Philippines đã mất kiểm soát bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc như thế nào?

Philippines từng kiểm soát Scarborough, nhưng quyết định triển khai tàu chiến tới đây năm 2012 đã châm ngòi căng thẳng với Trung Quốc, khiến họ bị đẩy khỏi bãi cạn.

Philippines đã mất kiểm soát bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc như thế nào?

Trung Quốc và Philippines ngày 26/9 đấu khẩu về dây phao gần bãi cạn Scarborough, rạn san hô vòng nằm cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 230 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000 km. Tranh cãi này gây lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông, nơi từng chứng kiến hai tháng đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến quyền kiểm soát bãi cạn năm 2012.

Trước khi sự cố xảy ra, Philippines tuyên bố Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình và duy trì quyền kiểm soát bằng cách thường xuyên triển khai tàu tuần tra, máy bay tới khu vực, nơi ngư dân nước này coi là ngư trường truyền thống.

Ngày 8/4/2012, máy bay Philippines phát hiện một nhóm ngư dân Trung Quốc neo tàu trong bãi cạn Scarborough. Chính quyền Tổng thống Benigno Aquino III lập tức ra lệnh triển khai BRP Gregorio del Pilar, chiến hạm lớn nhất trong biên chế hải quân nước này, tới bãi cạn.

BRP Gregorio del Pilar là tàu tuần duyên lớp Hamilton được Mỹ chuyển giao cho Philippines năm 2010 và được hoán cải thành tàu chiến, được Manila đưa vào hoạt động từ tháng 8/2011.

“Chính việc triển khai tàu chiến này tới Scarborough đã khởi đầu cho chuỗi sự kiện dẫn tới việc Philippines để mất quyền kiểm soát bãi cạn vào tay Trung Quốc”, Rigoberto D. Tiglao, nhà bình luận của Manila Times, nói.

Báo cáo của hải quân Philippines cho biết lý do triển khai tàu BRP Gregorio del Pilar là “để bảo vệ bãi cạn Scarborough khỏi bị phá hủy thêm và khẳng định quyền quản lý hợp pháp với khu vực”. Tuy nhiên, quyết định này đã gây hậu quả nghiêm trọng, theo giới quan sát.

“Đầu tiên, Philippines gửi thông điệp rằng họ sẵn sàng chiến đấu khi điều tàu chiến tới khu vực. Thứ hai, họ đã coi vấn đề như tranh chấp quốc tế”, Huang Jing, giáo sư tại Trung tâm châu Á và Toàn cầu hóa của Đại học Quốc gia Singapore, nói vào thời điểm đó.

Manila và Bắc Kinh trước đó không có những động thái quyết liệt khiến tranh chấp trở thành vấn đề nóng cần giải quyết. Cả hai bên không có những nỗ lực khẳng định yêu sách và biến bãi cạn thành khu vực của riêng họ. Do đó, ngư dân hai nước vẫn có thể cùng đánh bắt cá trong vùng biển này.

Vị trí bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Đồ họa: CSIS

Các tàu tuần tra mà hai nước triển khai tới bãi cạn đều là tàu dân sự. Tàu của Trung Quốc thuộc lực lượng Hải giám, đơn vị thuộc Cục Quản lý Đại dương. Trong khi đó, Philippines triển khai phương tiện của cảnh sát biển và tàu tuần tra của Cục Ngư nghiệp và Nguồn lợi Thủy sản (BFAR) thuộc Bộ Nông nghiệp.

BRP Gregorio del Pilar là tàu chiến đầu tiên xuất hiện ở bãi cạn Scarborough. Khi chiến hạm đến nơi vào ngày 10/4/2012, một nhóm đặc nhiệm hải quân Philippines đã lên kiểm tra 8 tàu đánh cá Trung Quốc trong bãi cạn.

Đặc nhiệm Philippines phát hiện san hô, sò tai tượng và các loài có nguy cơ tuyệt chủng trên 8 tàu cá Trung Quốc nên tuyên bố sẽ bắt các ngư dân nước này với cáo buộc vi phạm luật pháp Philippines.

