Hát đúm – nghệ thuật diễn xướng đặc sắc đồng quê Bắc Bộ

Hát đúm là một sinh hoạt ca hát đối đáp giữa trai và gái, thường diễn ra trong các ngày hội làng vào mùa xuân. Ở Trung du và châu thổ sông Hồng hát đúm của người Việt lại có những nét riêng.

Hát đúm – nghệ thuật diễn xướng đặc sắc đồng quê Bắc Bộ

Tác giả: Phạm Trọng Toàn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 316, tháng 10/2010.

Hát đúm ở Trung du

Hai tỉnh Trung du Phú Thọ và Vĩnh Phúc nằm ở khoảng giữa sông Hồng, là vùng đất cổ, nơi phát tích của người Việt, nơi còn bảo lưu nhiều sinh hoạt văn hóa có yếu tố cổ. Hát đúm là một trong những sinh hoạt văn hóa đó. Qua tìm hiểu được biết, ngày xưa ở vùng đất này có 21 làng, vào đầu xuân hàng năm đều mở hội hát xoan. Hát đúm là một phần của hội hát xoan, sau phần tế lễ theo nghi thức, các cô đào phường xoan và các trai làng sở tại có lối hát đúm. Nam một bên, nữ một bên, có những quả đúm làm cầu nối cho mỗi lời đối đáp của đôi bên. Quả đúm là một mảnh vải điều to bằng hai bàn tay, trong có gói quả cau, lá trầu (đôi khi gói thêm cả đồng tiền trinh). Mở đầu cuộc hát bên nam thường vừa đọc, vừa ngâm ngợi đôi câu thơ, sau đó mời bên nữ hát. Một cô đại diện cho bên nữ tay cầm quả đúm cất giọng:

Ơ… (vậy) Đúm này em dặn thì nghe
Đúm bay cho tới áo the đúm vào
Ơ… Đúm vào người hỏi làm sao?
Em là quả đúm em vào kết duyên

Hát xong, cô gái tung quả đúm về phía một chàng trai mà cô muốn đối đáp. Chàng trai nhặt quả đúm lên, mở ra cho thêm một miếng trầu hay một quả cau rồi túm lại, sau đó cất tiếng hát đáp:

Ơ… (vậy) Đào ởi đào ơi
Đào dích lại đây
Đào dịch lại đây
Anh cầm quả đúm trao tay cho đào

Cuối câu hát, chàng trai tiến lại phía cô đào, cầm tay cô và trao quả đúm. Cứ thế, lần lượt đến cặp trai gái khác nối nhau vừa tung quả đúm, vừa hát. Cuộc hát thường diễn ra một ngày, đôi khi lại hát từ chập tối cho đến rạng sáng, tùy theo diễn biến của cuộc hát xoan. Hát đúm là trò chơi giao duyên của trai gái ngoài dân gian, được cấy ghép vào cuộc hát xoan, không liên quan gì đến nghi lễ hát xoan. Vì thế, hát đúm còn gọi là chơi đúm. Hát đúm là một hoạt cảnh đối đáp giữa nam và nữ. Đây cũng là một lối chơi hấp dẫn nhất, say mê nhất trong cuộc hát xoan, cho nên người ta thường gọi phường xoan là phường đúm. Nội dung lời ca hát đúm phong phú, giàu chất thơ, thường dùng cảnh vật thiên nhiên, để ví von trao gửi tâm tình. Hát đúm chỉ có một làn điệu, âm nhạc mộc mạc, giản dị. Người ta phổ những câu thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể vào làn điệu gần như cố định, có đôi âm (nốt nhạc) khác nhau do thanh điệu ca từ tạo nên. Làn điệu hát đúm nhẹ nhàng, bay bổng, trữ tình, nhịp tự do, đôi khi người ta hát có phách mạnh, phách nhẹ tương ứng như nhịp 2/4; 2/8; 3/8; thang 3 âm, âm vực trong khoảng tương đương quãng 5 đúng.

Hát đúm ở xứ Bắc

Bắc Giang, Bắc Ninh thuộc xứ Bắc. Người ta cũng từng gọi hát quan họ ở ngày hội có đưa khăn mời trầu thì gọi là hát đúm (1). Đời nhà Trần những quan viên kỳ mục vùng Đình Bảng, Từ Sơn trong dịp cúng giỗ các vua nhà Lý đã tổ chức hát đúm cho nam nữ đối ca (2).

Qua tìm hiểu thực tế và qua các tài liệu, chúng tôi được biết, ngày xưa ở xứ Bắc có lối hát đúm, nhưng nay không còn nữa.

