⠀
Bàn về tư duy sáng tạo và tư duy phản biện
Khi cả hai khía cạnh trong khả năng tư duy của chúng ta làm việc cùng nhau, những điều tuyệt vời nhất sẽ xảy ra!
Ken Robinson đã từng nhận định trong phần trình bày TED Talk tuyệt vời của ông và đã gây chấn động hệ thống giáo dục toàn cầu đó là “Trường học đã giết chết sự sáng tạo”. Cả bộ máy giáo dục to lớn toàn cầu đã vận hành theo kiểu như thế và đã ăn sâu vào gốc rễ đến mức rất khó thay đổi.
Phần Lan là một quốc gia đã cởi trói cho giáo dục để phát triển việc học tập được diễn ra một cách chủ động và tự nhiên nhất. Tuy nhiên cũng có nhiều nhận định rằng, cách họ khai thác não bộ trẻ em vừa có lợi vừa bất lợi: sẽ khó có những đỉnh cao về kiến thức hàn lâm được hình thành, tính chuyên nghiệp giảm đi và vì thế những doanh nghiệp dẫn đầu thế giới sẽ sụt giảm.
Không biết có ngụy biện hay không nếu tôi dùng Nokia là một minh chứng cho thấy doanh nghiệp này đã từng làm mưa làm gió thị trường nhưng rồi cùng với việc dậm chân tại chỗ họ đã dần biến mất sau thương vụ bán lại cho Microsoft. Hoặc có thể nói Micrososft đã không thành công sau khi mua lại Nokia?
Với câu hỏi, tư duy phản biện và tư duy sáng tạo, vốn được xem là 2 trong 4 kỹ năng học tập quan trọng, đâu là trứng và đâu là gà?
Với kinh nghiệm chuyên đi đào tạo về cả hai mảng này cho giáo viên tôi đã phát hiện ra rằng, bất cứ ai có tư duy phản biện tốt thì đều có khả năng sáng tạo tốt và ngược lại. Chính tư duy phản biện đã cho phép chúng ta phân tích và nhìn vấn đề ở nhiều góc khác nhau từ đó đưa ra nhiều giải pháp cho một vấn đề và phát sinh sự sáng tạo. Hai lĩnh vực này dường như luôn phải song hành, là hệ quả tất yếu của nhau và cần có nhau. Cũng như không ai trả lời được con gà hay quả trứng có trước thì tư duy phản biện và tư duy sáng tạo liên tục được sinh ra trong não chúng ta khi tư duy.
Ví dụ, bạn cầm lên một chiếc ly uống nước và hỏi: Làm thế nào tạo ra một chiếc ly với nhiều đặc điểm ưu việt. Não của bạn sẽ bắt đầu phải xuất hiện nhiều câu hỏi kiểu như, chiếc ly này dùng để làm gì? (không chỉ là uống nước đâu, người ta đựng súp nóng trong lý để bán cho học sinh dễ cầm hơn cái chén nhiều)
Vì sao nó có hình dạng như thế? Nếu không có đáy tròn miệng tròn thì có thể có những hình dáng thế nào? Tạo sao không làm cạnh ly và lòng ly hình vuông hay chữ nhật?…
Còn hàng trăm câu hỏi xuất hiện. Đó là lúc não bạn đang tư duy phản biện. Câu trả lời sẽ là sáng tạo và não bạn nghĩ ra nhiều câu hỏi cũng là sự sáng tạo.
Vậy thì không thể tách rời hai quá trình sáng tạo và phản biện như cách mà mọi người vẫn quan niệm.
Trẻ em tham gia vào quá trình học tập
Thế giới và ngành công nghiệp ngày nay đang thay đổi một cách nhanh chóng. (Thuật ngữ 4.0 được lạm dụng để chỉ giai đoạn này đến độ sinh ra dị ứng đối với một số tầng lớp hiểu biết). Vì thế cách chúng ta tiếp cận giáo dục cũng cần được thay đổi cho phù hợp. Điều này quá dễ hiểu nhưng thực ra lại không thể diễn ra một cách dễ dàng. Vậy, hãy bắt đầu bằng việc tăng hiệu năng tư duy cho não bộ chúng ta và bọn trẻ.Dạy cho trẻ cách tư duy thay vì cung cấp kiến thức như kiểu nạp dữ liệu vào folder như cách hơn một nửa thế giới đang làm.
Tăng thế nào và bắt đầu từ đâu?
Hãy bắt đầu bằng việc cho trẻ tham gia vào chính quá trình học tập của chính chúng thay vì chỉ bảo chúng ghi nhớ câu trả lời đúng. Ta yêu cầu chúng phải dành tâm trí và nhận thức để thắc mắc về vạn vật để đạt được sự thông hiểu sâu rộng chứ không chỉ là kiến thức nền tảng.
