Những điểm quan trọng trong tư tưởng Phật học Nguyên thủy

Trong học thuyết Tứ đế của Thích Ca, duyên khởi là đặc tính xuyên suốt biểu hiện sự bất đồng quan điểm với những hệ thống triết học khác về vũ trụ.

Những điểm quan trọng trong tư tưởng Phật học Nguyên thủy

Tác giả: Lữ Trưng.

Biên dịch: Thích Hạnh Bình.

Những tín đồ Phật giáo cho rằng, sau khi Thích Ca thành đạo, lần đầu tiên tuyên thuyết giáo pháp tại vườn Lộc Uyển, gọi đó là sơ chuyển pháp luân. “Pháp luận” là tỷ dụ, truyền thuyết Ấn Độ cho rằng, ai có khả năng thống trị toàn cõi Ấn độ, tự nhiên có ‘luân bảo’ xuất hiện. Luân bảo này không gì lay chuyển được, vô địch không gì bằng. Nếu ai được luân bảo này, xưng là chuyển luân thánh vương. Khi Thích Ca chưa xuất gia, chính Ngài phải chọn một trong hai con đường, một là làm vua Chuyển luân thánh vương (nhà lãnh đạo quốc gia), hai là làm Pháp luân vương (nhà tư tưởng ). Những lời dạy của Phật gọi là chuyển pháp luân, đồng thời biểu hiện chơn lý cao tuyệt của Phật đã giác ngộ.

Tương truyền, lần đầu tiên Thế Tôn chuyển pháp luân, cho 5 anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển, thuộc thành Ba la nại. Nghiên cứu từ trong kinh luật cho thấy, lần đầu Thích Ca nói Pháp, không phải là pháp Tứ đế, mà chính là pháp Trung đạo, điều này phù hợp với sự thật, vì 5 người này vốn là những người cùng ngài tu hành khổ hạnh trước kia, sau đó Thích Ca từ bỏ đời sống khổ hạnh, để lại trong lòng họ suy nghĩ không hay về Ngài. Dĩ nhiên giáo pháp mà Thế Tôn nói với họ đầu tiên phải là phê bình đời sống khổ hạnh, cùng những học thuyết mà họ chủ trương, sau đó cùng họ giới thiệu học thuyết trung đạo, là con đường không khổ không lạc, đồng thời chứng minh khổ hạnh vốn không phải là phương pháp tu tập chơn chánh, chỉ có trung đạo mới là hợp lý. Sau đó nói giáo lý ‘Bát chánh đạo’ (Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định), sau khi thuyết phục xong mới tuyên thuyết giáo lý Tứ đế.

Trọng tâm của giáo lý Tứ đế là trình bày sự thật về những hiện tượng trong cuộc sống con người. Toàn bộ đời sống con người không ra ngoài hai phương diện, một là nhiễm (khổ, tập), hai là tịnh (diệt đạo). Phương pháp tổ chức pháp Tứ đế, lấy khổ đế làm căn bản, ‘tập’ là sự tích tập của khổ, ‘diệt’ là diệt trừ khổ đau, ‘đạo’ là phương pháp diệt trừ khổ đau. Thế Tôn nói pháp Tứ đế, nói đi nói lại pháp này cho đến 3 lần, 3 lần này được gọi là Tam chuyển pháp luân. Chuyển lần đầu là khẳng định pháp tứ đế (nhân sanh là khổ, già chết là khổ.v.v. ); Chuyển lần hai, chỉ rõ tứ đế là ý nghĩa sự thật của cuộc sống con người ( khổ nên biết, tập nên đoạn, diệt nên chứng, đạo nên tu ); chuyển lần thứ ba, là chứng minh Thích Ca đã chứng ngộ thành đạt được những gì mà tứ đế yêu cầu (Khổ đã rõ, tập đã đoạn, diệt đã chứng, đạo đã tu.). Trong 3 lần chuyển pháp luân, mỗi một lần đối với một đế đều có 4 loại nhận thức không giống nhau, gọi đó là ‘Tứ hành tướng’ — Nhẫn, trí, minh, giác, do đó Tứ đế có 12 hành tướng, gọi là Tứ đế 12 hành tướng. Quan điểm này, là sự khẳng định những điểm cơ bản của nguyên thủy Phật học. Những tư liệu trong kinh luật được ghi chép như vừa trình bày, vào khoảng 200 năm, sau khi Thế Tôn nhập diệt, những sắc lệnh mà nhà vua A Dục còn lưu lại, đề cập đến việc này cũng như thế (Trong pháp lệnh yêu cầu những tín đồ Phật giáo thường niệm một trong 7 kinh là: “Tỳ Nại Da Tối Thắng Kinh”, căn cứ vào những tư liệu khảo cổ chứng minh, tức là đề cập đến tam pháp luân); Về sau, Phật học phát triển đến giai đoạn Đại thừa, có thể nói sớm nhất là “Kinh Duy Ma Cật”, “Kinh Pháp Hoa”.v.v… phần mở đầu của những kinh này, đều đề cập đến pháp Tứ đế, những kinh điển thuộc giai đoạn hậu kỳ đại thừa như “Kinh Giải Thâm Mật”, phân chia lời Phật nói thành 3 thời, Thời thứ nhất cho rằng, Phật nói Tứ đế. Từ đó có thể nói, Tứ đế là trung tâm tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy, điều này cũng được mọi người công nhận.

