Một số điều cần biết về ô nhiễm và suy thoái đất đai

Đất là môi trường thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của cây, nó cung cấp nước, oxy cũng như dinh dưỡng cho cây trồng. Sự hình thành đất là một quá trình lâu dài có liên quan mật thiết với địa hình, khí hậu, thực vật, động vật, đá mẹ và con người. Ngày nay, dưới tác động của con người đất bị thoái hóa nhanh chóng. 

Một số điều cần biết về ô nhiễm và suy thoái đất đai

Suy thoái đất đai là gì?

Đất bị suy thoái là những loại đất do những nguyên nhân tác động nhất định theo thời gian đã và đang mất đi những đặc tính và tính chất vốn có ban đầu trở thành các loại đất mang đặc tính và tính chất không có lợi cho sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng nông lâm nghiệp.

Nguyên nhân của sự suy thoái đất đai

Nguyên nhân của thoái hóa đất do tự nhiên:

– Sông suối thay đổi dòng chảy, núi lở… Do thay đổi khí hậu, thời tiết: mưa, nắng, nhiệt độ, gió, bão…;

– Mưa liên tục, cường độ lớn: gây lũ quét, rửa trôi xói mòn trên vùng đồi núi và ngập úng ở vùng thấp trũng. Trên vùng đất dốc xói mòn rửa trôi mạnh sẽ tạo nên đất xói mòn trơ sỏi đá hoặc mất lớp đất mặt với tầng mùn/hữu cơ. Ngược lại, tại những vùng thấp trũng ngập nước liên tục sẽ tạo nên các loại đất lầy thụt, úng trũng, chỉ thích hợp với các loại thực vật thủy sinh. Cả hai loại đất suy thoái này đều có hại cho sản xuất, thậm chí không còn khả năng sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân của sự thoái hóa đất do con người:

– Chặt đốt rừng làm nương rẫy, trồng cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc theo phương pháp bản địa: Làm sạch đất (đốt), chọc lỗ bỏ hạt, không có biện pháp chống rửa trôi xói mòn đất vào mùa mưa và giữ ẩm đất vào mùa khô, không bón phân, đặc biệt trả lại chất hữu cơ cho đất. Chỉ sau vài ba năm trồng tỉa, đất bị thoái hóa không còn khả năng sản xuất do đất không còn chất dinh dưỡng, tầng đất mỏng, trơ sỏi đá, thiếu nước.

– Trong quá trình trồng trọt, không có biện pháp bồi dưỡng, bảo vệ đất như bón phân hữu cơ, trồng xen hoặc luân canh các loài cây phân xanh, cây họ đậu, trồng độc canh. Vì vậy, cho dù đất phù sa phì nhiêu màu mỡ, sau một thời gian canh tác độc canh sẽ dẫn đến đất bị thoái hóa theo con đường bạc màu hóa hoặc bạc điền hóa (đất chua, mất phần tử cơ giới limon và sét trên tầng mặt, mất chất hữu cơ, mất kết cấu đất, kiệt quệ chất dinh dưỡng), làm giảm khả năng sản xuất, năng suất cây trồng thấp và bấp bênh.

– Ô nhiễm đất do sử dụng các loại nông dược. Để đáp nhu cầu, con người cần ngày càng thâm canh nên ngày càng xuất hiện nhiều loại dịch hại trên đồng ruộng. Để bảo vệ thành quả của mình, người dân đã sử dụng các loại nông dược với số lượng, chủng loại ngày càng gia tăng. Tại Lâm Đồng, qua kết quả đề tài đều tra Thực trạng ô nhiễm môi truờng đất nông nghiệp vùng chuyên canh rau, hoa tỉnh Lâm Đồng và đề xuất các giải pháp xử lý. Tất cả các mẫu đất và nước phân tích đều không phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng quá nhiều so với khuyến cáo.

– Đất bị thoái hóa do bị ô nhiễm chất độc bởi các hoạt động khác của con người như rác thải sinh hoạt và công nghiệp, nước thải sinh hoạt và công nghiệp, nước thải của chế biến thực phẩm. Đặc biệt nghiêm trọng khi đất bị nhiễm kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn đo lường quốc gia.

– Đất bị thoái hóa theo hướng nhiễm mặn do con người gây nên. Tại một số vùng trồng rau, hiện nay vẫn còn có tập quán sử dụng phân cá chưa qua xử lý. Kết quả làm cho đất bị thoái hóa nghiêm trọng. Khi bón phân cá vào đất, do trong phân có chứa các cation Na – tích lũy cao gây thay đổi tính chất vật lý đất, phá hủy cấu trúc đoàn lạp làm đất bị chai cứng, bí chặt, không thoát nước người dân phải thay đất sau một thời gian canh tác.

