Đạo Phật là đạo của sự tự lực, không có chỗ cho kẻ trông chờ vào phép màu

Chúng ta hạnh phúc hay khổ đau không phải do một thế lực siêu nhiên nào đó quyết định mà do khả năng chuyển hóa phiền não của mỗi cá nhân.

Dư luận xôn xao chuyện hàng vạn người đổ về một ngôi chùa ở phía Bắc chiêm bái xá lợi tóc của Phật. Xá lợi tóc quay liên tục và thay đổi nhiều hình dạng khác nhau mà không có tác động từ ngoại cảnh. Nhiều người quỳ lạy, khấn vái và xúc động tuôn trào nước mắt.

Theo thông tin từ nhà chùa, những ai dù chỉ một lần cung kính đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường xá lợi tóc cũng được “vô lượng phúc báu” cho hiện tại và nhiều đời về sau nhờ năng lực của Đức Phật vẫn còn đang hiện diện thông qua xá lợi tóc chuyển động.

>> Sợi ‘tóc Phật’ ngoe nguẩy hay trò bịp của sư Thích Trúc Thái Minh?

Nếu điều này là thật, vậy cả tám tỷ người trên trái đất này không cần phải làm gì nữa, không cần phải lao tâm khổ tứ vất vả lao động kiếm kế sinh nhai nữa, chỉ cần chúng ta đến đảnh lễ, cúng dường xá lợi Phật là được ban phước báu để sống tốt trong nhiều đời, nhiều kiếp. Hạnh phúc và thành công đến với mỗi người có phải quá dễ dàng như vậy không?

Nếu ta tin vào điều này, tức là ta đang đặt hoàn toàn vận mệnh của bản thân vào sự sắp đặt của người khác, phó thác và lệ thuộc cuộc sống của mình cho yếu tố ngoại cảnh. Như vậy, chúng ta sẽ mất đi khả năng tự làm chủ và thậm chí trở nên vô trách nhiệm với chính cuộc đời mình.

Nhưng, khi đến bất cứ ngôi chùa nào ở Thủ đô hay ở một vùng quê xa xôi trong những ngày đầu năm, tôi đều chúng kiến dòng người chen cứng, vái lạy cầu xin tài lộc, may mắn; không gian trong chùa tấp nập và ngập mùi hương khói.

Nhưng điều đáng kể nhất là sự cầu tài, cầu lộc của các thầy cúng và nhiều người đi chùa, người ngồi, người quỳ nhấp nhô, miệng xuýt xoa khấn vái, chắp tay khấn lạy xì xụp “cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc”,…

>> Khi tà sư ẩn mình trong chùa, lợi dụng sự mê tín để trục lợi

Nhưng, Đức Phật không hề muốn chúng ta tôn sùng ngài như thần thánh hay đấng siêu nhiên có năng lực ban phúc giáng hoạ cho bất kỳ ai. Người có trí tuệ siêu phàm nhưng vô cùng giản dị, khiêm nhường và không hề ra rời thực tế.

Người nói: “Ai tin ta mà không hiểu ta tức phỉ báng ta”, “Chỉ khi nào quý vị suy tư, chiêm nghiệm và nhận thức xác đáng điều gì là chân chính, mang lại lợi ích cho mình và cho người khác rồi hãy đem lòng tin tưởng và làm theo”.

Phật không muốn chúng ta đặt niềm tin vào bất cứ ai, bất cứ điều gì một cách mù quáng, không hề có suy xét, hay kiểm chứng thực tế.

Phật dạy: “Các con phải tự nỗ lực, các đấng Như Lai chỉ là đạo sư. Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác”.

Điều này chính là câu mà chúng ta vẫn hay nói “Phật tại tâm” của mỗi người. Nếu mình tu dưỡng và thực hành như lời Phật dạy thì Phật đang xuất hiện trong chính mình. Hãy tin vào sự nỗ lực, thiện căn của chính mình!

