⠀
Phân tích lý thuyết Trò chơi tam giác chiến lược của Dittmer
Bài nghiên cứu này sẽ giới thiệu khung lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược do Lowell Dittmer xây dựng năm 1981 dựa trên mối quan hệ của ba siêu cường Mỹ – Liên Xô – Trung Quốc, và phân tích tác dụng cũng như hạn chế của khung lý thuyết này. Khung lý thuyết này đã cung cấp được một cách tiếp cận tương đối hệ thống đến mối quan hệ giữa ba quốc gia trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, là một lý thuyết tập trung vào cấp độ hệ thống, khung lý thuyết này không giúp ích cho việc tìm hiểu sâu về quá trình hoạch định chính sách của từng quốc gia.
Bài viết của các tác giả Nguyễn Thùy Minh & Hoàng Oanh, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Số 1 (112) Tháng 3/2018.
Từ khi mâu thuẫn Liên Xô – Trung Quốc trở nên gay gắt trong thập kỷ 1960, góp phần quan trọng dẫn đến thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của cả ba cường quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc từ thập kỷ 1970, giữa ba cường quốc này đã hình thành nên mối quan hệ “tay ba” mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gọi là nền “chính trị tam giác” (triangular politics).[1]
Tuy nhiên, như giáo sư chính trị học của Mỹ Lowell Dittmer nhận xét, thuật ngữ “tam giác chiến lược” (Strategic triangle) thường xuyên được sử dụng một cách lỏng lẻo, tùy tiện và như thể là điều hiển nhiên không cần phải chứng minh.[2] Chính từ quan sát này, một số ít các nhà khoa học chính trị, trong đó bao gồm Dittmer, đã cố gắng xây dựng lý thuyết mô hình “tam giác chiến lược” nhằm “đề ra một định nghĩa rõ ràng hơn cho khái niệm này, tìm hiểu các logic bên trong và các xu hướng phát triển” với hy vọng có thể khái quát hóa các nét đặc trưng của một “tam giác chiến lược,”[3] biến khung khái niệm này thành một công cụ hữu hiệu cho các phân tích về quan hệ tam giác.
Lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược của Dittmer
Theo Dittmer, không nhất thiết các quốc gia phải nhìn nhận rằng họ đang “chơi trò chơi” tam giác chiến lược. Nhưng có hai điều kiện khách quan cho sự tồn tại này. Thứ nhất, các bên tham gia trò chơi phải thừa nhận tầm quan trọng chiến lược của ba chủ thể chính. Bất kể họ đồng thời có các mối quan hệ bên ngoài, các mối quan hệ này phải được đặt ở hàng thứ yếu so với mối quan hệ với các thành viên khác trong tam giác. Thứ hai, mặc dù ba quốc gia không nhất thiết có sức mạnh chiến lược ngang nhau, nhưng mỗi quốc gia phải được hai quốc gia còn lại thừa nhận là một chủ thể độc lập. Khi đó, mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ bị tác động bởi mối quan hệ của mỗi bên với quốc gia thứ ba. Trong một bài phân tích về quan hệ tam giác Trung Quốc – Nhật Bản – Nga năm 2005, Dittmer không nhắc đến điều kiện thứ nhất, nhưng thêm vào một điều kiện quan trọng, đó là mỗi quốc gia trong mối quan hệ tam giác tích cực tìm cách quan hệ với một trong hai hoặc cả hai quốc gia còn lại nhằm ngăn cản việc bị loại ra khỏi cuộc chơi, hoặc sự câu kết có tính chất thù địch của hai quốc gia còn lại, và nhằm thúc đẩy lợi ích của bản thân.[4]
Có ba cục diện quan hệ tam giác chiến lược dựa trên mối quan hệ hòa hảo hay đối nghịch giữa ba quốc gia, hay chính xác hơn, dựa trên tính chất hòa hảo hay đối nghịch của ba cặp quan hệ.
(i) Cục diện thứ nhất được gọi là “cộng cư tam giác” (ménage à trois), trong đó cả ba quốc gia duy trì mối quan hệ thân thiện với nhau. Đây là cục diện đáng mong muốn nhất nếu như mục tiêu là tối ưu hóa lợi ích của cả ba quốc gia, do mối quan hệ này sẽ duy trì tình trạng cân bằng và tạo động lực để cả ba quốc gia hợp tác với chi phí tối thiểu.[5] Tuy nhiên, Dittmer cho rằng đứng từ góc độ của từng quốc gia, đây không phải là cục diện an toàn nhất do tâm lý nghi ngờ cố hữu trong quan hệ quốc tế: một quốc gia có khả năng xác định động cơ và mục đích của đối tác trực tiếp, nhưng không bao giờ có thể chắc chắn về mối quan hệ của đối tác này với bên thứ ba là có lợi hay gây hại cho mình, trừ trường hợp mối quan hệ này là công khai thù địch. Cũng theo Dittmer, cục diện này chưa xuất hiện trên thực tế.
