⠀
Sự tương đồng giữa truyện cười dân gian Thái Lan và Việt Nam
Về kết cấu, truyện cười dân gian Việt Nam có hai nhóm lớn: truyện cười kết chuỗi là nhóm truyện cười xoay quanh một nhân vật có thực hoặc được coi là có thực, truyện cười không kết chuỗi là truyện cười có kết cấu hoàn chỉnh tồn tại độc lập mang tính phiếm chỉ. Ở Thái Lan, truyện cười là một tiểu loại nằm trong mảng tự sự dân gian và không chia thành các nhóm nhỏ như ở Việt Nam. Trong bài viết này chúng tôi chỉ nghiên cứu nhóm truyện cười dân gian kết chuỗi Việt Nam để tiện so sánh với truyện cười Thái Lan, mặc định thuật ngữ truyện cười thay cho thuật ngữ nhóm truyện cười kết chuỗi của Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Thị Lý.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 391, tháng 1/2017.
Trong số các truyện cười ở Việt Nam, truyện Trạng Quỳnh đứng đầu bảng khẩu vị cười của người Việt. Không hẳn vì đó là những câu chuyện có cốt, có nhân vật trung tâm xâu chuỗi các biến cố, có tính hoàn chỉnh với những giai thoại đặc sắc, thú vị, có tính tư tưởng cao mà bởi có lẽ hơn hết, truyện Trạng Quỳnh, bằng tiếng cười, đã phá tung những xiềng xích để cho những xung năng vô thức bị kìm nén bấy lâu trong mỗi con người nổ tung ra, tạo sự hả hê, khoái trá. Tiếng cười trạng Quỳnh bộc lộ những chiều sâu tâm lý của người Việt. Nhóm truyện về trạng Quỳnh gồm 50 mẩu chuyện. Mỗi mẩu là một giai thoại trong cuộc đời nhân vật nhằm đả kích, châm biếm một ai đó – cả thế quyền lẫn thần quyền. Truyện Sri Thanonchai của Thái Lan là truyện cười tiêu biểu cho kiểu truyện vui nhộn đầy chất trí tuệ của nhân dân Thái Lan. Sri Thanonchai, tên nhân vật chính, là một người khôn ngoan, mưu mẹo khác người, luôn tìm cách thoát ra khỏi mọi tình huống khó xử một cách tài tình, gây bất ngờ đến khó tin nhờ trí thông minh, sắc sảo.
Sự tương đồng về kết cấu
Truyện cười không tự đặt ra cho mình nhiệm vụ kể lại số phận, cuộc đời của nhân vật như trong truyện cổ tích. Nó chỉ là một lát cắt ngang trong cuộc đời của nhân vật. Khi tiếng cười nổ ra là lúc câu chuyện kết thúc. Vì thế, truyện cười dân gian thường được cấu tạo hết sức chặt chẽ và giàu kịch tính. Trong thi pháp truyện cười, mỗi một truyện được xây dựng như một màn kịch ngắn, lấy ngôn ngữ có tính đối thoại làm nền tảng. Trong kết cấu truyện cười, yếu tố bất ngờ (ngôn ngữ, hành vi) là điều quan trọng, có giá trị quyết định tiếng cười. Do đó, các phần mở đầu và kết thúc, với chức năng giới thiệu, lý giải, thường có tính chất rất ngắn gọn, đôi khi đượcgiản lược tối đa, nhất là phần cuối.
Kết cấu chung của các truyện thường gồm ba phần: mở đầu, diễn biến và kết thúc. Đây dường như là kết cấu chung của nhiều thể loại tự sự dân gian khác nhau. Sự đơn điệu trong kết cấu không làm mất đi tính đa dạng và phong phú của loại hình vì ngoài những điểm chung, chúng còn được xây dựng bằng nhiều chất liệu độc đáo khác.
