Từ Hoàng Sa 1974 đến ‘không gian biển Đông Nam Á’ 2024

Với Biển Đông, các bên phải giải quyết bằng hòa bình, không để xảy ra xung đột, đặc biệt không được bên nào có quyền sử dụng vũ lực để cưỡng ép các nước khác.

Từ Hoàng Sa 1974 đến ‘không gian biển Đông Nam Á’ 2024

Nhân sự kiện 50 năm Hoàng Sa bị cưỡng chiếm trái phép (19/1/1974-19/1/2024), Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định: Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm giữ Hoàng Sa là phi pháp và không thể chấp nhận được. Những hành vi như vậy càng không thể được phép lặp lại trong bối cảnh hiện nay.

Nói về các giải pháp thiết lập hòa bình ổn định và bền vững tại Biển Đông trong bối cảnh hiện nay, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhắc lại tuyên bố hồi cuối năm 2023 của các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định “không gian biển ở Đông Nam Á”. “Đó là bước phát triển nhận thức của các nước ASEAN về xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực” – ông Vinh nhận xét.

Biển Đông vẫn rất phức tạp

Phóng viên: Đại sứ nhận định như thế nào về tình hình Biển Đông năm 2023?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Năm 2023, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và là mối quan ngại chung. Ở đây vẫn chứng kiến những hành vi trái luật pháp quốc tế, xâm phạm trái phép vùng biển hợp pháp của các nước khác.

Các sự cố và cọ xát giữa Philippines và Trung Quốc chỉ phản ánh một phần phức tạp của tình hình trong năm qua. Biển Đông vẫn ẩn chứa những cơn sóng ngầm và nguy cơ rủi ro đối với môi trường hòa bình và hợp tác chung ở khu vực, trong đó có về an ninh, an toàn và tự do hàng hải.

Tuy nhiên, tôi đánh giá cao các nỗ lực của ASEAN và khu vực trong việc thúc đẩy hòa bình, quản trị tranh chấp và xây dựng lòng tin đối với vấn đề Biển Đông, trong đó có tham vấn ASEAN – Trung Quốc về thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả.

Trong năm, ASEAN cũng ra nhiều tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và nhấn mạnh lại các nguyên tắc chung, trong đó có việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS); yêu cầu các bên kiềm chế, xây dựng lòng tin và không làm phức tạp thêm tình hình.

Tuy vậy, trước các thách thức và phức tạp đang đặt ra, rõ ràng ASEAN và các nước còn phải nỗ lực và làm nhiều hơn nữa.

Xây dựng “không gian biển ở Đông Nam Á”

Ngày cuối năm 2023, các ngoại trưởng ASEAN đã ra tuyên bố với tên gọi “về duy trì và thúc đẩy ổn định ‘không gian biển ở Đông Nam Á’”. Văn kiện này có gì đáng chú ý?

– Điểm đáng chú ý lần này là các ngoại trưởng ASEAN có cách tiếp cận bao quát và rộng hơn, lần đầu tiên đặt Biển Đông trong “không gian biển ở Đông Nam Á” nói chung, từ đó gắn với vai trò trung tâm của ASEAN và với các quá trình tham vấn của ASEAN với các nước, nhằm xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển. Đó là điểm mới, có ý nghĩa quan trọng.

Ngoài ra, trước đây ASEAN từng có bốn lần ra tuyên bố riêng của các ngoại trưởng về Biển Đông nhưng đều sau khi xuất hiện các sự cố bùng phát, như năm 1995 về Vành Khăn, năm 2012 về Scarborough, hay gần đây nhất, năm 2014 về vụ hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trên vùng biển Việt Nam. Còn lần này, mức độ cọ xát chưa bùng phát đến vậy.

ASEAN được trông đợi sẽ phát huy hơn nữa vai trò chủ động của mình đối với vấn đề Biển Đông, bao gồm cả việc xây dựng các chuẩn mực ứng xử ở khu vực.

Vậy nên, với tuyên bố lần này, ASEAN được trông đợi sẽ phát huy hơn nữa vai trò chủ động của mình đối với vấn đề Biển Đông, bao gồm cả việc xây dựng các chuẩn mực ứng xử ở khu vực, gắn với xây dựng “không gian biển ở Đông Nam Á” hòa bình, ổn định và dựa trên các văn kiện đã có của ASEAN như Hiệp ước Hợp tác thân thiện Đông Nam Á (TAC) hay Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) mà các nước đối tác đều ủng hộ.

Bài học từ một thế giới đang bất ổn

Chúng ta đang chứng kiến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga – Ukraina ở châu Âu, rồi Hamas – Israel ở Trung Đông, các bất ổn ở châu Phi, rồi tình hình eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên. Khi thế giới trở nên đầy bất ổn, việc xây dựng “không gian biển ở Đông Nam Á” cần chú ý những bài học kinh nghiệm gì?

