⠀
Nhân tố văn minh và vị trí của nước Nga trong trật tự thế giới mới đang hình thành
Yếu tố văn minh trong các vấn đề quốc tế là chỉ dấu của thời đại. Vào thời điểm thay đổi thời đại lịch sử, cuộc đấu tranh của các quan niệm và ý tưởng về tương lai ngày càng gay gắt. Nhưng sự va chạm này không xảy ra trong trí tưởng tượng hay vô cớ. Khuôn khổ cuộc đấu tranh này được thiết lập bởi khung cảnh địa chính trị và văn minh của thế giới đa cực đang hình thành hôm nay.
Bài viết của A.Y.Drobinin, Vụ trưởng Vụ hoạch định chính sách đối ngoại của Bộ Ngoại giao Nga đăng trên tạp chí “Nước Nga trong nền chính trị toàn cầu”.
Cuộc khủng hoảng ý thức hệ trong quan hệ giữa Nga và phương Tây bước vào giai đoạn cao trào kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt trong tháng 2/2022, trên các tiêu đề tin tức và tranh luận khoa học chính trị nổi lên câu hỏi về tương lai của trật tự thế giới và các nguyên tắc của quan hệ quốc tế. Chúng ta thử xem xét chủ đề này qua lăng kính hoạch định chính sách đối ngoại. Đầu tiên, xin đưa ra một vài trích dẫn truyền cảm hứng.
Suy nghĩ về triển vọng phát triển các mối quan hệ quốc tế, trong tháng 10/2022, tại hội nghị của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng tương lai chung cho tất cả cần có cuộc đối thoại giữa phương Tây và “các trung tâm mới của thế giới đa cực”. Ông lý giải rõ nền tảng của nền văn minh thế giới là “các xã hội truyền thống của Phương Đông, Mỹ Latinh, Châu Phi và đại lục Âu-Á“. Cách đặt vấn đề như vậy tạo ra một khung khái niệm để phân tích các quá trình toàn cầu đương đại.
Điều đó có nghĩa là gì? Thực chất, nguyên thủ quốc gia đã vạch ra rõ ràng khía cạnh văn minh là cơ sở phương pháp luận để hiểu, mô tả và xây dựng cấu trúc đa cực. Xin nói thêm rằng, Tổng thống đã hơn một lần đề cập đến cách tiếp cận này khi mô tả thời điểm lịch sử hiện tại, mà theo ông, bản chất của nó là “phương Tây đã cạn kiệt tiềm năng sáng tạo của chính và đang theo đuổi tham tham vọng kiềm chế, ngăn chặn các nền văn minh khác tự do phát triển“.
Các nhà khoa học chính trị trong nước cũng đang chú ý đến xu hướng chủ đạo theo nhận định của Tổng thống Nga V.Putin. Ví dụ, chúng ta hãy lắng nghe ý kiến này: “Ý nghĩa toàn cầu của cuộc đấu tranh ở Ukraina là sự trở lại của thế giới ngoài phương Tây và chúng tôi đề xuất gọi theo một cách khác là đa số Thế giới trước đây đã từng bị đàn áp và cướp bóc, bị sỉ nhục về mặt văn hóa như tự do, nhân phẩm và độc lập. Và, tất nhiên, bị đối xử bất công đối với của cải của thế giới“. Một lần nữa, sự trở lại của thế giới ngoài phương Tây (“các nền văn minh khác” theo logic của Tổng thống) để được chia sẻ công bằng của cải thế giới. Ngoài chương trình nghị sự chống thực dân mới sâu rộng được lồng ghép trong cụm từ này, chúng ta còn thấy sự đối lập có tính phân tích giữa phương Tây và Đa số thế giới.
Nói một cách chính xác, cách tiếp cận văn minh chỉ là một trong những cách có thể mô tả thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn có tính bước ngoặt hiện nay, chính cách tiếp cận đó là xuất phát điểm để giải thích đầy đủ các quá trình liên quan đến sự chuyển đổi của trật tự thế giới. Trong nhiều năm, chúng ta đã chỉ ra một trong những biểu hiện bên ngoài của sự thay đổi cấu trúc thế giới là sự phân bổ lại các tiềm năng kinh tế và quyền lực theo hướng có lợi cho các trung tâm mới, cũng như củng cố vị thế của các bên tham gia có ý nghĩa toàn cầu bên ngoài phương Tây. Nhưng điều này có ý nghĩa gì trong thuật ngữ chính trị hiện thực? Hình dạng địa chính trị của hệ thống mới là gì? Hợp tác giữa các quốc gia sẽ được tổ chức như thế nào trong điều kiện đa cực? Những câu hỏi này cần nhận được câu trả lời. Và, theo chúng tôi, trước hết cần tìm câu trả lời trên bình diện nghiên cứu các cộng đồng lớn – các vùng vĩ mô hoặc các nền văn minh có các đặc điểm chính trị – xã hội, văn hóa, địa kinh tế và quốc tế nổi bật.