Tàu cá Trung Quốc lập tức gửi tín hiệu cầu cứu tới giới chức ở Hải Nam. Hai giờ sau, hai tàu Hải giám Trung Quốc đang tuần tra gần đó được lệnh đến bãi cạn, ngăn tàu chiến Philippines tiếp cận tàu cá để bắt ngư dân.

Trung Quốc sau đó chỉ trích Philippines đã “quân sự hóa” bãi cạn Scarborough và nói rằng việc Philippines cử tàu chiến đến khu vực tranh chấp là hành động đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết yêu sách lãnh thổ, cách tiếp cận được cho là vi phạm hiến chương của Liên Hợp Quốc.

Những bức ảnh được đăng trên trang nhất Philippine StarInquirer cho thấy lính hải quân Philippines cầm súng trường canh giữ ngư dân Trung Quốc. Điều này đã gây ra làn sóng phẫn nộ chưa từng có đối với Philippines trong dư luận Trung Quốc. Người Trung Quốc bày tỏ phẫn nộ trên mạng xã hội và thậm chí yêu cầu quân đội Trung Quốc (PLA) tấn công Philippines.

“Tàu chiến Philippines đã quấy rối ngư dân Trung Quốc khi họ đang tuyệt vọng tìm nơi tránh bão trong bãi cạn Scarborough. Các thủy thủ của họ lên tàu và chĩa súng vào ngư dân của chúng tôi”, người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tuyên bố.

Một quan chức đại sứ quán Mỹ khi đó nói với Tổng thống Aquino rằng động thái cử binh sĩ bắt ngư dân Trung Quốc đã biến Philippines thành “bên gây hấn”. Tổng thống Aquino lập tức yêu cầu tàu chiến BRP Gregorio del Pilar rời bãi cạn vào ngày 12/4, nói rằng “chúng tôi không muốn chiến tranh”.

Ngoại trưởng Albert Del Rosario và Tư lệnh Hải quân Philippines giải thích với truyền thông rằng tàu chiến Gregorio del Pilar trở về căn cứ để bổ sung lương thực và nước ngọt. Tàu tuần tra của BFAR và hai tàu Cảnh sát biển Philippines được lệnh bám trụ trong bãi cạn.

Trung Quốc điều tàu Hải giám thứ ba tới bãi cạn, cùng với hơn 20 tàu cá nhỏ, nỗ lực được xem để phô diễn “sức mạnh nhân dân” trên biển, theo giới quan sát.

Các tàu Trung Quốc và Philippines đều không chịu rời bãi cạn, bởi họ biết bên nào rời đi trước sẽ được xem là từ bỏ quyền kiểm soát khu vực.

Điều khiến Trung Quốc phẫn nộ hơn là động thái công khai nhờ Mỹ giúp đỡ của chính quyền Tổng thống Aquino. Tổng thống Philippines và Ngoại trưởng Del Rosario đề nghị Mỹ can thiệp và triển khai tàu chiến tới khu vực. Họ muốn gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng Washington sẽ bảo vệ các tàu Philippines nếu bị tấn công.

Del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin đã tới thủ đô Washington ngày 30/4 để gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta. Del Rosario viện dẫn những tuyên bố năm trước của bà Clinton rằng Mỹ sẽ tuân thủ hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, trong đó yêu cầu Washington bảo vệ Manila trong trường hợp bị tấn công.

Vài ngày sau cuộc gặp bà Clinton, Del Rosario ra tuyên bố ngày 9/5/2012 rằng “các quan chức Mỹ đã bốn lần khẳng định rằng họ sẽ tôn trọng hiệp ước phòng thủ chung năm 1951”.

Đại sứ quán Mỹ lặp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines khi nói rằng bà Clinton trong cuộc gặp ở Washington đã nói “Mỹ tái khẳng định cam kết và nghĩa vụ của chúng tôi theo hiệp ước phòng thủ chung”. Tuy nhiên, bà Clinton trong một số tuyên bố nhấn mạnh “Mỹ không có ý kiến trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia”.