– Đất bị thoái hóa do ô nhiễm các vi sinh vật, tuyến trùng. Hiện nay, do canh tác độc canh, sử dụng nhiều sản phẩm hóa học nên quần thể vi sinh vật trong đất thay đổi. Nhiều loài vi sinh vật có lợi bị tiêu diệt. Hình thành nhiều quần thể có hại cho đất và cây trồng. Nhiều chân đất bị ô nhiễm các nguồn bệnh trong đất, làm cho đất mất khả năng sản xuất. Trong đó có các loại như tuyến trùng, nấm (Fusarium sp, Rhizoctonia sp, sclerotium,) vi khuẩn các loại

Một số biện pháp khắc phục sự thoái hóa đất đai

Sự phục hồi đất là cách thức tự trả lại cho đất những tính chất và khả năng sản xuất mà nó từng có trước khi lâm vào tình trạng suy thoái. Hay nói cách khác, đó là những biện pháp khoa học kỹ thuật tác động vào các loại đất đã, đang bị suy thoái (do quá trình sử dụng đất không hợp lý hoặc do tác động của môi trường xung quanh gây nên), nhằm tạo cho đất trở lại với những tính chất và khả năng ban đầu.

Kiến thiết đồng ruộng

Canh tác đất dốc: Phải đảm bảo chống xói mòn rửa trôi đất, chống hiện tượng đất bị khô hạn, dẫn đến kết von đá ong hóa. Biện pháp kiến thiết ruộng trên đất dốc hữu hiệu nhất là làm ruộng bậc thang, trồng cây theo đường đồng mức.

Biện pháp tưới tiêu

Xây dựng hệ thống tưới tiêu nước và kỹ thuật tưới nước hợp lý. Đây là biện pháp rất quan trọng trong việc phục hồi khả năng sản xuất và tăng độ phì nhiêu của đất đã bị thoái hóa.

Kỹ thuật tưới tiêu nước cũng rất quan trọng. Nhìn chung, do đặc tính vật lý của các loại đất này phần lớn là kém, khả năng giữ nước giữ ẩm kém, nên cần áp dụng các kỹ thuật tưới đảm bảo đưa lượng nước tưới thấm dần vào đất( tưới nhỏ giọt), đồng thời tránh tạo dòng chảy trên bề mặt. Như vậy, vừa sử dụng được lượng nước hữu hiệu cho cây, vừa tăng độ ẩm và giữ ẩm cho đất và tránh được sự thất thoát nước trên bề mặt, cũng như tránh tạo nên dòng chảy gây xói mòn và rửa trôi đất khi tưới.

Biện pháp sinh học và hữu cơ

Hầu hết các loại đất bị suy thoái đều có đặc điểm đặc trưng là nghèo kiệt chất hữu cơ trong đất, dẫn đến đất xuất hiện nhiều tính chất lý hóa và sinh học xấu của đất như mất kết cấu, khả năng giữ ẩm kém, khả năng hấp phụ thấp, hàm lượng dinh dưỡng đất (độ phì nhiêu đất) thấp. Nguyên nhân chính của nhiều loại đất bị suy thoái như ngày nay là do bị khai phá mất lớp thảm thực vật ban đầu (khai hoang phá rừng làm nương rẫy), sử dụng triệt để các nguồn và các sản phẩm hữu cơ của đất trong sản xuất mà không trả lại cho đất lượng hữu cơ nào, không bón hoặc bón rất ít phân hữu cơ cho cây trồng, không đủ lượng hữu cơ đã lấy đi của đất. Vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất và được chú ý nhất nhằm phục hồi đất bị suy thoái là biện pháp sinh học/hữu cơ. Nhiều kết quả nghiên cứu và thực tiễn trong việc phục hồi đất đã bị suy thoái bằng biện pháp này đã chứng minh rằng sau một thời gian ngắn, đất được phục hồi độ phì và khả năng sản xuất rõ rệt. Hơn nữa, với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của nước ta, các loại cây trồng và thực vật sinh trưởng phát triển mạnh, đã tạo sinh khối lớn, trả lại chất hữu cơ cho đất, đó là:

− Tàn tích hữu cơ: rễ cây, thân lá rụng, rơi vào đất, được để lại đất sau thu hoạch.
− Các hệ thống trồng trọt luân canh, xen canh, trồng theo băng giữa cây trồng chính và cây cải tạo đất là cây phân xanh, cây họ đậu (lạc dai, điền thanh, muồng hoa vàng, keo dậu…).
− Các hệ thống nông lâm kết hợp giữa cây dài ngày và cây ngắn ngày bổ sung chất hữu cơ cho nhau và cho đất.
− Các phương thức bổ sung chất hữu cơ cho dất như bón phân hữu cơ, phủ vật liệu hữu cơ cho cây trồng chính, trồng cây phủ đất đa tác dụng cho cây trồng chính.
– Sử dụng các chế phẩm sinh học, VSV trong sản xuất nông nghiệp.
– Sử dụng các vi sinh vật để cố định N tự do thành đạm dễ tiêu qua 2 con đường VSV cố định đạm tự do từ khí trời và vi sinh vật cố định đạm qua nốt sần. Azospirillum sp lần đầu tiên được phân lập vào năm 1992 được Beirink phân lập từ đất cát nghèo Nitơ ở Grorssel, tỉnh Gelderland, Hà Lan. Vi khuẩn này có khả năng cố định đạm, sống tự do hoặc kết hợp với vùng rễ của cây họ hòa thảo, đặc biệt là vùng rễ của cây cỏ nhiệt đới, lúa nước, lúa mì, ngô (Boddy et al., 1995). Sự tăng sinh xảy ra dưới cả hai điều kiện hiếu khí và kỵ khí nhưng thích hợp ở điều kiện vi hiếu khí. Ngoài khả năng cố định đạm, Azospirillum có khả năng tổng hợp các chất điều hòa sinh trưởng thực vật như Auxin và Gibberelin giúp bộ rế cây trồng phát triển tốt hơn, gia tăng diện tích tiếp xúc của rễ với đất.
– Sử dụng các VSV phân giải lân khó tiêu thành dạng dễ tiêu: Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu và sản xuất ra các sản phẩm có khả năng chuyển lân từ dạng khó tiêu sang dạng dễ tiêu. Nhiều nghiên cứu kết luận vi sinh vật Pseudomonas sp có tác dụng phân giải lân khó tiêu (CaHPO­­4, Ca3HPO4, Ca5OHPO4, AlPO4, FePO4) trong đất thành lân dễ tiêu (H3PO4) cung cấp cho cây.
– Sử dụng các chế phẩm sinh học để làm gia tăng hiệu quả sử dụng phân bón, cải tạo đất
– Sử dụng các biện pháp sinh học trong phòng trừ các loài nấm, vi khuẩn phát sinh từ đất: Để làm phong phú quần thể các các loài vi sinh có lợi cho cây trồng người ta sử dụng các loài sinh vật đối kháng như các loài vi khuẩn có lợi cho cây trồng, các chủng nấm Trichoderma spp có tác dụng đối kháng với các loài nấm bệnh từ đất như Fusarium sp, Phytophthora sp, Pythium, Rhizoctonia solani, Sclerotium rolfsii.

Biện pháp truyền thống/bản địa

– Xây bờ đá trên đất dốc.
– Làm đất tối thiểu.
– Làm ruộng bậc thang.

Biện pháp thâm canh

– Làm đất thích hợp với từng loại cây trồng: cày, bừa, đánh luống, rạch rãnh gieo hạt, (trồng cây ăn quả ở vùng đất trũng thấp hoặc trồng cây lấy củ ở vùng đất có mực nước ngầm nông).
– Tưới nước theo nhu cầu sử dụng nước của các loại cây trồng hoặc tưới tiêu nước để cải tạo đất bị thoái hóa (chua hóa, mặn hóa, phèn hóa).
– Giống cây trồng thích hợp cho các loại đất, giống chịu được các đặc tính đất bị thoái hóa như chịu chua, chịu thiếu lân, chịu mặn, chịu khô hạn, chịu ngập úng…
– Bón phân không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà phải đảm bảo lượng phân làm tăng độ phì nhiêu đất. Hiệu quả của bón phân phục hồi đất rõ nhất là duy trì và tăng cường bón phân hữu cơ cho đất, bón vôi khử chua các loại đất bị chua hóa.
– Chăm sóc và bảo vệ cây trồng: làm cỏ, sục bùn (đất lúa), xới sáo (đất trồng cạn), phòng trừ sâu hại và dịch hại thường xuyên, đặc biệt ưu tiên chăm sóc các loại cây trồng trên những loại đất thoái hóa mạnh, vì trên những loại đất này, hàm lượng hữu cơ, hoặc dung tích hấp thu, hoặc một số tính chất vật lý của đất rất thấp/kém, nên các loại cây trồng thường dễ bị tổn thương khi thời tiết hoặc môi trường sản xuất bị thay đổi đột ngột.

Theo VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

Tags: , , ,