Một lần nữa chúng ta chú ý tới bài phát biểu của nguyên thủ quốc gia tại Valdai: “Ý nghĩa của thời điểm lịch sử ngày nay chính là ở chỗ các cơ hội đang mở ra cho tất cả các nền văn minh, các quốc gia và các liên kết hội nhập của họ vì con đường phát triển dân chủ, đặc trưng của riêng họ”.
Nói cách khác, sự kết tinh các nền văn minh (hoặc gọi đó là các nền tảng văn minh) với cấu trúc độc đáo của mỗi nền văn minh, cũng như sự phát triển các mối liên hệ giữa họ, là điểm khởi đầu quá trình hình thành một hệ thống mới căn bản. Hệ thống này sẽ thay thế mô hình cũ được đặc trưng bởi sự thống trị của một nền văn minh và sự bành trướng nền văn minh đó núp dưới các khẩu hiệu toàn cầu hóa, phương Tây hóa, Mỹ hóa, phổ cập hóa, tự do hóa và xóa bỏ biên giới quốc gia. Như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh: “Nếu toàn cầu hóa tự do có nghĩa là phi cá nhân hóa, là sự áp đặt mô hình phương Tây lên toàn thế giới, thì ngược lại, hội nhập là khai phá tiềm năng của mỗi nền văn minh vì lợi ích của toàn thể, vì thắng lợi của toàn thế giới”.
Vì vậy, thế giới đang chuyển từ toàn cầu hóa sang hình thành nhiều nền tảng văn minh (cũng có thể gọi đó là các trung tâm quyền lực hoặc “các cực”) và tiếp đến là sự tương tác và hội nhập giữa các nền văn minh. Đây là một quá trình lịch sử lâu dài, là cả một thời đại mà chúng ta đang bước vào, dù muốn hay không. Các trung tâm phát triển mới của thế giới đang tìm kiếm cơ hội trong trật tự thế giới đa cực để bảo tồn chủ quyền và bản sắc văn hóa-xã hội và phát triển hài hòa phù hợp với truyền thống của họ và dựa trên lợi ích quốc gia và nguyện vọng của các dân tộc.
Điều quan trọng là các cộng đồng văn minh không thể và không nhất thiết phải ngang bằng về sức mạnh kinh tế và quân sự, quy mô lãnh thổ hoặc dân số. Họ thống nhất với nhau bởi thực tế là họ có khả năng tác động đến các quá trình toàn cầu, đưa quan điểm giải quyết vấn đề của riêng họ vào cuộc thảo luận trên thế giới.
Căn cứ vào những dấu hiệu nào khác để chúng ta xác định một cộng đồng là văn minh? Các nhà khoa học Nga, bắt đầu từ thế kỷ 19, đã đưa ra những cách mô tả có ý nghĩa gần gũi. Mỗi nền văn minh “được xây dựng trên nền tảng của một tiền đề tinh thần nào đó, một biểu tượng văn hóa nguyên thủy hay một giá trị thiêng liêng nào đó, mà sau này trở thành cơ sở để hình thành một nền văn hóa độc lập”. Văn minh là “một phạm trù đặc biệt của các quốc gia có lịch sử lâu dài và liên tục, có bản sắc rõ rệt và sự sẵn sàng của các công dân và các nhà lãnh đạo của họ kiên quyết bảo vệ bản sắc văn hóa của mình”. Nền văn minh được đặc trưng bởi sự hiện diện trong văn hóa “các tập quán chính trị-xã hội của các ma trận văn minh được định hình, được tái tạo liên tục trong một thời gian dài, ổn định, mặc dù không ngừng phát triển, chứng tỏ sự tồn tại của một hật nhân văn minh nhất định”. Nền văn minh đòi hỏi sự hình thành chủ quyền, còn bản sắc của nền văn minh “dựa trên sự thống trị của thế giới quan, được chuyển thành năng lượng của văn hóa và thực tiễn xây dựng hòa bình, được thể hiện trong một dự án chính trị và được phản ánh trong việc thiết lập mục tiêu lịch sử”. Văn minh được định nghĩa một cách ẩn dụ là “một loài người đặc biệt trên một vùng đất đặc biệt” hay là “linh hồn đặc biệt” của mỗi một dân tộc, “một loài người đặc biệt có khả năng tự túc (hay nói cách khác là tự cung tự cấp) trên một đất đặc biệt”.