(ii) Vì vậy, đối với mỗi quốc gia, cục diện đáng mơ ước nhất là cục diện thứ hai, “tam giác tình cảm” (romantic triangle), trong đó một quốc gia ở vị trí “trục” (pivot) có quan hệ tốt đẹp với hai quốc gia “cánh” (wings), trong khi hai quốc gia “cánh” đối địch nhau. Quốc gia ở vị trí trục có cơ hội tối đa hóa lợi ích từ sự đấu đá lẫn nhau giữa hai quốc gia “cánh” lẫn sự “theo đuổi” của hai quốc gia này đối với mình. Tuy nhiên, tình trạng này được cho là khó để duy trì, do cả hai quốc gia “cánh” đều bị đặt ở vị thế bất lợi: một bên phải đối mặt với địch thủ, một bên phụ thuộc quá mức vào mối quan hệ với quốc gia trục, kèm theo nỗi lo sợ thường trực về sự câu kết của hai quốc gia này. Do đó, không sớm thì muộn quốc gia “cánh” sẽ tìm cách thay đổi hiện trạng, thường là một bên lôi kéo được quốc gia trục vào một mối quan hệ hôn nhân, và điều này thường đẩy quan hệ ba quốc gia đến một cục diện thứ ba.
(iii) Cuối cùng, cục diện được cho là “có khả năng” lâu bền nhất, mặc dù không đem lại lợi ích cho tất cả các bên, là cục diện “hôn nhân vững chắc” (stable marriage), trong đó hai quốc gia duy trì một mối quan hệ thân thiết và bình đẳng, hay còn được gọi là mối quan hệ hữu nghị “đối xứng” (symmetrical amity), và cùng có quan hệ đối địch với quốc gia thứ ba. Trong cục diện này, quốc gia thứ ba có lợi ích hiển nhiên trong việc hình thành nên mối liên kết với một trong hai hoặc cả hai quốc gia còn lại để tránh bị cô lập. Tuy nhiên việc này không dễ dàng do hai quốc gia trong mối quan hệ “hôn nhân vững chắc” đều mong muốn duy trì cục diện có lợi cho họ này, mà tiền đề của nó mối quan hệ thù định với quốc gia bị cô lập. Nhưng nếu mối quan hệ “hôn nhân” không thực sự vững chắc do có sự bất đối xứng về lợi ích, quốc gia thứ ba có thể lôi kéo bên được hưởng lợi ít hơn rời bỏ mối quan hệ này và thiết lập nên một tình thế cân bằng hơn cho họ.[6]
Các cục diện này có thể được coi như là các “luật chơi” mang tính nhất quán của trò chơi tam giác, dựa trên giả định rằng các quốc gia nằm trong cuộc chơi muốn tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa nguy cơ hoặc tổn thất, và họ theo đuổi mục đích này dựa trên các tính toán duy lý. Các luật chơi này bao hàm một loạt các gợi ý chính sách cho các quốc gia ở các vị trí khác nhau của tam giác về việc họ nên có các bước đi nào để đạt được lợi ích lớn nhất.[7]
Theo Dittmer, mặc dù vị trí trục trong “tam giác tình cảm”, là vị trí Mỹ nắm giữ trong giai đoạn 1970-1978, đem lại lợi ích lớn nhất cho một quốc gia, vị trí này đòi hỏi cách hành xử vô cùng khéo léo mà rất khó để có thể thực hiện tốt. Một mặt, quốc gia “trục” phải giữ quan hệ tốt đẹp với cả hai quốc gia “cánh.” Trong “tam giác tình cảm,” quốc gia cánh luôn lo ngại về khả năng đối thủ của họ sẽ lôi kéo được quốc gia trục vào một mối quan hệ “liên hôn” và đẩy họ vào thế bị cô lập, nên họ sẽ tránh tình trạng đó bằng cách lôi kéo trước. Họ cũng có xu hướng cảm thấy bị rơi vào thế bất lợi trong mối quan hệ với quốc gia trục, bấp chấp mối quan hệ này “bình đẳng” đến mức nào, do chịu sự thúc ép của hoàn cảnh với một bên là căng thẳng với quốc gia cánh còn lại, một bên là sự phụ thuộc đơn phương vào quốc gia trục. Vì vậy, xét đến mỗi quốc gia cánh có các lợi ích, chiến lược, năng lực, và đề nghị hấp dẫn khác nhau, việc quốc gia trục đối xử bình đẳng với cả hai quốc gia cánh để không bên nào cảm giác bị lợi dụng, hay bị “cô lập,” hoặc là phản bội, là gần như không thể thực hiện.
