Khi mạng xã hội trở thành một dạng ‘thuốc phiện của nhân dân’

Mạng xã hội cũng giống như một thứ thuốc phiện, nó xoa dịu nỗi đau của mỗi cá nhân đang ngày càng bị cô lập, nguyên tử hóa trong guồng quay tư bản. Nhưng càng muốn trốn chạy khỏi thực tại khốc liệt chúng ta càng lún sâu vào thế giới ảo.

Hegel từng nói rằng: Sự phong phú trong tính cách mỗi người là biểu hiện của sự phong phú trong mối liên hệ giữa người với người. Sở dĩ như vậy là bởi loài chúng ta là một động vật xã hội. Chúng ta cần giao tiếp xã hội để làm việc với nhau, để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, để học hỏi kiến thức cũng như sự yêu thương… Hay nói một cách ngắn gọn, cũng như cần thở để biết mình còn sống, con người cần giao tiếp xã hội để biết mình còn là con người.

Nhưng dẫu là một nhu cầu thiết thân, trong nhịp sống tư bản gấp gáp, với 12 tiếng làm việc mỗi ngày, 6 ngày một tuần, những hợp đồng không giờ và trả công theo sản phẩm, thì thời gian cho giao tiếp xã hội bỗng trở nên một thứ xa xỉ. Những mối quan hệ dần trở nên hời hợt, bị quyết định bởi sự thực dụng và cơ hội.

Chính trong bối cảnh đó thì mạng xã hội đã trở nên một thay thế khả dĩ. Nhưng không chỉ vậy, nó còn là một cách để con người trốn chạy khỏi thực tại. Làm sao mà điều này thành có thể?

Chúng ta thường bắt đầu gia nhập mạng xã hội với một số quan hệ trong thực tế, mở rộng không ngừng cả trăm rồi ngàn mối, có những người chúng ta chẳng hề một lần chạm mặt, có những người chúng ta chỉ biết qua một hình nền, một dòng trạng thái; và ở chiều ngược lại cũng có thể là một điều tương tự… Cứ như vậy một xã hội ảo được hình thành nơi mỗi cá nhân đều thấy mình là trung tâm. Hẳn nhiên nó không thể là sự phóng chiếu cái gì khác ngoài chính cái xã hội thực tế nơi chúng ta đang sống, nhưng là một sự phóng chiếu bị biến dạng.

Ngoài đời thực chúng ta có thể chỉ là một kẻ vô danh, có thể chịu sự khinh rẻ, thậm chí bị chà đạp bởi vô số kẻ, nhưng trong thế giới ảo chính bởi mỗi người tự thấy mình là trung tâm, chúng ta có thể cảm thấy mình thật đặc biệt, có thể nấp sau một cái nickname để mặc sức bình phẩm, chê bôi, hay thậm chí thóa mạ và chà đạp kẻ khác. Sự sắc nét ở mặt này của tấm gương thường thường tìm thấy một sự sắc nét chẳng kém ở mặt bên kia. Và bất chấp sự tương phản, cả hai theo một cách tiêu cực củng cố sự xa lánh của cá nhân đối với xã hội.

Mạng xã hội cũng giống như một thứ thuốc phiện, nó xoa dịu nỗi đau của mỗi cá nhân đang ngày càng bị cô lập, nguyên tử hóa trong guồng quay tư bản. Nhưng càng muốn trốn chạy khỏi thực tại khốc liệt chúng ta càng lún sâu vào thế giới ảo. Để rồi sau một ngày làm việc dài mệt nhọc, cả thế giới của chúng ta chỉ còn gói gọn lại trước màn hình điện thoại.

Nói như vậy để thấy rằng xét tới cùng vấn đề nằm ở thực tại mà chúng ta sống, và đó mới là nơi một sự thay đổi thực sự cần phải bắt đầu. Nếu chúng ta trút bỏ được những ngày dài làm việc mệt nhọc, những gánh nặng của mưu sinh, hẳn chúng ta sẽ có thêm nhiều thời gian bên gia đình và bạn bè, hẳn ta có thể loại bỏ những toan tính, cơ hội khỏi sự cân nhắc trong một mối quan hệ để nó chỉ còn sự trong sáng và chân thật. Liệu lúc đó chúng ta còn cần mạng xã hội, hẳn nhiên là có, nhưng chắc chắn điều đó sẽ rất khác.

Theo VNMARXIST.COM

Tags: ,