Chuyển dịch những điều trên sang ngôn ngữ của thực tiễn chính trị, chúng tôi liệt kê các tiêu chí mà theo quan điểm của chúng tôi, các nền văn minh và những người chơi có ý nghĩa toàn cầu khác đáp ứng được.
Trước hết, đây là khả năng và sự hiện diện của ý chí thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại có chủ quyền, độc lập. Thứ hai, sự hiện diện của tập hợp tiềm năng toàn diện về kinh tế, quân sự, nhân khẩu học, khoa học-giáo dục và công nghệ. An ninh tài nguyên cho phép duy trì sự ổn định kinh tế-xã hội và duy trì mức độ tự túc cao của nền kinh tế quốc gia. Thành phần quan trọng nhất là khả năng hoạt động như một “điểm tập hợp” các không gian địa lý lân cận, đóng vai trò chủ đạo trong các dự án liên kết. Cuối cùng, một phần không thể thiếu của bản sắc văn minh là sự hiện diện của triết lý phát triển của riêng, của chính họ, có tầm nhìn riêng về chính trị quốc tế, có tiềm năng văn hóa và tinh thần độc đáo và có ý nghĩa trên phạm vi toàn cầu.
Dường như các quốc gia-nền văn minh và cộng đồng văn minh sau đây đáp ứng các tiêu chí này ở một mức độ nào đó: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á (Cộng đồng ASEAN), thế giới Arập và Ummah Hồi giáo, Châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe, cũng như nền văn minh phương Tây với các thành phần Anglo-Saxon và lục địa Châu Âu. Chính những người chơi cấp cao này đang chuẩn bị tham gia nghiêm túc nhất vào việc định dạng thế giới đa cực: Đa số thế giới thông qua sự kết hợp các cơ hội và sáng tạo, phương Tây (trong tình trạng hiện tại của chủ nghĩa hư vô chưa trưởng thành về các tiến trình lịch sử khách quan) thông qua việc đối lập chính nó với phần còn lại của thế giới.
Cấu trúc của các nền văn minh/cộng đồng văn minh có thể khác nhau. Bản thân các nền văn minh cũng ở mức độ lắp ghép khác nhau, thể hiện tính đa dạng của các giải pháp kiến trúc. Tuy nhiên, mỗi nền văn minh được đặc trưng bởi sự hiện diện của một hạt nhân (một quốc gia-nền văn minh hoặc một số quốc gia lãnh đạo khu vực). Các vành đai ngoại vi thứ hai và thứ ba được hình thành xung quanh hạt nhân này. Đứng ngoài cuộc là “những người giàu có đơn độc” gồm những quốc gia có tham vọng đáng kể, trên mức trung bình – trong khuôn khổ khu vực, và trong một số trường hợp là chương trình nghị sự toàn cầu, có các công cụ để thực hiện các tham vọng đó. Tuy nhiên, những quốc gia này không có đủ nguồn lực tổng hợp để hình thành một cộng đồng văn minh, mặc dù đôi khi họ tuyên bố điều đó (Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và một số quốc gia khác, trong đó có lẽ có cả Nhật Bản).
Việc tuân thủ nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, là để đảm bảo tự do và hạnh phúc của tất cả các quốc gia trong thế giới đa cực, bất kể họ thuộc nhóm văn minh này hay nhóm văn minh khác. Lưu ý rằng nguyên tắc cơ bản này không chỉ liên quan đến sự bình đẳng trong quan hệ giữa các quốc gia, mà còn nhằm bảo đảm chủ quyền thực sự của các quốc gia độc lập, bảo đảm định hướng của họ đối với lợi ích quốc gia trong chính sách đối nội và đối ngoại. Như vậy, bằng cách ủng hộ việc tuân thủ nguyên tắc cơ bản này, chúng ta bảo vệ một hằng số quan trọng nhất trong quá trình dân chủ hóa các quan hệ quốc tế, bảo vệ sự đa dạng về văn hóa và văn minh cũng như xây dựng một hệ thống thế giới đa cực, trong đó không có quốc gia nào bị xâm hại.