Trong tình huống này, Dittmer cho rằng quốc gia trục có mục tiêu quan trọng là phải thuyết phục được mỗi quốc gia cánh rằng mối quan hệ của quốc gia trục với quốc gia cánh còn lại không mang địch ý đối với họ. Để đạt được điều này, quốc gia trục cần phải thành thực, minh bạch nhất có thể đối với mỗi quốc gia cánh về mối quan hệ của họ với quốc gia cánh còn lại để giảm thiểu các lo ngại của quốc gia cánh về việc bị phản bội. Mặt khác, quốc gia trục phải kiểm soát được quan hệ đối đầu của hai quốc gia cánh với nhau. Mặc dù quốc gia trục có lợi trong việc hai quốc gia cánh đối đầu, nhưng nếu căng thẳng leo thang, quốc gia cánh có thể sẽ đòi hỏi lòng trung thành tuyệt đối của quốc gia trục và điều này dễ gây ra sự phân cực trong mối quan hệ trục – cánh.[8] Kissinger đã tổng kết: “Ngoại giao tam giác, để có hiệu quả, […] phải tránh được ấn tượng rằng một quốc gia đang “sử dụng” một trong hai địch thủ của nhau để chống lại bên còn lại; nếu không quốc gia này sẽ trở nên dễ tổn thương trước việc bị trả đũa hoặc hăm dọa. Sự thù địch giữa Trung Quốc và Liên Xô phục vụ cho mục đích của chúng ta tốt nhất nếu như chúng ta duy trì được mối quan hệ với mỗi bên gần gũi hơn so với mối quan hệ của họ với nhau”.[9]
Trong cục diện “hôn nhân vững chắc”, hai quốc gia nằm trong quan hệ hôn nhân đều là bên hưởng lợi, tuy nhiên lợi ích đạt được được cho là ít hơn so với vị trí trục của “tam giác lãng mạn.” Dittmer phân biệt hai quốc gia trong quan hệ hôn nhân thành đối tác “lớn” (senior partner) và đối tác “nhỏ” (junior partner), dựa trên tương quan sức mạnh của họ với nhau. Đối tác lớn là vị trí mà Liên Xô nắm giữ trong giai đoạn 1949-1960 và Mỹ nắm giữ trong giai đoạn từ 1978 trở đi trong quan hệ với Trung Quốc. Theo Dittmer, quốc gia nằm ở vị trí “đối tác lớn” cần đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là duy trì lòng trung thành của đối tác nhỏ bằng cách đảm bảo rằng không có sự “bất đối xứng” hay bất bình đẳng nào trong quan hệ song phương. Mặc dù không có cách nào để định lượng “cán cân” quan hệ, do đây là một vấn đề mang tính chủ quan và chính trị, nhưng điều quan trọng là không bên nào, đặc biệt là bên yếu hơn, cảm giác bị lừa dối. Nhiệm vụ thứ hai là duy trì một mức độ căng thẳng nhất định với kẻ địch chung nhằm củng cố “nền tảng” của mối quan hệ hôn nhân, nhưng không để căng thẳng leo thang quá cao, vì sẽ phải chi tiêu lớn cho chạy đua vũ trang, và có thể sẽ đẩy kẻ địch vào thế “đường cùng,” điều có thể khiến kẻ địch phản ứng bất chấp hậu quả. Hơn nữa, đối tác lớn có lợi ích dài hạn trong việc hòa giải với kẻ địch để chuyển hóa cục diện sang “tam giác lãng mạn,” trong đó đối tác lớn chiếm giữ vị trí trục là vị trí mang lại lợi ích lớn hơn. Tuy nhiên, đối tác nhỏ có thể sẽ ngăn chặn điều này xảy ra bằng cách chủ động gia tăng căng thẳng với kẻ địch chung.[10]
Vị trí nằm ngoài mối quan hệ “hôn nhân vững chắc” là vị trí bất lợi nhất, do phải đối diện với hai đối thủ cùng một lúc. Vị trí này đòi hỏi một quốc gia phải tự lực tự cường nhiều hơn về mặt kinh tế và chi tiêu nhiều hơn cho quân sự để đối kháng năng lực quân sự của hai quốc gia còn lại và duy trì trạng thái cân bằng chiến lược. Dittmer cho rằng, chiến lược khôn ngoan nhất dành cho quốc gia này là bảo trợ cho một loạt các quốc gia nhỏ khác với hy vọng thiết lập nên một khối mạnh đủ với ý nghĩa răn đe. Bên cạnh đó, quốc gia này nên tránh có hành động khiêu khích không cần thiết đối với hai quốc gia còn lại, không chỉ vì tương quan một chọi hai “được nhìn nhận” là vô cùng hiểm ác, bất kể quốc gia này có thành công đến đâu trong việc xây dựng lực lượng vũ trang hoặc khối liên minh, mà vì mục tiêu tối quan trọng của luật chơi là lôi kéo một bên nằm trong quan hệ hôn nhân để thiết lập nên một cục diện có lợi hơn.[11]
Cuối cùng, để trả lời cho câu hỏi về các nhân tố tác động đến mối quan hệ tay ba, khiến cho mối quan hệ này chuyển hoặc không chuyển từ cục diện này sang cục diện khác, Dittmer đặc biệt đề cập ba nhân tố. (i) Nhân tố có hiệu quả nhất trong việc giúp ổn định cục diện là các loại cam kết, ví dụ như một hiệp ước song phương hay sự cam kết vào một hệ tư tưởng chung. (ii) Ngược lại, nhân tố dễ gây ra thay đổi về cục diện là sự leo thang đột ngột của trò chơi tam giác trên bình diện tổng thể, kèm theo quá trình xuống thang ngay sau đó. Ví dụ, khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1958 đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ Trung – Xô; khủng hoảng tên lửa Cu-ba năm 1962 dẫn đến hòa hoãn Mỹ – Xô lần thứ nhất; và chiến tranh biên giới Xô – Trung năm 1969 dẫn đến hòa giải Trung – Mỹ. Khủng hoảng tạo ra nhu cầu lớn hơn về an ninh và là điều kiện để chủ nghĩa hiện thực phát triển, do trong hoàn cảnh bất ổn nhân tố ý thức hệ trở trành “xa xỉ phẩm” mà không ai có thể giữ được. Trong khủng hoảng, lợi ích và ưu tiên của các quốc gia liên quan được thể hiện rõ, góp phần vào quá trình điều chỉnh chính sách sau khủng hoảng. Việc xử lý khủng hoảng cũng là cơ hội để tái tập hợp lực lượng, và quá trình hòa hoãn sau khủng hoảng là điều kiện cần để tái tập hợp lực lượng diễn ra. (iii) Tuy nhiên, nhân tố mang tính quyết định đối với chiều hướng chuyển dịch của tam giác vẫn là tương quan phân chia lợi ích, nguy cơ, và chi phí giữa ba quốc gia trong trò chơi tam giác. Nếu như tương quan này thiếu cân bằng, quốc gia ở vị trí bất lợi sẽ cố gắng để thay đổi. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là cục diện sẽ thay đổi theo ý muốn chủ quan của một quốc gia.