Khổ đế trong giáo lý tứ đế, về sau phát triển thành 8 khổ: Sanh, lão, bịnh, tử, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc, ngũ thủ uẩn. Bốn loại khổ đầu là những loại khổ thuộc về tự nhiên, không ai tránh khỏi, những mong cầu của con người, thường ngược lại những qui luật này, như mong cầu không già, được trường sanh.v.v. do đó mà sanh khổ. 3 chi kế tiếp, là những nỗi khổ do mối quan hệ không hợp lý giữa người và người trong xã hội tạo thành, như chế độ phân biệt đẳng cấp của xã hội đương thời. Những người không hợp ý mà luôn luôn phải sống với nhau, những người thương yêu mà phải phân tán chia lìa, những yêu cầu vật chất thường không được như ý, những loại này đều được gọi là khổ. Từ góc độ này, chúng ta có thể thấy, Thích Ca phản ánh những hiện tượng xã hội đương thời. Nhưng thử hỏi nguồn gốc cái khổ của con người là gì? Thích Ca cho là cầu bất đắc. Tại sao mong cầu mà không được là nguyên nhân của khổ? Thích Ca lại cho rằng, do vì chấp 5 uẩn (panca-skandha), tức là Ngài phân tích sự cấu thành con người do 5 loại: Sắc (rùpa) là những thành phần thuộc vật chất, thọ (Vedanà) là cảm tình cảm giác (gọi là tình), tưởng (Samjnà) là sự hoạt động của lý tánh khái niệm (gọi là trí ), hành (Samskàra) là hoạt động của ý chí, thức(Vijnàna) bao gồm 3 loại trước (thọ, tưởng và hành). Nội dung của những loại này rất là phức tạp, sự tích tập của những thứ này gọi là ‘uẩn’ (skandha), 5 uẩn đi cùng với ‘thủ’ (chỉ loại dục vọng cùng chấp trước) liên kết với nhau, từ đó sinh ra một loại tham dục, do đó cho nên gọi là ‘ngũ thủ uẩn’. Căn cứ quan điểm của Thích Ca, con người sinh ra liền có 5 uẩn. Khi có 5 uẩn tức là có khổ, do đó cho nên gọi 5 uẩn là khổ. Nguồn gốc của khổ này do tham dục (tập đế) mà sanh, đoạn trừ tham dục, tức đoạn trừ khổ (diệt đế), liền được giải thoát.