Chúng ta hạnh phúc hay khổ đau không phải do một thế lực siêu nhiên nào đó quyết định mà do khả năng chuyển hóa phiền não của mỗi cá nhân. Vì vậy, chúng ta đừng rũ bỏ tất cả trách nhiệm sang cho người khác, đừng hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh, đừng “há miệng chờ sung”, đừng lệ thuộc vào sự ban phát tài lộc, phước báu từ đức Phật. Phật chỉ là người đi trước dẫn đường, giúp chúng ta nhận ra những sai lầm và hướng dẫn cách thức để diệt khổ, tâm an, tạo quả tốt. Hãy tự lực và trông cậy vào chính mình!

Nhớ hồi còn bé, tôi cũng hay theo mẹ và chị đi chùa. Lớn một chút, tôi vẫn giữ thói quen của gia đình là lên chùa đặt lễ khấn cầu các Chư Phật ban cho những gì mình muốn. Sau rất nhiều lần thất vọng vì không đạt được ý nguyện, tôi không còn tin vào sự mầu nhiệm thần bí của Đức Phật nên bẵng đi một thời gian dài tôi không lên chùa nữa.

Sau này, khi đọc sách về Phật và được nghe một số nhà tu hành giảng về đạo Phật, tôi ngẫm nghĩ và đối chiếu lại những gì đã diễn ra trong cuộc đời mình thì mới thấy mình đã hiểu sai bấy lâu và bắt đầu “vỡ” ra nhiều giá trị tuyệt vời của đạo Phật.

Tôi nhận ra rằng, trước đây tôi thường thất bại và gặp nhiều điều bất như ý vì lối tư duy và phương pháp thực hiện chưa phù hợp, chưa đủ sự cần mẫn chăm chỉ, chưa quyết liệt nỗ lực hết mình.

Giờ đây, tôi chẳng lên chùa “xin xỏ” như trước mà vẫn thấy có được nhiều thứ mình mong muốn. Phải chăng, đó là do tôi đã thay đổi cách nghĩ và cách làm phù hợp hơn với lời dạy của Phật.

Vậy nên, chẳng phải cứ lên chùa là tu, cứ cầu xin là được. Điều quan trọng là cần phải biết lấy chữ “tu thân” làm đầu. Cha ông ta cũng dạy: “Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”.

Nếu như trước đây tôi lên chùa vì hiểu biết lệch lạc hoặc vì sự mơ hồ, mê muội thì giờ đây, tôi đến chùa với mục đích hoàn toàn khác, để vãn cảnh, hít thở không khí an lành, lắng lòng mình lại. Tôi lạy Phật không phải là sự sùng bái đối với đấng tối cao, đấng siêu nhiên mà để thể hiện sự ngưỡng mộ đối với một trí tuệ lớn.

Tôi lên chùa để tự nhắc nhở về con đường tu dưỡng, rèn luyện bản thân từ những triết lý sâu xa của đạo Phật mà chính mình đã trải nghiệm trong thực tế và cảm nhận được tính chân thực của nó (mà trong cuộc sống xô bồ có thể nhiều lúc tôi đã quên đi mất).

Đó là sự tự vấn về cái tôi và thế giới xung quanh, là thấm thía bốn nỗi khổ của nhân sinh (sinh, lão, bệnh, tử), là sám hối về thói tham-sân-si của bản thân, là suy ngẫm và tìm kiếm những phương thức hiệu quả nhất để mình tự chữa lành cho bản thân khi có tổn thương. Tất cả những điều đó giúp tôi cảm thấy bản thân tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Tôi nghĩ, khi nhiều người theo đạo Phật, học, hiểu và làm theo lời dạy của Người thì đó là điều đáng mừng cho xã hội bởi căn cốt của đạo Phật là khuyên con người luôn suy nghĩ thiện, làm việc thiện, không làm điều xấu, ác.

Giờ đây, tôi ngồi dưới gốc cây bồ đề trong một chiều vắng, thành tâm hướng về Đức Phật, cảm nhận sự thanh tịnh, an lành nơi cửa Phật, liên hệ giữa đời và đạo, nhắc nhở bản thân đừng quên tu dưỡng và rèn luyện, đó mới là gốc của thành công và hạnh phúc!

Theo ĐỖ HẢI / VIETNAMNET

Tags: ,