Phản biện đối với các giả định của lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược
Lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược của Dittmer, trước hết, là một lý thuyết trò chơi (game theory) – nhánh lý thuyết chuyên tìm hiểu về các lựa chọn “duy lý” (rational) hoặc chiến lược tối ưu trong điều kiện bất định.[12] Nói theo cách khác, lý thuyết trò chơi hướng đến mục tiêu chỉ ra một chủ thể “duy lý” nên hành động như thế nào.[13] Ra đời trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, cũng là lúc chủ nghĩa hiện thực/tân hiện thực thống trị quan hệ quốc tế, lý thuyết trò chơi đã sử dụng các giả định chính của chủ nghĩa tân hiện thực, bao gồm: (i) Quốc gia về cơ bản là chủ thể “duy lý”, có mục tiêu là tối đa hóa lợi ích, và đề ra chính sách đối ngoại thông qua một quá trình tính toán thận trọng về biện pháp thực hiện, khả năng đạt được mục tiêu khi dùng các biện pháp khác nhau, và lợi ích và chi phí gắn liền với mỗi biện pháp; (ii) môi trường quốc tế vô chính phủ (anarchy) buộc các quốc gia khi tham gia vào quan hệ quốc tế phải tự lo cho bản thân. Điều này dẫn đến việc quốc gia có mục tiêu hàng đầu là bảo vệ an ninh quốc gia, và vì vậy, các vấn đề quân sự và chính trị liên quan thống trị nền chính trị quốc tế; (iii) môi trường quốc tế vô chính phủ cũng khiến cho các quốc gia luôn nghi ngờ về mục tiêu của quốc gia khác và ai cũng muốn trở nên đủ mạnh để không bị tấn công, và do đó thúc đẩy các quốc gia cạnh tranh quyền lực với nhau. Trong cuộc cạnh tranh này, các quốc gia quan tâm đến “lợi ích tương đối” (relative gains) hơn là “lợi ích tuyệt đối” (absolute gains) – quốc gia coi trọng việc lợi ích của mình nhiều hay ít hơn lợi ích của quốc gia khác hơn là lợi ích cụ thể đạt được bất kể lợi ích này so với lợi ích của quốc gia khác như thế nào.[14]
Tương tự như chủ nghĩa tân hiện thực nói chung, các loại lý thuyết trò chơi trong đó có lý thuyết của Dittmer đối mặt với nhiều phản biện chính từ các giả định nêu trên. Trong số đó, giả định được coi là “nền tảng” của lý thuyết trò chơi, rằng quốc gia là chủ thể “duy lý”, gặp nhiều phản bác nhất. Chuyên gia kinh tế và chính trị học Herbert Simon, người đề ra khái niệm “duy lý có giới hạn” (bounded rationality) dựa trên việc kết hợp các kiến thức tâm lý học, đã nhận xét rằng: “[…] các lựa chọn của con người được xác định không chỉ bởi một mục tiêu tổng thể và nhất quán nào đó cùng với các đặc điểm của thế giới bên ngoài, mà còn bởi các kiến thức mà người ra quyết định có và không có về thế giới, khả năng hoặc sự vô năng của họ trong việc vận dụng các kiến thức này khi cần thiết, trong việc tính toán về các hậu quả của hành động của họ, lường trước về các diễn biến có khả năng xảy ra, đối phó với yếu tố bất định (bao gồm cả các bất định xuất phát từ phản ứng có thể có của các chủ thể khác), và đánh giá lựa chọn giữa các nhu cầu trái ngược nhau. Sự duy lý bị giới hạn bởi vì các khả năng này bị giới hạn cực độ.”[15] Vì vậy, Simon cho rằng đóng góp lớn nhất của lý thuyết trò chơi đối với hiểu biết của con người về sự “duy lý” là đã chứng minh rằng không có một định nghĩa thuyết phục nào về sự duy lý “tối ưu,” và ngay cả các chuyên gia về lý thuyết trò chơi cũng không biết chắc được đâu là chiến lược duy lý, chưa nói đến các chủ thể khác.[16]
Từ góc độ lịch sử – văn hóa, Alastair Johnston, giáo sư về chính trị và Trung Quốc nổi tiếng của đại học Harvard, khi phát triển lý thuyết “văn hóa chiến lược” (strategic culture) đã phản đối quan niệm cho rằng “duy lý” có tính “khách quan,” “phi lịch sử” và “phi văn hóa”, mà nhấn mạnh vai trò của chính các nhân tố văn hóa, lịch sử trong việc quy định nên thứ tự ưu tiên và lựa chọn chính sách của quốc gia. Johnston cũng cho rằng sự tồn tại của văn hóa chiến lược khó có thể tương thích với các chiến lược trò chơi, do chiến lược trong trò chơi tập trung vào việc đề ra lựa chọn tốt nhất cho một chủ thể dựa trên các dự đoán về hành vi của đối phương của họ, trong khi văn hóa chiến lược hàm ý rằng hành vi chiến lược của một quốc gia không hoàn toàn là phản ứng đối với lựa chọn của quốc gia khác.[17]