Truyện cười hai nước có sự tương đồng ở kết cấu của phần diễn biến câu chuyện. Phần diễn biến hay những cuộc đấu trí của trạng là phần chiếm dung lượng lớn nhất trong mỗi chuỗi truyện trạng. Phần kết thúc thường kể về cái chết của nhân vật trạng, cũng là lúc câu chuyện dừng lại. Theo thống kê của chúng tôi, qua khảo sát chuỗi truyện cười về trạng Quỳnh và Sri Thanonchai ở 6 tuyển tập (1), gồm 80 mẩu truyện ngắn và 18 truyện dài (mỗi truyện gồm nhiều mẩu ngắn), nếu trừ đi những mẩu truyện mở đầu và kết thúc thì có tới không dưới 100 cuộc đấu trí của hai nhân vật này với nhiều thế lực khác nhau trong xã hội, mà phần thắng hầu hết nghiêng về các nhân vật này. Mỗi cuộc đấu tài, đấu mẹo, nhân vật chính lại được khắc họa và tô đậm thêm phẩm chất cũng như tính cách của mình. Hết lần này đến lần khác, trạng Quỳnh và Sri Thanonchai dùng nhiều cách để dồn đối phương vào thế bí; chê bai, thậm chí là chửi xỏ đối thủ giữa thanh thiên bạch nhật, trước sự chứng kiến của nhiều người mà họ vẫn phải im lặng, không dám oán thán.
Truyện Trạng Quỳnh và Sri Thanonchai đều bao gồm nhiều mẩu truyện khác nhau. Kết cấu truyện khá độc đáo, hoàn chỉnh nhưng cũng rất uyển chuyển. Vì thế nhân dân có thể và thường tách riêng thành từng mẩu chuyện nhỏ để kể cho nhau nghe như một truyện cười đơn lẻ… Bên cạnh sự độc lập tương đối trong từng mẩu truyện, thì giữa những mẩu truyện với nhau lại có sự liên kết làm thành một chuỗi truyện thống nhất về nội dung và hình thức. Sự kết chuỗi của chuyện cười làm nên tính chỉnh thể cho toàn bộ chuỗi chuyện nhưng nó chưa có tính bền chặt. Điều này đã khu biệt kết cấu của thể loại chuyện cười kết chuỗi với kết cấu của nhiều thể loại tự sự dân gian khác.
Người ta khó có thể bị thuyết phục được ngay nếu chỉ nghe một mẩu chuyện cười và nhân vật chính trong chuỗi truyện cười ấy cũng chỉ là một nhân vật thông minh bình thường như nhiều nhân vật khác xuất hiện trong các thể loại khác. Sự xuất hiện trở đi trở lại của nhân vật chính trong nhiều mẩu truyện có nội dung khác nhau là sự nhấn mạnh và tạo ra sự cộng hưởng trong cảm xúc. Mỗi mẩu chuyện đều là một sự độc đáo, mang lại cho người đọc và người nghe những xúc cảm mới, những niềm vui chiến thắng mới của trí tuệ con người.
Sự tương đồng về thủ pháp gây cười
Mấu chốt của nghệ thuật gây cười là phải làm sao cho cái đáng cười tự nó bộc lộ ra một cách cụ thể, sinh động, bất ngờ nhất. Có nhiều phương pháp gây cười được sử dụng trong truyện cười dân gian như lấy lời nói gây ra tiếng cười; cử chỉ gây cười; lấy hoàn cảnh gây cười. Ngoài ra còn một số phương pháp như phóng đại sự việc, dùng yếu tố bất ngờ, ẩn dụ, nhân hóa…
Truyện Trạng Quỳnh và Sri Thanonchai có sự tương đồng trong việc sử dụng biện pháp chơi chữ và mẹo lừa để tạo ra tiếng cười cho người thưởng thức.
Để tạo ra tiếng cười giòn giã, tác giả truyện cười dân gian đã rất linh hoạt, tinh tế trong cách sử dụng ngôn ngữ dân tộc. Tác giả dân gian chơi chữ bằng nhiều phương cách khác nhau. Trong nhiều trường hợp, họ đã vận dụng sáng tạo và triệt để những gì ngôn ngữ có thể đem lại, nhằm phục vụ mục đích của mình. Có rất nhiều cách khai thác chữ và nghĩa để chuyển từ ý bình thường thành ra châm biếm, hài hước. Trong đó, tiêu biểu nhất là cách sử dụng từ đồng âm.