– Có thể thấy các mâu thuẫn phức tạp nếu không được quản lý tốt, thiếu kiềm chế có thể bùng phát thành xung đột. Khi đó, tất cả các bên đều bị phương hại. Do đó câu chuyện luật pháp quốc tế, quản trị và xây dựng lòng tin là rất cần thiết. Đó cũng là những bài học và những điều cần được suy ngẫm đối với khu vực Đông Nam Á.

Với Biển Đông có ba bài học mà các nước cần phải chú ý. Thứ nhất, nếu đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải thì tất cả các nước đều có lợi ích và để làm được điều ấy thì tất cả các bên liên quan phải có trách nhiệm vun đắp. Thứ hai, giữa các bên có sự tranh chấp, chồng lấn về đòi hỏi chủ quyền thì phải giải quyết bằng hòa bình. Cuối cùng, các nước cần có trách nhiệm quản trị không để xảy ra xung đột, thúc đẩy xây dựng lòng tin, không làm phức tạp tình hình. Đây là quan điểm chung của ASEAN, được thế giới ủng hộ.

Tình hình Biển Đông thời gian qua vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Lý do là vẫn có nước tuy nói mong muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng trên thực tế lại lạm dụng sức mạnh để áp đặt những đòi hỏi phi lý, trái ngược với tinh thần và quy định của luật pháp quốc tế.

Chung tay phản đối bạo lực

Để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở “không gian biển ở Đông Nam Á”, năm 2024 này ASEAN cần làm gì?

– Trong năm 2023, Indonesia với cương vị chủ tịch ASEAN, đã có những nỗ lực rất lớn về việc này. Trước hết là việc duy trì đoàn kết và nhất trí chung của các nước ASEAN về các nguyên tắc liên quan đến Biển Đông, như đã được phản ánh qua các hội nghị và văn kiện của ASEAN trong năm.

Indonesia cũng đẩy mạnh việc tham vấn giữa ASEAN và các nước về các vấn đề hòa bình, an ninh trên biển, trong đó có thúc đẩy đối thoại ASEAN – Trung Quốc về DOC và COC.

Năm 2023, ASEAN cũng lần đầu tiên tổ chức thành công diễn tập quân sự chung trên Biển Đông. Và như trên đã nêu, nhờ nỗ lực của Indonesia, cuối năm vừa qua, các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí ra tuyên bố “về duy trì và thúc đẩy ổn định “không gian biển ở Đông Nam Á””.

Kết quả của năm 2023 và những năm qua tiếp tục là cơ sở, nền tảng quan trọng để triển khai các công việc cho năm tới, khi mà bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Theo đó, sang năm 2024, ASEAN vẫn cần phải tiếp tục quan tâm và thúc đẩy các nỗ lực đã có về Biển Đông, trong đó có việc cùng Trung Quốc thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ DOC và xây dựng Bộ quy tắc COC thực chất, hiệu quả trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Một yếu tố quan trọng là cần tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc tham vấn về COC, bằng việc xây dựng lòng tin và không làm phức tạp tình hình trên biển. Đồng thời, thông qua các cơ chế của mình, ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò chủ động của mình vì một “không gian biển ở Đông Nam Á” hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển.

Chính bản thân ASEAN cũng cần chủ động và phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của mình, trong các tiến trình như ASEAN+1, cấp cao Đông Á, Hội nghị bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và các nước (ADMM+) hay Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), cũng như đối với các vấn đề về hòa bình, an ninh, hợp tác ở khu vực và Biển Đông.

Xin cảm ơn ông.

Năm giải pháp ASEAN cần tiếp tục đóng góp

Thứ nhất, tất cả các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Thứ hai, thúc đẩy cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi vai trò và các nỗ lực của ASEAN về hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á.

Thứ ba, ủng hộ ASEAN – Trung Quốc đối thoại, xây dựng lòng tin, thực hiện tốt DOC và hướng tới Bộ quy tắc COC thực chất, hiệu quả.

Thứ tư, gắn kết các nước đối tác tham gia tích cực vào các tiến trình của ASEAN, cùng thúc đẩy việc xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung ở khu vực, dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS và các văn kiện của ASEAN.

Cuối cùng, thông tin đến cộng đồng quốc tế để thế giới cùng chung tay với ASEAN lên tiếng phản đối các hành vi áp đặt, làm phức tạp tình hình, phi pháp ở khu vực Biển Đông.

Đại sứ Phạm Quang Vinh

Theo PHÁP LUẬT TPHCM

Tags: , , ,