Trong lĩnh vực phân tích chính sách đối ngoại, chuyên gia chính trị người Anh Andrew Heywood đã tổng kết rằng, mô hình hoạch định chính sách “chủ thể duy lý” “hấp dẫn” mọi người một phần do mô hình này phản ánh niềm tin rằng con người nên ra quyết định dựa trên lý trí. Các chính trị gia hay bất kỳ nhóm xã hội nào cũng đều có thiên hướng miêu tả hành động của họ như là kết quả của việc có mục tiêu cụ thể và cân nhắc kỹ càng mọi biện pháp. Tuy nhiên, mô hình này không “thuyết phục” trên thực tế. Quá trình ra quyết định thường là một quá trình thỏa hiệp giữa các kết quả được tính toán thiếu chính xác và được xác định giá trị dựa trên các tiêu chí khác nhau. Ngoài ra, mô hình chủ thể “duy lý” không tính đến nhân tố “nhận thức” là mức độ mà các quyết định được định hình bởi niềm tin và nhận định của chủ thể về thực tế hơn là bản thân thực tế. Vì vậy mô hình này đã bỏ qua vai trò quan trọng của tâm lý cá nhân và tập thể, hoặc các giá trị và hệ tư tưởng của người ra quyết sách.
Các nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quan hệ của Mỹ, Liên Xô, và Trung Quốc trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ví dụ như trong một tuyển tập các nghiên cứu về quan hệ tam giác Mỹ – Liên Xô – Trung Quốc do hai chuyên gia về Trung Quốc là Robert Ross và Herbert Ellison biên tập, cũng chỉ ra rằng quá trình hoạch định chính sách và sự tương tác giữa ba cường quốc được quyết định bởi cả nhóm các nhân tố mang tính hệ thống – nhóm nhân tố liên quan đến tam giác chiến lược như hành vi và quan hệ song phương của hai quốc gia còn lại, và nhóm các nhân tố nội trị như nền chính trị trong nước, hệ tư tưởng và vai trò của cá nhân lãnh đạo; và không nhóm nhân tố nào có tính quyết định đến mức có thể loại trừ vai trò của nhóm còn lại.[18] Một ví dụ cụ thể, Michael Yahuda, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, lưu ý rằng đầu thập kỷ 1970, Trung Quốc có thể cùng Mỹ xây dựng nên một dạng “mặt trận thống nhất” tạm thời khi mối đe dọa Liên Xô trở nên lớn hơn, nhưng các vấn đề ý thức hệ đã ngăn cản họ phát triển mối quan hệ gần gũi hơn nữa, bởi vì đối với họ, Mỹ vẫn là một đế quốc.[19]
Ngoài giả định chủ thể duy lý, các giả định còn lại – mà không được đề cập một cách trực tiếp nhưng ẩn trong mô hình tam giác chiến lược, cũng đều gặp các loại phản biện đa dạng trong bối cảnh cuộc đấu tranh bất phân thắng bại giữa chủ nghĩa hiện thực/tân hiện thực và các trường phái lý thuyết khác.[20] Trong bối cảnh các cuộc tranh luận này, lý thuyết trò chơi nói riêng cũng thường gặp chỉ trích do có xu hướng nhấn mạnh vào khía cạnh chiến lược trong khi coi nhẹ các lĩnh vực khác, hay như lời của Bennett (học giả về lý thuyết trò chơi), do mối liên hệ thường xuyên với chiến lược răn đe mang tính diều hâu.[21]
Tóm lại, các giả định của chủ nghĩa Tân hiện thực được sử dụng để phát triển nên lý thuyết trò chơi nói chung, và mô hình tam giác chiến lược nói riêng đều gặp phải sự phê phán, đặc biệt từ cấp độ phân tích đơn vị – quốc gia. Điều này đặt ra câu hỏi về tính hữu dụng của lý thuyết trò chơi. Theo tổng kết của Bennett, đã có các chỉ trích rằng lý thuyết trò chơi có khiếm khuyết cơ bản về triết học, không thực tế, vô dụng và thậm chí là gây hại.[22] Phần tiếp theo sẽ tập trung vào trả lời cho câu hỏi nêu ra này, rằng lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược có hữu dụng hay không, hữu dụng như thế nào, và trong hoàn cảnh nào.
