⠀
Quan điểm của đạo Phật về tiền bạc
Đức Phật không bao giờ áp đặt bất cứ sự hạn chế nào lên việc kiếm và tiêu tiền của mỗi người. Miễn sao những đồng tiền làm ra và tiêu dùng phải trong sạch và đúng đắn.
Ở đời, ai cũng cần có tiền bạc, của cải để nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu có tiền bạc dư dả, ta có thể sống thỏa mãn về mọi tiện nghi, vật chất thật sung túc, đầy đủ. Để được sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết, ngoài việc vun trồng hạnh phúc lứa đôi, con người cần có tiền bạc, của cải để nuôi sống bản thân, gia đình, và làm những việc phúc lợi khác nhằm phát triển tốt đời sống xã hội.
Theo sự chỉ dạy của Đức Phật, người Phật tử cũng có quyền làm giàu để nâng cao sự sống ngoài việc lo tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình và xã hội. Một đời sống có ý nghĩa và giá trị là một đời sống biết chia vui, sớt khổ, nên ít bị phiền muộn, khổ đau chi phối, nhưng không vì thế mà ta không cần đến tiền bạc và tài sản, thiếu nó ta khó có thể tồn tại.
Đức Phật không bao giờ áp đặt bất cứ sự hạn chế nào lên việc kiếm và tiêu tiền của mỗi người. Miễn sao những đồng tiền làm ra và tiêu dùng phải trong sạch và đúng đắn.
Tiền bạc và vật chất là cuộc sống của con người. Có người bảo rằng: “Tiền bạc là huyết mạch của con người”. Lời nói này không sai, nhưng tiền bạc phải làm ra bằng mồ hôi nước mắt của mình, bằng trí óc, bằng sức lao động, thì tiền bạc ấy mới xứng đáng là huyết quản trong cơ thể chúng ta.
Còn tiền bạc làm bằng những thủ đoạn gian xảo, lừa đảo, ăn đút lót, bắt chẹt sức lao động của người khác, cân non, đo thiếu, lường lận, v.v… để có nhiều tiền bạc, để cho cuộc sống của mình trở thành đế vương trên mồ hôi nước mắt và sức lao động của mọi người, thì tiền bạc và vật chất đó sẽ làm hại mình và không biết bao nhiêu tai hoạ sẽ đến với mình mà không ngờ và không đề phòng được.
Dù tham tiền bạc bằng sức lao động của mình, nhưng cũng vẫn phải làm khổ mình rất nhiều, cần nên phải lưu ý: Vốn lòng tham không đáy, do đó tiền bạc có biết bao nhiêu cho vừa, cho đủ. Vì chưa biết đủ, nên phải cố gắng đem hết sức lao động bằng trí óc hoặc bằng chân tay ra làm. Do tham tiền bạc nên đã tự làm khổ mình mà không biết. Tham tiền bạc này không xấu, nhưng phải biết dừng, không biết dừng thì chúng ta trở thành tên nô lệ cho tiền bạc. Tham tiền bạc là một hành động làm hại mình.
Tiền bạc của cải nếu ta không biết sử dụng đúng mục đích thì trở thành rắn độc, có ngày nó sẽ quay lại cắn ta. Mục đích của sự sống không phải giàu có, nhiều tiền của mới là hạnh phúc, mà chúng ta phải biết bằng lòng với hiện tại, muốn ít biết đủ là đạo lý chân thật luôn giúp cho ta không rơi vào bế tắc.
Tiền bạc chính là người đầy tớ trung thành khi ta biết làm chủ bản thân trong việc chi tiêu, ăn xài, mua sắm sau cho phù hợp. Mục đích của cuộc sống không phải giàu có, nhiều tiền của mới là hạnh phúc, mà chúng ta phải biết bằng lòng với hiện tại, và sẵn sàng san sẻ, giúp đỡ khi gặp người khó khăn, bất hạnh.
Người có nhiều tiền bạc của cải là nhờ biết gieo trồng phước đức trong quá khứ và hiện tại, biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ sẻ chia, lại hay cố gắng siêng năng, tinh cần làm việc và biết tiết kiệm.
Theo KHỎE & ĐẸP
Tags: Phật giáo, Quan điểm sống, Đồng tiền