoi S-70 Okhotnik (Hunter), đẩy nhanh sự phát triển của UAV thông minh và theo cụm. Thông minh hóa và bầy đàn hóa còn được gọi là “mô hình khái niệm tác chiến máy bay thế hệ thứ sáu của Nga”. Nga đã phát triển một loại mũ đội đầu điều khiển UAV có tên là “Svarog” và mở ra phương thức hiệp đồng tác chiến mới giữa máy bay có người lái và UAV.

Với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), UAV ngày càng hoàn thiện trong các lĩnh vực tự tìm kiếm, tự nhận dạng , tự ra quyết định và tự đánh giá, đủ để ảnh hưởng sâu sắc đến mô hình chiến tranh trong tương lai. Vũ khí chiến tranh mạng UAV có thể vượt qua khoảng cách vật lý giữa các mạng, được điều khiển phóng từ xa thông qua mạng, giúp việc xâm nhập mạng thông tin của đối phương dễ dàng hơn. Nó tích hợp các chức năng phát hiện, tấn công, quấy rối và đánh lừa, đồng thời kết hợp với tác chiến điện tử và tác chiến mạng để tối đa hóa hiệu quả chiến đấu.

Có thể thấy trước rằng tác chiến UAV sẽ trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong hệ thống tác chiến liên hợp trong tương lai.

Theo VIETTIMES / THE PAPER

Tags: , ,