Vai trò và hạn chế của lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược
Để tìm hiểu về tính hữu dụng của lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược, trước hết, cần phải nhắc lại về khái niệm “giả định” (assumption), đặc biệt là từ góc độ của các trường phái xây dựng lý thuyết hướng đến giải thích quan hệ quốc tế như chủ nghĩa (tân) hiện thực.[23] Paul Viotti và Mark Kauppi, hai học giả về quan hệ quốc tế, đã nêu rằng, về mặt phương pháp luận, không nhất thiết phải nhìn nhận về “giả định” theo tiêu chí mô tả chính xác thực tế, mà nên nhìn nhận về giả định thông qua tác dụng của khái niệm này trong việc phát triển nên các kiến giải và các nét khái quát hóa về chính trị quốc tế. Từ góc độ này, giả định không đúng cũng không sai, mà chỉ có ích nhiều hay ít trong việc xây dựng lý thuyết. Lý thuyết sau khi hình thành sẽ được kiểm chứng trong thực tế.[24]
Milja Kurki và Colin Wight, hai học giả về chính trị quốc tế, đã giải thích rằng các nhà lý thuyết về lựa chọn duy lý thừa nhận sự phức tạp của thế giới thực tế, nhưng họ chủ ý lờ đi phần lớn các phức tạp này để tập trung vào các suy luận dựa trên một cách hiểu nhất định về cá nhân – rằng các cá nhân và mở rộng ra là các quốc gia, là những thực thể luôn tìm cách tối đa hóa lợi ích. Điều này không có nghĩa là họ thực sự tin rằng đây là đặc điểm duy nhất của cá nhân hay quốc gia. Tuy nhiên, họ tin rằng nếu chúng ta nhìn nhận theo cách này, chúng ta có thể đưa ra một loạt các suy luận về hành vi dựa trên các kết quả đã được quan sát.[25] Hans Morgenthau, một trong những chuyên gia hàng đầu về chính trị quốc tế của thế kỷ XX, lập luận rằng: “Chúng ta đặt bản thân vào vị trí của chính trị gia là những người gặp phải một vấn đề đối ngoại trong một tình huống nhất định và chúng ta tự hỏi bản thân rằng các lựa chọn duy lý giành cho nhà chính trị gia là gì… và lựa chọn duy lý nào trong số các lựa chọn duy lý này sẽ có thể được nhà chính trị gia này, trong tình huống nhất định này, lựa chọn. Chính việc kiểm nghiệm giả thuyết duy lý dựa trên các sự việc thực tế cũng như kết quả của chúng đã mang lại ý nghĩa cho các sự việc của chính trị quốc tế cũng như khiến cho một lý thuyết về chính trị có khả năng tồn tại.”[26]
Cách hiểu trên đây về vai trò của giả định trong việc phát triển lý thuyết xuất phát từ niềm tin “thực chứng” (positivist) cho rằng có một thế giới thực tế bao gồm các sự thực “khách quan” tồn tại độc lập khỏi nhận thức chủ quan của con người, và lý thuyết có thể tồn tại tách biệt với thực tế và được kiểm nghiệm thông qua so sánh và đối chiếu với sự việc thực tế (facts). Hay nói theo cách khác, thế giới thực tế là thước đo để đánh giá sức mạnh giải thích của lý thuyết. Đây thực chất là một trong những chủ đề gây tranh cãi của ngành triết học khoa học xã hội, với các phản biện hậu thực chứng (post-positivist) cho rằng không tồn tại, hoặc không thể chỉ ra sự phân chia giữa nhận thức và thực tế, và vì vậy, bản thân việc phân định đâu là lý thuyết hay thực hành, chủ thể hay đối tượng, nguyên nhân hay kết quả, phản ảnh sự thiên kiến của nhà phát triển lý thuyết dưới ràng buộc của không gian văn hóa, xã hội và chính trị của giai đoạn lịch sử mà ở trong đó họ xây dựng nên lý thuyết.[27] Phản biện này chỉ ra rằng, như Scott Burchill và Andrew Linklater tuyên bố, “điều quan trọng là phải suy nghĩ kỹ càng về các lợi ích trong nhận thức và các giả định có tính chuẩn mực mà tạo thành cơ sở cho nghiên cứu. Mục tiêu là để nhận thức sắc bén về các giả định ẩn đằng sau và các thiên kiến trong việc nhìn nhận thế giới […].”[28] Cụ thể ở đây, cần phải đặt câu hỏi đối với tất cả các giả định của lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược, cũng như các giả thuyết và/hoặc suy luận nguyên nhân – kết quả về việc một chủ thể duy lý sẽ coi cái gì là lợi ích và sẽ theo đuổi lợi ích như thế nào. Việc nêu ra các phản biện đối với giả định chủ thể duy lý ở trên là một phần của nỗ lực này.
Trong khi lưu ý đến các vấn đề có tính triết học sâu xa nêu ra ở trên, có thể chỉ ra bốn ý nghĩa tương liên của lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược. Thứ nhất, lý thuyết này nhắc nhở chúng ta rằng, quốc gia là một đơn vị của hệ thống quốc tế và vì vậy, hành vi của quốc gia có thể được phân tích từ góc độ này. Cụ thể, ba cường quốc khi nằm trong một cục diện tam giác, thì lợi ích quốc gia, cũng như hành xử của quốc gia phần nào được định hình bởi cục diện này. Các nghiên cứu về quan hệ giữa Mỹ – Liên Xô – Trung Quốc, cũng đã chứng minh rằng có một tam giác tồn tại giữa ba cường quốc, và một quốc gia trong mối quan hệ song phương với quốc gia thứ hai luôn tính đến nhân tố quốc gia thứ ba.[29]Thứ hai, dựa trên những quan sát về mối quan hệ Mỹ – Liên Xô- Trung Quốc từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, lý thuyết này cung cấp ba mô hình khái quát về các cục diện quan hệ tam giác và xu hướng vận động của chúng, bao gồm “cộng cư tam giác,” “tam giác tình cảm,” và “hôn nhân vững chắc.” Bên cạnh đó, lý thuyết này cũng cung cấp một cách hiểu đặc thù về “quốc gia duy lý” và “lợi ích” trong khuôn khổ mô hình tam giác, ví dụ như quốc gia ở vị trí trục trong “tam giác tình cảm” có lợi ích và hành động duy lý là duy trì vị trí này.