Đáp lại, Trung Quốc tăng cường những lời chỉ trích nhắm vào Philippines. Các bài xã luận trên truyền thông nhà nước Trung Quốc và Nhật báo Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) kêu gọi phát động cuộc chiến chống lại Philippines vì bãi cạn Scarborough.

Ngoài phong tỏa trên biển, Bắc Kinh còn gây áp lực về kinh tế với Manila với các biện pháp siết nhập khẩu. Ngày 3/5/2012, hải quan Trung Quốc từ chối cho các tàu chở hoa quả Philippines cập cảng, với lý do không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.

Trên thực địa, Trung Quốc không ngừng tăng sức ép với Philippines. Đến ngày 21/5, Philippines chỉ còn hai tàu bám trụ tại bãi cạn, trong khi Trung Quốc có 5 tàu hải giám cùng nhiều tàu cá.

Đối mặt với tình thế ngày càng bất lợi, Tổng thống Aquino quyết định dựa vào kênh ngoại giao, cử thượng nghị sĩ Antonio Trillanes bí mật đàm phán với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh.

Sau 16 cuộc gặp giữa quan chức hai bên, Philippines quyết định rút hai tàu còn lại ở bãi cạn Scarborough vào ngày 15/6 với lý do tránh bão.

Hiện có hai cách giải thích về quyết định này của Philippines. Một luồng ý kiến cho rằng Kurt Campbell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đã đạt được thỏa thuận với bà Phó Oánh về việc cả Philippines và Trung Quốc cùng rút tàu khỏi Scarborough vào đầu tháng 6. Trung Quốc khi đó được cho là đã cam kết “giảm căng thẳng” ở Scarborough, còn Mỹ gây sức ép để Philippines có động thái tương tự, theo FT.

Manila tuân thủ thỏa thuận này, nhưng Bắc Kinh vẫn duy trì tàu hải giám của mình trong bãi cạn.

Cách giải thích thứ hai là trong các cuộc đàm phán, bà Phó Oánh chỉ cam kết truyền đạt “đề xuất” tới cấp trên, theo trang GMA của Philippines. Nhưng hiểu nhầm trong khâu liên lạc dường như khiến Manila tin rằng Bắc Kinh đã đồng ý với thỏa thuận rút tàu.

Dù cách giải thích là gì, thực tế là Philippines đã không còn bất cứ tàu nào hiện diện ở Scarborough sau hơn hai tháng căng thẳng với Trung Quốc. Tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc sau đó chắn ngang lối vào duy nhất của bãi cạn, khiến Philippines không còn cách nào tiến được vào Scarborough.

Sau khi đẩy lực lượng Philippines khỏi bãi cạn, Trung Quốc duy trì kiểm soát Scarborough, thường xuyên triển khai tàu hải giám và sau này là hải cảnh, cũng như tàu cá tới khu vực.

Dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte, người có lập trường thân thiện với Trung Quốc, từ năm 2016-2022, hải cảnh Trung Quốc cho phép tàu cá Philippines hoạt động gần bãi cạn, chủ yếu là các tàu nhỏ. Nhưng điều này thay đổi từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, lên nắm quyền.

Trong họp báo ở Bắc Kinh ngày 26/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cảnh báo Philippines “không khiêu khích hay gây rắc rối”, tuyên bố Bắc Kinh sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền hàng hải và lợi ích của đảo Hoàng Nham”, cách nước này gọi bãi cạn Scarborough.Jay Tarriela, phát ngôn viên cảnh sát biển Philippines, ngày 27/9 kêu gọi ngư dân nước này duy trì hiện diện ở Scarborough và cam kết sẽ triển khai lực lượng tuần tra để bảo vệ họ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Philippines hiện nay chưa đủ nguồn lực để có thể “thi gan” với Trung Quốc tại bãi cạn.

Theo VNEXPRESS / MANILA TIMES / REUTERS

Tags: , , ,