Tiếng Việt có rất nhiều từ đồng âm khác nghĩa. Sự mập mờ, dễ bị đảo lộn từ nghĩa này sang nghĩa khác trở thành địa hạt để dân gian thể hiện sự thông minh tài tình của mình. Trạng Quỳnh lợi dụng sự đồng âm của từ “Bảo Thái”, vừa là niên hiệu của vua lại vừa chỉ những kẻ đã “bảo” các bà, các cô hàng thịt “thái” thịt để chửi khiến cho nhà vua không dám ra khỏi cổng thành. Lần khác, Quỳnh khiến cho bọn phú hào háo danh trở thành trò cười trước mặt làng xóm mà không một ai dám oán trách. Ở mẩu chuyện Trả ơn chúa Liễu, vợ ốm, trạng Quỳnh xin nếu chúa Liễu phù hộ cho vợ mình khỏi bệnh sẽ trả lễ “ba bò”. Khi vợ Quỳnh khỏi bệnh thì trạng đã trả lễ bằng cách bò đúng ba vòng trước sân. Trạng Quỳnh còn sử dụng các vế đối có từ đồng âm dị nghĩa để lỡm quan thị và quan võ trong truyện Lại lỡm quan thị, làm cho hai ông này choảng nhau một trận ra trò.Trạng Quỳnh ca ngợi công đức nhà chúa và sự an vui của người dân bằng một bài văn trong đó có câu: “Quan tắc cổ, dân tắc cổ, đái hàm quan Nghiêu Thuấn chi dân/ Thượng ung tai, hạ ung tai, ỷ đầu lại Đường Ngu chi đức” (có nghĩa: Quan theo phép xưa, dân theo phép xưa, đội ơn quan dân được sống đời Nghiêu Thuấn/ Trên vui thay, dưới vui thay, dựa vào đám đầu lại có đức độ thời Đường Ngu). Nhưng đó chỉ là nghĩa bề nổi, nghĩa ẩn của nó lại là một sự phủ định. Nếu đọc theo kiểu Hán thì rất hay nhưng khi diễn Nôm, lại thành câu chửi khéo.
Ở Thái Lan, ngôn ngữ cũng phong phú không kém và việc sử dụng từ đồng âm cũng là một chiêu mà Sri Thanonchai dùng để thách thức đối tượng khác. Trong truyện Thua cuộc mất miếng, sau khi lừa lấy hết miếng (ở Việt Nam gọi là chè hoặc trà) của người đi buôn miếng, Sri Thanonchai bị vua bắt vào xét hỏi, nhưng sau khi xét thấy cái lý của Sri Thanonchai không sai nên vua bèn sai quan cai quản kho bạc xuất ra 5-6 bạt (đơn vị tiền tệ Thái) để chuộc lại miếng cho người đi buôn. Nhưng Sri Thanonchai đòi phải lấy số tiền đầy bạt (dụng cụ của nhà sư khi đi khất thực, nó to, rộng và sâu có thể đựng được nhiều đồ). Sri Thanonchai đã khéo léo qua mặt cả vua khi lợi dụng sự đồng âm khác nghĩa của ngôn ngữ Thái.
Tạo ra những tình huống gây cười bằng các mẹo lừa cũng là biện pháp được sử dụng nhiều trong truyện Trạng Quỳnh và Sri Thanonchai. Trước một nhân vật thường là đối thủ và cũng là đối tượng cười, Trạng Quỳnh và Sri Thanonchai tung ra những mẹo lừa ngoạn mục khiến đối phương không kịp trở tay. Những mẹo lừa này có khi rất thông minh, thể hiện sự phản ứng nhanh nhạy, tài ứng phó trong nhiều hoàn cảnh khó khăn thậm chí nguy hiểm nhưng đôi khi cũng thể hiện sự nghịch ngợm, sự thái quá và ý đồ tư lợi. Để thực hiện được mục đích của mình, nhiều khi nhân vật đã phải “hy sinh”, lấy ngay bản thân mình ra làm “mồi nhử” cho đối phương “cắn câu”. Vì vậy, trong không ít câu chuyện, đối tượng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.