Thứ ba, giống như các lý thuyết trò chơi khác, lý thuyết này lưu ý rằng lợi ích mà các quốc gia theo đuổi và hành vi mà họ cho là duy lý không nhất thiết dẫn đến kết quả cùng thắng lợi cho tất cả các bên.[30]Cuối cùng, lý thuyết này không những nhắc nhở rằng chúng ta về cục diện tam giác, mà còn cung cấp các giả thuyết, từ đó gợi ý ra một loạt các câu hỏi nghiên cứu về quan hệ tam giác và các vấn đề chính sách liên quan. Ví dụ, chúng ta có thể đặt câu hỏi về việc một quốc gia ở vị trí “cánh” trong “tam giác tình cảm” có hành vi lôi kéo quốc gia trục vào một mối quan hệ “hôn nhân vững chắc” hay không, và tại sao? Việc lôi kéo này có mang lại lợi ích lớn hơn hay không, hoặc có xuất phát từ những tính toán “duy lý” hay không? Hay việc quốc gia cánh này không có động thái lôi kéo quốc gia trục có phải là do quốc gia này không duy lý? Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đặt ra các câu hỏi về bản chất và logic của các giả định như nêu ở trên.
Ngoài các tác dụng vừa nêu, lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược không giúp phân tích các trường hợp hành vi chính sách cụ thể. Hay nói theo cách khác, trong khi cung cấp các mô hình khái quát về các cục diện tam giác, lý thuyết này vẽ ra khu rừng, nhưng không giải thích từng cái cây.[31] Lý do là, như đã đề cập qua, việc xây dựng lý thuyết luôn gắn với việc đưa ra các giả định mang tính giản lược hóa như quốc gia duy lý, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy các khái niệm này cách quá xa so với thực tế quá trình ra quyết sách của các quốc gia. Bên cạnh đó, việc coi các quốc gia là một đơn vị của (hệ thống) tam giác, là một bên tham gia vào “trò chơi,” có lợi ích và hành vi như nhau nếu ở vào cùng một vị trí trong trò chơi, cũng chưa phản ánh được đầy đủ thực tế.[32]
Do đó, đầu thập kỷ 1970, khi mâu thuẫn trong mối quan hệ “hôn nhân” của Liên Xô và Trung Quốc bùng nổ[33] và Liên Xô bị coi là mối đe dọa đến sự sống còn của Trung Quốc, đồng thời với xu thế hòa dịu Liên Xô – Mỹ[34] đặt Trung Quốc vào vị thế vô cùng bất lợi, lý thuyết gợi ý rằng Trung Quốc sẽ bắt tay với Mỹ; và Trung Quốc đúng là đã đi theo hướng này, giúp thiết lập nên một mối quan hệ gần như là “hôn nhân vững chắc” giữa Trung Quốc và Mỹ vào cuối thập kỷ 1970.[35] Tương tự, đến đầu thập kỷ 1980, khi mối đe dọa Liên Xô đối với Trung Quốc giảm đi, căng thẳng Liên Xô – Mỹ tăng lên sau khi Liên Xô đưa quân vào Áp-ga-ni-xtan năm 1979, và quan hệ Trung Quốc – Mỹ rạn nứt do vấn đề Đài Loan, lý thuyết gợi ý rằng Trung Quốc sẽ trở nên độc lập hơn với Mỹ, và điều này cũng đã xảy ra. Tuy nhiên, lý thuyết không giúp trả lời những câu hỏi cụ thể hơn, ví dụ như tại sao Trung Quốc không thúc đẩy mối quan hệ đồng minh với Mỹ vào cuối thập kỷ 1970? Phân tích của Michael Yahuda như ở trên đã nêu chỉ ra rằng để trả lời cho loại câu hỏi cụ thể như thế này, cần phải sử dụng đến các loại công cụ phân tích khác mà đi sâu vào các nhân tố như cá nhân lãnh đạo, chính trị nội bộ v.v.
Hạn chế thứ hai của lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược là không tính đến các chủ thể ngoài tam giác. Ba quốc gia trong tam giác đồng thời tham gia vào các loại quan hệ đồng minh, liên minh, song phương, và đa phương với các quốc gia bên ngoài. Trong khi mối quan hệ của một quốc gia với bên thứ tư, ví dụ như quan hệ đồng minh của Mỹ với NATO, có thể có tác động lớn đến tính toán lợi ích và lựa chọn hành vi của cả ba quốc gia trong tam giác, việc bỏ qua mối quan hệ này khiến cho cách tiếp cận tam giác chiến lược trở nên thiếu thuyết phục hơn.