Hát đúm ở xứ Đông

Hai tỉnh Hải Dương và Hải Phòng trước kia thuộc xứ Hải Đông, dân gian gọi là xứ Đông. Ở Hải Dương có hát đối thường diễn ra trong các dịp tập trung đông người như mùa cấy, mùa gặt, hội xuân, ở các đình làng (3). Hát đối còn gọi là hát đúm. Hội hát đúm chia làm hai tốp nam và nữ. Số người trong mỗi tốp thường không ổn định. Lúc đầu hai tốp thường đứng cách xa nhau, sau đó tốp nam vừa hát vừa tiến gần đến tốp nữ. Điệu hát thường là các làn điệu dân ca như trống quân, cò lả, sa mạc, lý hành vân...(4). Hát đúm Hải Dương cũng là hát trống quân, cò lả, sa mạc… không hình thành một lối hát riêng. Tuy nhiên, người ta cũng chép được một số bài có tên là hát đúm .

Trước năm 1945 nhiều địa phương ở Hải Phòng: Đồ Sơn, Cát Bà, Cát Hải, An Hải, Thủy Nguyên… có sinh hoạt hát đúm. Hiện nay chỉ có xã Phả Lễ và Phục Lễ của huyện Thủy Nguyên còn duy trì lối hát này.

Hàng năm vào mùa xuân, từ mùng 4 đến mùng 10 tháng giêng, dân làng Phục Lễ và Phả Lễ mở hội. Sau khi làm lễ tế thần khai xuân vào hai ngày mùng 4, mùng 5, thì từ mùng 6 đến mùng 10 làng tổ chức các hoạt động đánh đu, đánh cờ, đấu vật, chọi gà và hát đúm. Những năm 60 của TK XX, phụ nữ Phả Lễ, Phục Lễ còn dùng khăn che mặt mỗi lúc đi ra khỏi nhà, chỉ khi vào hội hát đúm mới bỏ khăn, vì thế người ta còn gọi hội xuân hát đúm là hội mở mặt. Dân làng cho biết, tục che mặt của phụ nữ vùng này là do một lời nguyền từ xa xưa, họ không biết cặn kẽ, chỉ thấy từ đời cụ, đời bà, đời mẹ khi ra khỏi nhà phải che mặt, con gái cứ thế mà theo. Nam nữ đi hội thường là chưa vợ, chưa chồng, nam mặc áo the thâm, quần trắng, khăn xếp, chân đi guốc, tay cầm ô đen, nữ mặc áo tứ thân, năm thân, quần lĩnh đen, thắt lưng hoa đào, hoa lý, khăn đen đội đầu. Hát đúm không tổ chức thành phường, bọn, mà trai gái thường tự rủ nhau thành từng nhóm, mỗi nhóm khoảng dăm, bảy người. Vào hội, nhóm nam làng này thường đi tìm nhóm nữ làng khác, chào hỏi, ngỏ lời cùng nhau ca hát. Nhóm nữ thuận lòng thì đôi bên ca hát với nhau cho đến khi hết hội. Hát đúm hội có ba phần: mở đầu là chào hỏi, làm quen, sau đó là hát đố, họa, trao tình, cuối cuộc là hát những câu hẹn hò, chia tay. Khi diễn xướng, mỗi câu đối đáp, trai gái thường cầm tay nhau, mắt nhìn nhau. Theo chúng tôi được biết, ngày xưa các cuộc hát đúm ở Đồ Sơn, Cát Bà, Cát Hải, An Hải, Thủy Nguyên…, khi diễn xướng trai gái thường cầm tay nhau. Sau mỗi hội xuân, nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng. Lời ca hát đúm là những câu thơ lục bát, lục bát biến thể hay song thất lục bát nói về tình cảm lứa đôi. Đặc biệt, mở đầu câu hát và kết câu hát đều có câu: duyên kết bạn mình ơi hoặc duyên kết bạn tình ơi. Giai điệu hát đúm mộc mạc, giản dị, hướng chuyển động lên cao, xuống thấp chủ yếu sử dụng quãng 4 đúng, 5 đúng, xen kẽ có quãng 2 trưởng. Thang âm thường chỉ có 3 âm, 4 âm, âm vực trong khoảng quãng 5 đúng (6).

Giai điệu, thang âm cố định trong khi lời ca lại rất phong phú đã tạo ra nét độc đáo trong lối hát. Hầu hết trong dân ca người Việt đều có cao độ giai điệu phù hợp thanh điệu. Hát đúm ở Phục Lễ, Phả Lễ nhiều câu ngược lại:

Lời thơ:

Sông thì đám đục đám xanh
Đám đục như đất đám xanh như chàm

Khi hát nghe là:

Sồng thì đàm đục đàm xanh
Đàm đục nhừ đất đàm xanh như chàm (7).