Trong học thuyết Tứ đế của Thích Ca, duyên khởi là đặc tính xuyên suốt biểu hiện sự bất đồng quan điểm với những hệ thống triết học khác về vũ trụ. Khi Thích Ca còn tại thế, trong xã hội Ấn độ đã có hai loại tư tưởng chỉ đạo cuộc sống nhân sanh: Thứ nhất là Bà la môn, họ cho rằng, con người do Phạm Thiên sanh, là sự chuyển hóa của thần ngã gọi đó là thuyết ‘chuyển hóa’. Thứ hai là sáu phái triết học, họ cho rằng, con người là do nhiều yếu tố kết hợp mà thành (chủ trương của Thuận thế phái), gọi đó là thuyết ‘Tích tụ’. Thích Ca phản đối 2 học thuyết này, chủ trương ‘duyên khởi’. Ngài cho rằng, thế giới hiện tượng đều là sự quan hệ mật thiết về nhân quả, cùng làm điều kiện cho nhau trong sự tồn tại. Trong kinh Phật thường lấy bó lau làm ví dụ để trình bày sự quan hệ của mọi sự vật. Nếu như lấy quan điểm này, giải thích những hiện tượng vũ trụ, thuyết minh quy luật tồn tại của vũ trụ là duyên khởi, như thế rất cụ thể và biện chứng. Nhưng lý thuyết duyên khởi này, không phải xuất phát từ sự quan sát vũ trụ, mà được phát hiện ngang qua đời sống con người, đồng thời cũng lấy nó làm điểm tựa căn bản để giải quyết những vấn đề của nhân sanh. Thích Ca phân tích con người được phân chia thành nhiều chi phần. Theo sự ghi chép trong kinh gồm có 5 phần, 9 phần,10 phần, 12 phần.v.v… đặc biệt theo truyền thống Bắc truyền phân chia nhiều nhất là 12 phần, gọi đó là 12 nhân duyên, về sau đại thừa Phật giáo cố định thành 12 nhân duyên, tức là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Kết cấu này là vô minh làm duyên dẫn khởi hành. Do đó mà có công thức : ‘Thử hữu cố bỉ hữu, thử sanh cố bỉ sanh’. Dựa vào thứ tự này, cấu thành mối quan hệ nhân quả. Người sau lấy 12 nhân duyên và luân hồi dung hợp thành Tam thế lưỡng trùng nhân quả của Tiểu thừa: Quá khứ thế ‘nhân’, Hiện tại thế ‘quả’, Vị lai thế quả. Thuyết ‘lưỡng thế nhất trùng’ của Phật giáo Đại thừa: Quá khứ thế nhân. Hiện tại thế quả, hoặc là Hiện tại thế nhân, Vị lai thế quả. Lý thuyết này, có phần hợp lý, vì trong hiện tượng, vốn là sự liên hệ 2 đời, trên nguyên tắc này, chúng ta có thể tìm ra mối quan hệ nhân quả của nó. Thí như, lão tử là quả, căn bản nguyên nhân của nó là sanh. Theo sự ghi chép của kinh điển, Thích Ca quán sát nhân sanh, bắt đầu từ lão, tử rồi suy diễn quán 12 nhân duyên. Trong Tứ đế lấy tham dục của tập đế làm trọng tâm, 12 nhân duyên lấy ái dục làm căn bản, nếu như muốn được giải thoát trước phải đoạn trừ ái dục. Thích Ca cho là, ái dục là vô cùng, không bao giờ biết đủ, ngược lại, lòng mong muốn của con người thì vô cùng, chính lòng ham muốn này là nguyên nhân sanh ra khổ đau.

Thích Ca cho là, hành vi và nghiệp lực của con người có sự liên quan mật thiết. ‘Hành’ là ý chí hành động có mục đích của con người, bản chất của nó là nghiệp. Nghiệp có 3 loại: Thân, khẩu và ý, nếu như chúng ta thử đặt vấn đề, cái gì quyết định thành nghiệp? Lời giải đáp hẳn nhiên là do vô minh vô tri. Chúng sanh vô tri cái gì? Thích Ca cho là, nhân sanh vốn là vô thường, nhưng chúng sanh yêu cầu thường, đây chính là vô minh vô tri. Nhân sanh là vô ngã, vì nó vốn không thể tự sanh, do đó không có tự thể, giống như nhà do từ gạch, ngói, cây, đá kết hợp mà thành, cũng vậy, con người do ngũ uẩn kết hợp mà thành, nhưng ngược lại chúng sanh chấp trước có thật ngã, đây gọi là vô minh. Chúng sanh do bởi những loại vô tri này mà dẫn khởi hành động, là nguồn gốc của khổ đau.

