⠀
Nước Nga phải bảo vệ giá trị lịch sử của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bằng mọi giá
Vào ngày 9/5 hằng năm, nước Nga kỷ niệm chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945). Ngày lễ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi những sự kiện của những năm tháng xa xưa ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm không chỉ trong lịch sử nước Nga mà còn trong ký ức của mọi người dân, của mỗi gia đình cụ thể.
Tác giả: G. S. Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam
Vào ngày này, chúng ta tôn vinh những chiến sĩ-những người chiến thắng đã không tiếc thân mình trên chiến trường, những người lao động ở hậu phương đã tôi rèn chiến thắng trong nhà máy và hầm mỏ, những người lái máy gặt đập. Chúng ta tưởng nhớ những người đã hy sinh và mất tích.
Đối với những người Nga và các dân tộc thuộc Liên Xô, ngày 9/5 vẫn là một trong những ngày kỷ niệm quan trọng, tượng trưng cho sự đóng góp chung vào cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít.
Thật đáng tiếc, trong những năm gần đây, ở một số quốc gia, vì lợi ích của tình hình chính trị mà người ta nghi ngờ về sự đóng góp quyết định của Liên Xô nhằm giải phóng thế giới khỏi “bệnh dịch hạch nâu”. Họ kiên trì theo đuổi luận điểm về trách nhiệm ngang nhau của Liên Xô và Đức Quốc xã vì đã khơi mào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và những hậu quả khủng khiếp của nó.
Tất nhiên, những khẳng định như vậy có thể minh chứng cho sự thiếu hiểu biết các sự thật lịch sử, hoặc ý định bóp méo chúng.
Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Đức, một quốc gia châu Âu có quy mô trung bình lại liều lĩnh tấn công Liên Xô-quốc gia vượt xa họ về lãnh thổ và dân số? Đâu là nguyên nhân trong quyết định tương ứng của giới lãnh đạo phát xít Đức?
Điều quan trọng cần hiểu là vào năm 1941, quân đội Đức Quốc xã đã kiểm soát hầu như toàn bộ lục địa châu Âu và trong khuôn khổ khái niệm “mở rộng không gian sống cho quốc gia Đức”, giới lãnh đạo Đệ tam Đế chế đã ấp ủ kế hoạch bành trướng hơn nữa.
Tiềm lực công nghiệp đáng kể của các quốc gia bị chiếm đóng đã được huy động cho nhu cầu của quân đội. Vào thời điểm đó, quân đội Đức Quốc xã (Wehrmacht) có lẽ là đội quân tốt nhất, có kinh nghiệm tác chiến và đội ngũ chỉ huy chuyên nghiệp cao. Trong xã hội Đức, tư tưởng phục thù trỗi dậy rất mạnh mẽ sau thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và sự ủng hộ những ý định xâm lược của giới lãnh đạo Đức Quốc xã.
Về phần mình, Liên Xô trên thực tế chỉ mới bắt đầu vào con đường phát triển công nghiệp. Đất nước buộc phải khắc phục hậu quả tàn khốc của cuộc nội chiến, kéo theo đó là những thiệt hại về vật chất và con người, thiếu hụt nhân lực có trình độ và năng lực sản xuất. Về mặt công nghệ, các quốc gia thuộc thế giới phương Tây đã đi trước rất xa. Ở một số lĩnh vực, Liên Xô tụt hậu ước tính tới 50 năm và cần rút ngắn khoảng cách này trong thời gian ngắn.
Với mục đích đó, Liên Xô đã triển khai xây dựng quy mô lớn các nhà máy và xí nghiệp, đường sắt và đường bộ, thăm dò và phát triển các mỏ khoáng sản, mua và triển khai các thiết bị hiện đại, đào tạo hàng loạt kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật. Nhận thấy nguy cơ xảy ra va chạm với Đức, Ban lãnh đạo Liên Xô đã nhanh chóng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và hy vọng có thể tránh được chiến tranh bằng cách thực hiện các bước đi mạnh mẽ trên mặt trận chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, những nỗ lực thành lập liên minh chống Adolf Hitler trong giai đoạn trước chiến tranh đã không thành công vì ngoại giao phương Tây đã làm mọi cách để hướng nguyện vọng quân sự của Adolf Hitler sang phương Đông.
Ngày 22/6/1941, quân đội Đức Quốc xã đã xâm lược lãnh thổ Liên Xô. Kế hoạch “Ost” được phát triển ở Berlin, dự tính đánh bại nhanh chóng Hồng quân, hủy hoại vật chất, phần lớn dân cư và biến những người còn lại thành nô lệ để phục vụ nhu cầu của “quốc gia Đức vĩ đại”. Nhân dân Liên Xô không thể lường trước được hậu quả khủng khiếp của cuộc chiến nếu nó được tiến hành. Nhưng vấn đề thực tế khi ấy là sự sống còn. Đó là lý do tại sao tất cả nguồn lực có thể đã được huy động cho cuộc chiến dưới khẩu hiệu nổi tiếng: “Tất cả cho mặt trận, tất cả cho chiến thắng!”.
Trong 3 năm dài, Liên Xô đã đơn độc chống lại cỗ máy chiến tranh khổng lồ của Wehrmacht. Và chỉ khi có triển vọng về thất bại không thể tránh khỏi của Đức Quốc xã mới thúc đẩy các đồng minh phương Tây mở mặt trận thứ hai. Sau đó là chiến thắng năm 1945 và sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa thế giới ở châu Á và châu Phi, dẫn đến sự xuất hiện của các quốc gia độc lập mới trên bản đồ thế giới và mở ra một trang mới trong lịch sử nhân loại.
Nhiều thập niên đã trôi qua kể từ khi hệ tư tưởng của chủ nghĩa quốc xã bị lật đổ, nhưng nó không biến mất. Các biểu hiện của nó ngày càng trở nên dễ nhận thấy ở một số quốc gia. Điều này được thể hiện qua việc cố ý viết lại lịch sử, bóp méo sự thật về các sự kiện trong những năm trước đây, xúc phạm và phá hủy các tượng đài kỷ niệm những người lính Xô viết đã hy sinh trong các trận chiến giải phóng châu Âu, đồng thời tôn vinh các cựu binh SS (cựu binh của Đức Quốc xã) và những người đã cộng tác với Đức Quốc xã. Đây là những điều tuyệt đối không thể chấp nhận được, cho dù đó là lý lẽ biện minh nào đi chăng nữa.
Nước Nga dự định tiếp tục lưu giữ ký ức về chiến công của nhân dân Liên Xô, về đóng góp quyết định của họ trong cuộc chiến chống “bệnh dịch hạch nâu” và những hy sinh to lớn mà Liên Xô phải gánh chịu trong cuộc chiến này.
Điều quan trọng là không cho phép lặp lại các tình huống dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai và cố gắng tránh những thảm kịch tương tự trong tương lai. Chừng nào ký ức về chiến thắng năm 1945 còn sống, nhân loại còn có hy vọng không lặp lại những sai lầm của quá khứ.
Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Tags: Liên Xô, Nga, Đức Quốc Xã, Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Chủ nghĩa Phát-xít