Trạng Quỳnh và Sri Thanonchai thường nắm giữ thế chủ động trong việc tạo ra những mẹo lừa gài bẫy nhân vật bị chế giễu. Có thể đó là hành động lừa gạt, nói dối hay dùng “gậy ông đập lưng ông”… Trạng Quỳnh giả làm anh lính hầu mang thức ăn cho sứ Tàu rồi bất ngờ gõ vào đầu sứ giả. Sứ Tàu tức giận đuổi theo chui qua cổng thành đề chữ “Đại Nam quốc môn” từ lúc nào không hay (Sứ Tàu mắc lỡm). Tương tự, Trạng Quỳnh nhúng mười đầu ngón tay vào mực, quệt thành mười con giun ngoằn ngoèo nộp cho vua Tàu bảo đó là giống rồng nước Nam (Thi vẽ rồng). Sứ Tàu đòi thách chọi trâu với nước Nam, Quỳnh cho trâu nước Tàu đấu với nghé nước Nam. Nghé bị nhốt đói thấy trâu đực tưởng mẹ rúc đầu xuống bụng tìm vú để bú. Trâu đực nhột không chịu được bỏ chạy, trạng reo to rằng đã thắng (Trạng chọi trâu)…
Sri Thanonchai đã đem lại tiếng cười giòn giã, hả hê cho người Thái bằng những cú lừa bịp không chừa một ai, từ người thường như quan, vua, người phương Tây, bố vợ… đến thần linh, ma quỷ. Chính vì thế, giá trị tiếng cười được nhân lên sâu sắc. Sỉ dám lừa cả vua (Lừa vua xuống nước), chỉ bằng câu nói: “Nếu hoàng thượng đã xuống nước rồi thì con tin chắc sẽ lừa được ngài rất dễ thôi!”. Thế là nhà vua, như phản xạ tự nhiên, bước xuống nước. Cú lừa đơn giản nhưng vô cùng ngoạn mục đã mang lại tiếng cười giòn giã cho người đọc. Cốt truyện này không xa lạ với người Việt Nam, nó gần giống với cốt truyện chú Cuội lừa Lang xuống nước. Chú Cuội cũng là một nhân vật trung tâm trong truyện cười kết chuỗi về nhân vật Cuội của văn học dân gian Việt Nam. Điều này lại càng thể hiện sự gần gũi và tương đồng giữa truyện cười Thái Lan và truyện cười Việt Nam không chỉ ở mức độ kết cấu, biện pháp tình huống, môtip mà còn nâng lên ở mức cốt truyện.
Trí tuệ của Sri Thanonchai còn lừa đối thủ ở các nước bang giao bằng nhiều phương thức trong các cuộc thi tài như Thi lặn, Thi triết học, Thi đọc kinh cua bò, Thi dựng tháp, Thi dịch kinh. Hay trong các cuộc chiến với thần linh và ma quỷ, như Lừa quỷ Dắc vào hang, Vật tế Thánh mẫu Cali, Vương cung của những hồn ma góa bụa, Chiến thắng Dắc khổng lồ, Tha Nôn Chay đại náo thiên cung, đều xuất hiện mẹo lừa… Đa phần mẹo lừa của Sri Thanonchai rất đơn giản, được đúc kết từ những kinh nghiệm sống dân gian, khiến đối tượng bị lừa nhiều khi không ngờ, dẫn tới thua cuộc. Vì thế tiếng cười của dân gian lại càng tự nhiên, gần gũi và tính chân thực của các câu chuyện cười lại được tăng lên nhiều lần.