Sự tham gia này của bọn trẻ là vô cùng quan trọng vì nó châm ngòi cho trí tò mò sống lại. Trí tò mò của trẻ bị giết chết vào những lúc mà trẻ còn bực bội với cách dạy chỉ-có-một-câu-đúng ở trên lớp với hàng loạt bài tập về nhà mà đáp án có thể mượn của bạn để chép lại. (Chợt nhớ ngày xưa khi học bồi dưỡng thường xuyên tôi thường được yêu cầu chép lại nội dung từ 1 cuốn sách vào 1 cuốn sổ tay. Chính vì bất mãn với kiểu bồi dưỡng như vậy nên tôi đã quyết định lên Sở Giáo dục làm việc, nơi mà tôi có thể tạo tác động đến giáo viên chứ không ngồi thụ động chờ ai bảo gì làm nấy với những công việc vô nghĩa tệ hại như vậy)
Khi bạn thắp lên được trí tò mò của trẻ, bạn sẽ không cần phải ép trẻ học nữa vì khi đó chúng thật sự mong muốn được hiểu. Sẽ không còn cà rốt hay roi vọt mỗi khi ép trẻ học nữa vì chúng đã trở thành những cỗ máy tò mò bé nhỏ, ham học hỏi và tràn đầy sức mạnh. (Nguyên lý tạo động lực kiểu cây gậy và củ cà rốt vốn đã được chứng minh là sai lầm). Và kết quả của điều đó là, trẻ có khả năng suy nghĩ hoàn toàn dựa trên những gì chúng có được.
Tư duy và sáng tạo – con gà và quả trứng
Nhưng khi chúng ta nói “học cách tư duy” ở đây, thực chất nó là gì? Nó chính là một phần của sự sáng tạo.
Nhưng sáng tạo không phải là sự tự do trong tư duy. Sáng tạo là cách mà bạn tư duy khác biệt, tối ưu hóa hoạt động hoặc ý tưởng dồi dào. Hầu hết mọi sự đổi mới, lý luận chính trị hoặc đột phá khoa học, đã nảy sinh từ tư duy sáng tạo?
Từ Plato đến Einstein, từ nông nghiệp đến iPad, suy nghĩ sáng tạo, về bản chất, không có gì khác hơn là tạo ra các kết nối mới. Vậy những sáng tạo trong nghệ thuật và những thiết kế trong cuộc sống có gì khác nhau? Có đấy bạn ạ!
Điểm khác biệt giữa nghệ thuật và thiết kế chính là nghệ thuật là một biểu hiện, trong khi thiết kế giúp giải quyết một vấn đề.
Vì vậy, quan điểm dạy trẻ cách tư duy sáng tạo là dạy chúng cách thích nghi, làm thế nào để đổi mới để giải quyết vấn đề. Mà muốn giải quyết vấn đề tốt thì chúng ta phải phản biện với từng sáng tạo.
Vì vậy, trường học cần phải dạy tư duy sáng tạo. Nhưng đó chỉ là một nửa bởi vì nếu chỉ dạy tư duy sáng tạo thì bạn chỉ mở các kết nối mới, sau đó, nó cũng chỉ giữ cho suy nghĩ của bạn tập trung và ghi nhớ.
Đừng bao giờ tin vào một bộ não, đặc biệt là của riêng bạn, bởi vì mỗi một người trong chúng ta dễ bị thiên kiến nhận thức, định kiến và ảnh hưởng mù quáng của đặc quyền và tâm lý.
Chúng ta thích nghĩ về bản thân mình thực sự khá khách quan và thông minh. Nhưng sự thật không may là tất cả chúng ta, ở một mức độ nào đó, đều thiếu sót, thiếu hiểu biết và cuồng tín vào những ý tưởng của mình. Vì thế mới có những người luôn bám chấp lấy ý tưởng của mình mà không lắng nghe bất cứ sự phản biện nào. Thậm chí cũng chưa từng tự mình phản biện.
Vì thế ta cần học cách tư duy phản biện để tự phản biện, biết lắng nghe và nhìn nhận phản biện.
Những suy nghĩ phản biện dạy chúng ta là làm thế nào để đặt câu hỏi nghiêm túc và sâu sắc, làm thế nào để hình thành suy nghĩ hợp lý, suy nghĩ mạch lạc và lập luận có cơ sở và làm thế nào để xác định những điều nhảm nhí?
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất tư duy phản biện dạy chúng ta chính là hãy cứ sai đi vì cuộc đời cho phép. Những ý tưởng của chúng ta không phải thời điểm nào cũng là vĩ đại và bất biến. Hiểu và làm được điều đó sẽ giúp bạn không phải tổn thương và tổn thất khi ý tưởng bị đánh đập dã man và bị khai tử.
Và khi chúng ta được đào tạo thành những người có tư duy phản biện , điều đó thay đổi sâu sắc bởi vì chúng ta trở nên biết cách nhận thức về suy nghĩ của chính mình. Bộ não của chúng ta sẽ gia tăng tốc độ tư duy, chiều sâu tư duy và khối lượng tư duy.
Khi cả hai khía cạnh trong khả năng tư duy của chúng ta làm việc cùng nhau, những điều tuyệt vời nhất sẽ xảy ra!
Một trong những điều tuyệt vời nho nhỏ mà tư duy phản biện dành cho bạn đó là bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra những điều dối trá và những hành động xuất phát từ mục đích xấu xa. Có những người che đậy rất giỏi nhưng những người có tư duy phản biện sẽ nhìn ra. Vì vậy bạn cũng sẽ bớt mua sắm những thứ mà thực ra bạn không cần.
Xin mở ngoặc, về lý thuyết là như thế tuy nhiên cũng có ngoại lệ và đó là chính tôi. Đã tìm hiểu và thực hành về tư duy phản biện khá nhiều nhưng tôi vẫn bị cái bệnh mua sắm vô tội vạ và quên mất thực hành phản biện khi đi shopping.
Theo TÔ THỊ DIỄM QUYÊN / VIETNAMNET
Tags: Giáo dục, Tư duy - nhận thức, Phản biện