Hạn chế thứ ba liên quan đến sự đa dạng của các lĩnh vực và hành vi quan hệ quốc tế của quốc gia. Quốc gia không chỉ quan hệ với nhiều quốc gia trong và ngoài tam giác, mà còn quan hệ trong nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội. Một mặt, việc lý thuyết tam giác chiến lược quá nhấn mạnh vào tính toán “chiến lược” trong khi bỏ qua các nhân tố khác góp phần vào hạn chế của lý thuyết trong việc giải thích hành vi chính sách của quốc gia. Mặt khác, sự đa dạng của các loại hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, mà có thể có hoặc không liên quan đến nhau, đặt ra câu hỏi về phạm vi của tam giác chiến lược. Có phải mọi hành vi của quốc gia đều là một phần của tính toán tam giác chiến lược hay không? Nếu không, sự kiện nào là một phần của tính toán tam giác, sự kiện nào không liên quan đến tam giác mà chỉ liên quan đến quan hệ song phương với một bên nằm trong hoặc ngoài tam giác? Từ vấn đề này dẫn đến câu hỏi về nhận định của các quốc gia. Ví dụ, Mỹ có thể nhìn nhận một sự kiện là vấn đề song phương giữa Mỹ và Liên Xô, nhưng Liên Xô lại cho đây là một nước cờ của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc? Nói theo cách khác, như Hollis và Smith đã nêu, có thể xảy ra trường hợp là hai quốc gia đồng thời chơi hai trò chơi khác nhau.[36] Những câu hỏi này chỉ ra rằng việc áp dụng lý thuyết tam giác chiến lược vào thực tế phân tích quan hệ giữa ba quốc gia không đơn giản như mô hình đề ra.
Cuối cùng, cần lưu ý rằng lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược được phát triển trong hoàn cảnh Chiến tranh Lạnh, là lúc tư duy “chiến tranh” và “chiến lược” thống trị quan hệ quốc tế. Sau Chiến tranh Lạnh, xu thế toàn cầu hóa, phụ thuộc lẫn nhau, cùng với quan hệ kinh tế dần chiếm vị trí quan trọng tương đương, nếu không nói là nổi bật hơn. Hoàn cảnh mới này đặt ra câu hỏi rằng cách tiếp cận tam giác chiến lược liệu có còn hữu ích? Năm 2005, Lowell Dittmer đã áp dụng lý thuyết tam giác chiến lược để phân tích quan hệ Nga – Trung Quốc – Nhật Bản sau Chiến tranh Lạnh, một phần nhằm chứng minh rằng lý thuyết này vẫn là khung phân tích hữu hiệu khi mối quan hệ giữa ba quốc gia vẫn đáp ứng đủ các điều kiện là một mối quan hệ tam giác chiến lược.[37] Mặt khác, Dittmer nhận xét rằng hình thái tam giác đã trở nên “mù mờ” “thiếu rõ ràng” hơn sau Chiến tranh Lạnh, khi cả ba quốc gia đều thiết lập nên các mối quan hệ đối tác với nhau, khuyến khích hợp tác kinh tế và thương mại toàn diện nhưng đồng thời vẫn chuẩn bị cho các tình huống bất trắc. Dittmer cho rằng kiểu quan hệ này có thể được coi là một cục diện cộng cư tam giác, nhưng bao gồm các nhân tố của một cuộc “hôn nhân” (trong các quan hệ đối tác song phương), lẫn một “tam giác tình cảm” (thể hiện trong các nỗ lực cân bằng lẫn nhau), và thậm chí là một “tam giác thù địch” (unit-veto triangle, thể hiện trong việc tiếp diễn các cuộc chạy đua vũ trang). Dittmer gọi đây là cục diện “hướng tới cộng hôn tam giác” (triangular courtship), tuy nhiên thừa nhận rằng cục diện này có nhiều chiều hướng mơ hồ.[38]
Kết luận
Có thể kết luận rằng lý thuyết trò chơi tam giác chiến lược là một công cụ phân tích có ích. Lý thuyết đã đưa ra một định nghĩa về tam giác chiến lược, hướng chúng ta chú ý tới quan hệ tam giác tồn tại giữa ba quốc gia – mối quan hệ song phương của hai quốc gia tác động đến quan hệ của mỗi quốc gia với quốc gia còn lại. Bên cạnh đó, như Dittmer tuyên bố, lý thuyết cũng cung cấp một phương pháp tương đối hệ thống nhằm tìm hiểu mối quan hệ này.[39] Các mô hình tam giác giúp làm sáng tỏ các cục diện quan hệ giữa ba quốc gia cũng như các thuận lợi và thách thức có khả năng xảy ra đối với quốc gia khi nằm vào các vị trí khác nhau trong cục diện. Tuy nhiên, lý thuyết chỉ cung cấp khung tiếp cận tổng quát, còn để đi sâu phân tích từng cặp quan hệ trong tam giác, chúng ta cần tính đến các nhân tố như lịch sử mối quan hệ giữa hai quốc gia, vai trò của cá nhân lãnh đạo, các nhân tố nội bộ của từng quốc gia, hay vai trò của các quốc gia ngoài tam giác.
>> Xem Tài liệu tham khảo và Chú thích
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
Tags: Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô, Chiến tranh Lạnh, Nghiên cứu quốc tế