Những mẹo lừa như trên mang ý nghĩa tích cực, lật tẩy bộ mặt thật của đối tượng cần phê phán, mang lại những bài học sâu sắc về đạo đức, ứng xử. Thủ pháp gây cười này đã tạo ra nhiều môtip cho truyện cười, chứng tỏ ngoài việc gây cười còn có vai trò cấu thành nên nội dung tác phẩm. Nhờ trí thông minh, giỏi ứng biến, láu cá, các nhân vật truyện cười đã liên tục “đòn” lừa, khiến đối phương nhiều lần mắc lỡm mà chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến truyện cười dân gian Thái Lan và Việt Nam thú vị, hấp dẫn và lôi cuốn người đọc, người nghe nhiều thế hệ.
Sự tương đồng về môtip
Nhằm giúp con người tránh khỏi những mê muội trong tín ngưỡng hoặc là để giải thiêng, hạ bệ một thế lực thần bí nào đó, tác giả dân gian đã sử dụng môtip hạ bệ thần linh và tạo ra nhiều câu chuyện thú vị. Truyện cười dân gian là vũ khí đấu tranh trên phương diện tư tưởng nên đời sống tinh thần trở thành phần đất rất quan trọng để người xưa gieo hạt mầm tranh đấu.
Truyện Trạng Quỳnh là một ví dụ tiêu biểu cho việc sử dụng môtip này của truyện cười. Từ pho tượng chống gậy xiêu vẹo trông như người say rượu, Thành hoàng làng đến bức tượng bà Banh khỏa thân và cả chúa Liễu nổi tiếng linh thiêng đều trở thành đối tượng cười, đùa nghịch của trạng. Trạng Quỳnh gọi chúa Liễu là “chị” xưng “em”, gọi Thành hoàng làng là “chú” xưng “tôi”. Sự dân chủ trước thần thánh, tính chất hai mặt của tín ngưỡng dân gian được thể hiện rõ ràng trong từng mẩu truyện.
So với trạng Quỳnh, Sri Thanonchai là một nhân vật dám hạ bệ thần linh với đối tượng đa dạng và mức độ dũng cảm, liều lĩnh cao hơn. Từ lúc bước chân vào chùa, Sỉ đã làm cho sư sãi kinh động. Trong các truyện Chú tiểu hổ mang, Thầy nào tớ ấy, Sri Thanonchai đã hạ bệ các sư cụ, sư thày, thậm chí họ còn bị trạng hành hạ về thể xác, đau đớn, nhục nhã về tinh thần. Sri Thanonchai phê phán, chơi khăm và dám tiêu diệt đối tượng cực kỳ đáng sợ như quỷ Dắc khổng lồ, hồn ma góa bụa, thánh mẫu Cali. Đỉnh cao nhất, Sri Thanonchai còn dám trêu chọc cả những đấng tối cao của cõi trời, trong Tha Nôn Chay đại náo thiên cung, hay cõi âm trong Đại náo cõi âm. Như vậy, có thể thấy đối tượng trêu đùa, phê phán và đấu tranh của Sri Thanonchai rất đa dạng và toàn diện. Dường như không có thần linh nào có thể lọt qua đôi mắt sắc lạnh và cái đầu sắc sảo của Sri Thanonchai.
Môtip hạ bệ thần linh đã đưa lại những bài học triết lý đạo đức, bởi trong cuộc đấu trí đầy cam go, các nhân vật đã thể hiện được bản lĩnh, không hề khuất phục trước mọi sức mạnh của thần linh hoặc những đấng tối cao. Họ dành phần thắng như một sự tất yếu vì họ chính là nhân dân, là khát vọng, ước mơ của thời đại.
Một trong những môtip mà tác giả truyện cười dân gian rất ưa dùng là cách chơi xỏ “gậy ông đập lưng ông”. Môtip này thường có mô hình chung như sau: người có uy quyền yêu cầu nhân vật chính thực hiện một điều gì đó. Nhân vật chính, lúc này có thể chưa thực hiện điều yêu cầu nhưng một lúc nào đấy, sẽ dùng chính những mệnh lệnh ấy làm vũ khí đánh bại nhân vật uy quyền. Như vậy, ở mức độ nhất định, đây cũng là cách lừa bằng mẹo nhưng độc đáo hơn là lợi dụng ngay yêu cầu, mệnh lệnh của đối thủ để gạt lại chính đối thủ ấy.