Những câu hát trái dấu giọng ở đây tạo nên tiếng cười vui vẻ, hòa trong không gian rộn ràng của ngày hội đầu xuân vùng biển Hải Phòng.

https://www.youtube.com/watch?v=1WxNndfAoDY

Về tên gọi

Chúng tôi tìm gặp một số ông, bà ở Phục Lễ, Phả Lễ đã từng tham gia hát những năm 50, 60 của TK XX, họ đều nói không biết rõ lắm về tên gọi hát đúm, song họ cũng nói có lẽ là do từ hát đám (hát ở đám hội) rồi nói trại thành hát đúm. Tác giả Vũ Loan trong bài Hát đúm Thủy Nguyên viết: “Có lẽ từ “đúm” cũng gọi chệch từ chữ hát ‘đám” mà ra (8). Các tài liệu nghiên cứu về ngôn ngữ học cho biết, trước đây người Việt và Mường nói tiếng Việt Mường chung. Tiếng Việt có đủ sáu thanh, cũng được hình thành khoảng 1.000 năm nay.Trong quá trình hình thành, phát triển theo hệ tam phân: ngữ âm – từ vựng – ngữ pháp, tiếng Việt có nhiều biến đổi. Hầu hết từ vựng có ngữ âm khác nhau, mang những ý nghĩa khác nhau như các từ tinh, tính, tình, tỉnh, tỉnh, tịnh. Tuy nhiên, một số từ vựng vẫn còn mang ý nghĩa gần nhau, thậm chí đồng nghĩa, trong đó có các từ đùm, đúm, đụm. Khởi thủy những từ này là đum rồi thành đùm. Đum là từ tối cổ, gốc Môn Khơ me, đùm theo từ điển tiếng Việt là Bọc nhỏ được buộc túm lại (9). Hiện tượng một từ hoặc cụm hai từ phát âm khác nhau nhưng đồng nghĩa không phải không còn, ví như: đùm xôi và đúm xôi là bọc xôi nhỏ; đùm mạ, đúm mạ, đụm mạ, túm mạ đều chỉ về một số lượng mạ ít, tương ứng nhau; đúm người, đám người chỉ về một số lượng người ít, tương ứng nhau. Phải chăng, lối hát gọi là hát đúm, của người Việt ở Trung du và châu thổ sông Hồng đều từ trò chơi đúm (tung quả đúm) mà thành tên.

Về nguồn gốc Hát Đúm ở Trung du

Một số làng của người Mường ở Phú Thọ như Hùng Nhĩ, Thục Luyện, Thạch Khoán… ngày xưa vào ngày hội, có sinh hoạt hát đối đáp giao duyên giữa trai và gái. Làng Thạch Khoán, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, hàng năm vào ngày 24-25 tháng giêng mở hội, trong hội có lối hát giữa nam và nữ: Hai bên tung quả còn cho nhau vừa tung vừa hát đối đáp giao duyên. Ở đây, trò chơi dân gian ném đúm, còn gọi là ném còn (10). Tác giả Phạm Phúc Minh, trong cuốn Tìm hiểu dân ca Việt Nam, có nói về đúm của người Mường (11), Các công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử, dân tộc học, văn hóa học, ngôn ngữ… cho biết người Việt và người Mường có nhiều mối quan hệ gần gũi. Vùng Trung du ngày xưa, không chỉ có hội làng của người Mường có trò chơi ném đúm (ném còn), hát đối đáp giao duyên nam nữ, mà một số làng người Việt cũng có trò chơi này. Có thể hát đúm là từ trò chơi ném còn, ném đúm và hát giao duyên mà ra. Theo cổ thư tịch Trung Quốc như Quế Hải ngu hành chíAn Nam chí nguyên, hát giao duyên có ném quả cầu cho nhau đã thấy phổ biến ở hội xuân người Việt vào thời Lý Trần (12). Người Hán gọi quả đúm là quả cầu. Như thế hát đúm phải có từ thời Lý về trước.

————————–

Chú thích:

1, 2. Ty văn hóa Hà Bắc (1972), Một số vấn đề về dân ca quan họ, Thư viện tỉnh Hà Bắc, 1972.
3, 4. Địa chí Hải Dương, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
5. Hoàng Kiều,Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền,Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2001.
6. Nguyễn Đỗ Hiệp,Tìm hiểu hát đúm ở xã Phục Lễ huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng,Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, 2004.
7, 8. Hội LHVHNT Hải Phòng, Văn hóa văn nghệ dân gian Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 2001.
9. Hoàng Phê,Từ điển tiếng Việt, NxbĐà Nẵng, 1996.
10, 13. Sở VHTT Phú Thọ, Hội Văn nghệ dân gian, Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, xb, 2007.
11. Phạm Phúc Minh,Tìm hiểu dân ca Việt Nam, NxbÂm nhạc, Hà Nội, 1994.
12. Sở VHTT Phú Thọ, Hội Văn nghệ Dân gian Phú Thọ,Tổng tập văn nghệ dân gian đất Tổ (tập 4), xb, 2003.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: , ,