Logic tiến trình lịch sử tạo điều kiện thuận hình thành các cộng đồng hoặc nền tảng văn minh với tư cách là trụ cột của kiến trúc mới về quan hệ quốc tế. Trước mắt chúng ta, thế giới phương Tây đang đánh mất quyền thống trị 500 năm, bắt đầu từ năm quy ước 1492 (cuộc tái chinh phục ở Bán đảo Iberia và bắt đầu quá trình thuộc địa hóa Châu Mỹ). Một chuyên gia quốc tế hàng đầu của Nga chỉ ra rằng sức mạnh của phương Tây “bắt đầu sụp đổ vào những năm 1960” dưới tác động của quá trình phi thực dân hóa. Vào cuối Thế chiến II, 750 triệu người (một phần ba dân số thế giới) sống ở các thuộc địa. Sau năm 1945, 80 thuộc địa cũ giành được độc lập.
Tuy nhiên, quá trình phi thực dân hóa vào những năm 1960 đã không dẫn đến việc các quốc gia mới độc lập giành được chủ quyền kinh tế và chính trị đầy đủ. Hệ thống thanh toán quốc tế, tích lũy vàng và dự trữ ngoại hối lấy đồng đô la Mỹ làm trung tâm, các thể chế Bretton Woods, sự di chuyển vốn xuyên biên giới của các công ty xuyên quốc gia v.v. là hình thức duy trì quyền thống trị cua chủ nghĩa thực dân. Chủ nghĩa thực dân mới được thiết kế để đảm bảo không ngừng chuyển nguồn lực từ thế giới đang phát triển sang nhu cầu của “tỷ vàng”. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và cộng đồng xã hội chủ nghĩa, hệ thống này đã lan rộng ra hầu hết toàn thế giới dưới khẩu hiệu toàn cầu hóa. Các tập quán tân thuộc địa cho phép các nhóm cầm quyền ở phương Tây duy trì nền kinh tế của họ phát triển, đảm bảo mức tiêu dùng cao của người dân, đồng thời bảo tồn trên cơ sở này cái gọi là cấu trúc xã hội tự do-dân chủ đã bắt đầu bị suy biến nhanh chóng và đang quay trở lại chuẩn mực phi xã hội vốn có trong lịch sử ở phương Tây –một cuộc chiến chống lại tất cả cùng với sự leo thang khủng hoảng kinh tế.
Vào đầu thế kỷ 21, sự trỗi dậy của Đông và Nam Bán Cầu, được thúc đẩy bởi sự phát triển của hợp tác xuyên biên giới, đã phá vỡ hình thái không bền vững về mặt kinh tế và đạo đức này. Vào năm 2021, các quốc gia BRICS đã vượt qua tỷ trọng của “nhóm 7 nước” trong khối lượng hoạt động kinh tế toàn cầu, chiếm 32% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương. Cùng với sự phát triển kinh tế là tính độc lập chính trị, chủ quyền của các quốc gia dân tộc như đã được đề cập ở trên. Trong mỗi khu vực vĩ mô của thế giới, một quốc gia hàng đầu có vị thế toàn cầu hoặc một số quốc gia như vậy đang nổi lên.
Cho đến gần đây, quá trình này diễn ra tự nhiên, không trật tự, thậm chí tự phát. Xu hướng dài hạn đang hiện hữu nhưng cần có thời gian để hình thành cấu trúc riêng.
Có lý do để tin rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã tạo động lực cho sự chuyển đổi tình hình về chất. Điều này được chứng minh bằng việc phần lớn thế giới không sẵn lòng tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga và chiến dịch tuyên truyền chính trị của phương Tây. Kết quả bỏ phiếu dự thảo nghị quyết ác ý của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 11 năm 2022 về “bồi thường thiệt hại cho Ukraina” là một chỉ dấu. Hơn một nửa số quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc từ chối ủng hộ nghị quyết chống Nga. Đáng chú ý là nhận xét của các tác giả của một trong những bài tổng hợp phân tích được xuất bản ở Châu Á: “Các nhà lãnh đạo của Nam Bán Cầu kinh ngạc trước sự tương phản giữa sự ủng hộ quyết liệt của phương Tây dành cho Ukraina với thái độ thờ ơ của họ khi giải quyết các vấn đề ở các khu vực khác trên thế giới”. Hơn nữa, các nước phương Tây rõ ràng đã hành động cực đoan. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khuyến nghị Châu Âu “hãy thoát khỏi tư duy cho rằng các vấn đề của họ cũng là vấn đề của phần còn lại của thế giới“.