Thích Ca luận chứng, nhân sanh là vô thường vô ngã, từ đó đề xuất 3 mệnh đề: Chư hành (chỉ hữu vi pháp) vô thường, các pháp vô ngã, tất cả đều là khổ. 3 mệnh đề này gọi là tam tướng, lại cũng gọi là Tam pháp ấn. Ngoài tam tướng này, thêm một chi nữa là Niết bàn vắng lặng, gọi là Tứ pháp ấn. Cho rằng, trong vô thường, vô ngã đã bao gồm khổ, cho nên khổ bỏ đi, vẫn còn lại Tam pháp ấn. Tam pháp ấn lấy duyên khởi làm cơ sở phát triển. Duyên khởi bao gồm hai phương diện thuận và nghịch. Thuận là chỉ cho sự sản sinh đau khổ, nghịch là chỉ cho sự hướng đến Niết bàn. Thích Ca nói, ai hiểu duyên khởi, người ấy hiểu pháp. Có thể nói, thuyết duyên khởi là điểm đặc trưng của Phật giáo.

Tuy nhiên, có một số vấn đề Thích Ca vẫn chưa giải thích rõ ràng, Ví như, Lý thuyết Duyên khởi của Thích Ca chỉ nhằm mục đích thuyết minh về những hiện tượng trong đời sống con người, không chú trọng vào những mục đích khác, nhưng nó cũng có thể giải thích những hiện tượng khác, chẳng qua đem nguyên lý này biến thành phổ biến mà thôi, như thế ắt hẳn sẽ có sự cải biến kết cấu của nó và lý tưởng Niết bàn. Thí dụ như, Thích Ca một mặt phủ nhận sự tồn tại tự ngã, đồng thời lại thừa nhận tác dụng của nghiệp lực. Thuyết nghiệp lực của Bà la môn là sự kết hợp thuyết luân hồi, nhưng Thích Ca đã phủ nhận chủ thể luân hồi, thế thì lấy gì để luân hồi? Đây là vấn đề mâu thuẫn nội tại của học thuyết Thích Ca. Vì lý do đó, về sau, những người kế thừa tư tưởng của Ngài đã phát sinh sự phát triển không đồng nhất về tư tưởng. Thích Ca là người đôn hậu, thuyết nghiệp lực của Ngài cũng được biểu hiện rất cụ thể. Cuộc đời của Ngài phần nhiều thời gian ở tại nước Kiều Tát La, đã 2 lần ngăn cản sự tấn công vua Tỳ Lưu Ly đi với giòng tộc Thích Ca, cuối cùng cũng không sao tránh khỏi chủng tộc Thích Ca bị diệt vong. Ngoài ra, Ngài đối với Bà la môn giáo, đối với chế độ chủng tộc, biểu hiện sự không đồng lòng bằng thái độ ôn hòa, điều đó biểu hiện tính từ mẫn của Ngài. Nguyên nhân Thích Ca chỉ là một nhà tôn giáo vĩ đại, không phải là một nhà cải cách xã hội.

——————–

Tài liệu tham khảo:

1. “Kinh Tạp A hàm” quyển 15, ‘Đế Tụng’.
2. “Kinh Trung A hàm” quyển 7, ‘Kinh Phân Biệt Thánh Đế “.
3. “Kinh Tạp A hàm” quyển 12 : ‘Duyên Khởi Tụng’.
4. “Kinh Trường A hàm” quyển 10, ‘Kinh Đại Duyên Phương Tiện’.
5. Lữ Trưng, “Ấn Độ Phật Giáo Sử Lược”, thiên thứ nhất, chương 2.

Theo TUỆ CHỦNG

Tags: ,