Trạng Quỳnh thì tương kế tựu kế, nhờ vua bắt cha mình đẻ để phủ định lại yêu cầu vô lý kia của vua với dân làng mình (Dê đực chửa). Trạng còn tặng rau cải cho chúa ăn và sau đó nói nó tươi tốt, ngon ngọt như thế là nhờ “hơi phân” của lính nội phủ nhà chúa (Ăn rồi, khó nói).
Trong chuỗi truyện Sri Thanonchai cũng có khá nhiều mẩu sử dụng môtip này: Cục phân chó tai hại, Khóc không nên phải đền tội, Đến chầu vua trước gà, Ham xin trí khôn, Các nữ tỳ bị một phen hú vía, Tên gian trá gặp kẻ láu lỉnh, Không cho gặp mặt thì gặp mông, Vua ăn cứt kên kên… Trong truyện Cục phân chó tai hại, Sỉ được ông chủ giao cho một mâm trầu cau để đi theo hầu ông ta vào cung vua. Đến nơi thiết triều, lão phú hộ chờ mãi mà Sỉ chưa tới để lấy trầu cau ăn. Vừa trông thấy mặt Sỉ, lão mắng tới tấp và lấy trầu cau ăn nhưng chỉ còn mỗi cau mà không có trầu. Sỉ thưa rằng vì bị ngã nên đổ hết trầu thuốc mất rồi. Rất tức giận nhưng lão dặn Sỉ từ lần sau nhặt tất cả những thứ gì rơi vãi vào khay khi đi theo hầu. Sỉ yên lặng, cẩn thận ghi lòng tạc dạ lời của chủ để rồi lại dâng lên cho lão ta mâm trầu cau lẫn phân chó. Dù rất căm giận Sỉ nhưng lão phú hộ vẫn chịu thua vì đuối lý. Lão không thể trách cứ Sỉ vì chàng đã làm theo đúng yêu cầu của mình. Qua câu chuyện, quan lại cường hào đã bị đánh gục bởi trí thông minh và mưu mẹo tài tình của các nhân vật. Tiếng cười bật ra khi tên quan bị làm bẽ mặt trước mọi người mà không dám mở lời trách móc. Càng thú vị hơn khi người đọc, người nghe chứng kiến không chỉ một lần mà là nhiều lần, đối thủ của các nhân vật chính tự đào hố chôn mình. Trạng Quỳnh và Sri Thanonchai đã khéo léo dùng “gậy ông đập lưng ông” khiến đối phương không kịp trở tay, vừa bị hạ nhục vừa phải đau đớn nuốt hận vì nỗi nhục ấy gián tiếp do bản thân mình gây ra. Sự tài trí của các nhân vật vì thế càng thuyết phục được tất cả mọi người.
Sự tương đồng giữa truyện cười dân gian Thái Lan, đại diện là truyện Sri Thanonchai, và truyện cười dân gian Việt Nam, đại diện là truyện Trạng Quỳnh, được thể hiện trên ba phương diện chính: kết cấu, thủ pháp và môtip. Trong đó, sự tương đồng về thủ pháp và môtip là hai điểm nổi bật và có ý nghĩa quan trọng nhất trong quá trình tìm hiểu về loại truyện cười kết chuỗi ở khu vực Đông Nam Á. Những điểm tương đồng này tạo ra một liên kết văn hóa khu vực đặc trưng giữa hai dân tộc Thái Lan và Việt Nam.
———————–
Chú thích:
1. Dương Xuân Cương (dịch), Truyện dân gian Thái Lan, tập 1, Nxb Văn hóa Dân tộc, 1991.
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Tags: Thái Lan, Văn học, Văn hóa Việt, Văn hóa Thái Lan, Trào phúng