Tất nhiên, những lý do cơ bản khiến Đa số thế giới không muốn trở thành một phần của liên minh chống Nga không liên quan trực tiếp đến Ukraina. Các chuyên gia Nga lưu ý rằng “cư dân của ‘Thế giới thứ ba’ trước đây coi việc chống lại các nhà cai trị thuộc địa trước đây là đúng đắn và không thể đảo ngược về mặt lịch sử”. Hành động của Nga được nhìn qua lăng kính khôi phục công lý lịch sử. Có một “cơ hội thực sự để xây dựng các kế hoạch tương tác và phát triển hiệu quả không chống lại phương Tây, nhưng bỏ qua phương Tây, không có sự tham gia của phương Tây”. Và đây không phải là “không chống lại cái ác bằng bạo lực” theo Lev Tolstoy hay M. Gandhi mà là sự coi thường cơ bản đối với phương Tây (hiện thân của cái ác). Hóa ra, có thể phát triển thành công bên ngoài mô hình “ông chủ-nô lệ” do chủ thực dân trước đây áp đặt.
Việc nhận ra rằng các quy tắc của trò chơi đang thay đổi, về nguyên tắc, có thể tự nó trở thành động cơ để mọi người đàm phán. Nhưng hiện tại, chúng ta thấy các quốc gia Anglo-Saxon, hay đúng hơn là giới tinh hoa cầm quyền của họ, đã dựa vào sự khôi phục mạnh mẽ của “khoảnh khắc đơn cực” đầu những năm 1990. Để làm được điều này, họ đã phân chia các cộng đồng văn minh thành các phân khúc thuận tiện cho thuần phục họ theo công thức “chia để trị”. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Trở lại năm 2019, khi đang làm việc trong lĩnh vực tư nhân, Cố vấn an ninh Quốc gia hiện tại của Tổng thống Hoa Kỳ J. Sullivan đã thẳng thắn viết trong một bài báo trên tạp chí rằng điều kiện duy nhất để khái niệm chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ chiến thắng chỉ có thể là “sự thất bại của mô hình đề cao bản sắc dân tộc và văn hóa”. Nói cách khác, ở cấp độ ý thức hệ, khả năng sẵn sàng chiến đấu với các “cực” không phụ thuộc vào phương Tây đã chuyển sanh hành động thực tế.
Để che đậy tham vọng bá quyền của mình, phương Tây đưa ra khái niệm “trật tự dựa trên luật lệ”. Như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga S.V. Lavrov đã lưu ý, điều này liên quan đến “sự phân chia thế giới theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thành một nhóm ‘những người ngoại lệ’, những người có quyền tự do thực hiện bất kỳ hành động nào và các quốc gia khác có nghĩa vụ tuân theo ‘tỷ phú vàng’ và phục vụ lợi ích của họ”. Một số chuyên gia phương Tây thừa nhận rằng cái gọi là “trật tự” đó trái với nguyện vọng của thế giới đang phát triển và phần lớn thế giới sẽ không vội vàng xếp hàng ủng hộ trật tự đó. Và chúng tôi tin chắc rằng “trật tự” sẽ sớm đi vào thùng rác của lịch sử hoặc, trong trường hợp tốt nhất cho những người cổ súy trật tự đó, sẽ chỉ xác định các tham số của thế giới phương Tây trong ranh giới địa lý tự nhiên của nó.
Yếu tố văn minh trong các vấn đề quốc tế là chỉ dấu của thời đại. Vào thời điểm thay đổi thời đại lịch sử, cuộc đấu tranh của các quan niệm và ý tưởng về tương lai ngày càng gay gắt. Nhưng sự va chạm này không xảy ra trong trí tưởng tượng hay vô cớ. Khuôn khổ cuộc đấu tranh này được thiết lập bởi khung cảnh địa chính trị và văn minh của thế giới đa cực đang hình thành hôm nay.
Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM
Tags: Nghiên cứu quốc tế, Quan hệ Nga - phương Tây, Nga